Các “đòn gió” gây bão trong lịch sử phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên

Thứ Năm, 22/09/2016, 11:00
Ngày 6-1-2016, Bình Nhưỡng một lần nữa lại làm cho cả thế giới thót cả ruột gan khi tuyên bố họ đã thử nghiệm thành công một quả bom nhiệt hạch (hay còn gọi là bom hydro - bom khinh khí). Theo các chuyên gia hạt nhân, Triều Tiên chưa đủ trình độ để chế tạo loại bom này bởi lẽ trận động đất gây ra do vụ nổ có cường độ yếu hơn nhiều so với cường độ của một vụ nổ bom nhiệt hạch, còn nếu họ có chế tạo được chăng nữa thì vụ nổ đã thất bại.

Mặc cả bằng vũ khí hạt nhân…

Ngày 8-10-2006, Chính phủ Mỹ xác nhận Triều Tiên đã thử nghiệm một quả bom hạt nhân nhưng chưa rõ kết quả.

Hôm sau, Cơ quan Thông tấn Trung ương Triều Tiên chính thức công bố nước này đã cho nổ thành công vũ khí hạt nhân nhưng không gây rò rỉ phóng xạ. Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết thử nghiệm được tiến hành tại Hwaderi, gần thành phố Kilju. Theo Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS), đã có một trận động đất với cường độ khoảng 3,58 độ Richter tại phía bắc Hwaderi, cách Punggye-Yok khoảng 17km.

Ngày 10-10, một số nhà khoa học phương Tây nghi ngờ sự thành công của cuộc thử nghiệm vì những khảo sát cho thấy nó chỉ tương đương với một vụ nổ 500 tấn TNT (0,5 kiloton), trong lúc nếu so sánh với 2 vụ thử hạt nhân do Ấn Độ và Pakistan cùng tiến hành năm 1998 thì quả bom của Ấn Độ mạnh hơn 24 lần, còn quả bom của Pakistan mạnh hơn đến 50 lần.

Tên lửa tầm xa Taepo Dong-2 mang theo vệ tinh Kwangmyongsong-1 lúc rời bệ phóng.

Điều này cho thấy Triều Tiên đã thất bại. Nhiều chuyên gia quân sự Anh, Mỹ theo thuyết âm mưu tin rằng đây có thể chỉ là đòn gió của Triều Tiên: Bằng cách cho nổ một lượng lớn chất nổ thông thường, Triều Tiên hù dọa thế giới: "Chúng tôi đã có bom nguyên tử!".

Cho dù chẳng rõ Triều Tiên có thử nghiệm bom hạt nhân thật hay không, và đã thành công hay thất bại nhưng ngày 14-10, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua Nghị quyết 1718, áp đặt lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên mà không có sự đồng ý của Trung Quốc và Nga.

Mặc cho lệnh trừng phạt, ngay đầu năm 2007, ông Song Il-ho, người đứng đầu đoàn đàm phán của Triều Tiên đã nói với người đồng cấp Nhật Bản là Taku Yamasaki rằng : "Triều Tiên có thể sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân thứ hai, và điều này phụ thuộc vào những hành động trong tương lai của Mỹ".

Từ giữa tháng 1 cho đến giữa tháng 2, các cuộc đàm phán song phương đã diễn ra giữa Triều Tiên và Mỹ. Đến vòng đàm phán thứ 5, Bình Nhưỡng thỏa thuận sẽ đóng cửa lò phản ứng Yongbyon để đổi lấy 50.000 tấn xăng dầu viện trợ, thanh sát viên IAEA được phép quay trở lại và quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ -Triều Tiên sẽ bắt đầu.

