Lính đánh thuê – Nghề cũ sống lại
Người ta ước tính nền công nghiệp này hằng năm thu về khoảng 100 tỉ USD. Đã hình thành những công ty bảo vệ riêng tại những nước có các bộ máy quân sự khổng lồ như Mỹ, Anh, Israel, Nam Phi... Còn tại các quốc gia khác ở Nam Á, Mỹ Latinh và Trung Đông thì ra đời các doanh nghiệp nhỏ hơn, hoạt động như các nhà thầu phụ cung cấp nhân lực đánh thuê cho các công ty lớn.
Tại châu Phi có thể chia "lịch sử" của nghề lính đánh thuê thành 3 giai đoạn chính gắn liền với các làn sóng phát triển khác nhau của nền công nghiệp bắn giết này.
Lính đánh thuê thời chế độ thực dân
Loại thứ nhất là lính đánh thuê từ bên ngoài đưa vào châu lục. Loại này xuất hiện vào thời kỳ chế độ thực dân. Khi ấy, những người thuộc các quốc tịch khác nhau bị các đế quốc tuyển mộ làm lính lê dương. Hết chiến tranh, họ thất nghiệp và được tuyển mộ làm lính đánh thuê cho các chính phủ địa phương, hoặc cầm súng theo quân phiến loạn, thậm chí là bảo vệ cho các công ty châu Âu hoạt động tại châu Phi. Một ví dụ cho loại này là năm 1960, sau khi tỉnh Katanga giàu có ở Congo thuộc Bỉ hồi đó tách ra, thì các công ty khai khoáng của phương Tây đã thuê hàng trăm lính đánh thuê đến từ Pháp, Đức và Nam Phi.
Một người bị lực lượng chống nhà lãnh đạo Gaddafi bắt vì nghi là lính đánh thuê. |
Trong thời gian từ thập niên 60 đến thập niên 80 của thế kỷ trước, nổi lên đám lính đánh thuê người Phi từng chiến đấu trong đạo quân lê dương tại các thuộc địa của Pháp trở về. Trong đám này có số đã chiến đấu tại chiến trường Algerie cùng với những người Congo, Angola, Mozambic, Gabon và tham gia 2 cuộc đảo chính quân sự tại Quần đảo Trăng vào các năm 1975 và 1995 mà người ta cho là được Pháp hậu thuẫn.
Lính đánh thuê bản địa
Loại thứ hai là lính đánh thuê tuyển mộ tại chỗ, đặc biệt là đám lính trẻ con và vị thành niên ô hợp lan tràn tại một số quốc gia châu Phi như Sieraleon, Liberia và Uganda. Đám lính trẻ con này bị bắt buộc phải giết chóc và gây ra những vụ thảm sát kinh hoàng. Tổ chức "Liên minh nhằm chấm dứt sử dụng lính trẻ em" đánh giá có tới hơn 120.000 trẻ em dưới 18 tuổi bị bắt buộc tham gia các cuộc chiến tranh ở khắp nơi trong lục địa đen.
Trong số các nước châu Phi, Burundi và Ruwanda cho tuyển lính đánh thuê nhỏ tuổi nhất: Cả trẻ em 15 tuổi. Còn các nước Phi châu khác ấn định tuổi tuyển "lính tình nguyện" để đánh thuê là đủ 18. Thậm chí một số chính phủ cũng tuyển lính tình nguyện trẻ con tham gia "dân binh". Như ở Sieraleon, 30% lính tình nguyện thuộc lực lượng "dân quân tự vệ" là trẻ em! Thậm chí còn tuyển cả trẻ em nước ngoài làm lính đánh thuê như quân đội Ruwanda tuyển 200 thiếu niên của Namibia. Từ năm 1987, lực lượng dân binh mang tên "Quân đội kháng chiến của Thánh Allah" được chính phủ Sudan bảo trợ còn thường xuyên bắt cóc hàng ngàn trẻ em ở miền Bắc Uganda để đưa sang Sudan, buộc chúng phải tham gia bắn giết.
Cả một số quốc gia phát triển cũng cho phép trẻ em vào lính. Khoảng một nửa số quốc gia thành viên của tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu chấp nhận lính tình nguyện ở tuổi 17. Anh là quốc gia châu Âu có luật cho phép đưa lính 17 tuổi ra chiến trường. Mỹ cũng công nhận có quân nhân mới 17 tuổi đã tham gia chiến tranh ở vùng Vịnh, Somali và Bosnia.
