Liên bang Nga và Bắc Âu: Khơi dòng chảy ngầm đun nóng Bắc Cực

Thứ Tư, 18/03/2015, 11:35
Bất chấp cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang khiến Nga phải tập trung chú ý đến vùng biên giới phía tây đất nước, Moscow vẫn cố gắng xây dựng kế hoạch khai thác khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên ở khu vực sân sau - đó là Bắc Cực.
Băng tan chảy đang mở ra những con đường giao thông mới đồng thời để lộ những nguồn dầu khí và khoáng sản khổng lồ còn chưa được khai thác.

Mặc dù phải đối mặt với một năm cực kỳ khó khăn về kinh tế do sự cấm vận của Mỹ và phương Tây, song việc bảo vệ trữ lượng năng lượng chưa khai thác vẫn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu đối với Moscow.

Kế hoạch quân sự hóa với sự hiện diện thường xuyên của binh sĩ và vũ khí ở Bắc Cực nhằm đối phó với những tình huống xấu nhất là điều mà Nga đang tính đến.

Mùa hè năm 2012, nhiệt độ biển băng xuống thấp kỷ lục và các nhà khoa học dự đoán nó sẽ biến mất hoàn toàn trong thế kỷ này. Các chuyên gia an ninh lo ngại xung đột sẽ xảy ra khi băng tan chảy làm lộ ra nguồn tài nguyên dồi dào tại các khu vực mà chủ quyền chưa thật sự rõ ràng thuộc về quốc gia nào.

Nga với kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực

Với cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Nga muốn bảo vệ vị trí địa lý của mình chống lại phương Tây. Với Bắc Cực, Nga cũng muốn sử sụng sức mạnh quân sự để răn đe những thế lực đang ngày càng gia tăng sự dòm ngó khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên chưa khai thác này.

Tổng thống Putin trong cuộc họp Hội đồng An ninh Nga, ngày 22/4/2014.

Là một thành viên trong Hội đồng Bắc Cực, Moscow nghi ngờ các lực lượng đối lập đang tập trung vào khu vực này chống lại Nga.

Hội đồng Bắc Cực bao gồm 8 quốc gia thành viên thường trực là Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ.

Ngoài ra, còn có 15 quan sát viên là 6 quốc gia và 9 tổ chức cũng như 6 quốc gia thành viên quan sát khác mới được kết nạp thêm là:  Trung Quốc, Ấn Độ, Italia, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc.

Nga quan tâm đến Bắc Cực vì nhiều lý do, mặc dù nguồn tài nguyên thiên nhiên và yếu tố địa chính trị là mối quan tâm chính của Moscow.

Bắc Cực chiếm khoảng 30% trữ lượng khí đốt tự nhiên trên thế giới chưa được khai thác, 20% khí đốt hóa lỏng và 13% trữ lượng dầu mỏ - đây là nguồn tài nguyên quan trọng để đầu tư phát triển kinh tế nước Nga.

Con đường Biển Bắc (theo cách gọi của Nga) từ Đông Á đến châu Âu thông qua Bắc Băng Dương mang lại cơ hội kinh tế khác cho sự phát triển cơ sở hạ tầng ở miền Bắc nước Nga.

Những lợi thế này cũng hấp dẫn các quốc gia khác quanh khu vực dẫn đến cuộc đối đầu ngầm buộc Nga phải nỗ lực duy trì vai trò là quốc gia trung tâm trong khu vực bằng nhiều cách, bao gồm cả sức mạnh quân sự. Do đó, kế hoạch quân sự hóa Bắc Cực được coi là của Nga kể từ năm 2015.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, các căn cứ quân sự thời Xôviết ở Bắc Cực đang được phục hồi để phản ứng lại mối chiến lược trọng yếu quan tâm đang tăng của Tổ chức Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối với khu vực.

Đường băng trên quần đảo Novaya Zemlya thuộc Bắc Băng Dương đang được Moscow cho xây dựng lại để phù hợp với thế hệ máy bay chiến đấu hiện đại cùng với hệ thống phòng không S-400.

Một phần của Hạm đội phương Bắc (Nga) - tổ chức hải quân duy nhất trên thế giới vận hành những chiếc tàu phá băng hạt nhân - cũng có căn cứ ở quần đảo.

Một cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực ở Kiruna, Thụy Điển, ngày 15/5/2013.