Đến tháng 7, cả thế giới thở phào khi Bình Nhưỡng tuyên bố tắt lò phản ứng Yongbyon sau khi nhận được 6.200 tấn xăng dầu từ Hàn Quốc. Cũng trong tháng này, một nhóm 10 thanh sát viên  IAEA xác nhận lò phản ứng Yongbyon không còn hoạt động. Giám đốc IAEA lúc ấy là ông Mohamed ElBaradei cho rằng "đây là một bước đi đúng hướng". Cùng ngày, lô hàng thứ hai gồm 7.500 tấn xăng dầu lại được Hàn Quốc chuyển đến Bình Nhưỡng.

Đỉnh cao của vụ việc là vào tháng 10, Chính phủ Mỹ loại bỏ Triều Tiên ra khỏi danh sách những quốc gia tài trợ cho các tổ chức khủng bố sau khi Triều Tiên phá hủy tháp làm mát tại lò phản ứng nguyên tử Yongbyon. Lúc ấy, những tờ báo lớn trên thế giới đã chạy tittle trên trang nhất: "Bán đảo Triều Tiên đã phi hạt nhân hóa", "Cơn ác mộng khủng khiếp nhất sau 2 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki đã chấm dứt", "Triều Tiên đã tuân thủ Hiệp định không phổ biến vũ khí hạt nhân…".

Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Ngày 5-4-2009, Bình Nhưỡng phóng vệ tinh Kwangmyongsong-2 vào quỹ đạo, dự định phát sóng "Bài ca cách mạng bất tử" để cả thế giới cùng nghe. Và mặc dù vụ phóng thất bại nhưng qua chuyện ấy, họ đã vi phạm Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về việc không thử nghiệm tên lửa tầm xa.

9 ngày sau đó, khi Liên Hiệp Quốc ra tuyên bố lên án vụ phóng tên lửa thì Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên đáp trả liền: "Sẽ không bao giờ tham gia vào cuộc đàm phán 6 bên, cũng như không bị ràng buộc bởi bất kỳ những thỏa thuận đã đạt được tại các cuộc đàm phán". Chẳng những thế, Triều Tiên còn trục xuất những thanh sát viên IAEA đồng thời thông báo với tổ chức này rằng họ sẽ lại tiếp tục chương trình vũ khí hạt nhân của họ.

Và bom lại nổ

Ngày 25-4-2009, Triều Tiên kích hoạt lại các cơ sở hạt nhân của mình rồi đúng 1 tháng sau đó, họ cho nổ quả bom nguyên tử thứ 2 dưới lòng đất. Lần này, cường độ vụ nổ được ghi nhận là 2,35 kiloton (tương đương 2.350 tấn chất nổ TNT).

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un quan sát một vụ phóng tên lửa.

Theo các nhà quan sát quốc tế, vụ thử bom nguyên tử lần thứ 2 nhằm chứng tỏ hệ thống chính trị của Bình Nhưỡng không hề suy yếu cho dù mùa hè năm 2008, người đứng đầu Triều Tiên là ông Kim Chính Nhật (Kim Jong-Il) bị đột quỵ, và quyền lực đã được thu xếp cho người con trai thứ 3 của ông là Kim Jong-un. Các khảo sát địa chấn của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đều cho thấy một trận động đất 4,7 độ Richter, xảy ra ở phía tây bắc Kimchaek, cách thủ đô Bình Nhưỡng 375km.

Bộ Quốc phòng Nga cũng xác nhận đã có một vụ nổ hạt nhân  dưới lòng đất được tiến hành ở Triều Tiên vào ngày 25-5-2009, lúc 12 giờ 54 phút giờ GMT với cường độ 5 kiloton. Một vài địa phương ở Trung Quốc, giáp giới với Triều Tiên đều cảm thấy những cơn dư chấn, và học sinh của một số trường được lệnh nghỉ học.

Song song với việc thử bom hạt nhân, cũng trong ngày này Bình Nhưỡng còn tiến hành bắn thử nghiệm 2 tên lửa đất đối không tầm ngắn. Những ngày tiếp theo, họ bắn thêm nhiều tên lửa nữa, chủ yếu là loại đất đối hạm. Các hình ảnh chụp từ vệ tinh do thám Mỹ cho thấy những tên lửa Taepodong-2 đang được đưa vào bệ phóng.

