Cấm vận chống Iran, Mỹ được gì?

Liệu Mỹ và LHQ có nên tiếp tục cấm vận Iran?

Thứ Năm, 04/11/2010, 16:25
Sau gần 30 năm thi hành chính sách cấm vận nhiều mặt chống Iran, Mỹ vẫn không thể đạt được mục tiêu "thay đổi chế độ" ở Iran, kể cả mục tiêu buộc Tehran ngừng chương trình hạt nhân cũng không đạt được. Tại sao hàng loạt lệnh cấm vận đã được áp dụng và ngày càng siết chặt hơn nhưng vẫn không thể lay chuyển được Tehran? Vậy thì Mỹ và LHQ có nên tiếp tục áp dụng chính sách cấm vận như thế hay không?
>> Một lịch sử thất bại?

Mục tiêu mới: Lực lượng IRGC

Nghị quyết 1929 của LHQ và các biện pháp đơn phương của các đồng minh của Mỹ đến nay đã kéo dài thêm danh sách các biện pháp trừng phạt, cấm vận quốc tế với Iran chỉ nhằm mục đích chung duy nhất là "buộc Tehran ngừng chương trình hạt nhân", đồng thời hướng đến mục tiêu sâu xa nhất của riêng nước Mỹ là "thay đổi chế độ ở Iran".

Trong các biện pháp trừng phạt mới nhất được nêu ra trong Nghị quyết 1929 của LHQ, các nước trên thế giới bị cấm hoàn toàn mọi hoạt động hỗ trợ, huấn luyện hoặc tài trợ Iran liên quan đến các phương tiện khí tài quân sự, tàu chiến, máy bay, tên lửa và các nguyên vật liệu có liên quan, kể cả việc hỗ trợ có liên quan gián tiếp đến mua bán các loại khí tài nêu trên. Cái mới trong Nghị quyết này chính là việc áp dụng lệnh phong tỏa tài sản và các khoản quỹ của lực lượng Vệ binh Cộng hòa (IRGC) và hãng Vận tải tàu biển Iran.

Còn Luật cấm vận toàn diện Iran 2010 (CISAD) của Mỹ cũng đã nêu đích danh nhiều quan chức hàng đầu của Nhà nước Iran và các chỉ huy cao cấp của IRGC, như Mohammed Reza Zahedi, Hossein Musavi, Hassan Mortezavi và Hushang Allahdad nằm trong diện chế tài nghiêm ngặt: bị phong tỏa tài sản ở Mỹ, cấm vào Mỹ, cấm mọi giao dịch ở Mỹ và ở nước ngoài.

Trong danh sách này còn có 2 lãnh đạo cao cấp khác của IRGC là tướng Mohammed Ali Jafari và tướng chỉ huy tình báo Hossein Taeb. Hai ông này cũng nằm trong danh sách bị chính quyền Mỹ phong tỏa tài sản và cấm đi lại vào tháng 9/2010 do các cáo buộc liên quan các vụ bạo động sau cuộc bầu cử tháng 6/2009 ở Iran.

Cùng với họ là 16 ngân hàng thương mại lớn nhỏ của Iran cũng đã bị Bộ Tài chính Mỹ liệt vào danh sách hỗ trợ chương trình hạt nhân và các hoạt động sản xuất tên lửa đạn đạo. Hàng loạt ngân hàng lớn như Ngân hàng Sepah, Ngân hàng Saderat, Ngân hàng Kargoshaee, Ngân hàng Arian và đặc biệt là Ngân hàng Melli - ngân hàng tư nhân lớn nhất Iran đều nằm trong danh sách chế tài này.

Tập đoàn Khatam-ol-Anbia (KAA) là một điển hình trong hàng loạt tập đoàn, công ty lớn do IRGC kiểm soát. KAA cùng với lãnh đạo tập đoàn là Chuẩn tướng Rostam Qasemi thuộc lực lượng IRGC, hàng loạt công ty con và đối tác làm ăn của tập đoàn đều nằm trong danh sách chế tài mới. Ngoài KAA, 15 công ty, tập đoàn lớn khác được cho là do IRGC kiểm soát cũng chịu chung số phận. Các công ty này hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực dầu khí, ngân hàng, khai thác khoáng sản và vận tải hàng hải.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, việc Mỹ và LHQ siết chặt cấm vận nhắm vào lực lượng IRGC và hệ thống ngân hàng, tài chính Iran là một đòn hiểm đánh vào nền kinh tế nước này. IRGC được biết đến không chỉ là lực lượng an ninh nòng cốt của Iran, một thế lực vũ trang hùng hậu bên cạnh quân đội chính quy nước này, mà còn nắm quyền kiểm soát phần lớn nền kinh tế của Iran. Cấm vận nhắm vào IRGC sẽ gây những thiệt hại lớn cho kinh tế nước này.

