Lời thú nhận muộn màng của nhân viên tình báo Gera Katona

Chủ Nhật, 30/09/2007, 08:00
Năm nay 76 tuổi, Geza Katona đang sống những năm tháng cuối đời tại một căn hộ ở thủ đô Budapest của Hungari. Ông thấy mình như trút được gánh nặng sau khi tiết lộ với mọi người về nhiệm vụ hoạt động nằm vùng của mình, với tư cách là điệp viên của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), trong cuộc bạo loạn diễn ra tại thủ đô Budapest từ ngày 23/10 đến 10/11/1956.

Tiết lộ của Katona đã khiến nhiều người ngạc nhiên, vì từ trước đến nay, CIA vẫn luôn phủ nhận vai trò của mình liên quan đến cuộc bạo loạn. Vậy Katona đã tiết lộ những bí mật gì?

Geza Katona sinh năm 1931 tại thủ đô Budapest trong một gia đình người Hungari gốc Do Thái. Năm 1936, khi phong trào bài người Do Thái lan tràn tại các quốc gia Đông Âu, gia đình Katona tìm cách đến Pháp rồi từ đó đến Mỹ. Năm 1952, khi còn học tại Đại học Chicago, bang Illinois, Mỹ, Katona được CIA tuyển dụng.

Vào thời kỳ đó, sau sự kiện hàng loạt các quốc gia Đông Âu tuyên bố thành lập chế độ XHCN, trong đó có Hungari vào tháng 9/1949, Mỹ và các quốc gia phương Tây tìm mọi cách phá hoại sự tồn tại chế độ XHCN tại các quốc gia này bằng các biện pháp như tiến hành chiến tranh tâm lý và tuyên truyền thông qua việc thành lập Đài Phát thanh châu Âu tự do (RFE), cài cắm điệp viên nằm vùng để xây dựng các mạng lưới điệp báo nhằm tổ chức phá hoại từ bên trong... Và đây chính là lý do để CIA tuyển dụng Katona, một người Hungari nhập cư.

Cảnh báo loạn tại thủ đô Buda-Pét vào tháng 10/1956.

Năm 1955, sau thời gian được huấn luyện về nghiệp vụ tình báo, Katona được điều động đến nhận nhiệm vụ trợ lý cho Tham tán văn hóa của Sứ quán Mỹ tại thủ đô Budapest.

Vào thời kỳ đó, tại Hungari đang diễn ra cuộc đối đầu quyết liệt giữa Imre Nagy, Thủ tướng có tư tưởng cấp tiến, và Matyas Rakosi, Tổng bí thư đảng Cộng sản Hungari, người luôn có tính nguyên tắc cao, luôn phản đối các chủ trương cải cách của Thủ tướng Nagy.

Đây chính là khe hở mà CIA tìm cách lách vào để tổ chức phá hoại nội tình Hungari. Nhiệm vụ này được đích thân Giám đốc CIA Allen Dulles giao cho Katona.Từ đầu năm 1956, ở cương vị trợ lý Tham tán văn hóa của Sứ quán Mỹ tại thủ đô Budapest, Katona tổ chức nhiều cuộc viếng thăm, tọa đàm, giao lưu với các tổ chức sinh viên và giới văn nghệ sĩ, tập trung chủ yếu tại thủ đô Budapest.

Thông qua đó, Katona tiến hành móc nối để tuyển dụng nhiều cộng tác viên hoạt động trong đường dây điệp báo nằm vùng của mình. Trong số đó có những cộng tác viên tích cực như Bela Kiraly, nghệ sĩ, nhà báo và là một trong những chỉ huy cuộc bạo loạn vào tháng 10/1956; Jeno Sujanski, Chủ tịch Hội Sinh viên của Đại học Tổng hợp Budapest, một trong những lãnh đạo sinh viên tham gia cuộc bạo loạn.

