Lật lại vụ âm mưu khủng bố sân ga tàu điện ngầm thủ đô Washington:

Màn kịch hoàn hảo của FBI và chân tướng một kẻ cuồng tín

Thứ Năm, 09/08/2012, 21:55

Sân ga tàu điện ngầm ở thủ đô Washington D.C, một ngày tháng 8/2010. Mọi việc diễn ra bình thường, những chuyến tàu đúng lịch trình cùng những hành khách hối hả lo công việc của mình. Không ai biết rằng, ngày bình yên này đã có thể xảy ra một vụ khủng bố đẫm máu ngay tại đây, với số thương vong lên đến hàng nghìn và để lại thêm cho lịch sử nước Mỹ một trang đầy tang tóc.

Thảm kịch ấy, may mắn thay, đã không kịp mở màn, nhờ có sự kiểm soát và ngăn chặn kịp thời của những điệp vụ FBI (Federal Bureau of Investigation - Cục Điều tra Liên bang) trong suốt nửa năm trời - từ tháng 4 đến ngày 25/10/2010. Một âm mưu bị bóp chết từ trong trứng, một cái bẫy hoàn hảo dành cho kẻ thủ ác, một chiến thắng trước những tư tưởng sai lệch và những tín đồ mù quáng của chúng, đủ để một lần nữa củng cố sức mạnh cho toàn thế giới trong cuộc chiến chống khủng bố của thế kỷ XXI.

Kẻ tình nghi và kế “mũi tên trúng 2 đích” của FBI

Tháng 1/2010, FBI nhận được mật báo về việc một công dân Mỹ gốc Pakistan, Farooque Ahmed, và một đồng sự ẩn danh tìm cách liên lạc với một tổ chức khủng bố, hòng tham gia vào chiến trận chống lại liên minh ở Afghanistan và Pakistan. Dĩ nhiên điều này không phải quá hiếm hoi trong thời đại Internet, khi mà mọi cá nhân đều có thể liên lạc với những nhóm khủng bố qua mạng.

Dù những tổ chức này có quy chế bảo mật các tài liệu (băng ghi hình, sách cổ động...) nghiêm ngặt, rất nhiều người Mỹ đã tiếp cận thành công những tư liệu này, hoặc chí ít là có cố gắng nhiều lần liên tiếp. Ahmed không phải một ngoại lệ, hắn không ngừng tìm cách liên lạc với một tổ chức khủng bố nước ngoài, xin được trợ giúp một chuyến đi đến Afghanistan để tham chiến.

FBI đã chắc chắn hai kẻ này hoàn toàn cực đoan và sẵn sàng làm bất cứ điều gì nhằm giết hại người Mỹ, chiến đấu trong cuộc chiến tranh Hồi giáo và thỏa mãn ước nguyện cao cả nhất là làm "vị thánh tử vì đạo". Vấn đề còn lại là những bằng chứng kết tội chúng chưa đủ chắc chắn, nhưng FBI không thể liều lĩnh để Ahmed và đồng bọn tiếp tục những cuộc tìm kiếm nguy hiểm của mình. Vậy giải pháp nào mới là vẹn cả đôi đường?

Không để mất thời gian, từ tháng 4/2010, một đặc vụ FBI thuộc tiền trạm ở Washington, DC đã bắt liên lạc với Ahmed qua hộp thư điện tử, giả danh đại diện của một tổ chức khủng bố giấu tên. Không ngạc nhiên khi Farooque Ahmed vô cùng vui mừng và hãnh diện được "để mắt" đến, và lại càng dễ hiểu khi hắn đinh ninh rằng, mình đang tiếp chuyện với một kẻ thuộc tổ chức Al-Qaeda mà hắn vẫn thần tượng. Lập tức, Ahmed sốt sắng bày tỏ ước muốn tham gia vào "chiến dịch" này, nhằm chuẩn bị một cuộc tấn công gây thương vong lớn trên đất Mỹ. Hắn tiết lộ với đặc vụ FBI rằng, hắn khao khát được chiến đấu và chết vì lý tưởng của mình.