Đặc biệt hơn, hình ảnh vệ tinh còn cho thấy một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) kiểu Rodong đang được chuẩn bị tại một căn cứ tên lửa ở khu vực Anbyon, tỉnh Gangwon, đông bắc thủ đô Bình Nhưỡng.

Cuối năm 2012, Triều Tiên phóng thành công vệ tinh Kwangmyongsong-3, và là quốc gia thứ 10 trên thế giới có khả năng đưa vệ tinh vào không gian. Đầu năm 2013, các tin tình báo của Hàn Quốc, Mỹ, Nhật đều xác định Bình Nhưỡng đang lên kế hoạch thử bom hạt nhân tại 2 địa điểm hoặc nhiều hơn. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố họ đang chuẩn bị để thử bom hydro (bom khinh khí).

Ngày 12-2-1013, Bình Nhưỡng cho nổ quả bom nguyên tử thứ ba, gây nên một trận động đất cường độ 5,1 độ Richter. Lần này, sức tàn phá của quả bom được phía Mỹ ước tính từ 7,7 đến 7,8 kiloton nhưng Viện Liên bang Khoa học địa chất và tài nguyên Đức, trụ sở đặt tại Bonn, cho biết nó là 14 kiloton, còn Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc thì khẳng định là 12,2 kiloton.

Cũng cần biết rằng quả bom hạt nhân người Mỹ ném xuống Hiroshima, được đặt tên là Little Boy có sức công phá 16 kiloton, còn quả bom ném xuống Nagasaki, tên là Fatman, có sức công phá 21 kiloton! Theo các chuyên gia, thời điểm này Bình Nhưỡng đã có thể sản xuất được đầu đạn hạt nhân, nhưng chưa làm chủ công nghệ tên lửa đẩy và cách thu nhỏ kích thước đầu đạn để gắn lên tên lửa.

Dựa vào các nguồn tin tình báo, Mỹ và Hàn Quốc biết rõ cả 3 vụ thử nghiệm đều diễn ra ở bãi thử Punggye-ri, tỉnh Bắc Hamgyeong, nằm gần bờ biển. Đây là một nơi biệt lập, không dân cư và dân cư cũng không được phép lai vãng tới. Nhiều nhà quan sát khẳng định rằng Punggye-ri là một trong những địa điểm bí ẩn nhất tại Triều Tiên, cũng như cả thế giới.

Hầu như chưa có bất kỳ một chuyến thăm công khai nào của các đoàn nước ngoài đến đây, còn phát thanh, truyền hình, báo chí Triều Tiên tuyệt nhiên không có một lời nào đề cập đến địa danh này Thế giới chỉ biết Punggye-ri chủ yếu từ thông báo của IAEA, Mỹ, Hàn Quốc và hình ảnh chụp từ vệ tinh tình báo.

Từ bom nguyên tử đến bom nhiệt hạch

Ngày 6-1-2016, Bình Nhưỡng một lần nữa lại làm cho cả thế giới thót cả ruột gan khi tuyên bố họ đã thử nghiệm thành công một quả bom nhiệt hạch (hay còn gọi là bom hydro - bom khinh khí). Theo các chuyên gia hạt nhân, Triều Tiên chưa đủ trình độ để chế tạo loại bom này bởi lẽ trận động đất gây ra do vụ nổ có cường độ yếu hơn nhiều so với cường độ của một vụ nổ bom nhiệt hạch, còn nếu họ có chế tạo được chăng nữa thì vụ nổ đã thất bại.

Người dân Bình Nhưỡng hân hoan chào mừng vụ thử hạt nhân lần thứ 5 thành công.

