Mạng lưới tình báo tín hiệu gây tranh cãi của Canada

Thứ Ba, 10/04/2018, 13:06
Trong suốt 34 năm, sự tồn tại của Cơ quan Tình báo Viễn thông Canada (CSEC) luôn được bí mật gần như tuyệt đối và người Canada lần đầu tiên biết đến nó vào năm 1974 sau khi đài truyền hình CBC phát sóng bộ phim tài liệu tựa đề “Vùng đất thứ 5: Cơ quan gián điệp” dẫn đến sự giận dữ của Hạ viện Canada và bắt buộc chính quyền nước này phải thừa nhận sự thật.


Bộ máy gián điệp tín hiệu khổng lồ của CSEC

Sau vụ khủng bố tại Mỹ ngày 11-9-2001, Quốc hội Canada mới thông qua Luật Chống khủng bố để kiểm soát CSEC. Trong thời gian 7 năm lãnh đạo CSEC, John Adams đã vận động tăng gấp đôi ngân sách dành cho cơ quan từ 200 triệu USD lên đến 400 triệu USD/năm. Do có năng lực gián điệp tình báo điện tử rất cao cho nên mỗi năm CSEC thường tiếp nhận từ 70 đến 80 đề nghị giúp đỡ từ nhiều cơ quan khác của Canada như Cơ quan Tình báo An ninh nội địa Canada (CSIS), Lực lượng Cảnh sát Kỵ mã Canada (RCMP), Bộ Quốc phòng Canada (DND), Lực lượng Biên phòng Canada (CBA), Cơ quan An ninh Hàng không Canada (CATSA) v.v…

Trụ sở mới của CSEC được xây dựng ở vùng ngoại ô thủ đô Ottawa, Canada.

CSEC đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chính sách đối ngoại của chính quyền Canada. Một phần không nhỏ trong các chiến dịch bí mật của CSEC là hỗ trợ chiến thuật cũng như các vấn đề khác cho quân đội Canada.

Trong suốt quãng thời gian Canada dính líu quân sự sâu vào Afghanistan, CSEC nhiều lần cung cấp thông tin tình báo cho mỗi chiến dịch quân sự có sự tham gia của quân đội Canada. Trong suốt cuộc Chiến tranh Lạnh, CSEC chịu trách nhiệm cung cấp dữ liệu tình báo tín hiệu (SIGINT) cho Bộ Quốc phòng Canada về các chiến dịch quân sự của Liên Xô.

Kể từ đó, CSEC trở nên đa dạng hóa hơn và hiện được coi là nguồn SIGINT hàng đầu ở Canada cung cấp sự hỗ trợ kỹ thuật, huấn luyện và các dịch vụ giúp chính quyền Ottawa bảo đảm an ninh cho cơ sở dữ liệu cũng như các cơ sở hạ tầng viễn thông. Trụ sở mới của CSEC là tòa nhà chính quyền Canada đắt tiền nhất được xây dựng từ trước đến nay, thậm chí một số tài liệu của Bộ Quốc phòng nước này còn đặt tên cho dự án là “Camelot” (cung điện pháo đài huyền thoại của của Vua Arthur). CSEC chính thức công bố chi phí xây dựng là 880 triệu USD nhưng một số nguồn có quan hệ với dự án cung cấp con số gần 1,2 tỷ USD.

Khu đại sảnh bên trong trụ sở mới của CSEC.

Trụ sở mới của CSEC bao gồm 7 khối nhà ở vùng ngoại ô Ottawa có đến 90 tầng và được trang bị những thiết bị công nghệ cao hiện đại nhất. Hai trạm năng lượng gần đó sẽ cung cấp điện cho toàn bộ hệ thống máy tính của CSEC. Những chiếc siêu máy tính của CSEC có nhiệm vụ thu thập hàng triệu cuộc đàm thoại trên khắp thế giới mỗi ngày và sau đó chắt lọc ra những thông tin có giá trị để tiến hành phân tích.

Trụ sở mới được coi là tòa nhà tuyệt mật của chính phủ Canada dành cho đội ngũ khổng lồ các chuyên gia viết mật mã. Công chúng Canada không được biết chi tiết về dự án “Camelot” vì nó được tuyên bố là vấn đề an ninh quốc gia và đóng dấu “tuyệt mật”. Trung tâm của khu phức hợp là cao ốc khổng lồ bằng kính, với nhiều không gian cho cafeteria, thư viện và các khu vực hội họp.

Theo các chuyên gia, những yêu cầu an ninh tuyệt đối là nguyên do chính khiến giá xây dựng đội lên quá cao.

