Lời nguyền từ kho vàng dưới đáy đại dương

Thứ Tư, 05/06/2019, 16:17
Khoảng 30 năm trước, một kỹ sư người Mỹ có tên Tommy Thompson đã tìm được một chiếc tàu chở theo nhiều tấn vàng bị chìm dưới đáy đại dương.

Kho vàng lớn này có điều đã "đổi đời" tay kỹ sư theo một hướng hoàn toàn không mong muốn - ông phải đón nhận hàng loạt các rắc rối từ tòa án, chạy trốn và cuối cùng phải vào tù. Dù đã 3 thập niên trôi qua, nhưng hy vọng được trả tự do của Thompson vẫn còn rất xa vời…

Ngày 3-9-1857, chiếc tàu Central America nhổ neo từ cảng Colon của Panama nhằm hướng tới New York. Vào thời điểm đó, cơn sốt vàng tại Mỹ đang lên tới đỉnh điểm, khiến rất nhiều người mang trong hành lý nhiều thỏi vàng để đưa về nước. Ngay như viên thuyền trưởng cũng mang theo số vàng lớn trong túi trị giá tới 17,5 ngàn đôla khi đó.

Tính tổng cộng trong hành lý của khách đi tàu cũng có không dưới 3 tấn vàng. Chưa kể còn có thông tin cho biết, con tàu còn bí mật chở theo 15 tấn vàng làm nguồn cung cấp tài chính cho quân đội. Tất cả những tài liệu mật về số hàng hóa này đáng tiếc đã bị mất hết sau trận hỏa hoạn vì động đất tại San Francisco.

Sau chặng dừng chân tại La Habana, con tàu tiếp tục chặng hành trình với khoảng 600 hành khách trên boong. Rất nhiều người không thể ngờ rằng, đó là chuyến đi cuối cùng trong đời của mình. Hai ngày sau, Central America bị một trận bão lớn nhấn chìm xuống đáy đại dương. Hai con tàu đến hiện trường sau đó chỉ giúp cứu được mạng sống của hơn 150 người.

Bản đồ kho báu

Vào cuối những năm 1970, kỹ sư hàng hải mới tập sự Tommy Thompson bắt đầu quan tâm hỏi han những người từng tham gia tìm kiếm những con tàu bị đắm. Nhưng sự không chuyên nghiệp của những người săn kho báu đã khiến anh ta thất vọng.

Tommy Thompson và một đồng tiền vàng lấy từ tàu Central America.

"Trong các chiến dịch của họ hầu như không có phương tiện kỹ thuật hỗ trợ, cũng như được triển khai một cách không theo hệ thống" - Thompson giải thích.

Thompson quyết định phải thử vận may, nhưng phải tiếp cận một cách khôn ngoan hơn. Nếu như các ông chủ đặt hàng thường yêu cầu tìm kiếm tại những khu vực nước nông, thì Thompson lại coi đây là sai lầm lớn. Gần như tất cả những con tàu dễ tiếp cận, chủ yếu là bị đắm không xa bờ, đều đã bị khai thác từ lâu. Một kho báu thực sự phải nằm tại nơi những người khác chưa thể lần tới.

Với quan điểm trên, Central America rõ ràng là một mục tiêu hấp dẫn. Đã có nhiều truyền thuyết về số vàng con tàu này mang theo.

Thậm chí vụ đắm tàu này còn được gán là một trong những nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng tài chính đầu tiên trong lịch sử thế giới đã kéo dài trong nhiều năm. Việc không ai biết con tàu chính xác nằm ở đâu được Thompson coi đây là một lợi thế - đơn giản là số vàng vẫn còn nguyên vẹn dưới đáy đại dương.

Thompson và người bạn thân, nhà địa chất Bob Evans, trong suốt 4 năm liền đã đào bới rất nhiều kho tài liệu lưu trữ để tìm kiếm mọi thông tin có thể về con tàu Central America. "Chúng tôi còn xây dựng các kịch bản bị đắm của con tàu - Evans nhớ lại - Đây là một quy trình có ứng dụng toán học. Chúng tôi xử lý các phép lặp để kiểm tra lại dữ liệu cẩn thận".

Theo tài liệu, thuyền trưởng chiếc tàu Nauy "Ellen" đã ghi lại tọa độ vị trí nơi con tàu của ông đã cứu vớt được một số hành khách của Central America khoảng 6 tiếng sau khi bị đắm. Một tọa độ khác cũng được con tàu "Eldorado" ghi lại khi đi qua khu vực con tàu bị đắm khoảng 1 tiếng rưỡi sau thảm kịch.

Nhóm của Thompson còn tìm được một tọa độ khác được ghi trong cuốn tạp chí hàng hải. Tất cả những tọa độ trên có độ chênh nhau lên tới cả trăm kilomet.

