Mở lại cuộc điều tra về “Bác sĩ tử thần” ở Nam Phi

Thứ Năm, 27/10/2011, 11:40

Wouter Basson là người điều hành Project Coast (Dự án Bờ biển) - chương trình vũ khí sinh hóa của chế độ Apartheid ngày trước - nên được gọi là “Bác sĩ tử thần” của Nam Phi. Basson bị buộc tội chế tạo những loại độc chất nguy hiểm trong hai thập niên 80 và 90, trong đó một số được cho là “dành cho” những nhà hoạt động chống chế độ Aparthied.

20 năm sau Dự án Bờ biển, Wouter Basson tiếp tục phải đối mặt với cuộc điều tra về y đức của Hội đồng nghề y Nam Phi (HPCSA). Nếu bị buộc tội, Basson có thể bị xóa tên khỏi danh sách những người hành nghề y và tước giấy phép hành nghề vĩnh viễn. Hiện thời Basson là bác sĩ chuyên khoa tim ở Cape Town.

Steven Miles, chuyên gia về đạo đức trong thực hành y khoa ở Đại học Minnesota, tuyên bố trước phiên tòa của HPCSA hôm 27/9/2011 ở Pretoria rằng, công việc nghiên cứu của Basson đã gây ra cho con người nguy cơ tàn phế suốt đời, tổn hại não thường xuyên và cái chết trong đau đớn.

Nam Phi phát triển vũ khí hóa học được cho là nhằm tự vệ trước mối đe dọa vũ khí sinh hóa (CBW) từ những quốc gia khác. Nhưng sự ra đời của Công ước Geneva năm 1925 (cấm sử dụng CBW trong chiến tranh) tạm thời làm dịu bớt sự căng thẳng về loại vũ khí cực độc này. Mặc dù vậy, Nam Phi vẫn không hoàn toàn từ bỏ chương trình sản xuất và nghiên cứu CBW của mình.

Sau Thế chiến thứ II, Lực lượng Quốc phòng của Nam Phi (SADF) vẫn tiếp tục chương trình CBW mặc dù ở mức độ thấp hơn. Nhiều loại CBW ra đời trong khoảng thời gian đó bao gồm hơi cay, bột CX và hơi độc mustard (mù tạc). Những tác nhân không gây chết người thường được sử dụng để kiểm soát đám đông.

Đến thập niên 70, chương trình CBW của Nam Phi bắt đầu bước vào sản xuất những tác nhân có tính hủy diệt cao hơn, bất chấp Hiệp ước Ngăn cấm phát triển, sản xuất và lưu trữ vũ khí sinh hóa và vi khuẩn (BTWC) năm 1975.

Một cuốn sách viết về Basson của hai tác giả Chandre Goul và Marlene Burger.

Sau cuộc nổi dậy của người da đen chống chế độ Apartheid - gọi là cuộc nổi loạn Soweto cũng như cuộc chiến tranh với Rhdesia (nay là Zimbabwe) vào giữa những năm 1976 và 1979 khiến cho tình hình chính trị ở Nam Phi trở nên căng thẳng. Thủ tướng Nam Phi lúc đó là P.W. Botha kêu gọi SADF tìm phương pháp hiệu quả hơn nữa để giải quyết những xung đột trong và ngoài nước. Tháng 4/1981, Dự án Bờ biển của SADF ra đời để đáp lại yêu cầu của Botha.

Năm 1981, Wouter Bason, bác sĩ khoa tim đồng thời là bác sĩ cá nhân của Thủ tướng Botha, được chỉ huy lực lượng quân y Nam Phi - Thiếu tá N.J. Nieuwoudt - thuê làm việc cho một đơn vị y khoa quân đội đặc biệt của SADF gọi là Tiểu đoàn quân y SAMS số 7.

Nhiệm vụ ban đầu của Basson là đến một số quốc gia Tây Âu để thu thập thông tin về khả năng phát triển CBW của các quốc gia khác, cũng như tiếp xúc với cộng đồng khoa học quốc tế vì mục đích tình báo. Sau khi trở thành người lãnh đạo Dự án bờ biển, Basson tuyển mộ khoảng 200 nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới và hàng năm được tài trợ 10 triệu USD. Năm 1982, Basson được cho là đứng đằng sau vụ giết chết 200 tù nhân thuộc Tổ chức nhân dân Tây Nam Phi.

Để thực hiện Dự án Bờ biển, Basson đã cho lập ra 4 công ty bình phong là: Delta G Scientific Co. sản xuất và phát triển các tác nhân hóa học, trong khi Roodeplaat Research Laboratories (RRL) phát triển các mầm bệnh sinh hóa và được cho là có liên quan đến nghiên cứu kỹ thuật biến đổi gene. Công ty Protechnik phát triển vũ khí sinh hóa và hạt nhân để chống lại mối đe dọa vũ khí hóa học từ những quốc gia khác. Còn Infadel tập trung tài trợ và quản lý những đơn vị khác. Nhiều công nhân làm việc trong hệ thống nhà máy của Basson không hề được cảnh báo về tính chất nguy hiểm của công việc họ đang làm.

Wouter Basson hiện nay.

Khi F.W. de Klerk trở thành Tổng thống Nam Phi năm 1990, ông ra lệnh ngừng sản xuất hóa chất và các tác nhân giết người phải được tiêu hủy. Lúc đó Basson tập trung vào các tác nhân hóa học không gây chết người và những hóa chất mà chính quyền không cấm. Một lượng lớn Esctasy và Mandrax được cho là để xuất khẩu bán cho bọn buôn ma túy trong các cộng đồng chống chủ nghĩa Apartheid. Nhưng phần lớn kho hàng dự trữ sau đó đã biến mất. Về sau, các nhà khoa học làm việc trong Dự án Bờ biển tin rằng số hóa chất được sử dụng để chế tạo hơi cay pha thuốc.

Tháng 1/1992, Mozambique tố cáo một máy bay trực thăng Nam Phi thả chất độc tấn công binh lính nước này làm 4 người chết. Cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc, Mỹ và Anh xác định đó là tác nhân thần kinh BZ. Sau đó, Mỹ và Anh bắt đầu gây sức ép lên chính quyền Nam Phi và tháng 1/1993, Basson phải hủy bỏ Dự án Bờ biển.

Theo phiên tòa xét xử năm 2002, Basson đã cho thử nghiệm 24 tác nhân độc hại khác nhau trong suốt thời gian ông ta lãnh đạo Dự án Bờ biển. Basson khai tại phiên tòa này rằng từ năm 1981 đến 1993, ông ta chỉ làm theo mệnh lệnh của chế độ quân sự Apartheid. Do thiếu chứng cứ, tòa án không thể buộc Basson tội sử dụng binh lính Nam Phi để thử nghiệm Mandrax, Esctasy, hơi cay và tác nhân thần kinh BZ. Nguy hiểm nhất trong số này là loại thuốc độc scoline gây suy hô hấp, tổn thương cơ và suy thận

Duy Minh (tổng hợp)
.
.