Tiết lộ hồ sơ mật vụ CHDCND Triều Tiên bắt tàu gián điệp USS Peublo

Thứ Hai, 09/02/2015, 11:10
Khi đặt chân đến Bình Nhưỡng, thủ đô nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (CHDCND) hầu như tất cả du khách đều muốn được lên tham quan tàu USS Peublo - là con tàu gián điệp Mỹ, hiện đang neo đậu tại một cảng trên bờ sông Taedong, Bình Nhưỡng, bị lực lượng Hải quân CHDCND Triều Tiên bắt sống trong vùng biển Triều Tiên vào ngày 23/1/1968 khi nó đang tiến hành thu thập tin tức tình báo.

Vụ việc ấy đã gây chấn động trên toàn thế giới, nhất là trong giai đoạn Mỹ và Liên Xô đang diễn ra cuộc Chiến tranh lạnh.

1. Được hạ thủy vào tháng 7/1944 tại cảng Kewaunee, bang Wisconsin, Mỹ, do Hãng Shipbuiding&Engineering Corp thi công, tàu USS Peublo thoạt đầu là tàu vận tải của quân đội Mỹ với tên gọi FP-344. Khi Thế chiến II kết thúc, FP-344 được điều tới căn cứ Hải quân Mỹ tại vịnh Subic, Philippines và được đổi tên thành FS-344.

Tháng 4/1966, NSA (National Security Agency - Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ) tiếp nhận con tàu này rồi giao cho Hãng LTV Electrosystems Corporation chuyển đổi công năng thành một tàu "nghiên cứu hải dương" tại xưởng đóng tàu Puget Sound, Bremerton, bang Washington - mà thực chất là hoán cải nó thành tàu trinh sát điện tử, cái tên FS-344 được thay bằng USS Peublo nhưng trong hoạt động, nó thường được gọi bằng danh xưng rất hiền lành: GER 2 (General Environmental Research - Nghiên cứu môi trường chung).

Tháng 11/1967, USS Pueblo đến vùng biển Nhật Bản để bắt đầu thực hiện nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo về CHDCND Triều Tiên qua hệ thống trinh sát điện tử tốt tân nhất vào thời ấy: Hệ thống SOD Hut. Lúc này, con tàu có chiều dài 59m, rộng 10,6m, trọng lượng không tải là 550 tấn, tải trọng toàn phần 890 tấn. Tàu trang bị 2 động cơ GMC với 2 chân vịt, tốc độ tối đa 12,8 hải lý/giờ. Ngoài 10 khẩu súng trường bán tự động và một ít súng ngắn, tàu chỉ được vũ trang 2 súng máy 12,7mm. Chỉ huy tàu gồm 13 sĩ quan do đại úy Lloyd M. Bucher làm thuyền trưởng, còn thủy thủ đoàn là 70 người.

Ngày 5/1/1968, tàu USS Peublo rời cảng Yokosuka, Nhật Bản hướng về phía nam tới căn cứ hải quân Sasebo do Mỹ chiếm đóng. Sau khi lấy thêm nhiên liệu, lương thực, nó đi qua eo biển Tsushima và bắt đầu tiến hành thu thập thông tin tình báo. Theo mật lệnh mà NSA gửi cho thuyền trưởng Lloyd M. Bucher thì nhiệm vụ của USS Peublo bao gồm: Xác định tính chất và mức độ hoạt động của Hải quân CHDCND Triều Tiên tại các cảng Songjin, Mayang Do, Wonsan.

Tàu USS Peublo tiến vào lãnh hải CHDCND Triều Tiên. Ảnh do Hải quân Mỹ chụp.

Xác định vị trí các căn cứ rađa của CHDCND Triều Tiên ở bờ biển phía đông, giám sát hoạt động của Hải quân Liên Xô đang hoạt động tại eo biển Tsushima dưới hình thức tàu đánh cá nhưng không can thiệp vào hoạt động của những tàu này. Đo lường phản ứng và báo cáo ngay bất cứ một sự triển khai lực lượng nào của Hải quân CHDCND Triều Tiên và Liên Xô với tàu USS Peublo. Đánh giá mức độ rủi ro của tàu USS Peublo khi bị quấy rối hoặc đe dọa. Chấm dứt nhiệm vụ và quay về Sasebo ngày 23/1…

2. Trước khi nói tiếp chuyện tàu USS Peublo bị bắt sống, cũng cần nhìn lại bối cảnh của cuộc Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô lúc bấy giờ. Thời điểm ấy, người Mỹ thường xuyên duy trì một một bộ phận lớn, bao gồm nhiều ngành, sử dụng nhiều nhân lực và các phương tiện kỹ thuật tiên tiến nhằm mục đích thu thập thông tin tình báo từ các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa - trong đó chủ yếu là Liên Xô.

Khi cuộc chạy đua vũ trang giữa Liên Xô và Mỹ ngày càng gia tăng, Hải quân Mỹ phải đối mặt với một nhu cầu rất lớn về tình báo điện tử bởi lẽ Liên Xô đã phát triển một chương trình chuyển đổi các tàu trinh sát lớp AGI (Artificial General Intelligence) thành các tàu đánh cá xa bờ.

