MI-5 tuyển mộ người Hồi giáo làm chỉ điểm

Thứ Tư, 20/11/2013, 18:35

Mùa hè năm 2013, sau khi gây ra vụ tranh cãi ầm ĩ việc giam giữ David Miranda - đối tác của nhà báo Glenn Greenwald trong vụ tiết lộ thông tin gián điệp nghe lén liên quan đến Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) do người tố giác Edward Snowden cung cấp - giới chức an ninh sân bay quốc tế Anh Heathrow Airport tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận về một đạo luật khó hiểu trước đó của Anh mang tên "Schedule 7".

Điều khoản của "Schedule 7" cho phép giới chức sân bay được quyền chặn bất cứ ai ở các lối vào nước Anh trong thời gian 9 giờ mà không cần có bằng chứng hay thậm chí nghi ngờ dính líu đến tội phạm. Lợi dụng việc này, các cơ quan tình báo Anh  chặn bắt các đối tượng “tiềm năng” để tuyển mộ làm chỉ điểm viên cho họ.

Ahmed (người muốn được giấu tên thật) bị giữ lại tại sân bay Heathrow Airport lần đầu tiên vào năm 2006, khi đó anh trở về Anh sau chuyến đi đến Jordan để học tiếng Arập. Anh bị 4 người đàn ông kèm sát khi xuống máy bay, bị thẩm vấn suốt 9 giờ về chuyến đi, gia đình và thánh đường Hồi giáo. Tiếp đến, nhóm thẩm vấn - tự xưng là nhân viên Cơ quan tình báo nội địa Anh MI-5 - và cảnh sát an ninh quốc gia Special Branch tiến hành lấy dấu vân tay và chụp ảnh. Cuối cùng, họ lục soát hành lý, tịch thu các tập sách học tiếng Arập.

Ahmed cho biết: Tôi cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Họ cố gắng chứng tỏ cho anh cảm thấy như mình là tội phạm". Tài sản tịch thu từ Ahmed sẽ được giữ lại trong vòng 7 ngày. Bất cứ thông tin nào trên điện thoại di động, máy tính hay các thiết bị điện tử khác có thể được nhân viên an ninh tải xuống và sao chép để lưu trữ. Nếu từ chối trả lời các câu hỏi của nhóm thẩm vấn, đối tượng có thể bị coi là “có hành vi tấn công mang tính tội phạm”.

Alice Wyss thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) - một trong những nhóm nhân quyền kêu gọi xem xét lại "Schedule 7" - mô tả quyền lực của nhân viên MI-5 là "xâm hại" và có thể gây hậu quả không hay cho các đối tượng bị chặn giữ tại sân bay quốc tế. Ahmed cho biết, trong suốt thời gian bị giữ chân, anh được sĩ quan MI-5 yêu cầu "phải nhiệt tình hợp tác với chúng tôi".

Mahdi Hashi (trái) và Asim Qureshi, Giám đốc điều hành và nghiên cứu của Cage Priso.

Câu chuyện đến đây vẫn chưa chấm dứt. Vài tháng sau, Ahmed một lần nữa bị giam giữ tại một sân bay khác ở Anh. Lần này, một sĩ quan MI-5 thẳng thắn hơn đối với Ahmed khi đề nghị: "Có nhiều cách để chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau". Viên sĩ quan này trao cho Ahmed một thẻ ghi số điện thoại và yêu cầu cung cấp thông tin về những người Hồi giáo khác mà cơ quan tình báo quan tâm.

Ahmed nhấn mạnh, anh không hề dính líu đến bọn khủng bố hay Hồi giáo cực đoan. Ahmed sống trong khu ngoại ô nghèo khó của London và đạo Hồi đã thay đổi nhận thức và lý tưởng của anh. Những diễn biến tiếp theo là sĩ quan MI-5 bắt đầu gọi điện thoại đến nhà cha mẹ của Ahmed, nơi anh sống chung. Vào một ngày Ahmed vắng mặt, viên sĩ quan này và Special Branch tìm đến căn nhà để hỏi han về anh.

Một buổi sáng khác, nhân viên đưa thư chạy mô tô đến gõ cửa nhà Ahmed, trao cho cha của anh một gói giấy màu nâu có đề tên người nhận là "Ahmed". Sau khi mở gói giấy, Ahmed nhìn thấy hộp đựng chiếc điện thoại di động Nokia mới với dòng chữ "Hãy mở máy". Ahmed nhận ra một số điện thoại được ghi sẵn trong danh mục - đó là con số mà sĩ quan MI-5 trao cho anh ở sân bay.

Không bao lâu sau đó, khi trở về Anh sau chuyến hành hương đến thánh địa Mecca cùng với gia đình, Ahmed lại bị chặn giữ ở sân bay để thẩm vấn suốt 5 giờ. Và lần này mẹ của anh cũng bị giữ lại. Ahmed quyết định gọi điện thoại cầu cứu một luật sư bảo vệ quyền công dân. Tuy nhiên, trước khi Ahmed gửi đơn kiện đến tòa án thì mọi cuộc gọi điện thoại, những cuộc viếng thăm, những gói giấy đáng ngờ và cả những sự cầm giữ tại sân bay bất ngờ chấm dứt.

Một nữ phát ngôn của Bộ Nội vụ Anh khẳng định rằng, các lực lượng an ninh thường tìm đến thăm nhà của những người bị chặn giữ ở sân bay theo luật "Schedule 7". Không giống như những trường hợp giam giữ người ở sân bay, lúc đó sự từ chối trả lời các câu hỏi của nhân viên an ninh được coi là bất hợp pháp, các cá nhân không bị bắt buộc phải hợp tác trong những cuộc viếng thăm nhà của nhân viên an ninh mặc dù - như nữ phát ngôn giải thích - "rõ ràng là khi một cá nhân có thông tin về những người dính líu đến khủng bố, chúng tôi đều khuyến khích chia sẻ thông tin".

Một số nhà hoạt động nhân quyền có nhận xét khác về những cuộc thẩm vấn ở sân bay của nhân viên an ninh. Asim Qureshi, Giám đốc điều hành và nghiên cứu của Cage Prisoners - nhóm làm việc với những người bị tác động bởi cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu - tuyên bố: "Họ lợi dụng bầu không khí lo sợ về khủng bố để khai thác con người". Theo Asim Qureshi, việc đến thăm nhà và gây sức ép buộc cung cấp thông tin mà không có sự hiện diện của luật sư chẳng khác nào hành vi đe dọa.

Nhiều báo cáo về chiến dịch tuyển mộ người Hồi giáo trẻ tuổi làm chỉ điểm của tình báo Anh đã phơi bày trước công chúng trong những năm qua. Năm 2009, 5 thanh niên Hồi giáo kể với tờ Independent rằng, họ đã bị ép buộc làm việc cho MI-5. Một trong số đó là Mahdi Hashi, người về sau bị bắt giam và tước đoạt quyền công dân sau khi về thăm gia đình ở Somalia.

Tháng 12/2012, Mahdi Hashi xuất hiện tại một tòa án Mỹ và đối mặt với sự buộc tội liên quan đến khủng bố - một cáo buộc mà anh luôn phủ nhận. Hay như trường hợp của Michael Adebolajo, nghi phạm trong vụ đâm chết binh sĩ Anh Lee Rigby ở London vào tháng 5/2013, cũng được MI-5 tuyển mộ trước khi xảy ra vụ tấn công chết người

Diên San (tổng hợp)
.
.