Quyết tâm của hắn càng tỏ ra vững chắc khi hắn đề xuất nhiều ý kiến tối đa hóa khả năng sát thương của vụ khủng bố, bằng cách đặt thuốc nổ ở vị trí thuận tiện nhất, đông người nhất, cách vận chuyển thuốc nổ đến mục tiêu sao cho an toàn, và khi nào là thời điểm phù hợp để kích nổ.

Sân ga tàu điện ngầm ở Washington D.C.

Chưa dừng lại ở đó, Ahmed còn tình nguyện huấn luyện cho những kẻ khác trong lĩnh vực võ thuật và bắn súng - những lĩnh vực mà hắn tự huyễn hoặc rằng mình là cao thủ. Căn cứ vào lòng nhiệt thành không giấu giếm này của Farooque Ahmed, FBI tin rằng hắn đã hoàn toàn đặt lòng tin vào "người đại diện Al-Qaeda", và chuẩn bị thực hiện bước tiếp theo lừa hắn vào tròng.

Những cuộc gặp và "nhiệm vụ cao cả" của Ahmed

Sau hơn 2 tuần trao đổi qua thư điện tử, phía FBI chắc chắn Farooque Ahmed không còn nghi ngờ gì về cái bẫy mà họ dựng nên. Họ hẹn gặp Ahmed và đồng sự của hắn ở một đại sảnh khách sạn bên ngoài sân bay Dulles vào ngày 18/4. Với kinh nghiệm dày dặn, các nhân viên FBI đã thuyết phục được hai kẻ liều mạng này rằng, họ đã được chọn để thực hiện sứ mạng cao cả nhất đời của một chiến binh Hồi giáo.

Mỗi người được trao cho một ấn bản kinh Koran, bên trong có chứa thông điệp viết bằng mật mã, hẹn buổi gặp mặt thứ hai. Cung cách bí ẩn này lại càng làm Ahmed tin rằng mình đang thật sự cộng tác với tổ chức Al-Qaeda, ngay giữa thủ đô Washington, dưới mũi cả bộ máy chính quyền và lực lượng an ninh nước Mỹ - hoặc như hắn lầm tưởng là thế.

Để không hấp tấp làm hỏng việc, các đặc vụ FBI đợi đến ngày 15/5 mới cử điệp viên gặp Ahmed và cộng sự ở một khách sạn phía bắc bang Virginia. Lần này, FBI  đã cho ghi hình và thu âm toàn bộ cuộc gặp. Họ không lầm, vì Ahmed cùng đồng sự không ngần ngại bày tỏ niềm tin vào "người đại diện" và vào tổ chức Al-Qaeda, cũng như sự nôn nóng được chiến đấu và tiêu diệt quân Mỹ tại Afghanistan, để hoàn thành sứ mệnh tử vì đạo đã được giao phó của mình.

Hình ảnh phiên xử Ahmed.

Có thể nói rằng, không một công tố viên nào, dù tài giỏi đến mấy, buộc tội được bọn chúng một cách thuyết phục hơn, với lời lẽ đanh thép hơn những gì cả hai đã bộc lộ trước vị "đại diện Al-Qaeda". Tất nhiên, FBI có thể cất mẻ lưới này tại đây, với những bằng chứng họ thu thập được từ sau cuộc gặp lần hai này, nhưng họ muốn kéo dài chiến dịch, bắt tận tay hai kẻ điên rồ ngay khi chúng đang thực thi "nhiệm vụ".

Màn kịch gần hạ

Trong buổi gặp mặt vào tháng 5/2010, điệp viên FBI giả mạo thành viên Al-Qaeda đã giao cho Farooque Ahmed và đồng sự của hắn đảm nhiệm việc chuẩn bị một cuộc tấn công khủng bố, bao gồm thu thập thông tin về 3 sân ga tàu điện ngầm ở phía bắc Virginia và một khách sạn ở Washington D.C - thể theo yêu cầu của tổ chức.