Trong suốt những năm 1960, các tàu đánh cá này thường xuyên lởn vởn ở ngoài khơi cảng Puget Sound - bang Washington, San Francisco, San Diego - bang California, Norfolk - bang Virginia, Cocoa - bang Florida, Groton - bang Connecticut, là cửa ra vào đại dương của các tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay Mỹ. Từ báo cáo của các tàu đánh cá, Hải quân Liên Xô có thể theo dõi mọi sự chuyển dịch của những con tàu này.

Về phía người Mỹ, việc thu thập thông tin tình báo điện tử phụ thuộc vào máy bay trinh sát U2, tàu ngầm cùng với vệ tinh địa tĩnh bay ở quỹ đạo thấp. Tuy nhiên, những phương tiện ấy lại có nhiều nhược điểm: vệ tinh địa tĩnh rất khó ghi lại các tín hiệu phát ra từ một vật đang di chuyển, tàu ngầm phải nổi lên và phải giương ăngten nhưng lại không thể nổi lên, giương ăngten một thời gian dài vì sẽ bị phát hiện. Với máy bay, thời tiết là sự cản trở lớn nhất, chưa kể Liên Xô đã phát triển thành công loại tên lửa, dễ dàng bắn hạ máy bay trinh sát U2 cho dù nó bay ở độ cao 15km.

Thuyền trưởng Bucher.

Nhìn thấy những thành công rõ rệt của các "tàu đánh cá" Liên Xô, hải quân Mỹ cùng với NSA lập tức tiến hành chương trình GER trên nguyên lý sử dụng các tàu nhỏ, không vũ trang hoặc vũ trang rất ít, bằng những loại súng đã lỗi thời, cũ kỹ như thể chỉ dùng để bảo vệ tàu hơn là để tấn công đối phương. Ý đồ của nguyên lý này là nếu chẳng may bị chặn lại, bị khám xét trong vùng biển chủ quyền của các quốc gia thù địch thì họ cũng không thể quy kết rằng tàu GER là tàu chiến. Thuyền trưởng, thủy thủ, kỹ thuật viên trinh sát điện tử đều lấy từ Hải quân Mỹ nhưng được ngụy trang dưới lớp vỏ là các chuyên gia về "hải dương học".

Thiết bị do thám SOD Hut do Hãng LTV Electrosystems Corporation, trụ sở tại thành phố Greenville, bang Texas đặt trên tàu cũng đều được ngụy trang dưới hình thức máy móc "nghiên cứu hải dương". Theo kế hoạch, sẽ có khoảng 40 tàu loại này được đưa vào hoạt động và chiếc đầu tiên là chiếc GER 1.

Năm 1967- 1968, nó đã liên tục xuất hiện ở ngoài khơi bờ biển Liên Xô, Trung Quốc cùng bờ biển phía tây của CHDCND Triều Tiên. Theo đánh giá của NSA, khả năng thu thập thông tin tình báo của GER 1 được coi là thành công nên tiếp theo, GER 2 ra đời, chịu trách nhiệm vùng eo biển Tsushima và bờ biển phía đông CHDCND Triều Tiên, GER 3 ở phía tây Thái Bình Dương…

3. Mười giờ sáng ngày 5/1/1968, tàu USS Pueblo tiến vào căn cứ Hải quân Mỹ Sasebo nằm ở miền Nam Nhật Bản để bổ sung nhiên liệu và lương thực. Hai ngày sau, lúc mọi việc đã hoàn tất, còi tàu hú lên một tràng dài. Thuyền trưởng Bucher đội một chiếc mũ chóp nhọn màu đỏ, vành mũ viền trắng - loại mũ của ông già Noel, đứng trên đài chỉ huy hét lớn qua loa phóng thanh trong tiếng gầm rú ồn ào của nhiều tàu đánh cá lẫn tàu buôn Nhật Bản: "Lên đường nào các chàng trai của ta".

Con tàu tiến ra Thái Bình Dương trong điều kiện thời tiết tồi tệ. Mỗi lần trườn qua một con sóng, thân tàu có lúc nghiêng đến 40 độ, vỏ tàu rung lên bần bật. Mặc dù đã chạy cả hai máy nhưng tốc độ của tàu chỉ khoảng 9 hải lý/giờ. Tin khí tượng truyền đi từ căn cứ hải quân Mỹ trên đảo Guam cho biết gió giật cấp 13, sóng biển cao từ 8 đến 10 mét. Cuối cùng, chịu không nổi, thuyền trưởng Bucher phải ra lệnh cho tàu vào núp gió tại một hòn đảo nhỏ đồng thời yêu cầu căn cứ Sasebo cử chuyên gia tới để sửa chữa thiết bị ăngten thu tín hiệu SOD Hut đã bị hư hại khá nhiều.