Thực tế, thiệt hại mà Iran đã gánh chịu không chỉ là các tài sản bị phong tỏa ở Mỹ và châu Âu (trị giá hàng tỉ USD), mà mỗi năm nền kinh tế còn chịu thiệt hại không dưới 60 tỉ USD. Đời sống của người Iran đã khó khăn hơn rõ rệt so với trước do việc Mỹ ngày càng siết chặt các biện pháp cấm vận. Việc tăng cường và mở rộng đối tượng, phạm vi cấm vận đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành, như mức độ an toàn trong vận tải hàng không sụt giảm mạnh do thiếu thiết bị bảo đảm an toàn cho máy bay...

Hiệu quả chưa thể khẳng định

Thế nhưng, không như mong đợi của Mỹ, tác dụng của tất cả các biện pháp trừng phạt nêu trên cho đến nay, theo đánh giá của giới chuyên gia, vẫn chưa thể khẳng định được, nói cách khác là "hiệu quả không rõ ràng". Theo lập luận của Giáo sư Hossein Askari (Đại học George Washington), có 2 nguyên nhân cơ bản khiến cho việc áp đặt các lệnh cấm vận từ trước đến nay không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Thứ nhất, ngay từ khi mới bắt đầu áp dụng các biện pháp cấm vận chống Iran hồi thập niên 80 thế kỷ XX, Mỹ luôn để ngỏ một "lối thoát" - chẳng hạn việc cấm nhập khẩu dầu thô từ Iran nhưng sản phẩm chế biến từ dầu của Iran thì không cấm, hoặc như việc Mỹ cho phép phương án thanh toán "đường vòng" khi các nước ngoài giao dịch với Iran thì phải thanh toán thông qua các tài khoản mở tại các ngân hàng Mỹ...

Khi thấy cần thiết phải tăng cường các chế tài đối với Iran, chính quyền Mỹ không phải lúc nào cũng "xài" ngay các biện pháp mạnh tay hoặc xử lý triệt để những trường hợp "xé rào" vi phạm lệnh cấm. Từng bước một, các lệnh cấm của Mỹ, và LHQ sau này, thường tập trung xoay quanh các hoạt động liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, sau đó đến khí tài quân sự thông thường và các lĩnh vực liên quan đến chúng, như ngân hàng, hoạt động tài chính, các tổ chức vũ trang như IRGC (chủ yếu là Quds Force)...

Một mặt, người Mỹ vẫn chưa muốn bao vây Iran hoàn toàn, vì việc áp dụng các biện pháp trừng phạt nếu là đơn phương thì rốt cuộc cũng gây phương hại luôn cả các công ty và công dân Mỹ. Mặt khác, còn nếu vận động HĐBA LHQ ban hành Nghị quyết trừng phạt thì còn phải thông qua 15 thành viên, trong đó có 2 thành viên thường trực là Nga và Trung Quốc thường hay bênh vực Iran.

Để đổi lấy lá phiếu ủng hộ của Nga và Trung Quốc đối với một Nghị quyết trừng phạt Iran vì chương trình hạt nhân của nước này, Mỹ buộc phải "trao đổi" một số vấn đề, chẳng hạn như nhượng bộ một chút trong vấn đề bán đảo Triều Tiên (đối với Trung Quốc), hoặc nhường nhịn một chút đối với Nga trong các vấn đề liên quan việc mở rộng khối NATO về phía Đông...

Gần đây, tuy rằng Mỹ đã thành công trong việc vận động HĐBA tăng cường các biện pháp cấm vận Iran bằng Nghị quyết 1929, nhưng giới chuyên môn cũng đang nghi ngờ khả năng các biện pháp cấm vận trong Nghị quyết này có phát huy hiệu quả hay không.

Vấn đề cơ bản nhất là sau khi áp dụng hàng loạt biện pháp trừng phạt từ nhẹ đến nặng, cấm vận hàng hóa, thương mại, rồi đến cấm vận tài chính, cấm đi lại và nhiều thứ khác... vận dụng cả quyền lực toàn cầu của LHQ để áp đặt lệnh cấm, rốt cuộc Mỹ vẫn không gặt hái được kết quả khả quan nào.

Iran vẫn cứ tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân vì hòa bình của mình, thậm chí còn có vẻ đang nắm thế chủ động trong thương lượng, đàm phán hạt nhân với phương Tây.

Một vấn đề cần quan tâm ở đây là nếu cấm vận quyết liệt để buộc Iran thay đổi đối với những vấn đề thông thường khác thì Mỹ có thể dễ dàng thành công, nhất là khi có sự giúp sức của nhiều bên (như EU, LHQ). Nhưng với chương trình hạt nhân thì không đơn giản: Đây không chỉ là quyền hợp pháp của Iran được nêu trong NPT mà còn là niềm tự hào dân tộc của người Iran, vì vậy Mỹ sẽ rất "thất nhân tâm" nếu tiếp tục đẩy mạnh cấm vận vì vấn đề này.

Ngân hàng Melli là một trong những đối tượng bị siết cấm vận của Iran.

