Lỗ hổng của tình báo Mỹ trong nỗ lực chống IS

Chủ Nhật, 02/11/2014, 23:45

Theo nhận định của giới chuyên gia phân tích, các cuộc không kích liên tục của Mỹ nhằm tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria và Iraq được tiến hành bất chấp những lỗ hổng tình báo gây khó khăn cho khả năng đánh giá tính hiệu quả của Lầu Năm Góc.

Hãng tin Asociated Press (AP) dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, Bộ Quốc phòng nước này hành động chủ yếu chỉ dựa vào khả năng thu thập thông tin của hệ thống vệ tinh, máy bay không người lái (drone) và các chuyến bay do thám nhằm xác định mục tiêu cho những cuộc không kích, cũng như đánh giá tổn thất về sau và thông kê số dân thường bị giết chết. Hệ thống như thế được coi là mâu thuẫn hoàn toàn với các mạng lưới căn cứ quân sự, điệp viên và công nghệ tình báo trên mặt đất được Mỹ triển khai trong giai đoạn cao trào của chiến tranh ở Iraq và Afghanistan.

Tình báo Mỹ và phương Tây “như đang bay" trong sương mù!

Theo tiết lộ từ giới quân sự Mỹ, những cuộc không kích có hiệu quả gây tổn thất và chặn đứng được phần nào bước tiến của IS cũng như Khorasan- một phân nhánh chiến binh cực đoan của Al-Qaeda. Nhưng các nhà phân tích độc lập nhận định: IS vẫn không suy suyển bao nhiêu và vẫn tiếp tục tấn công dữ dội tại Iraq và Syria, nơi chúng đang kiểm soát những vùng đất rộng lớn.

Theo một số nhân chứng, bom Mỹ đôi khi được ném xuống những tòa nhà trống rỗng mà bọn IS đã bỏ đi từ lâu! Chiến binh IS bắt đầu biết cách giấu mình và di chuyển vào ban đêm cũng như trà trộn vào cộng đồng dân cư để "thích nghi" với những trận mưa bom của Mỹ. Một sự thật khiến cho Thiếu tướng Không quân Mỹ Jeffrey L. Harrigian phải thốt lên: "Bọn chúng thật sự là kẻ thù thông minh cực kỳ".

Giới chức Mỹ lên tiếng rằng họ không thể loại trừ những thiệt hại con người bên lề, như Thiếu tướng Hải quân John Kirby, sĩ quan phụ trách báo chí của Lầu Năm Góc, phát biểu trước truyền thông vào đầu tháng 10 rằng: "Chúng tôi luôn hết sức cẩn trọng khi tiến hành các sứ mạng. Tuy nhiên, trong bất cứ chiến dịch quân sự nào cũng đều có nguy cơ". Về vấn đề theo dõi sự di chuyển của chiến binh cực đoan, giới chức Mỹ thừa nhận thông tin tình báo ở Syria và Iraq không tốt bằng ở Pakistan và Yemen khi CIA triển khai những chiến dịch drone".

Ở Syria, Mỹ không phối hợp hành động với lực lượng nổi dậy Quân đội Syria Giải phóng (FSA) ở mặt đất mặc dù có sự hỗ trợ về vũ khí và huấn luyện đối với nhóm này - theo Andrew Tabler, chuyên gia Viện về Chính sách Cận Đông Washington luôn theo sõi sát sao tình hình ở Syria. Còn CIA, nói chung, không nhiệt tình gửi sĩ quan tình báo đến Syria, trong khi các cơ quan tình báo đối tác Arập thường tập trung vào những vấn đề của riêng họ. Ở Iraq, Mỹ chỉ dựa vào báo cáo của quân đội và tình báo Iraq về IS, nhưng thông tin về những vùng đất nằm dưới sự kiểm soát của tổ chức này thì rất hạn chế.

Với lỗ hổng tình báo quá lớn về IS, Mỹ và phương Tây dường như đang "bay trong đám sương mù”! Trong một phát biểu mới đây, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Michael Rogers thừa nhận NSA hết sức vất vả tìm kiếm thông tin về IS và sự tiến triển quá nhanh của tổ chức cực đoan, và những gì biết được chỉ là sự chắp vá thông tin. Trung tuần tháng 9 vừa qua, Giám đốc Trung tâm Quốc gia Chống khủng bố (CTC) Matt Olsen cho biết tình hình Syria hiện nay cũng là "hộp đen" đối với cộng đồng tình báo Mỹ!