Đêm hôm ấy, phần lớn thủy thủ đoàn được tự do. Họ lên bờ, kéo vào một quán bar uống bia giải sầu. Một cô gái bán bar người Nhật hỏi một thủy thủ rằng anh ta đi đâu. Chẳng cần giấu giếm, người thủy thủ này nói lớn: "Đi Bắc Triều Tiên". Chẳng rõ thông tin này có được cô gái bán bar kể cho ai nghe không nhưng từ lúc ấy, bí mật hết còn là… bí mật!

Ngày 11/1/1968, sau khi sửa chữa xong thiết bị ăngten thu tín hiệu, tàu USS Peublo tiến vào lãnh hải CHDCND Triều Tiên. Thời tiết càng lúc càng lạnh, băng đóng trắng xóa trên đĩa ăngten khiến nó quay lừ đừ như người hết hơi. May mắn thay, khi đến giữa vĩ độ 40 và 41 bắc, trời bắt đầu hửng nắng. Ra lệnh cho thủy thủ đoàn thử súng để loại bỏ lớp mỡ bôi trơn trên các bộ phận đã bị đông cứng, thuyền trưởng Bucher thả xuống nước một chiếc thùng phuy 20 lít. Đợi nó trôi cách tàu 20 mét, hai khẩu đại liên 12,7mm cùng nhả đạn nhưng chẳng trúng phát nào!

Tàu chống ngầm SO-1 của CHDCND Triều Tiên. Ảnh chụp từ tàu USS Peublo.

Ngày 15/1/1968, nhìn thấy một số tàu vận tải treo cờ Nga đi ngang, các chuyên viên "hải dương" bắt tay vào việc bằng cách thả xuống biển các thiết bị đo đạc dòng chảy, độ mặn, nhiệt độ nước biển để đánh lừa nếu bị quan sát bằng ống nhòm tiêu cự lớn. Khi những tàu Nga qua khỏi, USS Peublo chuyển hướng xuống phía nam, giữa vĩ độ 40 và 41 bắc. Lúc này, bên tay phải nó, cách khoảng 40 hải lý là đảo Myang Do, còn mũi tàu trực diện với cảng Wonsan của CHDCND Triều Tiên, cách chừng 18 hải lý.

Sẩm tối ngày 20/1, màn hình rađa trên tàu USS Peublo xuất hiện hình dạng một tàu săn ngầm lớp SO-1 của CHDCND Triều Tiên lướt qua cách đó chừng 4.000 mét. Đây là loại tàu do Liên Xô chế tạo, được trang bị 2 hải pháo cỡ nòng 76,2mm cùng hệ thống tên lửa chống ngầm RBU-1200 ASW. Chiếc tàu này không phát ra bất kỳ một tín hiệu vô tuyến gì. Thuyền trưởng Bucher nhận định nếu tàu SO-1 biết tàu USS Peublo là tàu do thám thì nó sẽ im lặng để nghi binh nên ông ra lệnh cho bộ phận truyền tin cũng phải im lặng để đánh lừa tàu SO-1, rằng USS Peublo chỉ là tàu nghiên cứu.

Vài phút sau, SO-1 biến mất trong bóng tối dày đặc. Tiếp tục cho tàu đến gần cảng Wonsan rồi thả neo - mà sau này khi USS Peublo đã bị bắt sống, chính quyền Mỹ cho rằng nó thả neo cách cảng này 13 hải lý - nghĩa là không nằm trong hải phận CHDCND Triều Tiên - thuyền trưởng Bucher ra hiệu cho bộ phận trinh sát điện tử bắt đầu tiến hành công việc. Theo dự kiến, USS Peubol sẽ ở lại đây đến ngày 23 rồi quay về căn cứ Sasebo.

Ngày 22/1 là một ngày bất thường vì lượng mây mù đột ngột giảm đi, trời bắt đầu thấp thoáng có nắng... Các tin tức tình báo thu thập được cũng tăng lên. Trong bữa ăn sáng, thuyền trưởng Bucher thưởng cho thủy thủ đoàn mỗi người một ly rượu mạnh để ăn mừng may mắn.

Khoảng 10 giờ 30 phút, xuất hiện hai tàu đánh cá lớp Lenta, sơn màu xám, treo cờ CHDCND Triều Tiên do Liên Xô chế tạo, chạy song song với tàu USS Peublo ở khoảng cách 450 mét. Sau đó, hai tàu này đột ngột tách ra, rẽ theo hình tròn, vây tàu USS Peublo vào giữa, có lúc chỉ cách USS Peublo chừng 22 mét. Trên tàu, vài người ăn mặc như ngư dân, đứng trên boong, chăm chú nhìn tàu USS Peublo. Một kỹ thuật viên trên tàu USS Peublo là Mack lấy máy ảnh, bí mật chụp hai con tàu đánh cá rồi đưa cho bộ phận in tráng, yêu cầu rửa ngay và truyền về căn cứ Sasebo để xác định xem đây có phải là tàu do thám ngụy trang tàu đánh cá không. Mặc dù đã hết sức cố gắng nhưng do ảnh hưởng của tầng điện ly nên các kỹ thuật viên không thể nào truyền những bức ảnh này về được.

(Còn tiếp)

Cao Trí (theo History)
.
.