Thực ra, để đạt những mục tiêu chính trị ở Iran, Mỹ vẫn còn nhiều "quân bài" khác chứ không chỉ có cấm vận. Đó là những chiến dịch tuyên truyền chống phá từ bên ngoài và các chiến dịch bí mật tung gián điệp vào phá hoại nội tình bên trong Iran. Những bất ổn từ sau cuộc bầu cử tổng thống Iran, tháng 6/2009, cùng với hàng loạt vụ việc Iran bắt giữ các công dân Mỹ và phương Tây "đi lạc" ở Iran... cho thấy rõ Mỹ đang áp dụng song song nhiều chính sách cùng một lúc để chống phá Iran.

Hơn nữa, Iran đang ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trên bản đồ an ninh khu vực Trung Đông và cả vùng Nam Á - nơi Mỹ có những lợi ích an ninh quốc gia và đối ngoại lớn nhất biện nay. Iran không chỉ là "kẻ thù" mà còn là một "đối tác" của Mỹ trong một số vấn đề hóc búa ở khu vực Trung Đông và Nam Á, trong cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo cực đoan... Iran vừa có tiếng nói đầy trọng lượng trong các vấn đề an ninh ở Iraq (giáp biên giới phía Tây) lại vừa có ảnh hưởng ngày càng lớn hơn ở Afghanistan (phía Đông). Một tiếng nói của các lãnh đạo tôn giáo ở Iran có thể khiến cho tình hình an ninh ở Iraq ổn định hoặc xấu đi; còn ở Afghanistan, Iran giờ đây đang được Kabul tin tưởng hơn người Mỹ rất nhiều.

Một trật tự thế giới mới có lợi cho Iran

Một nguyên nhân cơ bản nữa chính là sự thất bại của Mỹ trong việc xây dựng một hệ thống bao vây cô lập Iran. Càng bị dồn vào thế khó khăn, Iran càng không ngừng tìm mọi cách để vô hiệu hóa lệnh cấm vận. Và Iran không hề bị cô lập hoàn toàn như tính toán của các nhà chiến lược Mỹ, mà ngược lại đang ngày càng mở rộng đối tác trong một trật tự thế giới mới.

Bên cạnh các đối tác truyền thống là Nga và Trung Quốc, Iran giờ đây còn nỗ lực mở rộng thêm nhiều đối tác ngoại giao khác, đặc biệt là một số quan hệ đồng minh mới ở Tây bán cầu, như Venezuela, Bolivia, Nicaragua và một số nước vùng Caribbe cũng như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Intdonesia, Qatar, UAE và một số nước thuộc khối Arập.

Một trong những "người bạn mới" rất quan trọng của Iran hiện nay là Venezuela. Quốc gia Mỹ Latinh này hiện đang hợp tác rất chặt chẽ với Iran trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là khai thác dầu Mỏ và khí đốt. Trong vòng 5 năm trở lại đây, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad thường xuyên có những chuyến thăm và ký kết hợp tác song phương và đa phương.

Theo báo chí Venezuela và Iran, công ty dầu hỏa Nhà nước Venezuela PDVSA đã đồng ý mua 10% cổ phần đầu tư vào lô 12 thuộc khu mỏ dầu South Pars giáp ranh với Qatar. Trong hoàn cảnh nhiều công ty dầu hỏa phương Tây rút lui do lệnh cấm vận của LHQ (theo Nghị quyết 1737 và 1929), việc Venezuela mạnh dạn đầu tư lớn như thế được đánh giá sẽ khuyến khích nhiều công ty dầu hỏa khác còn đang do dự, trong đó có một công ty của Angola và 2 công ty Ấn Độ.

Trong vấn đề hạt nhân của Iran, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ là 2 đối tác mới với những bước đi gây bất ngờ nhất. Brasillia và Ankara đã cùng với Iran đạt được thỏa thuận trao đổi nhiên liệu uranium thông qua trung gian Thổ Nhĩ Kỳ để giúp Iran xây dựng các lò phản ứng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Tuy giải pháp của 3 quốc gia không được Mỹ và phương Tây ủng hộ, song nó cũng đã mở ra một hướng đi, giúp Iran có thêm những người bạn mới để thoát khỏi thế cô lập do các biện pháp cấm vận của Mỹ và LHQ. Brazil cũng như Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế, có tiếng nói ngày càng có trọng lượng, vì thế càng có lợi cho Iran.

Ngày 26/10 vừa qua, Tehran thông báo đã bắt đầu nạp nhiên liệu cho Nhà máy điện hạt nhân Bushehr. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran, đây là bước đi quan trọng, vì lâu nay Tehran luôn muốn xây dựng nhà máy Bushehr thành một điển hình cho hoạt động hạt nhân hòa bình của mình khẳng định với thế giới rằng Iran "không có tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân" như cáo buộc của phương Tây, và từ đó cho thấy việc áp dụng các biện pháp cứng rắn để trừng phạt Iran là vô lý, không có tác dụng - như Tổng thống Ahmadinejad đã nhiều lần khẳng định

An Châu - Tiểu Bảo (theo Asia Times)
.
.