Libya: Dùng lại chiêu thức gián điệp của Gaddafi

Chủ Nhật, 15/07/2012, 04:35

Theo tiết lộ của hai quan chức chính quyền và một sĩ quan an ninh, trong những tháng gần đây một số thiết bị gián điệp của chế độ Moammar Gaddafi được sử dụng trở lại để nghe lén hàng chục cuộc gọi điện thoại di động cũng như những cuộc giao tiếp trên Internet của các đối tượng trung thành với chính quyền cũ.

Một người cho biết đã được ra lệnh kiểm tra bản ghi âm của ít nhất một cuộc gọi điện thoại được thực hiện giữa Saadi Gaddafi - một người con của Gaddafi đang sống lưu vong ở Niger - và một trong số những người trung thành đang có mặt ở Libya.

Các chuyên gia cho rằng, Libya đang cố gắng xây dựng một xã hội dân chủ, nhưng phe trung thành với chế độ cũ vẫn còn là mối đe dọa tiềm ẩn cho nên dù muốn hay không rất có thể chính quyền mới phải sử dụng trở lại những công cụ gián điệp của Gaddafi.

Sự ra đời của hai cơ quan tình báo mới ở Libya

Sau khi chế độ Moammar Gaddafi bị lật đổ trong cuộc xung đột đẫm máu vào năm 2011, chính quyền mới của Libya bắt đầu cho thành lập hai cơ quan an ninh quốc gia mới - Cơ quan An ninh nội địa (Preventive Security - PS) và Cục Tình báo đối ngoại (Foreign Security - FS). Lãnh đạo tình báo mới được chỉ định của Libya là Salem al-Hasi, 50 tuổi, một học giả Hồi giáo và nhà hoạt động chống Gaddafi trở về nước cách đây vài tháng sau nhiều năm sống lưu vong ở Mỹ.

Chương trình gián điệp điện tử là đề tài nhạy cảm đối với giới lãnh đạo mới của Libya hiện nay. Trong một cuộc phỏng vấn của báo chí,  trợ lý của Al Hasi là Mustafa Nu'ah đã  phủ nhận cáo buộc chính quyền mới đang tái sử dụng những công cụ theo dõi của Gaddafi, tuyên bố "chúng tôi không có bộ phận chuyên trách hay kiến thức về vấn đề này".

Tuy nhiên, hai quan chức chính quyền và một sĩ quan an ninh cao cấp khẳng định những chiến dịch gián điệp như thế đã được khởi động trở lại! Họ cho biết đã nhận được những báo cáo an ninh, bao gồm các dữ liệu về những cuộc gọi điện thoại và giao tiếp chat trên Internet bị nghe lén. Thậm chí họ còn tiết lộ đã nhìn thấy "hàng chục" hồ sơ tình báo về những người bị nghi ngờ là phần tử trung thành với cố Tổng thống Gaddafi đang có âm mưu chống lại chính quyền mới. Song 3 quan chức cao cấp này từ chối giải thích chi tiết về tiến trình hay tiêu chuẩn được sử dụng để quyết định xem số nghi can được đưa vào diện theo dõi thường xuyên hay có được coi là mối đe dọa hay không.

Nhiều người nghi ngờ trước ngày kỷ niệm một năm cuộc cách mạng lật đổ chế độ Moammar Gaddafi, chính quyền mới đã tăng cường cảnh báo đồng thời cho khởi động thiết bị nghe lén điện thoại nhằm phòng ngừa âm mưu tấn công trả thù của những người trung thành với chế độ cũ. Theo một số nhà hoạt động Libya, sự thiếu minh bạch trong những vấn đề an ninh chứng tỏ sự lung lay về cam kết tuân thủ luật pháp của chính quyền mới.

Bên ngoài cơ quan an ninh và gián điệp Internet ở Tripoli dưới thời Gaddafi.

Elham Saudi cho rằng, chỉ trong vài tháng ngắn ngủi NTC đã bộc lộ một số dấu hiệu vi phạm nhân quyền và sự thiếu tôn trọng luật pháp. Elham Saudi là luật sư được đào tạo ở Anh và lãnh đạo tổ chức phi chính phủ "Các luật sư vì công lý" (LFJ) ở Libya từng hợp tác với Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) thu thập bằng chứng về các tội ác của Moammar Gaddafi. Adel al-Morsi, người được chỉ định lãnh đạo chi nhánh PS ở Tripoli nhấn mạnh, có một số biểu hiện chống đối từ những người trung thành với chế độ cũ và chính quyền mới cần sử dụng những biện pháp cần thiết để ngăn chặn hoạt động của họ. Theo Adel al-Morsi, mối đe dọa an ninh còn bao gồm từ việc không cho phép học sinh hát quốc ca mới và từ những doanh nhân giàu lên dưới thời của Gaddafi.

