MIT - cơ quan tình báo quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Năm, 31/07/2008, 17:00
Trong số các cơ quan mật vụ của Thổ Nhĩ Kỳ, đáng chú ý nhất là Cơ quan tình báo quốc gia (MIT - Milli Istihbarat Teskilati), một cơ cấu hàng đầu đảm trách cả về chức năng tình báo và phản gián. Theo những tiết lộ của tờ báo Milliyet tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngân sách của MIT vào năm 1999 đã lên tới con số 278 triệu USD.

Lịch sử hình thành và phát triển

Tiền thân của MIT đã có từ thời rất xa xưa, tức là ngay dưới thời của đế chế Ottoman. Cụ thể là cơ quan tình báo đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập vào ngày 5/8/1914.

Người thành lập ra tổ chức này là Enver Pasa  - nhân vật huyền thoại trong lịch sử nước này, người còn được mệnh danh là “Napoleon của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Còn cơ quan tình báo với tên gọi hiện nay được chính thức thành lập vào ngày 22/7/1965, theo một cơ cấu tương tự như các cơ quan của châu Âu, đồng thời có mối quan hệ hợp tác rất chặt chẽ với các cơ quan mật vụ Mỹ.

Từ 1992 đến 1998, chỉ huy của MIT là cựu quan chức ngoại giao Sonmez Koksal, cũng là nhân vật dân sự đầu tiên được cử lãnh đạo cơ quan tình báo này.

Từ tháng 2/1998 đến tháng 6/2005, MIT được giao cho Shenkal Atasagun, một điệp viên kỳ cựu từng giữ vai trò đại diện của cơ quan này tại London. Đương kim giám đốc của MIT (từ tháng 6/2006 tới nay) là Emre Taner, trước đó là chỉ huy phó chuyên trách những chiến dịch tình báo.

Chiến công lớn nhất của MIT hiện nay vẫn được coi là vụ bắt giữ được Abdullah Ocalan, thủ lĩnh đảng Công nhân Kurdistan, nhân vật đã được các điệp viên cơ quan tình báo này săn lùng ráo riết trong suốt 14 năm. Ocalan bị bắt giữ vào đêm 15/2/1999 trong dinh thự của Đại sứ quán Hy Lạp ở Nairobi (Kenya) bởi một nhóm đặc nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ.

Về mặt quan hệ hợp tác, Cơ quan Tình báo Thổ Nhĩ Kỳ, do những đặc điểm địa lý, tôn giáo nên có nhiều quan hệ đối tác chồng chéo phức tạp. Nhưng về cơ bản, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một đồng minh hàng đầu của Mỹ.

Chẳng hạn như Washington đã dành cho Ankara một vai trò rất quan trọng trong chiến dịch quân sự tại Afghanistan.

Theo lời mời đặc biệt từ phía Mỹ, ngay từ tháng 10/2001, nhiều nhân viên tình báo cùng khoảng 90 tay súng đặc nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ đã được gửi sang Afghanistan giúp đỡ Liên minh phương Bắc với thủ lĩnh là Abdul Rashid Dustum, nhân vật chính trị được sự ủng hộ nhiệt tình của Mỹ.

Tuy nhiên cũng trong khoảng thời gian này, Tổng thống Necdet Sezer trong một chuyến công du Iran đã ký với Tehran một văn kiện về hợp tác song phương trong lĩnh vực quân sự và theo các kênh của cơ quan mật vụ.

Chỉ một ngày sau, đến lượt Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ Hussein Kyvrykoglu cùng đồng nghiệp Hasan Turkmani từ Syria cũng đặt bút ký vào một thỏa thuận hợp tác quân sự và tình báo của cả hai nước.

Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ – trong khi là đối tác chính của Mỹ và Israel trong khu vực – cũng lại hợp tác với hai đối thủ chính của các đồng minh ruột là Iran và Syria.

