Máy bay không người lái Israel: Gieo rắc cái chết trên Dải Gaza

Thứ Năm, 31/07/2014, 11:35

Theo Nghị quyết Liên Hiệp Quốc được Hội đồng Bảo an cùng Đại hội đồng thông qua: Dải Gaza vẫn tiếp tục là một vùng đất bị chiếm đóng và là một phần lãnh thổ bị chiếm đóng của nhân dân Palestine. Phía Israel áp đặt chính sách bao vây Gaza kể từ năm 2007, phong tỏa đường bộ, đường không và đường biển. Vì là vùng đất rộng 365km2 có dân số hơn 1,5 triệu người, nên Gaza trở thành nhà tù ngoài trời lớn nhất thế giới.

Theo Văn phòng Liên Hiệp Quốc phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo trong vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, 85% trường học đổ nát đang được sử dụng lại sau các cuộc tấn công của Israel từ năm 2008-2009. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn tiến, đến năm 2020, Dải Gaza sẽ trở thành một vùng đất không có sự sống.

Những gì không nêu trong số liệu thống kê chính là ảnh hưởng tâm lý đè nặng lên người dân Palestine, đặc biệt là trẻ em, đang phải sống trong mối đe dọa thường trực của máy bay không người lái thường xuyên xuất hiện trên bầu trời và tấn công Gaza.

Ông Hamdi Shaqquara, Phó giám đốc Trung tâm Nhân quyền Palestine đã đau đớn xác nhận: "Đối với chúng tôi, máy bay không người lái đồng nghĩa với sự chết chóc… Khi người dân nghe thấy tiếng máy bay, cũng là lúc họ nhìn thấy cái chết đang cận kề".

Máy bay không người lái thường bay sát mặt đất, đôi khi người dân Palestine nhìn thấy rõ mồn một. Sự hiện diện thường xuyên của máy bay không người lái tạo ra âm thanh chết chóc hơn khi kết hợp với pháo đài bay ném bom F-16 bay tầm thấp, âm lực của nó đủ sức phá vỡ cửa kính, làm đinh tai, nhức  óc. Không quân Israel thường nhắm vào mục tiêu là các cơ sở hạ tầng dân sự của Palestine, chẳng hạn trạm cảnh sát, cơ sở y tế bao gồm cả xe cứu thương và bệnh viện.

Hình ảnh vụ tấn công Dải Gaza bằng máy bay không người lái của Israel vào ngày 5/7/2014.

Hoạt động "đáp trả cứng rắn" không cảnh báo trước đã xảy ra trong năm 2009 - một tuần oanh tạc bằng máy bay liên tục nhắm vào cư dân ở Gaza. Tiếp theo đó là cuộc tấn công trên mặt đất kéo dài trong 2 tuần giết chết hơn 1.400 người dân Palestine, trong đó có khoảng 300 trẻ em. Toàn bộ khu vực dân cư Dải Gaza bị san thành bình địa, buộc hàng ngàn người dân lâm vào cảnh vô gia cư... Đã hàng thập kỷ, chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza đã cướp đi sinh mạng hàng ngàn người dân vô tội.

Vào lúc 2 giờ chiều ngày 2/1/2009 ở Al-Qarara - một khu vực nhỏ thuộc Dải Gaza, 3 cháu nhỏ trong gia đình Al Astal gồm Abed Rabbo 8 tuổi, Muhammad (anh trai Abed Rabbo) 11 tuổi và người anh họ cũng 11 tuổi là Abdal Satter đã bị một quả tên lửa phóng từ máy bay không người lái giết chết. Bấy giờ, những đứa trẻ ngây thơ đang ăn mía và  vui chơi gần nhà.

11 giờ trưa ngày 4/1/2009, Mamoud Khaled al Mashrawi, 13 tuổi và anh họ Almad Khader Sbeith 17 tuổi đang chơi trên chơi sân thượng nhà của Mamoud ở quận Yarmoud, thành phố Gaza, thì cả 2 bị trúng tên lửa từ một máy bay không người lái, Almad chết ngay lập tức, Mahmoud bị thương rất nặng và chết sau vài ngày cấp cứu.

Đến ngày 15/1, 5 thành viên trong gia đình Rmeilat gồm 3 cháu nhỏ cùng mẹ và bà ngoại đã bị máy bay không người lái từ Israel phóng tên lửa giết chết khi ngồi ngoài hiên nhà ở ngoại ô Beit Lahia, phía bắc Dải Gaza.