Sự lựa chọn chiến thuật tình báo của Libya mới

Trong một cuộc phỏng vấn của tờ Asharq al-Awsat thực hiện vào tháng 2 năm nay, Salem al-Hasi nói rõ: Có "con đường dài phải đi" trước khi Libya có thể "đặt các cơ quan an ninh vào tay của nhà nước, chứ không vào tay của người cầm quyền". Sau khi nắm quyền lực, chính quyền mới nỗ lực tìm cách tiêu diệt tận gốc những phần tử trung thành với Moammar Gaddafi. Ví dụ, một tổ chức gọi là Ủy ban về sự toàn vẹn lãnh thổ và lòng ái quốc đã xem xét chặt chẽ lý lịch của những ứng cử viên từng có quan hệ với chế độ cũ và đã loại bỏ ít nhất 320 người trong số đó ra khỏi danh sách, tức 7% số ứng cử viên đăng ký. NTC cũng thông qua luật cấm những hành vi "tôn vinh" chế độ cũ. Tòa án Tối cao Libya cho rằng, luật này đi ngược lại hiến pháp song chưa có quyết định cuối cùng. Trong khi đó các thành viên NTC nhấn mạnh những luật nghiêm khắc là cần thiết trong giai đoạn biến động chính trị hiện nay ở Libya.

Trước đây, các công cụ gián điệp điện tử do các công ty Pháp, Trung Quốc và Nam Phi cung cấp đã giúp Cơ quan tình báo của Gaddafi giám sát những cuộc gọi điện thoại, e-mail và giao tiếp trên Internet để đàn áp phe đối lập. Nhiều thiết bị gián điệp điện tử đã không còn hoạt động sau khi chế độ Gaddafi sụp đổ.

Một gian phòng trong Trung tâm giám sát Internet của chế độ Gaddafi.

Vào cuối năm 2011, hàng trăm dân quân địa phương đã lập ra những nhà tù tạm thời để giam giữ những người trung thành với Gaddafi. Theo đánh giá của các nhóm nhân quyền, dân quân Libya đã giam cầm khoảng 3.000 người mà không xét xử. Lo lắng trước mối đe dọa từ những người ủng hộ chế độ cũ, một số chỉ huy dân quân bắt đầu chiến dịch vận động hành lang nhằm thuyết phục chính quyền mới tái sử dụng những thiết bị gián điệp điện tử của Gaddafi.

Adel al-Morsi, 42 tuổi, từng bị cảnh sát mật của Gaddafi bắt giam 5 lần, cho biết phe chống đối đang có âm mưu liên kết với các thành viên gia đình Gaddafi tiến hành một cuộc nổi dậy vũ trang. Tuy nhiên, Al-Morsi từ chối khẳng định hay phủ nhận việc thiết bị gián điệp điện tử của Gaddafi có được sử dụng trở lại hay không. Hiện nay người ta vẫn chưa biết rõ mức độ và quy mô của những chiến dịch tình báo đang diễn ra ở Libya.

Vài nét về tân lãnh đạo tình báo của Libya

Salem al-Hasi, sinh ra tại tỉnh Shahat, Libya, một thời là thành viên của Mặt trận Dân tộc cứu tế (NFS) của Libya. NFS là nhóm chống Gaddafi trong thập  niên 80 thế kỷ trước và có quan hệ sâu kín với Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) - theo tiết lộ từ cuốn sách về lịch sử CIA của tác giả Bob Woodward.

Năm 1984, NFS thất bại trong âm mưu lật đổ Moammar Gaddafi và sau đó một số thành viên của nhóm - bao gồm Salem al-Hasi - phải trở sang Mỹ lánh nạn. Từ năm 1997 đến 2000, Salem al-Hasi làm quản lý cho một cửa hàng kinh doanh dụng cụ thể thao ở thành phố Roswell, bang Georgia. Về sau, Salem al-Hasi chuyển sang kinh doanh sách và tờ bướm quảng cáo ở vùng Atlanta.

Theo người phát ngôn của một tổ chức phi lợi nhuận, Salem al-Hasi luôn theo dõi sát sao mọi biến động ở Libya và là tình nguyện viên cho Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI), nơi ông phụ trách các vấn đề về Bắc Phi từ năm 2004 đến cuối năm 2011.  Cuối cùng, Salem al-Hasi giảng dạy tiếng Arập tại Đại học Emory ở Atlanta. Năm 2009, Hasi dạy tiếng Arập tại Đại học bang North Georgia, một trong 6 trường quân sự lâu đời của Mỹ. Tiến sĩ Brian Mann, lãnh đạo khoa Ngoại ngữ ở North Georgia, đánh giá cao năng lực và tư cách của Salem al-Hasi.

Bên trong cộng đồng người Libya xa xứ, Salem al-Hasi nổi tiếng là tín đồ Hồi giáo ngoan đạo. Ông là tác giả của những bài viết bình luận thần học cho diễn đàn Hồi giáo trực tuyến phục vụ những người Hồi giáo nói tiếng Anh. Ông trả lời trực tuyến mọi câu hỏi về thần học lẫn chính trị. Tiến sĩ Brian Mann cho biết, sau nhiều năm sống ở Mỹ, Salem al-Hasi lần đầu tiên xin phép vắng mặt để trở về Libya vào khoảng đầu tháng 9/2011. Trong quãng thời gian này, phe nổi dậy đã hất cẳng Gaddafi khỏi thủ đô Tripoli.

Vào tháng 12/2011, Salem al-Hasi tuyên bố không trở về Mỹ để tiếp tục giảng dạy bởi vì ông đã có được vị trí xứng đáng trong chính quyền mới ở Libya. Tháng 2/2012, tổ chức nghị viện gồm 71 thành viên của Libya bỏ phiếu chọn Salem al-Hasi vào vị trí lãnh đạo tình báo nước này

Trang Thuần - Thiên Minh (tổng hợp)
.
.