Theo Matt Olsen, công dân Mỹ luôn bị theo dõi khi du hành đến vùng biên giới Syria, nhưng việc ước tính con số chính xác các cá nhân gia nhập IS ở nước này là không thể! Trong một cuộc họp, Giám đốc Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) Jeh Johnson khẳng định bức tranh tình báo Mỹ về Syria là hết sức mơ hồ.

David DeWalt, CEO Công ty FireEye Inc.

Những đánh giá của tình báo Mỹ và phương Tây về số lượng chiến binh nước ngoài gia nhập IS thường xuyên thay đổi và không theo tiêu chuẩn nào. Ví dụ, có lúc CIA cho rằng số chiến binh nước ngoài gia nhập IS là khoảng 10.000 người, nhưng đến đầu tháng 9 người phát ngôn Ryan Trapani của CIA báo cáo con số "có thể từ 20.000 đến 30.000 người ở Syria và Iraq. Thậm chí còn mù mờ hơn nữa là đánh giá của các nước về mối đe dọa trực tiếp đến châu Âu và Mỹ.

Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ mô tả mối đe dọa từ các chiến binh nước ngoài ở Syria là "vô cùng nghiêm trọng", đồng thời tin rằng "hàng trăm công dân Mỹ" được IS huấn luyện ít nhất một lần có thể trở về nước tiến hành những cuộc tấn công khủng bố. Hà Lan cũng gia tăng mức cảnh báo về mối đe dọa tương tự đối với họ.

Một chiến binh nước ngoài (gỡ mạng che mặt) trong hàng ngũ IS.

Với những lỗ hổng và mâu thuẫn đáng kể trong bức tranh tình báo hiện nay, một trong các ưu tiên hàng đầu của phương Tây là tìm cách để thu thập thông tin tình báo hiệu quả và chính xác hơn. Sự chia sẻ thông tin giữa các đồng minh cũng được coi là một ưu tiên và sự trở về nước của chiến binh nước ngoài (nếu có thể xác định danh tính được) có thể là nguồn tình báo quan trọng nhưng trên hết là tình báo phương Tây cần nhanh chóng tạo lập các nguồn con người trong khu vực. Nếu không, chiến dịch quân sự của Mỹ và đồng minh sẽ kéo dài và không tập trung đúng mục tiêu. Một điều đáng lo ngại nữa là IS biết lợi dụng những thông tin tình báo mật mà Edward Snowden tiết lộ để tránh né tình báo Mỹ.

Matthew G. Olsen, lãnh đạo Trung tâm Quốc gia chống khủng bố (CTC) và cựu luật sư trưởng của NSA, phát biểu tại Viện Brookings: "Sau những tiết lộ từ Edward Snowden, IS đã thay đổi cách giao tiếp để tránh bị do thám. Chúng chuyển sang cách giao tiếp an toàn hơn, sử dụng mã hóa và cố tránh những giao tiếp điện tử. Đây là vấn đề tại nhiều khu vực mà chúng ta còn giới hạn về nguồn tình báo con người và phụ thuộc rất lớn vào hoạt động gián điệp điện tử để xác định ngăn chặn những âm mưu khủng bố".

Mối lo ngại IS mở cuộc tấn công mạng chống Mỹ

Một số chuyên gia chống khủng bố hoài nghi về khả năng sử dụng công nghệ thế kỷ XXI và tấn công mạng của IS. Hiện nay, quân số IS tăng mạnh một phần là nhờ bọn chúng biết sử dụng những trang mạng xã hội như Facebook, Twitter và YouTube để tuyển mộ tân binh. Cùng với sự phát tán video hành hình các công dân Mỹ và Anh như là công cụ khủng bố, Internet đang trở thành phương tiện truyền bá tư tưởng cực đoan của IS. Và, IS cũng được cho là đang khéo léo sử dụng Internet để tiến hành khủng bố mạng.