Máy bay chiến đấu không người lái của Israel - tử thần trên bầu trời dải Gaza.

Kể từ năm 2012 đến nay, quân đội Israel thường thực hiện các vụ tấn công Gaza bằng máy bay không người lái, trực thăng Apache, phản lực chiến đấu F-16 và tàu chiến. Israel đã đơn phương phát động cuộc tấn công chiến dịch "củng cố vững chắc thế trận quốc phòng". Israel đã gây ra vụ ám sát ông Ahmed al Jabari - Tham mưu trưởng lực lượng Hamas. Trong suốt 8 ngày, Israel liên tục bắn phá Gaza bằng cách phóng đạn từ tàu chiến ngoài biển và dùng máy bay ném bom gây ra hậu quả khủng khiếp.

Trong một chiến dịch kéo dài 22 ngày, quân đội Israel đã giết chết 4 trẻ em dưới 16 tuổi và gây thương tật nặng cho hơn 100 người, 18 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn và 52 ngôi nhà bị hư hại, 6 cửa  hàng, một nhà thờ Hồi giáo và một bệnh viện cũng phải hứng chịu thiệt hại nặng nề vì các cuộc tấn công từ máy bay không người lái hoặc máy bay phản lực chiến đấu.

Chị Huda (21 tuổi) và anh  Khaled Tafesh (25 tuổi) kết hôn năm 2010 và sinh hạ bé Haneen Tafesh sau một năm nên nghĩa vợ chồng, nhưng thật xót xa cho đôi vợ chồng trẻ khi con đầu lòng của họ bị một cuộc oanh tạc của Israel cướp đi mạng sống vào tháng 10/2012. Một quả tên lửa phóng từ một máy bay không người lái đã bắn trúng vào ngôi nhà nhỏ của gia đình Khaled Tafesh, bé Haneen bị vùi trong đống đổ nát của nhà tắm, còn bà mẹ trẻ Huda bị thương nặng.

Chị Huda nói giọng ngậm ngùi, phẫn uất trong nước mắt kể lại thời khắc kinh hoàng và đau đớn nhất trong cuộc đời: "Khi một chiếc xe cứu thương đến và mang tôi đến bệnh viện, một chiếc máy bay không người lái đã phóng quả tên lửa thứ 2. Quả tên lửa này rơi trước sân nhà của chúng tôi".

Nạn nhân Mamoun, 12 tuổi, trước khi bị máy bay không người lái từ Israel bắn chết đã vừa khóc vừa gọi điện thoại cho mẹ (tên là Amna) trong nỗi sợ hãi hoảng loạn: "Mẹ ơi, con sợ lắm, vì có máy bay trên trời. Có nhiều máy bay lắm. Con có thể nghe thấy tiếng chúng. Con cũng thấy một chiếc trực thăng. Nhanh lên, nhanh lên và chạy đi, mẹ ơi".

Vào khoảng 14 giờ 30 phút, ngày 20/6/2012, chị Amna cùng chồng là anh Mohamed (bị thương nặng và đã mù cả 2 mắt sau một vụ tấn công bằng máy bay không người lái) trong tâm trạng đầy lo âu dắt tay nhau đi đến nông trại của gia đình ở Al Zeitoun, khi đến nơi, họ gào khóc trong đau đớn tột cùng, con trai của họ là Mamoun đã chết vì trúng đạn của Israel.

Chị Amna vẫn còn giữ quả bóng màu đỏ - kỷ vật duy nhất còn lại của con trai. Giọng đắng nghẹn trong cổ họng, người mẹ đau khổ nhớ về cậu con trai bé bỏng, hiền lành của mình: “Tôi muốn biết lý do vì sao họ giết con tôi. Vì sao? Mamoun của tôi luôn sống hiền lành với mọi người và cả những con vật. Thằng bé chưa làm hại bất cứ ai. Nó từng nuôi một con mèo lạc, thậm chí đến tận bây giờ, con mèo vẫn đứng ngoài sân nhà đợi Mamoun. Tôi nhớ nó từng hôn chân tôi và nói với tôi: "Mẹ là tình yêu của con, con luôn muốn giữ mãi tình yêu mẹ trong trái tim con... Tôi chỉ muốn biết vì sao họ cướp mất con trai của chúng tôi?”

Phạm Anh Trúc (tổng hợp)
.
.