Lính đánh thuê thời hiện đại
Làn sóng thứ ba phát triển công nghiệp nhân lực đánh thuê bắt đầu sau khi chấm dứt "thời kỳ Chiến tranh lạnh". Lúc này ra đời hàng loạt công ty bảo vệ tư nhân. Sự ra đời của các công ty bảo vệ tư nhân này đáp ứng nhu cầu của các quốc gia nghèo nhận viện trợ bị ràng buộc bởi điều kiện do các nước cấp viện trợ áp đặt. Họ phải cắt giảm ngân sách quốc phòng, nên không thể tăng cường quân số. Nhưng nhu cầu được bảo vệ để tồn tại trước nhiều đe dọa từ bên trong khiến họ phải cần đến các lực lượng bảo vệ tư nhân.
Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, người ta thấy xuất hiện ở châu Phi nhiều lính đánh thuê đến từ các nước thuộc Liên Xô mới tan rã... Thời gian ấy, nhiều quân nhân của các nước này bị thất nghiệp, trong khi nhiều quốc gia châu Phi vốn sử dụng vũ khí và trang bị kỹ thuật quân sự của Liên Xô, rất cần nhân viên kỹ thuật quân sự phù hợp với các loại vũ khí, trang bị này.
Một số lính đánh thuê người Phi bị lực lượng nổi dậy bắt trong cuộc xung đột tại thành phố Bengazi (miền đông Libya) cuối tháng 2 vừa qua. |
Năm 1994, sau khi chế độ Aparthai ở Nam Phi sụp đổ, chính quyền mới phải đối phó với một vấn đề rất nan giải là làm sao giải quyết công ăn việc làm cho số lượng lớn quân nhân da trắng của chế độ cũ nay phải giải ngũ. Họ là những tay súng của một đội quân từng được coi là thiện chiến bậc nhất châu lục này. Thế là xuất hiện loại lính đánh thuê da trắng thời hiện đại.
Họ vốn có gốc là Pháp, Hà Lan và Đức - 3 chủng tộc chiếm đa số trong người da trắng ở Nam Phi. Đây chính là nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng cao cho các công ty bảo vệ tư nhân loại như Black Waters đầy tai tiếng tại Iraq. Các công ty loại này nở rộ như nấm sau mưa kể từ khi Mỹ phát động chiến tranh chống khủng bố quốc tế, mà chiến trường tập trung là ở Iraq, Afghanistan...
Năm 1998, Chính phủ Nam Phi đã ban hành luật cấm công dân của mình tham gia các hoạt động quân sự bên ngoài lãnh thổ nếu không được phép của chính phủ. Nhưng việc thực thi luật này không dễ dàng. Chế tài do luật này áp đặt chẳng thấm tháp gì so với mức lương hậu hĩnh mà các công ty bảo vệ tư nhân quốc tế trả cho đám lính mà họ thuê để hành nghề ở nước ngoài. Năm 2006, Quốc hội Nam Phi lại ra một luật nữa là cấm công dân nước này tham gia vào bất kỳ hình thức xung đột nào ở nước ngoài. Nhưng luật này chưa có hiệu lực thi hành.
Hiện nay, các công ty quân sự quốc tế hoạt động tại châu Phi cung cấp dịch vụ bảo vệ cho lợi ích của các công ty phương Tây hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau tại châu lục, trước hết là kim cương và đá quý. Các công ty bảo vệ này được trả những món tiền khổng lồ hoặc được nhượng quyền khai thác mỏ, đổi lấy việc họ huấn luyện cho lực lượng quân đội sở tại để đàn áp các nhóm chống đối đang làm chủ các khu mỏ quý hiếm hoặc mỏ dầu.
Nhìn nhận khác nhau về lính đánh thuê
Có những quan điểm trái ngược nhau đối với việc sử dụng lính đánh thuê tại châu Phi. Những người ủng hộ việc này đưa ra dẫn chứng là lính đánh thuê chiếm phần lớn trong các lực lượng phòng vệ của các quốc gia khu vực miền Nam châu Phi từng có vai trò quyết định chấm dứt các cuộc nội chiến ở đây. Các lực lượng này đã buộc phiến quân Sieraleon phải ngồi vào bàn thương lượng. Chính phủ đã hợp tác với các công ty bảo vệ quốc tế tư nhân khôi phục quyền kiểm soát đối với khu vực Kunu giàu kim cương.