Ví dụ, toàn bộ mặt kính bên ngoài tòa nhà, cũng giống như mọi thứ khác bên trong trụ sở, phải đáp ứng mọi yêu cầu về an ninh đặc biệt nhằm ngăn chặn mọi sự gián điệp CSEC từ bên ngoài. Mọi vật liệu xây dựng đều được kiểm tra cẩn thận để phát hiện những thiết bị nghe lén cấy sẵn và mọi chiếc xe ra vào khu vực xây dựng cũng được khám soát chặt chẽ. Tất cả gần 5.000 công nhân tham gia dự án cũng được thanh lọc kỹ lưỡng.

Theo cựu lãnh đạo CSEC John Adams, các hệ thống máy tính ở cơ quan chỉ hoạt động 60% công suất và không gây quá tải cho mạng lưới điện địa phương. Nhưng, John Adams cho rằng CSEC cần trang bị hệ thống máy tính mới mạnh hơn gấp 3 lần để phục vụ nhu cầu gián điệp ngày càng cao do đó trụ sở mới sẽ có đủ khả năng đáp ứng cho yêu cầu này. Ngoài ra, một lối đi bộ bằng kính kết nối trụ sở mới CSEC với cơ quan gián điệp truyền thống và được nhiều người biết đến của Canada – đó là CSIS. Có một sự khác biệt chính giữa hai cơ quan – CSIS có trách nhiệm ngăn chặn những mối đe dọa an ninh đến Canada, trong khi quyền lực của CSEC vượt ra khỏi biên giới nước này.

Mạng lưới các trạm nghe lén bí mật của CSEC trên khắp thế giới

Wesley Wark, chuyên gia tình báo và an ninh Đại học Ottawa (Canada), giải thích: “Không có nhiều người biết về hoạt động tình báo của Canada. Do đó, các chiến dịch gián điệp của Canada dễ dàng thoát khỏi sự chú ý trong khi mọi hành động của người Mỹ hay người Anh chắc chắn sẽ gây chú ý cho thế giới”.

Các lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Toronto, Canada, tháng 6-2010.

Mối quan hệ hợp tác tình báo điện tử giữa chính quyền hai quốc gia Canada và Mỹ thật ra đã tồn tại từ cách đây hơn 60 năm. Tài liệu mật của NSA mô tả CSEC là đối tác tình báo “tinh tế, có đầy đủ khả năng và đáng tôn trọng” cho các sứ mạng gián điệp phối hợp, bao gồm việc thành lập các trạm nghe lén ở khắp nơi trên thế giới theo yêu cầu của người Mỹ.

Thomas Drake, cựu quan chức NSA nay trở thành người tố giác, cho rằng không có gì đáng ngạc nhiên khi Canada chấp thuận hành động theo các yêu cầu từ phía Mỹ bởi vì chuyện đó đã diễn ra trong nhiều năm dài. Thomas Drake cho biết khi còn làm việc cho NSA ông có thời gian hợp tác với CSEC trong nhiều dự án khác nhau, và người Canada thực sự “có khả năng ngoại hạng”. Theo giải thích của Thomas Drake, CSEC sử dụng một số thiết bị máy tính cực mạnh của nước này để chặn bắt tín hiệu những cuộc gọi điện thoại cũng như những giao tiếp Internet trong các quốc gia trên toàn cầu.

Từ lâu, Canada và Mỹ đã có thỏa thuận chia sẻ thông tin an ninh với các cơ quan tình báo đồng minh khác trong nhóm “Five Eyes” (5 Con mắt) như Anh, Australia và New Zealand. Nhưng, tiết lộ của Edward Snowden cho thấy mối quan hệ hợp tác tình báo giữa Canada và Mỹ chặt chẽ ngoài sức tưởng tượng của mọi người – các nỗ lực hợp tác bao gồm sự trao đổi các sĩ quan liên lạc và chuyên gia kỹ thuật giữa hai bên. Tài liệu mật cho biết NSA cũng cung cấp nhiều phần cứng lẫn phần mềm máy tính cho đối tác CSEC phục vụ cho “các nỗ lực thu thập, xử lý và phân tích thông tin”.

Ngược lại, NSA cũng thừa nhận đối tác Canada cung cấp cho họ công nghệ lập mã, giải mã và phần mềm gián điệp. CSEC sử dụng khoảng 2.000 người và ngân sách hoạt động hàng năm gồm khoảng 400 triệu USD. Để so sánh, NSA sử dụng ước khoảng 40.000 người cộng thêm hàng ngàn nhà thầu tư nhân và chi tiêu hơn 40 tỷ USD/năm.

