Lộ diện đơn vị tình báo tham gia chiến dịch tiêu diệt Bin Laden

Thứ Ba, 16/04/2013, 16:10

Trong chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden năm 2011, bên cạnh các đơn vị Delta Force và Team 6 của biệt kích SEAL được nhiều người biết đến, còn có một đơn vị tình báo quân đội chưa từng được nhắc tới. Đó là Đơn vị Hoạt động hỗ trợ tình báo (ISA) trực thuộc Bộ chỉ huy Các chiến dịch đặc biệt liên quân (JSOC) của quân đội Mỹ.

Sự tồn tại của ISA chắc hẳn nhiều người đã biết, vì báo chí, cụ thể như tờ New York Times, đã từng đề cập về đơn vị này trong một số bài báo từ rất sớm, năm 1983. Nhưng ISA hoạt động ra sao thì chưa hẳn ai cũng biết. Sau chiến dịch tiêu diệt Bin Laden tháng 5/2011, trong các dòng thông tin sự kiện thời sự lại không hề thấy một dòng tin nào viết về nhiệm vụ hay hoạt động của ISA.

Thế rồi tung tích của ISA cũng được tiết lộ, không bằng câu chuyện thực tế của ISA khi tham gia trong chiến dịch ở Pakistan, mà một cách gián tiếp qua câu chuyện trong những quyển truyện tranh dành cho người lớn ở Mỹ. Đó là bộ truyện tranh nhan đề "The Activity" của tác giả Nathan Edmondson và họa sĩ Mitch Gerads. Chỉ có cốt truyện là hư cấu, còn lại các chi tiết về hoạt động thu thập tin tình báo, cách thức hành động của các điệp viên trong câu chuyện được những thành viên cũ của ISA xác nhận là chính xác đến trên 90% là của ISA.

Chính tác giả Edmondson thừa nhận trên 50% quyển truyện của ông là câu chuyện có thật. Edmondson cho biết, trước khi viết quyển truyện tranh này, ông đã tìm gặp một số cựu sĩ quan và sĩ quan đương nhiệm cấp cao của quân đội Mỹ, những người từng tham gia chỉ huy hoạt động của ISA.

Ông cũng đến gặp một nhóm biệt kích SEAL và hỏi họ "cách thức tiến hành một chiến dịch ra sao", nhưng không buộc họ phải tiết lộ bí mật về các chiến dịch họ đã tham gia. Thế là Edmondson có được câu chuyện thật về ISA.

Theo một số tài liệu viết về ISA trước đây, đơn vị này được thành lập cách đây trên dưới 30 năm, khoảng đầu thập niên 80 thế kỷ trước. ISA có nguồn gốc xuất thân trong một đơn vị cũng tham gia các hoạt động gián điệp ở nước ngoài có tên gọi là Nhóm Tác chiến ở nước ngoài (FOG), từng tham gia nhiều phi vụ ở châu Mỹ và châu Á, đặc biệt là trong vụ giải cứu con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran, Iran. Khi nỗ lực giải cứu con tin lần đầu thất bại, người Mỹ không bỏ cuộc, triển khai ngay chiến dịch giải cứu lần 2 mang tên Honey Badger.

Một trong những bài học mà quân đội Mỹ rút ra được sau chiến dịch giải cứu lần 1 là hoạt động thu thập tin tức tình báo của CIA thường không thể đụng đến mảng thông tin chiến thuật cần thiết, do đó giá trị thông tin không cao, không thể phục vụ đắc lực cho chiến dịch.

FOG khi đó nhận thấy cần có một đơn vị thu thập tin tình báo riêng có thể đảm bảo chất lượng tin tình báo theo yêu cầu của chiến dịch. Vì thế, thay vì trông cậy vào CIA, quân đội Mỹ quyết định thành lập FOG. Với sự giúp sức của FOG, chiến dịch giải cứu con tin lần 2 đã thành công.

Về sau, quân đội Mỹ quyết định duy trì hoạt động của FOG, đổi tên và phát triển đơn vị này thành mạng lưới thu thập tin tình báo của riêng mình trên khắp thế giới. ISA ra đời mang sứ mệnh tình báo con người lẫn tình báo tín hiệu của quân đội, là lực lượng phối hợp hiệu quả bên cạnh các đơn vị biệt kích SEAL Team 6 và Delta Force.

Điệp viên ISA tham gia hầu như mọi chiến dịch của quân đội Mỹ trên khắp thế giới.

Theo mô tả của một cựu thành viên ISA, nói chung, công việc của ISA cũng không khác mấy so với CIA. Điệp viên ISA cũng xâm nhập vào các quốc gia trên thế giới với một vỏ bọc nào đó, theo dõi mục tiêu, đối tượng bằng hình thức theo dõi trực tiếp và bằng công nghệ can thiệp sóng di động để thu thập tín hiệu, và tùy theo nhiệm vụ, người của ISA cũng có thể dọn đường sẵn sàng cho biệt kích SEAL Team 6 hoặc Delta Force "đạp cửa xông vào" bắt giữ hoặc tiêu diệt đối tượng. Trong nhiều chiến dịch, ISA lãnh nhiệm vụ như một quân "tốt thí" để giúp Chính phủ Mỹ chối bỏ trách nhiệm.

Kể từ khi thành lập đến nay, ISA đã sát cánh tham gia rất nhiều phi vụ lớn và vô số phi vụ nhỏ trên khắp thế giới, hoạt động bên cạnh các đơn vị biệt kích SEAL Team 6 và Delta Force để hỗ trợ trong công tác thu thập tin tình báo. Ngay sau khi ra đời, ISA đã tham gia ngay vào các chiến dịch tình báo bí mật ở El Salvador, Guatemala, Honduras and Nicaragua.

Đơn vị này cũng từng tham gia trong các chiến dịch từ chiến dịch chống ma túy ở Colombia cuối thập niên 80 thế kỷ XX cho đến chiến tranh Bosnia, các chiến dịch chống khủng bố ở vùng Sừng châu Phi đầu thế kỷ XXI.

Nhiệm vụ đa dạng và rộng khắp, nhưng không như Delta Force hay SEAL Team 6, ISA luôn luôn tìm cách nép mình kín đáo, giữ vị trí khiêm tốn, không phô trương. Ngay cả tên gọi của đơn vị cũng không cố định.

Khi tham gia các chiến dịch, ISA thường được đặt cho các mật danh khác nhau, còn thành viên và hành động thực tế của đơn vị được giữ kín hoàn toàn, kể cả các sĩ quan cao cấp trong các đơn vị khác của quân đội cũng không được biết

Tiểu Khang (tổng hợp)
.
.