Moscow cũng thông báo thành lập một đội quân gồm 6.000 binh sĩ ở vùng cực bắc đất nước, bao gồm 2 lữ đoàn pháo binh đóng tại vùng Murmansk và vùng tự trị Yamal-Nenets.

Các hệ thống radar và dẫn đường trên bộ cũng sẽ được bố trí ở quần đảo Franz Josef Land, đảo Wrangel và Mũi Smith.

Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cũng có kế hoạch tăng cường lực lượng phòng vệ biên giới ở vành đai phía bắc nước Nga.

Cuộc diễn tập quân sự quy mô mang tên Vostok năm 2014 (được coi là lớn nhất từ sau khi Liên Xô tan rã) là dấu hiệu cho thấy Nga muốn củng cố sự hiện diện thường xuyên ở Bắc Cực.

Quân đội cũng tiến hành những sứ mạng huấn luyện chiến đấu ở Bắc Cực, với việc triển khai các hệ thống phòng không Pantsir-S và tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M v.v…

Những hoạt động rầm rộ của Nga không tránh khỏi sự chú ý của Mỹ và NATO. Hơn nữa, Hạm đội Phương Bắc cũng thông báo kế hoạch luyện tập thường xuyên ở Bắc Cực xuyên suốt năm 2015. Cho đến nay, Nga đã triển khai khoảng 56 máy bay quân sự và 122 máy bay trực thăng ở khu vực Bắc Cực.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố: 14 sân bay quân sự tại Bắc Cực sẽ sẵn sàng hoạt động vào cuối năm 2015. Ông Shoigu cũng cho biết, cho đến năm 2019 sẽ có khoảng 50 chiếc báy bay đánh chặn MiG-31BM Foxhound hiện đại chịu trách nhiệm phòng thủ ở Bắc Cực.

Bất chấp kinh tế đang lao đao vì lệnh trừng phạt, Bộ Quốc phòng Nga đang có những nỗ lực để không bị cắt giảm ngân sách.

Thực ra, Moscow đã tăng chi tiêu quốc phòng lên 20% - dấu hiệu cho thấy rõ Nga có những ưu tiên về quân sự năm 2015.

Cuối năm ngoái, Nga đã cho thành lập bộ chỉ huy chiến lược thống nhất, song hành với Bộ chỉ huy của Hạm đội Phương Bắc, giúp giám sát hiệu quả hơn con đường thương mại từ Trung Quốc đến Na Uy. Biển Barents cũng nằm dưới sự giám sát thường xuyên của máy bay chiến đấu Nga.

Chiếc tàu gián điệp mang tên Marjata của Na Uy.

Những nỗ lực mới của Moscow cho thấy Nga đang tăng cường sức mạnh quân sự để kiểm soát Biển Đen và thống lĩnh Bắc Cực. Mặc dù, giới chức Moscow cũng không muốn đối đầu quân sự với phương Tây, song chính quyền những quốc gia láng giềng - đặc biệt là Na Uy - vẫn cảm thấy lo ngại.

Nguy cơ xung đột giữa Nga và phương Tây

Kế hoạch khai thác Bắc Cực của Nga thật sự đã buộc Na Uy phải đánh giá lại vai trò của nước này về khu vực giàu tài nguyên đang "ngủ yên", nhất là vùng biển Barents.

Oslo ủng hộ những lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga do coi nước này là mối đe dọa đồng thời cũng nhận thức rõ sự yếu kém của đất nước nhỏ bé Na Uy.

Tuy nhiên, Na Uy được coi là quốc gia đi đầu trong nỗ lực quảng bá vai trò của NATO ở Bắc Cực, đồng thời đây là nước phương Tây duy nhất trên thế giới có căn cứ quân sự thường trực tại Bắc Cực.

Không chỉ gửi binh sĩ tham gia lực lượng quân sự đa quốc gia ở Iraq cũng như Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế ở Afghanistan, Na Uy còn quan tâm đến sự hiện diện quân sự của mình tại Bắc Cực.

Na Uy cũng nằm trong số 7 quốc gia thành viên NATO tiến hành các chiến dịch không kích Libya. Tuy nhiên, lực lượng quân đội của Na Uy vẫn quá nhỏ bé so với sức mạnh của Nga. Do đó, giới chức quân sự cũng như dân sự Oslo mong muốn NATO đóng vai trò lớn hơn nữa tại Bắc Cực.

Mới đây, chính quyền Oslo thông báo ý định sẽ tiến hành cuộc diễn tập quân sự quy mô ở Finnmark - vùng lãnh thổ nằm trên biên giới Nga - Na Uy vào tháng 3 này. Cuộc tập trận này được coi là lớn nhất của Na Uy kể từ năm 1967.