Những cộng tác viên mà Katona tuyển dụng được bí mật đưa đến các căn cứ của CIA xây dựng dọc theo biên giới Áo - Hungari, đội lốt các Trại Thanh niên tự do tình nguyện. Tại đây, những người này được huấn luyện nghiệp vụ xách động biểu tình, phá hoại, chống theo dõi và biện pháp đối phó với các cuộc thẩm vấn nếu chẳng may bị bắt giữ.

Các cộng tác viên cũng được huấn luyện cách sử dụng điện đài, gửi và nhận tài liệu, chỉ thị qua các hộp thư chết. Mỗi khóa huấn luyện chỉ kéo dài trong vòng 10 ngày và cứ cách nhau vài tháng CIA lại tổ chức khóa huấn luyện mới.

Do hoạt động có tổ chức và được giữ hoàn toàn bí mật, nên suốt một thời gian dài Cơ quan An ninh Hungari (AVH) vẫn không phát hiện ra mạng lưới điệp báo nằm vùng của Katona.

Điều khiến Katona luôn qua mặt được sự để ý của AVH là điệp viên nằm vùng này luôn tổ chức công khai các hoạt động chuyên đề văn hóa mang tính cách ngoại giao của mình và chỉ để lại những mật lệnh liên lạc được mã hóa cho các cộng tác viên.

Khi mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, Katona nhận được lệnh phải án binh bất động, không tổ chức các cuộc tiếp xúc với các cộng tác viên trong thời gian xảy ra cuộc bạo loạn, một mặt nhằm tránh cho việc Mỹ bị quy trách nhiệm có liên quan đến cuộc bạo loạn một khi bị thất bại, mặt khác nhằm tránh cho mạng lưới điệp báo của Katona bị phá vỡ.

Nhiệm vụ hỗ trợ, xách động cuộc bạo loạn sẽ do một công cụ khác của CIA đảm nhận, đó là Đài Phát thanh châu Âu tự do.Khởi đầu từ ngày 23/10/1956, cuộc bạo loạn nhanh chóng bị trấn áp và chấm dứt vào ngày 10/11/1956. Khi biết chắc là cuộc bạo loạn sẽ gặp thất bại, CIA ra lệnh cho Katona gấp rút giải thể mạng lưới điệp báo nằm vùng của mình.

Toàn bộ các cộng tác viên và điệp viên nội gián (theo tiết lộ của Katona là lên đến con số 21 người) được lệnh trà trộn vào dòng người Hungari tị nạn chạy sang lãnh thổ Áo. Tại đây, sau khi được kiểm tra và sàng lọc, tất cả những người này đều được CIA tuyển dụng làm việc trong các tổ chức phản động lưu vong của người Hungari tại nhiều quốc gia phương Tây.

Tuy sứ mạng không hoàn thành trọn vẹn nhưng điệp viên nằm vùng Katona vẫn tiếp tục làm việc tại Sứ quán Mỹ ở thủ đô Budapest cho đến năm 1960. Năm 1962, Katona được đề bạt làm Trưởng chi nhánh CIA tại thủ đô Warsaw của Ba Lan và đến năm 1968 được điều động về lại trụ sở của CIA tại Langley, làm việc tại bộ phận Đông Âu.

Năm 1990, khi chế độ XHCN ở Hungari sụp đổ, Katona được bổ nhiệm vào chức vụ cố vấn cho cơ quan tình báo mới ở Hungari. Năm 1994, Katona thôi làm việc cho CIA nhưng được mời làm Chỉ huy Cục Phòng chống tội phạm có tổ chức của Bộ Nội vụ Hungari, chức vụ mà ông ta đảm nhận cho đến khi về hưu vào năm 1999.

Người ta không hiểu nguyên nhân tại sao Katona, một cựu điệp viên của CIA, bỗng nhiên lại tiết lộ những bí mật về việc CIA có dính dáng đến cuộc bạo loạn tại Hungari vào tháng 10/1956. Đơn giản vì ông ta không muốn phải giữ mãi một bí mật mà lịch sử muốn làm sáng tỏ

Văn Hòa (theo CiCentre)
.
.