Trước vụ việc ấy, hy vọng về một "bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân" vừa bùng lên đã nhanh chóng tắt ngúm. Vẫn theo các chuyên gia, Triều Tiên hiện đang sở hữu khoảng 20 vũ khí hạt nhân, và họ coi nó là con bài nhằm buộc Mỹ phải thực hiện nghiêm túc các điều khoản trong Hiệp định Geneve 1954 về bán đảo Triều Tiên. Một trong những điều khoản này là không can thiệp vào nội bộ Triều Tiên.

Đặc biệt hơn nữa, Triều Tiên còn đưa ra yêu sách: "Nếu Hàn Quốc và Mỹ ngừng các cuộc tập trận thì Triều Tiên sẽ ngừng thử hạt nhân" vì theo Bình Nhưỡng: "Tập trận là một trong các hình thức đe dọa sử dụng vũ lực. Việc Triều Tiên tự nguyện phá hủy lò phản ứng hạt nhân Yongbyon vào năm 2008 được coi là một trong những thiện chí nhưng Mỹ và Hàn Quốc lại không có những hành động tương ứng, đã khiến cho lòng tin của Bình Nhưỡng tiếp tục suy giảm nghiêm trọng…".

Sau vụ nổ, truyền hình Triều Tiên cho phát đi cảnh người dân Bình Nhưỡng tụ tập trước một màn hình tivi cỡ lớn, đặt ở nhà ga đường sắt trung tâm, vẫy tay reo hò khi xướng ngôn viên lên tiếng: "Thử nghiệm bom hydrogen đầu tiên của CHDCND Triều Tiên đã được thực hiện thành công vào lúc 10 giờ sáng ngày hôm nay, 6-1-2016, dựa trên việc xác định chiến lược của Đảng Lao động Triều Tiên…".

Tại Liên Hiệp Quốc, trong một cuộc họp giữa các thành viên thường trực bàn về biện pháp trừng phạt Triều Tiên, Tổng thư ký Ban Ki-moon lên án vụ thử hạt nhân của Triều Tiên là "gây bất ổn cho an ninh khu vực".

Ông nói: "Vụ việc này một lần nữa đã vi phạm nghiêm trọng nghị quyết của Hội đồng Bảo an cho dù cộng đồng quốc tế đã nhiều lần lên tiếng, yêu cầu Triều Tiên chấm dứt…". Ngay cả Trung Quốc, một nước vẫn kiên trì ủng hộ Triều Tiên thì nay cũng lên tiếng phản đối, trong lúc Bình Nhưỡng yêu cầu Mỹ và các cường quốc trên thế giới phải công nhận họ là một "cường quốc hạt nhân".

Khi Tổng thống Obama từ chối, Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên bình luận: "Ông Obama đang cố gắng không công nhận CHDCND Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân hợp pháp, nhưng điều này hoàn toàn ngu ngốc, giống như cố lấy bàn tay che mặt trời".

Và gần đây nhất, ngày 9-9-2016, Triều Tiên cho nổ tiếp đầu đạn hạt nhân thứ 5, đúng vào dịp kỷ niệm 68 năm ngày quốc khánh của nước này. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, vụ nổ đã gây nên một "trận động đất nhân tạo", xảy ra tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri, mạnh 5,3 độ Richter - là cấp độ mạnh nhất so với 4 lần thử nghiệm trước đó, ước tính sức công phá  khoảng 20-30 kiloton, mạnh hơn quả bom nguyên tử người Mỹ từng thả xuống Hiroshima trong Thế chiến II và có thể mạnh hơn cả quả bom được thả xuống Nagasaki 2 ngày sau đó.

Phản ứng trước sự việc này, một số cường quốc trên thế giới lập tức tiến hành họp bàn để tìm cách gia tăng trừng phạt với Triều Tiên mặc dù trước đó, lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã được coi là dữ dội chưa từng thấy. Về phía Triều Tiên, xem ra chẳng sợ ai, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ tiếp tục gia tăng kho vũ khí hạt nhân của mình cả về "chất lượng lẫn số lượng", bất chấp những gì có thể xảy ra trong những ngày tới…

Cao Trí (theo History - North Korea & Nuclear Bombs)
.
.