Không chút do dự, Ahmed đồng ý nhận nhiệm vụ, và nói thêm rằng hắn sẵn lòng tham gia vào vụ khủng bố dự kiến xảy ra vào tháng 1/2011, sau khi hắn từ Haji trở về vào tháng 11/2010. Hắn đã mua vé đến Arập qua một đại lý ở Astoria, thuộc quận Queens thành phố New York.

Ahmed và tên cộng sự bắt đầu theo dõi các địa điểm được phân công từ tháng 7-2010, bắt đầu ở sân ga Nghĩa trang Arlington - tất nhiên nhất cử nhất động của chúng đều bị FBI giám sát. Bọn chúng dùng điện thoại có chức năng quay phim để lưu lại vị trí các máy ghi hình ở sân ga, cùng với các chốt bảo vệ, lối ra vào và mật độ lưu thông hành khách.

Sau hai chuyến đến điểm dừng ở Nghĩa trang Arlington, bọn chúng lại được gặp "đại diện Al-Qaeda" ở một khách sạn, để hãnh diện báo cáo tiến trình và đưa ra một ổ lưu dữ kiện cầm tay (USB) chứa các đoạn băng chúng thu thập được ở sân ga. Tiếp theo, vào tháng 8/2010, bọn chúng lặp lại quá trình theo dõi này ở hai ga tàu khác, và lại nộp kết quả cho điệp viên FBI như cũ.

Với những gì quan sát được, Ahmed phác thảo sơ đồ 3 ga tàu điện, tìm địa điểm thuận lợi nhất cho việc đặt bom để có tầm sát thương rộng hơn cả. Ngoài ra, hắn còn đi đến kết luận rằng thời điểm lý tưởng để kích nổ là từ 16 đến 17h chiều, khi có đông người ở sân ga nhất. Hắn còn bác bỏ ý tưởng dùng ba lô để mang thuốc nổ, mà thay vào đó là sử dụng một vali có bánh xe kéo. Hắn đề xuất những ý kiến của mình ở cuộc gặp mặt tiếp theo, không quên nói thêm rằng, hắn biết sử dụng súng thành thạo. Ngoài 2 khẩu súng trường và súng ngắn hắn đã mua, hắn sẵn sàng mua thêm vũ khí nếu cần thiết. Cuối cùng, hắn nói rằng mình muốn gây quỹ ủng hộ tổ chức Al-Qaeda - có thể với một nguyên nhân giả mạo nào đó - và tuyên bố sẽ đóng góp 10.000 USD bằng cách gửi từng 1.000 USD một để tránh bị nghi ngờ.

Nhận thấy nhiệt huyết của hắn đối với sự nghiệp khủng bố đã đến đỉnh cao, phía FBI quyết định đã đến lúc phải dừng cuộc chơi của Farooque Ahmed. Hắn bị bắt vào ngày 25/10/2010, trước khi hắn kịp lên chuyến bay đến Arập.

Chân tướng kẻ cuồng tín

Sau khi bắt giữ Farooque Ahmed, FBI công bố hồ sơ về hắn, bao gồm những nguyên nhân cho kết thúc thảm hại này của kẻ liều mạng. Ahmed sinh ra ở Lahore, Pakistan vào năm 1976, con trai một giám đốc ngân hàng. Năm 1993, cha hắn đưa cả gia đình đến Staten Island, thành phố New York vì công việc, nhưng hắn vẫn thường trở lại Pakistan - lần gần đây nhất là vào năm 2005. Ahmed trở thành công dân Mỹ vào năm 2002, kết hôn năm 2007 và có một đứa con trai. Gia đình hắn sống ở Ashburn, bang Virginia (một quận ngoại thành phía tây Washington D.C). Ahmed là một người Hồi giáo ngoan đạo, thường đến cầu nguyện ở nhà nguyện Hồi giáo ở Dulles.

Với một địa vị xã hội trung bình, Ahmed bắt đầu cảm thấy không thỏa mãn. Hắn đã có bằng cử nhân tại Trýờng cao ðẳng Staten Island, nhýng ðể thay ðổi, hắn ðãng ký một khóa học từ xa về kiểm soát rủi ro và an ninh điện tử của Đại học Aspen, Thế nhưng,  hiệu trưởng trường này đã khẳng định với báo chí rằng Ahmed chưa hề hoàn thành bất cứ một khóa học nào của họ. Hắn làm việc cho Sprint, Glotel và Hãng Ericsson từ tháng 10/2009 cho đến khi bị bắt.

