Mạng lưới điệp viên của Liên Xô (cũ) tại Trường Oxford, Anh

Thứ Năm, 04/06/2009, 16:05
Một bài báo mới được đăng trên tờ The Times của Anh đã tiết lộ về thân phận một điệp viên hết sức quan trọng của tình báo Xôviết, người đã trực tiếp tuyển mộ và xây dựng cả một mạng lưới điệp viên ngay tại Trường đại học nổi tiếng Oxford. Đó chính là nhân vật quá cố Arthur Wynn, từng là một nhân viên cao cấp của Bộ Công nghệ Anh…

Theo tờ The Times, cùng tham gia phát hiện cuộc sống hai mặt của Arthur Wynn chính là các nhà sử học John Earl Haynes, Harvey Klehr và cựu nhân viên KGB Alexander Vassiliev. Cần biết Vassiliev trong giai đoạn 1994-1996 từng là quan chức phụ trách báo chí của Cơ quan Tình báo Nga, có quyền tiếp cận kho hồ sơ lưu trữ trước đây của KGB và đã chuyển hàng ngàn tài liệu quan trọng sang dạng dữ liệu điện tử vào các máy tính xách tay của mình.

Năm 1996, nhân vật này chạy trốn sang London. Lục lại trong kho dữ liệu mà mình đã thu thập được, Vassiliev đã phát hiện ra một báo cáo quan trọng của người đứng đầu Cơ quan Phản gián Xôviết Pavel Fitin, trong đó giúp xác định rõ chân tướng của Arthur Wynn.

Từng được nhắc tới khá nhiều trong hồ sơ của Cơ quan Tình báo Xôviết với cái tên "điệp viên Scott", Wynn đã rất thành công trong việc xây dựng ngay tại Oxford cả một mạng lưới nguồn tin tương tự như "nhóm Cambridge". Điệp viên Scott lần đầu tiên được biết đến sau khi KGB cho phép tiếp cận một số hồ sơ của họ vào năm 1992.

Tuy nhiên, KGB lại từ chối tiết lộ tên tuổi thật của điệp viên này - điều đã làm nảy sinh một loạt những phỏng đoán và hiểu nhầm khác nhau. Chẳng hạn như trong số những người từng bị nghi ngờ là điệp viên Scott có nhà ngoại giao kỳ cựu David Scott Fox và Peter Wilson, cựu Chủ tịch của Hãng đấu giá nổi tiếng Sotheby's. Tên tuổi thực sự của Scott chỉ được làm sáng tỏ sau phát hiện của Vassiliev.

Các nhà sử học đã trích dẫn một phần báo cáo của Fitin gửi cho cấp trên của mình là Vsevolod Merkulov tại KGB. Trong tài liệu này đã nói rõ, Scott chính là Arthur Wynn, một đảng viên đảng Cộng sản Anh, đã được tuyển mộ từ tháng 10-1934 nhờ hai điệp viên khác là Theodore Mally (một quan chức KGB hoạt động tại London) và Edith Tudor Hart (điệp viên gốc Áo của KGB, cũng là người đã trực tiếp tuyển mộ điệp viên nổi tiếng Kim Philby).

Trong cuốn sách mang tên "The Crown Jewels", xuất bản vào năm 1998 của Nigel West và cựu sĩ quan KGB Oleg Tsarev, cũng trích dẫn một báo cáo của KGB cho biết Tudor Hart đã tuyển mộ được "một Sohnchen (mật danh của Kim Philby đã được tuyển mộ từ vài năm trước đó) thứ hai, có nhiều khả năng còn xuất sắc hơn cả người đầu tiên (ý nói tới Philby)".

Wynn thực ra là một sinh viên tốt nghiệp Trường Cambridge, nhưng trong thời gian được tuyển mộ, ông gặp gỡ Peggy Moxon, một nữ sinh tại Oxford, đồng thời cũng là một đảng viên Cộng sản. Hai người kết hôn vào năm 1938 và có tới 4 người con. Bà Wynn - nay đã 96 tuổi hiện đang sống tại London - đã từ chối tham gia bất kỳ cuộc phỏng vấn nào dựa trên những phát hiện mới vừa qua.

Cần biết là Wynn (đã qua đời từ năm 2001) từng là một chuyên gia y khoa nổi tiếng. Ông từng là thành viên khoa học trong Ủy ban Than quốc gia vào những năm 50 thế kỷ trước, làm việc trong Bộ Công nghệ của Tony Benn cho tới khi nghỉ hưu vào năm 1971. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra được ít nhất 25 người có khả năng là điệp viên Xôviết do Wynn tuyển mộ, 5 người trong số này được xếp vào loại có giá trị cao. Đáng chú ý trong số này có một cựu nghị sĩ của Công đảng, một cựu Giám đốc Viện Bảo tàng Victoria and Albert và một vị giáo sư của Trường Oxford.

Giới lãnh đạo tình báo tại Moskva đã coi Wynn là một điệp viên rất có triển vọng, thậm chí còn thuyết phục ông này nên giảm bớt số lượng người tuyển mộ vì lo sợ sẽ bị bại lộ. "Chúng tôi rất lo lắng về hoạt động của Scott - một báo cáo nội bộ của KGB đã viết như vậy - Tất cả những hoạt động này dựa quá nhiều vào các đảng viên Cộng sản... Có lẽ không nên tuyển mộ quá nhiều như vậy".

Nhưng Wynn đã viện lý do rằng, hoạt động tình báo trong các trường đại học thường không có nguy cơ cao trong các báo cáo gửi về trung tâm: "Nếu chúng ta hoạt động một cách thận trọng tại các trường đại học, mức độ mạo hiểm sẽ không quá lớn. Trên thực tế chúng tôi có thể bảo đảm chắc chắn luôn lựa chọn được những người đáng tin cậy".

Đến những năm 60, một nhân viên của MI-5 có tên Peter Wright đã từng nghi ngờ có một mạng lưới điệp viên Xôviết tại Oxford và đã bắt tay vào điều tra. Trong số những người bị nghi ngờ và bị điều tra có nghị sĩ Công đảng Bernard Floud, người em của ông ta là Peter Floud tại Viện Bảo tàng Victoria and Albert và cả một viện sĩ hàn lâm tại Oxford là Jenifer Hart. Bernard Floud đã tự tử ngay sau khi bị thẩm vấn vì nghi ngờ là điệp viên Xôviết.

Còn một cá nhân khác liên quan tới mạng lưới này là Phoebe Pool, được cho là đóng vai trò liên lạc viên giữa anh em nhà Floud với điệp viên "Otto" của KGB, về sau được xác định chính là điệp viên Arnold Deutsche. Pool sau đó cũng tự vẫn, còn Peter Floud bất ngờ qua đời ở tuổi 48.

Bản thân Wynn cũng bị nghi ngờ và thậm chí còn được mời "chơi bài ngửa" với một thỏa thuận: không bị truy tố để đổi lại thông tin chi tiết về việc tuyển mộ các điệp viên Xôviết trong những năm 30. Phía MI-5 đã chẳng đạt được mục đích gì với đề xuất kiểu "rung chà cá nhảy" này.

Theo lời của chính Peter Wright, việc điều tra sau đó đã bị đình chỉ, do 3 cái chết liên tục ngay tại Oxford đã khiến cho MI-5 phải lo ngại công luận có thể đào xới sâu vào chuyện đáng ngờ này

Thái Quân (tổng hợp)
.
.