Lực lượng an ninh Nga phòng chống gián điệp

Chủ Nhật, 28/10/2007, 16:45
Nga là nước được cơ quan gián điệp nhiều nước trên thế giới dòm ngó. Điều đó thể hiện qua con số gián điệp nước ngoài tung vào Nga ngày càng đông, số người Nga được tình báo nước ngoài tuyển mộ làm việc cho họ cũng ngày càng nhiều, chi tiêu của các nước phương Tây phục vụ hoạt động gián điệp ở Nga hàng năm gia tăng 15-20%.

Nhưng vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Trong 9 tháng đầu năm 2007, các lực lượng an ninh Liên bang Nga (FSB) đã ngăn chặn và vô hiệu hóa hoạt động của 47 gián điệp thuộc cơ quan tình báo nước ngoài. Nếu tính từ năm 2003 đến nay, thì con số gián điệp bị Nga vô hiệu hóa  là gần 350.

Đại tướng Nikolai Patrushev - Giám đốc FSB cho biết: Các cơ quan tình báo nước ngoài quan tâm trước hết đến những thông tin về tình hình chính trị và kinh tế - xã hội ở Nga, những biện pháp của Ban lãnh đạo nhằm củng cố nhà nước, sự toàn vẹn lãnh thổ và kinh tế, bảo vệ lợi ích dân tộc trên trường quốc tế, kể cả phản ứng đối với diễn biến tình hình tại các nước SNG.

Đặc biệt, họ rất quan tâm đến khả năng chiến đấu và tình hình cải tổ các lực lượng vũ trang, nhất là bộ đội tên lửa - hạt nhân, sự phát triển của tổ hợp công nghiệp quốc phòng, các loại vũ khí mới, các công trình khoa học, tình hình ở Bắc Kavkaz, Sibir và các vùng Viễn Đông, tài nguyên thiên nhiên và cơ sở hạ tầng khai thác, cũng như sự vận chuyển các tài nguyên đó v.v...

Trong giai đoạn hiện nay, gián điệp nước ngoài rất quan tâm tới các cuộc bầu cử Duma quốc gia (ngày 2/12), bầu Tổng thống (tháng 3/2008), và sự phân bố lực lượng thể hiện trong việc ủng hộ các chính đảng vào Duma, người kế nhiệm Tổng thống V.Putin, cũng như hoạt động của lực lượng đối lập.

Nhiều nước phương Tây cho đến nay vẫn giữ những quan điểm chính trị thời Chiến tranh lạnh, tiếp tục thực hiện những âm mưu phá hoại Liên bang Nga, lôi kéo từng bộ phận ly khai khỏi Nhà nước Liên bang, mà trước hết là các nước cộng hòa ở vùng Bắc Kavkaz.

Ông Patrushev khẳng định rằng, các nước NATO chưa khi nào ngừng tăng cường hoạt động gián điệp chống nước Nga. Gián điệp Anh len lỏi vào Nga không phải chỉ để thu thập các bí mật quốc gia, mà còn tìm mọi cách gây ảnh hưởng tới diễn biến tình hình nội bộ của Nga.

Các cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ âm mưu cài cắm và phát triển mạng lưới điệp viên trong các tầng lớp chính khách thượng lưu và doanh nghiệp lớn tại các địa phương có nhiều tín đồ Hồi giáo. Còn gián điệp Pakistan lại ra sức luồn sâu, leo cao tiếp xúc giới quân nhân để “đánh cắp” những bí mật quân sự, đặc biệt đối với những kỹ thuật lưỡng dụng sử dụng cả trong lĩnh vực dân sự lẫn quân sự.

Các cơ quan tình báo CIA của Mỹ và SIS của Anh (Secret Intelligence Service) thì ráo riết hợp tác với các đồng nghiệp Ba Lan, Gruzia, các nước Baltic (Latvia, Litva và Estonia) và nhiều nước khác nhằm tăng cường hoạt động gián điệp trong mọi lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội...

Trong những năm gần đây, lợi dụng xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, mở rộng giao lưu giữa các nước, các cơ quan gián điệp nước ngoài thường sử dụng các tổ chức phi chính phủ (NGO) để thu thập thông tin tình báo, đồng thời coi NGO như những công cụ bí mật gây ảnh hưởng tới các quá trình chính trị của các nước.

Phân tích diễn biến tình hình ở một số nước Đông Âu và Trung Á trong mấy năm vừa qua có thể thấy rõ vai trò “con dao hai lưỡi” của không ít các tổ chức NGO. Ông Patrushev tiết lộ rằng một số tổ chức NGO cũng đã đóng vai trò “trung gian”, “cầu nối” đưa nguồn nhân lực và tài chính vào Nga để tổ chức các hoạt động gián điệp thu thập thông tin mật và thực hiện các vụ khủng bố phá hoại ở Bắc Kavkaz. Đương nhiên, các hoạt động đó cũng không nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan phản gián Nga.

Theo ông Patrushev, nhờ các thành tựu khoa học - kỹ thuật hiện đại, đặc biệt trong lĩnh vực thông tin liên lạc, việc truyền tin trở nên dễ dàng, thuận tiện và nhanh chóng hơn trước kia rất nhiều.

Thế nhưng, cái gì cũng có mặt ưu điểm và nhược điểm, những thiết bị liên lạc hiện đại nhất, tưởng như kín đáo nhất, cũng không thể che được mắt Cơ quan Phản gián Nga. Các nhân viên SIS đội lốt nhà ngoại giao làm việc tại Đại sứ quán Anh ở Moskva đã bị vạch trần tháng 12/2005 chính là từ khâu thông tin liên lạc.

Họ đã lắp một thiết bị đặc biệt giả dạng ắcquy trong máy tính xách tay, làm việc ở tần số của hầu hết các mobile phones. Người Anh trang bị chiếc máy tính xách tay này cho một trong những điệp viên của họ.

Nhân viên tổng hành dinh ở rất xa và không cần phải liên lạc trực tiếp với điệp viên của mình, thì từ chiếc “ắc quy giả dạng” đó vẫn phát về đầy đủ thông tin mà nó thu được. Ngoài ra, gián điệp Anh còn trao cho một điệp viên người Nga chương trình đặc biệt làm việc trên máy tính mà không để lại bất cứ dấu vết nào trên đĩa cứng.

Ngăn chặn và vô hiệu hóa các hoạt động gián điệp, theo ông Patrushev, đấy mới chỉ là một mặt của FSB. Một nhiệm vụ rất quan trọng khác của FSB là hợp tác với các đồng nghiệp nước ngoài.

Hiện nay, FSB có các mối quan hệ khăng khít và thường xuyên với 136 cơ quan an ninh và cơ quan đặc biệt của 76 nước, trước hết là với các nước SNG tham gia Hội đồng lãnh đạo các cơ quan an ninh (SROB). Mấy năm gần đây, nhiều đồng nghiệp Tây Âu rất chú ý tới kinh nghiệm hợp tác giữa các nước SNG trên mặt trận đấu tranh bảo vệ an ninh.

Tại các hội nghị của SROB, các đồng nghiệp Italia, Pháp, Đức, Tây Ban Nha được mời tham dự với tư cách quan sát viên. Ngoài ra, trong phạm vi SROB cũng vận dụng những cơ chế phối hợp hành động theo các cơ quan công tác của nhóm G-8, cũng như theo các nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và các tổ chức quốc tế và khu vực khác

Ngô Gia Sơn (theo Interfax và RIA-Novosti)
.
.