Lầu Năm Góc thành lập Cơ quan tình báo mới

Thứ Hai, 07/05/2012, 19:45

Lầu Năm Góc đang lập kế hoạch tăng cường các hoạt động gián điệp chống lại những mục tiêu ưu tiên cao như là Iran, với sự tái tổ chức các cơ quan tình báo nhằm mở rộng những nỗ lực gián điệp của quân đội Mỹ vượt ra khỏi những vùng chiến sự. Và vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã phê chuẩn thành lập Cục mật vụ quốc phòng (DCS).

Theo tiết lộ của một quan chức cao cấp quốc phòng Mỹ vào ngày 23/4 vừa qua, cơ quan tình báo mới của Lầu Năm Góc - có tên gọi Cục Mật vụ quốc phòng (DCS) - sẽ hợp tác hoạt động chặt chẽ với Cục Tình báo trung ương (CIA) trong nỗ lực hỗ trợ các điệp vụ ở hải ngoại trong giai đoạn mà những sứ mạng của CIA và quân đội đang ngày càng có cùng điểm chung.

Kế hoạch đáp lại một nghiên cứu mật được hoàn thành vào năm ngoái của Giám đốc Tình báo quốc gia (DNI) kết luận rằng những nỗ lực gián điệp của quân đội Mỹ cần tập trung nhiều hơn vào các mục tiêu quan trọng bên ngoài những cân nhắc chiến thuật ở Iraq và Afghanistan - tức là sứ mạng "tình báo quốc gia" nhằm thu thập và phân loại thông tin tình báo về các vấn đề toàn cầu đồng thời chia sẻ thông tin với các cơ quan tình báo khác.

Kế hoạch mới của Lầu Năm Góc được nghiên cứu tỉ mỉ bởi Thứ trưởng Quốc phòng Michael G. Vickers, đối tác CIA John D. Bennett (lãnh đạo Sở Mật vụ quốc gia - NCS) và đại diện của Ủy ban Quốc hội.

DCS sẽ giúp các sĩ quan quân đội chọn lựa những vị trí đúng để thực hiện sứ mạng gián điệp con người. Quan chức tình báo Lầu Năm Góc không cung cấp chi tiết về sứ mạng của DCS, song có thể biết được những ưu tiên hàng đầu của Washington trong những năm gần đây bao gồm các hoạt động chống khủng bố và sự phổ biến vũ khí hạt nhân. Chính quyền Obama cũng bắt đầu tập trung vào các vấn đề an ninh ở châu Á, bao gồm những thế lực đang lớn mạnh như là Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.

Việc thành lập DCS diễn ra đồng thời với sự bổ nhiệm mới một số quan chức cao cấp ở Lầu Năm Góc. Ví dụ, Bộ trưởng Quốc phòng Leon E. Panetta, người từng nắm giữ vị trí giám đốc CIA giữa thời điểm cơ quan phụ thuộc rất lớn vào những vũ khí tối ưu, bao gồm phi đội máy bay không người lái, trong cuộc chiến chống Al-Qaeda. Hiện nay người thay thế Leon Panetta lãnh đạo CIA là tướng quân đội 4 sao David H. Petraeus.

Và người kế tiếp là Michael G. Vickers, Thứ trưởng  Bộ Quốc phòng phụ trách tình báo, nổi tiếng là một trong những nhà kiến trúc chương trình CIA vũ trang cho chiến binh Hồi giáo chống quân đội Xôviết ở Afghanistan trong thập niên 80 thế kỷ trước. Ông cũng là cựu thành viên của Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ.

Michael Vickers, Thứ trưởng phụ trách Tình báo của Bộ Quốc phòng.

Sự tái tổ chức của Lầu Năm Góc có thể ảnh hưởng đến hoạt động của hàng trăm điệp viên ở hải ngoại, chủ yếu là các sĩ quan của Cục Tình báo quốc phòng (DIA), nguồn phân tích và tình báo con người chủ lực của Lầu Năm Góc. Theo quan chức quốc phòng giấu tên, DCS sẽ tăng cường vài trăm điệp vụ hải ngoại trong những năm sắp tới. Tuy nhiên, người ta vẫn có mối lo ngại Lầu Năm Góc đang cố gắng lấn lướt vai trò của CIA hay NCS.

Trong khi đó, các thành viên Quốc hội Mỹ cho biết, họ đang tìm hiểu chi tiết về kế hoạch mới của Lầu Năm Góc khi biết được thông tin về DCS. Quyết định thành lập DCS của Lầu Năm Góc khiến người ta nhớ lại nỗ lực trước kia của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donald H. Rumsfeld nhằm triển khai quân đội vào những khu vực từ lâu vốn là trường hoạt động của CIA.

Kế hoạch thành lập DCS của Lầu Năm Góc được tiết lộ vào một tuần sau khi một sĩ quan cao cấp trong quân đội Mỹ có nhiều kinh nghiệm chiến trường ở Iraq và Afghanistan được bổ nhiệm vào chức vụ giám đốc tương lai của DIA - đó là Trung tướng Michael T. Flynn.

Khi đang phục vụ ở Afghanistan, Michael Flynn đã công khai chỉ trích mạnh mẽ những điệp vụ được tiến hành tại quốc gia Tây Nam Á này, phê phán các điệp viên quá tập trung vào những mối đe dọa chiến thuật mà không hiểu biết gì về bối cảnh địa chính trị của chiến trường. Michael Flynn là sĩ quan tình báo hàng đầu của Bộ chỉ huy Các chiến dịch đặc biệt phối hợp (JSOC) trước khi được biệt phái đến Kabul để giám sát sứ mạng tình báo của Mỹ ở Afghanistan.

JSOC đứng sau những vụ tiêu diệt các thủ lĩnh phiến quân ở Iraq và Afghanistan trong những năm gần đây. Ông được coi là người đi tiên phong sử dụng những kỹ thuật tình báo mới để hiểu rõ những mạng lưới khủng bố nhằm truy lùng và tấn công tiêu diệt những thủ lĩnh của chúng một cách hiệu quả hơn. Được biết khoảng 15% sĩ quan DIA tham gia vào DCS.

Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ ngày càng tăng cường hoạt động thu thập thông tin tình báo ở hải ngoại và hợp tác với CIA trong nhiều chiến dịch quan trọng như là đột kích khu ẩn náu của Osama bin Laden ở Pakistan và Yemen.

Dự kiến sự ra đời của DCS sẽ giúp hạn chế bớt những tổn thất về nhân mạng cũng như giúp các điệp viên hoạt động hiệu quả hơn. Nhân viên của DCS tại khu vực hoạt động có trách nhiệm báo cáo trực tiếp đến đại diện tình báo tại chỗ, thường là trưởng trạm CIA. Tuy nhiên vẫn còn có nhiều người hoài nghi như là Joshua Foust, cựu chuyên gia phân tích về Trung Đông của DIA, nhận định DCS không chắc sẽ hoàn thành những điệp vụ mà chính CIA cũng không có được thành công.

Quan chức quốc phòng giấu tên cho biết Lầu Năm Góc thành lập DCS không nhằm mục đích kiếm thêm nguồn tài chính hay nhân sự. Một số người thậm chí cho rằng DCS được tổ chức theo kiểu mẫu GRU của Nga. GRU là cơ quan tình báo quân đội đối ngoại của Các lực lượng vũ trang liên bang Nga và là cơ quan tình báo hải ngoại lớn nhất của Nga

Duy Ân (tổng hợp)
.
.