FBI cho rằng cuộc sống nhàm chán đã khiến Ahmed tìm đến những tư tưởng tôn giáo cực đoan để cảm thấy mình nắm một vai trò quan trọng hơn trong cuộc chiến Hồi giáo. Khi lục soát tư gia của hắn, các nhân viên FBI đã tìm thấy một số thứ thể hiện sự quan tâm tìm hiểu của Ahmed với tư tưởng Hồi giáo cấp tiến, trong đó có một băng ghi hình bài giảng của Anwar al-Awlaki (một kẻ chuyên tuyển mộ tân binh và tuyên truyền cho tổ chức Al-Qaeda, ngoài ra còn là lãnh đạo chủ chốt của tổ chức này tại Yemen).

Các đặc vụ còn tìm thấy cuốn sách "Thành bang Hồi giáo" của Taquidin al-Nabhani, kẻ sáng lập tổ chức Hizb ut-Tahrir (một tổ chức Hồi giáo hiện diện tại hơn 45 nước, kể cả nước Mỹ). Cuốn sách dày 290 trang, đã được chuyển sang tiếng Anh, nội dung nhấn mạnh mục tiêu và phương thức của Hizb ut-Tahrir trong việc thu nhân tâm những người Hồi giáo, xây dựng một thành bang chỉ chịu sự chi phối của luật đạo Hồi thay vì luật pháp. Tổ chức này không sử dụng bạo lực, thay vào đó tìm cách khơi gợi bạo lực chống phương Tây tại các quốc gia Hồi giáo, lấy lý do rằng những gì phương Tây mang lại chỉ là thuốc độc giết chết xã hội đạo Hồi.

Không ngạc nhiên khi Farooque Ahmed bị mê hoặc bởi những lý luận này, thậm chí hắn còn tự tìm hiểu thêm những tư tưởng tương tự, ví dụ như các chương trình truyền hình tán dương đạo Hồi và mỉa mai tôn giáo phương Tây, cụ thể hơn là đạo Thiên Chúa. Hắn có nhiều bản ghi hình những chương trình này, nhiều nhất là "The Deen Show" - một chuỗi các cuộc phỏng vấn ghi hình ở Chicago, được dẫn bởi Eddie Redzovic, một kẻ cải đạo Hồi kiêm huấn luyện viên nhu đạo.

Redzovic chủ yếu tấn công khán giả người Mỹ theo Hồi giáo, và đưa vào chương trình của mình rất nhiều kẻ cải đạo khác, cũng như các học giả thuộc đạo Hồi, các nhân vật có ảnh hưởng trong cộng đồng giáo dân Hồi giáo ở Mỹ. Chịu ảnh hưởng của "The Deen Show", Ahmed mua rất nhiều băng hình dạy học nhu đạo và nhẫn thuật, cùng một số súng trường, súng ngắn và đạn dược - tất cả đều bị FBI tịch thu tại nhà hắn.

Hồi kết

Khi bị kết án vào tháng 4/2011, Ahmed đã tuyên bố rằng: "…Không một hình phạt nào có thể khủng khiếp hơn sự thất vọng mà tôi phải trải qua khi hành động như vậy, và vì đã làm buồn lòng cả gia đình mình... Tôi vô cùng hối hận… và nhất là tôi đã thất bại trong việc làm một người chồng, người cha, một giáo dân và một công dân tốt…".

Hắn đã nhận hai tội: Cung cấp tài liệu giúp đỡ tổ chức khủng bố, và thu thập tài liệu trợ giúp kế hoạch tấn công khủng bố một cơ sở giao thông công cộng. Vào ngày 12/4/2011, Ahmed bị kết án 23 năm tù giam và thụ án tại nhà tù của bang, với 50 năm bị giám sát sau đó

Phương Uyên (tổng hợp)
.
.