Lo ngại về dữ liệu cá nhân

CSEC nhấn mạnh cơ quan “được ủy thác nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo tín hiệu hải ngoại để bảo vệ đất nước Canada và người dân nước này và để hoàn thành sứ mạng, cơ quan được luật pháp cho phép thu thập và phân tích siêu dữ liệu. Không một nội dung giao tiếp nào của người Canada trở thành mục tiêu, được thu thập hay sử dụng”.

Trụ sở Cơ quan Tình báo An ninh nội địa Canada (CSIS) ở Ottawa.

Cụ thể là, trong trường hợp giám sát sân bay, siêu dữ liệu chỉ nhận dạng thiết bị không dây của hành khách nhưng không thu thập nội dung của các cuộc gọi điện thoại hay email được gửi đi từ họ.

Ronald Deibert là tác giả cuốn sách “Mã Đen: Bên trong cuộc chiến không gian mạng” và lãnh đạo chương trình nghiên cứu không gian mạng Citizen Lab nổi tiếng thế giới của Khoa Các vấn đề toàn cầu Đại học Toronto. Ronald Deibert cho rằng chiến dịch lén lút giám sát thiết bị không dây – laptop và smartphone - của hành khách bằng hệ thống Wi-Fi miễn phí của sân bay trong thời gian kéo dài thật sự là hoạt động “thu thập và phân tích bừa bãi dữ liệu giao tiếp của người Canada”, và ông không thể hình dung nổi tại sao một cơ quan tình báo thuyết phục được một thẩm phán cho phép làm điều đó.

Tài liệu mật do người tố giác Edward Snowden cung cấp cũng cho biết CSEC giám sát hành khách trong thời gian 1 tuần hay hơn thế khi các thiết bị không dây của họ được sử dụng tại các trung tâm Wi-Fi miễn phí khác trong các thành phố khắp Canada và thậm chí tại các sân bay của Mỹ.

Nói chung, đối tượng giám sát của CSEC bao gồm những người đi đến các sân bay, khách sạn, quán cà phê, nhà hàng, thư viện, các nút giao thông trên mặt đất và bất cứ nơi nào có thể truy cập Internet không dây miễn phí. Ronald Deibert nhận định, siêu dữ liệu có thể cung cấp rất nhiều thông tin về các đối tượng như là các thói quen, các mối quan hệ cá nhân và thậm chí quan điểm chính trị của họ.

Wesley Wark, chuyên gia nổi tiếng về an ninh và tình báo quốc tế, cho rằng CSEC “đang cố gắng vượt khỏi các ranh giới công nghệ” một phần nhằm gây ấn tượng cho các đối tác quốc tế khác trong liên minh tình báo “Five Eyes” – bao gồm Canada, Mỹ, Anh, New Zealand và Australia. Cũng giống như Wark và các chuyên gia khác, Deibert nhận định không có vấn đề gì trong chuyện chính quyền Canada cần CSEC thu thập thông tin tình báo nước ngoài, “nhưng hoạt động phải nằm trong khuôn khổ pháp luật và được kiểm soát chặt chẽ để không xảy ra tình trạng lạm dụng quyền lực”.

Giới chức hai sân bay lớn nhất Canada – Toronto và Vancouver – đều tuyên bố họ không bao giờ giúp đỡ cung cấp thông tin về sự sử dụng Wi-Fi của hành khách cho CSEC hay bất cứ tổ chức tình báo nào khác của Canada. Alana Lawrence, người phát ngôn cho Cơ quan Hàng không Vancouver (VAA), cho biết cơ quan quản lý hệ thống Wi-Fi miễn phí ở sân bay nhưng “không thu thập lưu trữ bất cứ dữ liệu cá nhân nào sử dụng Wi-Fi miễn phí” cũng như chưa bao giờ nhận được yêu cầu từ bất cứ cơ quan tình báo nào của Canada để làm việc đó.

Katie ONeill, người phát ngôn cho Boingo – công ty đặt trụ sở tại Mỹ và là nhà cung cấp dịch vụ dịch vụ Wi-Fi độc lập lớn nhất cho các sân bay Canada – cũng tuyên bố với báo chí: “Boingo không cung cấp bất cứ thông tin nào về bất cứ người dùng nào của chúng tôi cho chính quyền  hay tình báo Canada”.

Tuy nhiên, chuyên gia giám sát quyền riêng tư Ann Cavoukian cho rằng mặc dù chính quyền và CSEC luôn trấn an người dân theo kiểu “hãy tin chúng tôi” song mọi người vẫn cảm thấy lo ngại về dữ liệu cá nhân của mình.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.