Sau khi sử dụng các phép tính toán về thời gian, hướng di chuyển của các con tàu và cả báo chí khi đó đó đưa tin về thời điểm chúng cập cảng, Thompson đi đến kết luận: tọa độ của chiếc "Ellen" ghi lại là chính xác nhất. Bước tiếp theo là phải thuê tàu để ra kiểm tra trực tiếp.

Tìm kiếm xác tàu đắm

Để bắt đầu công cuộc tìm kiếm tất nhiên phải cần có không ít tiền. Thompson có vẻ không gặp nhiều khó khăn trong việc tìm các nhà đầu tư, khi sự tỉ mỉ của anh ta đã thuyết phục được họ. Tính ra, có tới 161 nhà đầu tư đã góp được tổng cộng 12,7 triệu đôla cho dự án thám hiểm và trục vớt chiếc Central America.

Theo các điều kiện của thỏa thuận, họ sẽ nhận được 2/3 số vàng được tìm thấy, số còn lại do Thompson và người của mình chia nhau. Thành viên được coi là quý giá nhất tham gia chiến dịch là nhà địa vật lý Mike Williamson.

Từ giữa những năm 1980, công ty của ông này đã có được thiết bị định vị bằng âm thanh hiện đại SeaMARK 1A, có thể giúp dò quét đại dương ở độ sâu tới 5 kilomet. Nếu không có thiết bị như vậy, việc tìm kiếm một con tàu đắm là chuyện gần như không thể.

Kho báu trên tàu chụp ngay từ dưới đáy đại dương.

Sau khi hoàn tất các bước chuẩn bị, nhóm tìm kiếm của Thompson bắt đầu xuất phát tới tọa độ theo dự kiến. Ban đầu mọi chuyện có vẻ như đều chống lại họ: dòng chảy, thời tiết, các thiết bị trục trặc. Trong 40 ngày đầu tiên, con tàu tìm kiếm đã dò quét một khu vực rộng tới 3.500 kilomet vuông. Williamson còn không đồng ý với kế hoạch của Thompson, thường xuyên cãi nhau gay gắt với ông.

Mô hình toán học để xác định vị trí con tàu hóa ra lại khá chính xác: chiếc Central America được tìm thấy tại một trong những khu vực được đánh giá có khả năng nhất. Các mảnh vỡ của con tàu nằm ở vị trí cách bờ biển South Carolina 300 kilomet, tại độ sâu 2.200 mét. Trở về sau chuyến khảo sát thành công, Thompson đã thiết kế và chế tạo thành công một chiếc tàu ngầm robot có thể tự lặn xuống lấy vàng và mang lên mặt biển.

Cho dù tất cả những thành viên đoàn thám hiểm đã ký thỏa thuận không tiết lộ thông tin, nhưng các đối thủ cạnh tranh bằng cách nào đó đã đánh hơi được thành công ban đầu của Thompson.

Ông cũng biết rằng, đã có ít nhất hai nhóm tìm kiếm đang lặng lẽ theo dõi con tàu của mình. Một trong số này được trang bị không hề thua kém, hoàn toàn có thể tiếp cận kho vàng dưới đáy biển nhanh hơn. Để có thể bảo vệ thành quả của mình, Thompson đã liên hệ với tòa án để có được giấy phép độc quyền khai thác tại khu vực con tàu đắm.

Trong suốt cả năm 1988, tàu ngầm robot của Thompson đã lặn khảo sát được khoảng 5% số mảnh vỡ của con tàu, đồng thời chuyển lên được 2 tấn vàng (tổng trị giá khoảng 76 triệu đôla).

Chạy trốn

Dù sớm hay muộn, kho báu được trục vớt của Thompson chắc chắn sẽ có những kẻ tìm cách tranh giành. Đối thủ xếp hàng đầu chính là các công ty bảo hiểm. Vấn đề là một phần số hàng hóa trên chiếc Central America trước đó đã được mua bảo hiểm tại London và New York.

Những thỏi vàng được trục vớt từ Central America.

Sau khi phải xuất tiền đền bù thiệt hại, những công ty bảo hiểm trên trở thành chủ nhân hợp pháp của số vàng dưới đáy biển. Họ cũng đã từng tổ chức tìm kiếm nhưng không có được kết quả gì. Việc tìm kiếm và trục vớt một kho báu như vậy với những phương tiện kỹ thuật của thế kỷ XIX khi đó là điều không thể.

Dù đã trải qua hơn 130 năm, nhưng các ông chủ bảo hiểm vẫn chưa quên số vàng trên tàu Central America đang thuộc về ai. Tính ra có tổng cộng 39 hãng bảo hiểm nộp đơn đòi quyền sở hữu kho báu được Thompson trục vớt.