Chiến dịch bắt giữ Ocalan

Như đã nói ở trên, chiến dịch được coi là thành công nhất của MIT trong những năm gần đây chính là vụ bắt giữ Abdullah Ocalan - thủ lĩnh của Phong trào giải phóng người Kurd. Từ năm 1984, Ocalan có mặt tại Damask để lãnh đạo từ xa phong trào kháng chiến của người Kurd trên đất Thổ Nhĩ Kỳ.

Tháng 9/1998, Ankara đã chính thức yêu cầu Syria trục xuất Ocalan cùng các tay chân khỏi lãnh thổ của mình. Sau đó, Ocalan trốn sang Nga một thời gian, rồi lang thang tại nhiều quốc gia thuộc SNG.

Sau khi tình báo Israel thu được những cuộc gọi qua điện thoại vệ tinh của Ocalan, Thổ Nhĩ Kỳ lại chính thức yêu cầu Nga trục xuất ông ta. Thủ lĩnh người Kurd khi đó đã đề nghị Nga cho tạm trú chính trị nhưng bị từ chối.

Ngày 12/11/1998, Ocalan bay từ Moskva tới Roma. Nhưng cuộc chạy trốn hết sức vất vả của viên thủ lĩnh người Kurd này vẫn chưa chấm dứt. Ngay tại sân bay, Ocalan đã bị các nhân viên mật vụ Italia tạm giữ.

Chính phủ Italia sau đó đã yêu cầu Ocalan rời khỏi nước này, do không muốn gây căng thẳng trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Ocalan buộc phải quay trở lại Nga và sau đó tới Hy Lạp.

Ngày 29/1/1999, máy bay chở Ocalan định hạ cánh xuống Rotterdam, nhưng chính quyền Hà Lan đã không cho phép. Khi tới không phận Bỉ, một phi đội F-16 của nước này cũng được lệnh cất cánh để trục xuất chiếc máy bay trên ra khỏi không phận.

Ngày 2/2/1999, Ocalan đặt chân tới Kenya theo lời mời riêng của Đại sứ Hy Lạp tại nước này và ở trong dinh thự của ông suốt 12 ngày. Nhưng tất cả mọi bước chân của viên thủ lĩnh người Kurd đã bị các điệp viên của MIT theo dõi và giám sát chặt chẽ.

Đêm 15/2, một nhóm vài chục tay súng đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ đã bất ngờ đột nhập vào dinh thự của Đại sứ Hy Lạp George Kostulos. Họ nhanh chóng tóm được Abdullah Ocalan và áp giải ông ta lên một chiếc ôtô đang đợi sẵn. Ngay tại sân bay của thủ đô Kenya, Ocalan được tống lên một chiếc chuyên cơ để đưa về Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày hôm sau, thông tin về vụ bắt giữ thành công trùm khủng bố Ocalan đã lan đi khắp thế giới. Truyền hình quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn tạm hoãn các chương trình thông thường để tường thuật bài phát biểu của Thủ tướng Bulent Ecevit, trong đó trịnh trọng thông báo tên khủng bố Ocalan đã bị bắt và đưa về Thổ Nhĩ Kỳ 3 giờ trước đó.

Sau đó, Ecevit còn công khai lên tiếng khen ngợi và cảm ơn “lực lượng đặc nhiệm và các nhân viên MIT” trong chiến dịch hết sức thành công này. Cũng theo lời Thủ tướng Ecevit, chiến dịch bắt giữ Ocalan đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ vài tuần trước đó trong điều kiện đặc biệt bí mật – chỉ có hơn chục sĩ quan cao cấp của quân đội và MIT được biết về vụ này.

Những chi tiết được hé lộ về sau đó còn cho thấy, đây là một chiến dịch hợp tác giữa mật vụ Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Israel. Ocalan hiện đang bị giam tại một nhà tù trên đảo Imrali

Thái Quân (tổng hợp)
.
.