Liên Hiệp Quốc sẽ điều tra hoạt động nghe lén của NSA và GCHQ

Thứ Bảy, 28/12/2013, 20:00

Những hồ sơ tình báo mật do Edward Snowden tiết lộ trên báo chí hơn 6 tháng qua đang tạo nên những cuộc chiến chính trị, pháp lý khá căng thẳng ở cấp độ quốc gia lẫn quốc tế. Tâm điểm của các cuộc điều tra, điều trần hiện đang xoay quanh các hoạt động nghe lén của 2 cơ quan tình báo lớn nhất toàn cầu: NSA của Mỹ và GCHQ của Anh. Vấn đề đặt ra là việc báo chí đăng những thông tin do Snowden tiết lộ có vi phạm luật pháp của các quốc gia hay không.

Thứ ba tuần trước (3/12), Nghị viện Anh đã mở phiên điều trần để nghe lãnh đạo tờ báo Guardian giải trình về việc đăng tải những tài liệu tình báo mật của Snowden về các chương trình nghe lén của NSA và GCHQ.

Phiên điều trần là cơ hội để Tổng Biên tập tờ Guardian, Alan Rusbridger, thể hiện quan điểm của mình đối với những vấn đề về lòng yêu nước, tinh thần quốc gia, dân tộc, tự do báo chí, quyền riêng tư, quyền bảo đảm an ninh thông tin trong mối tương quan với an ninh quốc gia. Rusbridger cũng phản bác lại quan điểm một phía của các lãnh đạo tình báo Anh về việc tờ báo Guardian đăng những thông tin mật Snowden tiết lộ là "tiếp tay cho chủ nghĩa khủng bố".

Thực tế, trong hơn 6 tháng qua, tờ Guardian cùng vài tờ báo lớn khác trên thế giới đã đăng những loạt bài tiết lộ chương trình nghe lén PRISM của NSA và TEMPORA của GCHQ, trong đó chủ yếu phanh phui các kỹ thuật nghe lén quy mô lớn trên phạm vi toàn cầu. Các kỹ thuật tinh vi này đã giúp cho NSA và GCHQ nghe lén, đọc trộm hàng tỉ giao dịch điện thoại, e-mail và các giao dịch khác trên Internet. Trong một tiết lộ mới nhất đăng trên nhiều tờ báo quốc tế, kể cả tờ Guardian, NSA trong nhiều năm qua đã nghe lén đến 5 tỉ cuộc điện thoại trên toàn thế giới mỗi ngày.

Những thông tin này phản ánh mức độ NSA, với sự giúp sức của GCHQ (và các cơ quan tình báo tín hiệu của 3 quốc gia khác trong nhóm "5 con mắt" là Canada, Australia và New Zealand) xâm phạm cuộc sống riêng tư của hàng tỉ người trên thế giới, kể cả các nguyên thủ quốc gia. Tổng biên tập Rusbridger cho biết, những thông tin mà Guardian đăng tải đã được ban biên tập chọn lọc rất kỹ, chỉ đăng tải những thông tin thật sự phục vụ lợi ích công cộng và được bạn đọc quan tâm. Số tài liệu mà tờ báo này đăng tải trong 6 tháng qua chỉ bằng 1% trong kho tài liệu khổng lồ 58.000 file mà Snowden cung cấp cho tờ báo.

Trong số các tài liệu còn lại có cả những thông tin, dữ liệu tình báo vô cùng nhạy cảm, thậm chí là tên tuổi, danh tính của các điệp viên Mỹ, Anh và các nước đồng minh chia sẻ tình báo hiện đang hoạt động khắp nơi trên thế giới, và những thông tin này sẽ không được đăng vì mức độ nhạy cảm. Một số nghị sĩ thuộc Ban Nội vụ Quốc hội Anh đã yêu cầu Tổng Biên tập Rusbridger chứng minh những thông tin đăng tải không gây tổn hại cho an ninh quốc gia.

Những cáo buộc mà lãnh đạo các cơ quan tình báo cùng một số nghị sĩ Quốc hội Anh áp đặt cho tờ Guardian đã khiến cho giới truyền thông quốc tế và cả Liên Hiệp Quốc phẫn nộ.

Trong một bài báo đăng trên tờ Guardian ngày 2/12 vừa qua, ông Ben Emmerson - luật sư Hoàng gia Anh, đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phụ trách về chống khủng bố và nhân quyền, cho rằng việc các lãnh đạo tình báo Anh (Andrew Parker của MI-5, John Sawers của MI-6 và Sir Iain Lobban của GCHQ) cáo buộc tờ Guardian "tiếp tay khủng bố" khi đăng những thông tin do Snowden tiết lộ là một điều đáng phẫn nộ.

Ông Ben Emmerson, đặc phái viên Tổng Thư ký LHQ về chống khủng bố và nhân quyền.

Ông Emmerson dẫn chứng một loạt tình huống trong đó những "người thổi còi" đã làm đúng việc mình cần làm là đưa ra ánh sáng những hành vi sai trái, vi phạm luật pháp và xâm phạm quyền lợi của người dân vô tội. Chẳng hạn, vụ việc bà Katharine Gunn, cựu nhân viên Cơ quan Tình báo GCHQ vào năm 2003 đã tố cáo hoạt động gián điệp của Anh và Mỹ nhắm vào các phái đoàn Mexico và 5 nước khác tại Liên Hiệp Quốc nhằm thao túng lá phiếu thông qua nghị quyết của Hội đồng Bảo an cho phép tiến hành cuộc tấn công Iraq. Mặc dù bà Gunn có vi phạm Luật Bí mật quốc gia (Official Secrets Act), nhưng bà đã không bị khởi tố vì hành vi của bà được xem là nhằm ngăn chặn cái sai lớn hơn, do đó không bồi thẩm nào buộc tội bà.

Song song với việc bênh vực cho tờ báo Guardian, ông Ben Emmerson cũng tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra về các chương trình nghe lén của Cơ quan Tình báo NSA của Mỹ và GCHQ của Anh. Ông Emmerson cho biết, ngoài việc xem xét năng lực thu thập, lưu trữ và phân tích các dữ liệu điện thoại, e-mail, tin nhắn của hàng tỉ người, cuộc điều tra cũng sẽ làm rõ liệu GCHQ có che giấu năng lực nghe lén của mình để qua mặt Quốc hội Anh hay không, và hệ thống giám sát và kiểm soát hiện hành có đủ mạnh để giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ quan tình báo hay không.

Ngoài ra, ông Emmerson còn cho biết, ông cũng sẽ thẩm vấn lãnh đạo các cơ quan tình báo MI-5, MI-6 và GCHQ để xác minh tính đúng đắn, xác thực của cáo buộc của các vị lãnh đạo tình báo này rằng những thông tin Snowden tiết lộ là "món quà cho bọn khủng bố".

Toàn bộ những kết quả của cuộc điều tra sẽ được ông Emmerson tổng hợp thành báo cáo, kiến nghị trình lên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa họp năm tới để làm căn cứ thông qua một nghị quyết cuối cùng về vấn đề nghe lén của các cơ quan tình báo trên phạm vi toàn cầu

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.