MI-6 cảnh báo về hoạt động tình báo nước ngoài đang gia tăng tại Anh
Đó là một phần trong nội dung báo cáo đặc biệt mà Giám đốc Cơ quan Tình báo hải ngoại Anh (MI-6) John Scarlett gửi cho Chính phủ Anh vào trung tuần tháng 2/2009 và được báo The Daily Telegraph của Anh đăng tải vào ngày 25/2/2009.
Trong báo cáo của mình, MI-6 lưu ý: "Trong quá khứ, hoạt động tình báo nước ngoài tại Anh chỉ nhắm vào mục tiêu thu thập thông tin về chính trị và quân sự. Ngày nay, vào thời kỳ công nghệ cao, mục tiêu mà các cơ quan tình báo nước ngoài nhắm đến còn là các kỹ thuật thông tin liên lạc, công nghệ thông tin, y tế, hàng không, điện tử và nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế nước Anh. Các doanh nghiệp then chốt ở Anh cũng trở thành mục tiêu tiếp cận để thu thập thông tin của tình báo nước ngoài...".
Báo cáo này còn diễn giải: "Đối với một số quốc gia như Iran, Syrie... đánh cắp được một phát minh kỹ thuật có thể giúp họ rút ngắn thời gian nghiên cứu đến 6-7 năm, đó là chưa kể đến việc tiết kiệm tiền bạc và công sức. Tuy nhiên, điều tối nguy hại là chẳng may các phát minh kỹ thuật, nhất là kỹ thuật quân sự, một khi rơi vào tay các tổ chức khủng bố quốc tế, như Al-Qaeda chẳng hạn, sẽ trở thành mối đe dọa trực tiếp đến an ninh của nước Anh".
MI-6 còn cảnh báo rằng hoạt động tình báo kinh tế của Trung Quốc đang được tăng cường tối đa tại Anh giống như kiểu Nhật tổ chức hoạt động tình báo kinh tế tại Mỹ vào thập niên 60, 70 của thế kỷ trước. Theo MI-6, Trung Quốc đang triển khai hoạt động hết sức ráo riết nhằm thu thập những công nghệ tiên tiến của Anh, nhiều khi trước cả lúc chúng được chính thức hoàn thiện. Tình hình này khiến MI-6 và Cơ quan Phản gián Anh (MI-5) phải phối hợp đẩy mạnh các nỗ lực nhằm phát hiện những hoạt động đánh cắp và bảo vệ những công nghệ quan trọng.
Hình thức thu thập thông tin tình báo mà Trung Quốc hiện đang áp dụng tại Anh là tổ chức các đoàn chuyên viên đến tham quan theo lời mời của các doanh nghiệp Anh. Sau đó chỉ có một số ít thành viên trong đoàn quay về lại Trung Quốc, số thành viên còn lại bỗng "bốc hơi". Thực ra, những người này bí mật tỏa đi khắp nước Anh để gặp gỡ với các điệp viên nằm vùng hay điệp viên nội gián nhằm thu thập nhiều thông tin quan trọng rồi chuyển giao về lại Trung Quốc. Đôi khi chính họ lại trở thành những điệp viên nằm vùng.
Trong báo cáo của mình, MI-6 còn cảnh báo rằng trong khi tình báo Pháp, Đức tăng cường hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và chính trị thì Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) lại thâm nhập vào các trường đại học ở Anh để bòn rút chất xám và tuyển dụng điệp viên. MI-6 dẫn chứng rằng trong năm học 2007-2008, CIA đã chi hàng triệu USD tiền học bổng cấp cho các sinh viên thỏa thuận sẽ cộng tác với CIA thông qua Chương trình Intelligence Scholars Program (ISP). Theo đó, các sinh viên muốn được nhận học bổng từ Chương trình ISP (khoảng 50.000 USD mỗi năm) sẽ trở thành cộng tác viên của CIA để đến nhiều quốc gia dưới lốt thực tập sinh trong các ngành khảo cổ, lịch sử, địa lý... để làm nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo.
Bút có thể ghi âm và ghi hình, phương tiện mà một số điệp viên nước ngoài sử dụng để thu thập thông tin tình báo tại Anh. |
Để kịp thời phát hiện và trấn áp hoạt động tình báo nước ngoài tại Anh, MI-6 kiến nghị Chính phủ Anh cho triển khai một chiến lược tình báo mới với mục đích phát triển hơn nữa hoạt động của các cơ quan tình báo như MI-6, MI-5, MI-9 (Tình báo quân đội) và cả với Sở Cảnh sát Hoàng gia (Scotland Yard). MI-6 còn đề nghị cho triển khai một xu hướng ưu tiên khác là sử dụng các phương pháp phản gián như như tuyển mộ các điệp viên nước ngoài và cả những đối tượng nằm trong các tổ chức khủng bố quốc tế như Hezbollah hay Al-Qaeda nhằm tăng cường hơn nữa trong lĩnh vực đấu tranh chống khủng bố.
MI-6 cũng cảnh báo các nhân viên tình báo phải đề phòng và chống lại việc thu thập thông tin qua hệ thống máy tính, một phương pháp hoạt động gián điệp đang có nguy cơ ngày càng tăng. Giám đốc MI-6 John Scarlett lưu ý: "Ngày nay, bạn có thể chỉ cần ngồi ở nhà hay tại văn phòng, thông qua mạng Internet để có thể thu thập được những thông tin quý giá từ nhiều hệ thống máy tính khác trên khắp thế giới mà không phải chịu những chi phí tốn kém hay mạo hiểm như việc cài cắm một điệp viên nằm vùng hay nội gián. Các cơ quan tình báo của Anh phải tích cực đấu tranh chống lại nguy cơ này. Tính chất dễ tổn thương của các mạng máy tính là một vấn đề rất quan trọng, liên quan đến cả các cá nhân cũng như toàn xã hội".
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, vấn đề đấu tranh chống hoạt động của tình báo nước ngoài tại Anh hiện vẫn trong tình trạng hết sức khó khăn, xuất phát từ sự đa dạng và đông đảo của các điệp viên nước ngoài, cũng như bất đồng quan điểm giữa các cơ quan tình báo với nhau. Cụ thể là hiện nay MI-5 đang đảm trách hoạt động phản gián trong nước nhưng Scotland Yard, MI-6 và cả MI-5 cũng có riêng bộ phận phản gián và hoạt động chống gián điệp nước ngoài theo cách riêng của mình. Đây chính là nguyên nhân khiến hoạt động phản gián tại Anh không phát huy hiệu quả cao trong khi tình báo nước ngoài ngày càng tăng cường các hoạt động trên lãnh thổ Anh.
MI-6 khuyến cáo: "Chúng ta cần phải biến cộng đồng phản gián của Anh trở thành một khối thống nhất về thực chất nhằm đối phó hiệu quả với các hoạt động tình báo nước ngoài tại Anh"