Tại Angola, lực lượng đánh thuê cũng góp phần cùng quân đội của chính phủ buộc Phong trào Yunita phải chấp nhận Nghị định thư Lusaka năm 1994 để chấm dứt đấu tranh vũ trang chống chính quyền. Mặt khác, trong hoàn cảnh châu Phi bị các đại dịch thế kỷ, như AIDS hoành hành, người ta còn thấy ở những người lính đánh thuê da trắng, với trình độ dân trí cao, làm việc cho các công ty quân sự quốc tế, có khả năng rất hữu hiệu trong việc huấn luyện cho các tân binh da đen trẻ tuổi.
Quan điểm chống lại lính đánh thuê lại cho rằng, lính đánh thuê là nguồn gốc gây ra các cuộc đảo chính quân sự, xung đột vũ trang và dựng lên các chính phủ bất hợp pháp tại châu lục. Một trong những sự kiện nổi bật trong thập niên này là hồi năm 2004, Ghine Xích đạo cùng với Nam Phi và Mozambic đã tố cáo lính đánh thuê nước ngoài âm mưu lật đổ Tổng thống Ghine - Tiodo Obiang. 64 chiến binh nước ngoài với các quốc tịch Nam Phi, Angola, Namibia đã bị bắt giữ khi máy bay chở họ hạ cánh xuống sân bay Harare - thủ đô Zimbabwe. Chính phủ Zimbabwe đã tố cáo các cơ quan tình báo Mỹ, Anh và Tây Ban Nha đứng sau kế hoạch sử dụng lính đánh thuê này. Tổng thống Obiang cũng tố cáo các công ty đa quốc gia can dự vào âm mưu hòng lật đổ ông.
Trên bình diện quốc tế, từ thập niên 90 của thế kỷ trước, cả Liên Hiệp Quốc, Mỹ và Anh đều bày tỏ quan điểm bác bỏ việc sử dụng lính đánh thuê. Nhưng bước vào thập niên 2000, cụ thể là năm 2002, Chính phủ Anh lại tuyên bố: Lính đánh thuê có thể hữu ích trong vai trò gìn giữ hòa bình, ngụ ý là có thể thu nạp loại chiến binh này vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Mặt khác, chính Liên Hiệp Quốc cũng đã thuê các công ty quân sự quốc tế cung cấp trang thiết bị chuyên dùng cùng nhân lực bảo vệ riêng cho các công sở của tổ chức này trên khắp thế giới.
Tuy vậy, năm 2010, Liên Hiệp Quốc lại đưa ra lời cảnh báo về hiện tượng các đạo quân thuộc sở hữu cá nhân làm rộ lên các cuộc xung đột tại lục địa châu Phi. Cụ thể là 53 quốc gia thuộc lục địa này đều dính đến xung đột, hoặc là vừa mới chấm dứt, hoặc còn đang diễn ra. Liên Hiệp Quốc cho rằng, châu Phi là mảnh đất màu mỡ cho lính đánh thuê sẵn sàng thực hiện các hành động bẩn thỉu theo lệnh của một vài chính phủ nào đó. Tổ chức quốc tế này khuyến cáo các quốc gia châu Phi cần đưa ra các luật để chấm dứt tình trạng lính đánh thuê tràn lan.
Tháng 11/2010, 58 công ty an ninh tư nhân đang hoạt động tại Iraq và Afghanistan, với sự ủng hộ của 35 quốc gia, trong đó có Mỹ và Anh, đã ký vào một luật ứng xử để ngăn chặn tình trạng nhân viên của các công ty bảo vệ tư nhân sử dụng vũ lực quá đáng trong khi thi hành công vụ. Riêng tại châu Phi, năm 2007, một số quốc gia đã ký vào một luật quy định các công ty bảo vệ tư nhân và các công ty an ninh quốc tế phải xin phép chính thức từ các chính phủ để được hoạt động trong các khu vực có chiến tranh. Tuy nhiên, cho đến nay, luật này cũng như nhiều luật khác trước đó đều chưa có hiệu lực thi hành đối với nhiều bên đã ký