Mật vụ Anh không theo dõi Công nương Diana

Chủ Nhật, 21/10/2007, 07:20
Vị thẩm phán đại diện của Ủy ban điều tra đặc biệt đã khẳng định không phát hiện ra bằng chứng nào, khả dĩ nói lên sự dính líu của Cơ quan Tình báo Anh vào vụ tai nạn đau thương này. Các nhân viên mật vụ thuộc MI-6 tuy có mặt tại thủ đô Pháp trùng với kỳ nghỉ hè của Diana và Al Fayed, nhưng họ theo đuổi một đặc vụ hoàn toàn khác không liên quan gì đến việc theo dõi cặp tình nhân này.

Hôm 2/10/2007, Tòa án Tối cao London (Anh) đã mở phiên tái xét xử vụ tai nạn kinh hoàng gây ra cái chết của Công nương Diana hơn 10 năm trước.

Trong những ngày đầu tiên của phiên tòa, Chánh án Scott Baker và bồi thẩm đoàn 11 người đã được tiếp cận những thông tin mới nhất, do Ủy ban Điều tra đặc biệt cung cấp. Đây là một cơ quan độc lập do Tư pháp Anh khởi xướng, nhằm bóc trần những nguyên nhân thực sự gây ra cái chết của Công nương Diana và người bạn trai - tỉ phú Ai Cập Dodi Al Fayed - tại Paris đêm 31/8/1997.

Kết quả khám nghiệm pháp y cho thấy Diana có uống thuốc ngừa thai trong khoảng thời gian trước khi tai nạn xảy ra. Điều này đã xua tan tin đồn là Công nương đã có thai với “chàng bồ khác màu da”; cũng như phẫu thuật tử thi không tìm thấy trứng đã thụ tinh trong tử cung.

Ngoài ra, vị thẩm phán đại diện ủy ban nói trên cũng khẳng định là giữa hai người chưa hề có chuyện đính hôn bí mật như trước nay người ta vẫn lầm tưởng.

Đặc biệt hơn nữa là không phát hiện ra bằng chứng nào, khả dĩ nói lên sự dính líu của Cơ quan Tình báo Anh vào vụ tai nạn đau thương này. Các nhân viên mật vụ thuộc MI-6 tuy có mặt  tại thủ đô Pháp trùng với kỳ nghỉ hè của Diana và Al Fayed, nhưng họ theo đuổi một đặc vụ hoàn toàn khác không liên quan gì đến việc theo dõi cặp tình nhân này.

Còn trong đơn kiện của mình, cha của Dodi là tỉ phú Mohamed Al Fayed một mực khẳng định rằng MI-6 đã tổ chức cuộc mưu sát con trai ông theo lệnh của bố chồng Diana là Quận công Philip, hòng “xóa vết nhơ rằng Diana, thân mẫu Vua William tương lai của nước Anh lại đi lấy một người Hồi giáo. Thậm chí, đã có mang với hắn...”. Bằng chứng là lá thư Hoàng thân Philip đe dọa Diana đã bị cựu Giám đốc MI-6 John Scarlett cho tiêu hủy.

Khoảnh khắc cuối cùng (ảnh nhỏ) và cỗ xe định mệnh.

Giới luật sư của M. Al Fayed lại khăng khăng cho là thi thể Diana đã bị “phẫu thuật lén” tại Pháp trước khi được chở về Anh, nhằm loại bỏ chứng cứ Công nương đã có thai. Bản thân cha Dodi quả quyết là tin Diana mang bầu đã được báo cho ông qua điện thoại ngay buổi chiều trước khi có vụ tai nạn giao thông. Hiển nhiên là MI-6 đã nghe lén được và quyết định thời điểm hành động...

“Bạn bè, gia đình và các bác sĩ riêng chưa hề thấy Diana có biểu hiện mang thai - vị thẩm phán đại diện Ủy ban Đặc biệt tiếp tục biện luận - Không hề có chuyện “dính bầu” ở trường hợp này. Các xét nghiệm thai sản không được bệnh viện ở Paris, nơi thi thể Diana được chở đến xúc tiến, bởi đơn giản chẳng có bất cứ lý do gì khiến giới chuyên môn phải làm cái việc không cần thiết ấy”.

Phiên tái xử của Tối cao Pháp viện Anh được tiến hành dưới sự giám sát an ninh chặt chẽ và sẽ kéo dài trong vòng nửa năm, thu thập đầy đủ các bằng chứng nhằm xác định rõ mọi nguyên nhân dẫn đến vụ tử nạn của hai nhân vật nổi tiếng thế giới.

Điều cần lưu ý là phiên tòa tốn kém tới 10 triệu bảng Anh (20 triệu USD) này cốt chỉ trưng ra các chứng cứ thuyết phục nhất, nhằm gạt bỏ mọi hồ nghi âm ỉ trong công luận quốc tế suốt cả thập niên qua. Tòa sẽ không ra phán quyết cả về mặt hình sự lẫn dân sự về các bị cáo cùng tội danh cụ thể

Trần Hồng (tổng hợp)
.
.