Moscow cũng nhận thức chính sách của Na Uy đối với Nga đang có sự thay đổi đáng kể khi Na Uy ra mặt phản ứng trực tiếp về kế hoạch quân sự hóa Bắc Cực của Moscow.

Hạm đội phương Bắc của Nga.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của Nga cũng đang bàn cãi về việc liệu nước này có gây sức ép để biến Bắc Cực thành trục địa chính trị có phá vỡ thế cân bằng quyền lực ở khu vực này hay không.

Trung tướng - Giám đốc Cơ quan Tình báo Na Uy (NIS) Kjell Grandhagen, tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn của báo chí tại trụ sở cơ quan tình báo nằm trên sườn đồi bên ngoài thủ đô Oslo của Na Uy: "Trong tương lai gần, giới lãnh đạo chính trị của chúng tôi có nhu cầu nắm bắt mọi thông tin về những gì sẽ diễn ra ở Bắc Cực".

Ngay trước khi cuộc khủng hoảng Ukraine làm đóng băng mối quan hệ hợp tác giữa Nga và phương Tây về Bắc Cực - những cuộc tập trận bị ngưng lại và Canada không tham dự cuộc họp về sự thành lập một lực lượng đặc nhiệm môi trường Bắc Cực ở Moscow tổ chức trong tháng 4/2014 - các quốc gia phương Tây trong khu vực đã lên tiếng buộc tội Nga và Trung Quốc tiến hành những cuộc tấn công mạng và các điệp vụ khác nhằm vào họ.

Trong thời Chiến tranh lạnh, Bắc Cực - được bao quanh bởi các quốc gia vùng Scandinavia, Mỹ, Canada và Nga -  được coi là "điểm nóng" khi các tàu ngầm của Tổ chức NATO và Nga thường xuyên gián điệp lẫn nhau. Sau khi Liên Xô tan rã, Bắc Cực trở lại là trung tâm chiến lược cực kỳ quan trọng.

Giới quan chức an ninh Na Uy cho biết, các kế hoạch khai thác Bắc Cực của nước này - bao gồm công nghệ khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi giữa điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất cực kỳ hiện đại - đang thu hút sự chú ý từ các gián điệp nước ngoài.

Lãnh đạo phản gián Na Uy Eirik Haugland nhấn mạnh, gián điệp nước ngoài đang có nhiều cố gắng để xác định những điểm then chốt trong cơ sở hạ tầng của Na Uy ở Bắc Cực.

Theo Haugland, cách đây vài năm một gián điệp nước ngoài đã tìm đến Na Uy để lập bản đồ địa điểm đường cáp liên lạc ngầm với Svalbard - quần đảo chiến lược nằm giữa lục địa Na Uy và Bắc Cực.

Haugland cho biết: "Nếu đường cáp này bị phá hoại, người dân ở Svalbard sẽ không thể biết được thông tin. Và chúng ta trên đất liền cũng hoàn toàn mù tịt về những gì đang diễn ra trên quần đảo Svalbard".

Theo tiết lộ từ Edward Snowden, một tài liệu đề ngày 17/4/2013 của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và được đăng tải trên tờ Dagbladet của Na Uy tháng 12 nêu rõ, NIS đã giúp đỡ NSA gián điệp "các mục tiêu của Nga trên bán đảo Kola" thuộc nước này như cung cấp các báo cáo về chính sách năng lượng của Nga.

NSA muốn trao đổi thông tin tình báo sâu hơn với đồng minh NATO về "các vấn đề chính trị, năng lượng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Nga".

Dĩ nhiên, sự nổi lên của một thế lực thống trị ở Bắc Cực chắc chắn sẽ tác động đến những con đường giao thương xuyên Đại Tây Dương cũng như mối quan hệ, cam kết giữa Nga và các quốc gia Bắc Âu, giữa Nga và Trung Quốc.

Trong 50 năm, Bắc Cực là  khu vực gây bất đồng giữa Mỹ và Liên Xô và là khu vực diễn ra nhiều sự cố có thể dẫn đến xung đột quân sự.

Thậm chí sau Chiến tranh lạnh, Bắc Cực một lần nữa trở thành khu vực xung đột ngầm giữa các quốc gia. Hiện nay, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang thể hiện sự quan tâm đến nguồn tài nguyên phong phú ở Bắc Cực.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.