Cũng vì những trò kiện tụng này, Thompson trong suốt 10 năm đã không thể tiếp tục tìm kiếm hay thậm chí bán được dù chỉ một phần số vàng đã lấy được. Mọi chuyện chỉ được phân định rõ ràng vào năm 1996 khi tòa phán quyết công ty của Thompson có quyền sở hữu 92% số vàng tìm thấy, còn 8% còn lại chia cho các hãng bảo hiểm.

Đến năm 2000, Thompson dù sao cũng bán được 532 thỏi vàng và hàng ngàn đồng tiền vàng của tàu Central America với giá trị khoảng 50 triệu đôla. Giờ đây, ông phải tính đến chuyện thanh toán cho các nhà đầu tư và nhóm tìm kiếm của mình. Nhưng đến năm 2005, Thompson lại bị hai nhà đầu tư kiện ra tòa. Một năm tiếp theo là 9 thành viên trong nhóm tìm kiếm, trong đó có cả Mike Williamson.

Những chủ đơn này đã nhanh chóng hiểu ra rằng, việc tìm ra Thompson cũng chẳng hề dễ dàng hơn chiếc tàu đắm. Điều tra sau đó cho thấy, ông ta đã chuồn tới ẩn náu tại Florida. Để tránh khả năng bị phát hiện, Thompson đã đăng ký dưới tên khác, làm giấy tờ giả mạo và không hề sử dụng thẻ ngân hàng. Ông ta thuê một biệt thự sang trọng tại thị trấn Vero Beach trong 6 năm, trả hoàn toàn bằng các xấp tiền mặt.

Năm 2012, tòa án chính thức ra trát truy nã Thompson. Khi đó, biến mất cùng với ông ta là nữ trợ lý, đồng thời là nhân tình Alison Antekeier. Khi các nhà chức trách lần ra được căn biệt thự thì cặp tình nhân này đã cao chạy xa bay. Cảnh sát thu được tại đây 12 chiếc điện thoại di động dùng một lần cùng nhiều loại giấy tờ ngân hàng khác.

Lần này, Thompson còn thận trọng hơn nữa trong việc lẩn trốn. Antekeier thuê cho ông ta một căn phòng khách sạn tại thị trấn nghỉ mát Boca Raton. Cả hai đều cố gắng hạn chế thấp nhất việc phải chường mặt ra đường, đi bộ là chính, còn khi phải đi xe buýt hay taxi luôn áp dụng mọi biện pháp để tránh bị theo dõi.

"Thompson rất thông minh - có thể nói là một trong những kẻ chạy trốn thông minh nhất mà cơ quan cảnh sát Mỹ từng phải truy tìm" - một thám tử có tên Peter Tobin đã phải nhận xét như vậy. 

Dù gì đến tháng Giêng 2015, Antekeier cũng đã bị lần ra và theo dõi, giúp xác định được căn phòng khách sạn mà Thompson đang ẩn nấp. Tại chiếc két sắt trong căn phòng này, người ta tìm được 2 chiếc vali chứa 420 ngàn đôla tiền mặt và một số giấy tờ chứng tỏ Thompson và người tình đã lập kế hoạch trốn khỏi nước Mỹ để xin cư trú tại quốc gia khác.

Trả giá vì lòng tham

Tháng 4-2019, 12 thành viên nhóm tìm kiếm và một số nhà đầu tư đã nhận được số tiền đền bù của mình, dù đã giảm sút đáng kể so với họ dự tính từ 30 năm trước. Còn đối với Thompson thì mọi chuyện vẫn chưa thể kết thúc.

Ông ta vẫn chưa thể được trả tự do, chừng nào còn chưa tiết lộ địa điểm cất giấu 500 đồng tiền vàng có tổng trị giá khoảng 2 triệu đôla. Viên kỹ sư này quả quyết đã chuyển số vàng trên ra nước ngoài để ủy thác cất giữ, nhưng không biết số phận tiếp theo của số tài sản này ra sao.

Cụ thể là vào năm 2010, Thompson qua Internet đã tìm được một người hứa hẹn sẽ chuyển giúp số tiền vàng trên tới Belize. Antekeier đã trực tiếp gặp gỡ người này, chuyển cho ông ta 5 vali tiền vàng. Nhưng từ đó, nhân vật này đã bặt tăm.

Tất nhiên, phía tòa án rất khó có thể tin vào câu chuyện trên. Thompson vẫn cứ ngồi tù, tỏ vẻ hối tiếc vì đã dấn thân vào chuyện tìm kiếm kho báu.

"Nếu như cậu ấy có cơ hội làm lại từ đầu, cậu ấy sẽ không bao giờ lao vào chuyện tìm kiếm kho vàng nữa - Người anh họ của Thompson khẳng định với báo chí như vậy - Không ai có thể đặt cược cả cuộc sống của mình chỉ vì một mớ vàng như vậy".

Kim Lai (tổng hợp)
.
.