Mật vụ SAPO Thuỵ Điển đầy tai tiếng

Thứ Ba, 05/01/2010, 19:50
Lực lượng cảnh sát chìm Săkerhetspolisen (SAPO) có nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia của Vương quốc Thụy Điển được thành lập cách đây đúng 7 thập niên - vào năm 1939. Chỉ trong vòng 4 năm trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, giới nhân viên của cơ quan mật vụ bí hiểm này đã đọc trộm 40 triệu thư tín cá nhân và nghe lén hơn 10 triệu cuộc điện thoại - cả nội hạt lẫn quốc tế.

Khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai sắp kết thúc, trong các tủ két tuyệt mật thuộc Văn phòng SAPO ở Stockholm đang lưu giữ  bản danh sách dài dằng dặc về tên tuổi cũng như nhận dạng của hàng chục nghìn đảng viên Cộng sản vùng Scandinavia, rất nhiều người trong số họ đã bị tống vào các trại tập trung của quân Đức phát xít.

Quả đúng vậy, ngay từ đầu thập niên 40, dưới sức ép của các thế lực phản động bên trong Riksdag (Nghị viện Thụy Điển), người ta đã buộc phải biểu quyết chấp thuận một đạo luật đặc biệt cho phép thành lập cái gọi là các "đại đội lao công", thực chất là các cơ sở quản thúc bất cứ ai có tư tưởng dân chủ tiến bộ. Dĩ nhiên là những người Cộng sản cùng các giới có nhãn quan chính trị "bài Quốc xã", cũng như những người nhiệt huyết từng tham gia vào đội quân tình nguyện quốc tế trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha (1931-1936), đã trở thành những nạn nhân đầu tiên trong các "trại cải huấn" do giới sĩ quan thuộc SAPO quản lý. Còn theo thông tin chính thức từ Cơ quan truyền thông quốc gia Thụy Điển thời ấy, thì con số các "trại viên" đông đảo đã lên tới hơn 3.000 người.

Một bằng chứng khó phủ nhận nữa,  là SAPO đã có mối quan hệ khăng khít với mật vụ Gestapo của Đức Quốc xã, tự nguyện "bán đứng" cho chúng mọi công dân Thụy Điển theo đuổi tư tưởng chống phát xít. Người ta cũng thật dễ dàng mường tượng ra sự tham gia "tích cực" của SAPO, nếu như giới lãnh đạo Đế chế đệ tam bỗng dưng "nổi hứng" lên kế hoạch chiếm đóng Vương quốc Thụy Điển vốn "trung lập"! Tuy sau Thế chiến II có ai đó trong SAPO từng ra sức biện luận, rằng "những biện pháp đặc biệt thời chiến thật hữu ích, khiến Thụy Điển không lâm vào cảnh đối đầu với thực lực quân Đức cuồng bạo", nhưng nhằm mục đích "đứng ngoài vòng chiến" mà đang tâm tố cáo những công dân yêu hòa bình của mình thì thật là không thể lý giải nổi!

Hòng ngăn ngừa những vi phạm lặp lại của thời trước, đầu năm 1968, giới dân biểu thuộc Riksdag đã đồng thanh biểu quyết ủng hộ dự luật "Cấm lập hồ sơ theo dõi công dân vì chính kiến, quan điểm cá nhân". Đạo luật này được nhanh chóng thông qua dựa trên một sự kiện gây scandal của Văn phòng Thông tin quốc gia (IB) - một cơ quan phản gián tuyệt mật cấp nhà nước, khi người ta bóc trần các hoạt động mờ ám của IB vào giữa thập niên 60 liên quan tới các cuộc "truy bức chính trị" có hệ thống.

Đến tháng 10/1983, cựu Bộ trưởng Tư pháp Thụy Điển I.Giulnes mới công khai thừa nhận trên nhật báo Dagens Nyheter, rằng IB đã âm thầm gửi các nhân viên của mình "chui" vào các tổ chức nghiệp đoàn của nhiều xí nghiệp. Kết cục là IB bị cấm hoạt động trong lĩnh vực đối nội, và tới đầu thập niên 70 buộc phải giải thể... Còn "đống" hồ sơ lưu trữ của IB không những không bị tiêu hủy, mà "mặc nhiên" được SAPO tiếp quản, nhằm "thâu tóm trực tiếp những kẻ tiềm ẩn mối nguy hoặc thể hiện sự bất lợi cho nền an ninh quốc gia" - như nguyên văn lời của Mats Biorieson, đương kim Giám đốc SAPO. Theo đó thì SAPO đã tiếp nhận từ IB tên tuổi của từ 200-300 công dân Thụy Điển "đáng nghi" (!).

Ngay cả cố Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme (ông này đã bị ám sát chết vào tháng 2/1986 khi đang đương chức và cho đến nay vẫn chưa tìm ra hung thủ) SAPO cũng chẳng tha. Điều này được chính thức ghi nhận trong cuốn sách "Cuộc chiến của các thực lực cảnh sát" ấn hành cuối năm 1983, tác giả là cựu Trưởng phòng Thông tin thuộc SAPO - Thiếu tá K.Falkenstam. Trong đó cho biết là O.Palme bị nhân viên SAPO theo sát gót vì là một trong những người "quá cấp tiến". Ngoài ra, SAPO cũng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt, ngăn không để cho O.Palme tiếp cận được với những nguồn tin cơ mật, bởi người ta lo ngại rằng thông tin mà O.Palme có được rất dễ "rò rỉ" sang các vị nguyên thủ quốc gia khác (?!).

Trụ sở SAPO bề thế giữa thủ đô Stockholm.

"Cái cớ" đặt O.Palme vào "vòng ngắm" của SAPO là vào ngày 21/2/1968, khi ông còn là Bộ trưởng Giáo dục và cầm đầu đoàn diễu hành khổng lồ ở Stockholm, rồi hùng hồn lên diễn đàn đọc diễn văn công khai phản đối cuộc chiến phi pháp của quân Mỹ ở Việt Nam. Sự kiện "động trời" này khiến Washington tức điên lên, Tổng thống đương nhiệm Lyndon Johnson lập tức triệu hồi Đại sứ Mỹ tại Thụy Điển về "tham khảo".

Chẳng bao lâu sau, CIA liền cử sang Stockholm một nhân viên cao cấp vốn là bạn đồng học thời sinh viên của O.Palme tại Trường Kenyon danh tiếng. Qua "trung gian" của SAPO, nhân vật này có nhiệm vụ "lý giải vai trò tối ưu quan trọng của đồng minh Thụy Điển" với cá nhân O.Palme cũng như những người đồng chính kiến với ông...

Sự "tự  tiện thái quá triền miên" từ Cơ quan An ninh Quốc gia SAPO đã buộc Thủ tướng Palme phải lên tiếng vào giữa tháng 9/1983: "Tôi thừa biết, SAPO luôn xem tôi như một kẻ gây quan ngại cho nền an ninh của đất nước này. Họ chẳng cần phải cải chính những căn nguyên lố bịch ấy mà làm gì. Nhưng điều tuyệt nhiên không được phép là xin chớ biến SAPO thành một thứ tổ chức "nhà nước bên trong nhà nước", cũng như  tự tiện hành động theo những "nguyên tắc riêng" phi dân chủ!"

Trần Hồng ( Theo Tuyệt mật)
.
.