Vào giữa tháng 9 vừa qua, các chuyên gia an ninh và phân tích mạng của Mỹ cảnh báo vào một lúc nào đó IS có thể phát động cuộc chiến tranh mạng chống Mỹ và phương Tây. David De Walt, Giám đốc điều hành Công ty An ninh an ninh mạng toàn cầu Mỹ FireEye Inc. phát biểu trên tờ Financial Times: "IS gần như đã thành công trong việc sử dụng Internet để chiêu mộ chiến binh, phổ biến thông tin khủng bố và các chiến thuật đe dọa.

Hiện nay, chúng ta đã nhìn thấy một số dấu hiệu cho thấy IS đang cố gắng vận dụng vũ khí mạng". Giám đốc NSA Michael Rogers cảnh báo chính quyền Mỹ cần tăng cường khả năng phòng thủ chống lại những cuộc tấn công kỹ thuật số từ các nhóm khủng bố nguy hiểm như IS. Tuy nhiên, Craig Guiliano - chuyên gia Công ty an ninh TSC Advantage thì: "Tôi không nghĩ rằng bất cứ ai có bằng chứng cho thấy IS sẽ tấn công mạng hay có đủ sức mạnh để mở cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng nước Mỹ. Mặc dù có thể đó là mối đe dọa tiềm ẩn trong tương lai".

Craig Guiliano cho rằng, IS có rất ít cơ sở hạ tầng công nghệ, không có nhiều nguồn lực để phát động chiến tranh mạng chống Mỹ. So với các chiến dịch tấn công quy mô và được nhà nước bảo trợ của bọn hacker, IS tụt hậu rất xa.

Chiến binh Hồi giáo cực đoan sử dụng Internet để chiêu mộ tân binh.

Tuy nhiên, cũng có một vài nhân vật có thể giúp IS phát động chiến tranh mạng. Ví dụ như một hacker người Anh tên là Abu Hussain Al Britani bay đến Syria gia nhập IS và duy trì một tài khoản Twitter giúp chiêu mộ chiến binh. Năm 2012, Al Britani bị ngồi tù vì tội xâm nhập tài khoản Gmail của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair.

Mặc dù vậy, chuyên gia Jim Lewis ở Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) tỏ ra lạc quan: "Anh cần có một số nguồn lực. Anh cần sở hữu một vài loại công nghệ. Anh cần phải có một đội ngũ chuyên gia lập trình giỏi. Nhưng, IS không có các khả năng này". Không giống như hacker Trung Quốc có đầy đủ sức mạnh để tấn công các doanh nghiệp Mỹ nhằm đánh cắp bí mật thương mại và tài sản trí tuệ, phiến quân IS quan tâm nhiều hơn đến cuộc chiến tranh giành lãnh thổ và kiểm soát nó.

Ưu tiên hàng đầu của IS là giành kiểm soát những vùng đất từ ngoại ô thành phố Aleppo của Syria cho đến Falluja của Iraq để tạo dựng một nhà nước Hồi giáo thật sự hơn là tấn công xâm nhập kiểm soát các website của Mỹ. Jim Lewis cho rằng: "IS muốn xâm chiếm cả Trung Đông chứ không phải các website Mỹ".

Tuy nhiên, Lewis cũng dè chừng khả năng trong tương lai của IS bởi vì họ có các nguồn tài chính dồi dào để mua phần mềm độc hại trên thị trường đen chống lại phương Tây. Nhưng, các chuyên gia an ninh cho rằng IS chỉ có thể "quấy rầy" hơn là tấn công gây mất ổn định cơ sở hạ tầng nước Mỹ - loại tấn công mà các chuyên gia an ninh đặc biệt lo ngại.

Ví dụ, trong suốt cuộc xung đột vũ trang giữa Gaza và Israel thời gian qua, các nhóm hacker của cả hai phía đều cố gắng tung những cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS), sử dụng nhiều máy chủ nhằm gây quá tải trang web và đánh sập nó. Nhưng loại tấn công này khác xa hành động làm tê liệt hoạt động các nhà máy điện ở Mỹ hay tấn công các lò phản ứng hạt nhân.

Ngoài ra, có lẽ IS còn phải mất rất nhiều thời gian trước khi có đủ sức tấn công mạng nhằm vào các thể chế tài chính hàng đầu thế giới - đó là nhận định của Giáo sư John Cohen, điều phối viên chống khủng bố của Bộ An ninh Nội địa Mỹ

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.