Mở lại hồ sơ vụ ám sát Tư lệnh liên quân chống Taliban ở Afghanistan:

Khi “sư tử Panjshir” gục ngã

Thứ Ba, 02/01/2018, 14:21
Tháng 11-2000, các nhà lãnh đạo thuộc các nhóm sắc tộc đến từ nhiều vùng khác nhau ở Afghanistan, một số ít đến từ châu Âu, Mỹ, Pakistan, Ấn Độ, đã tập họp tại căn cứ của Massoud tại miền bắc Afghanistan để thảo luận và giải quyết các vấn đề về việc thành lập một chính phủ sau khi đánh bại Taliban.

Đầu năm 2001, Massoud có bài nói chuyện trước Nghị viện châu Âu tại Brussels, Bỉ. Trong bài nói chuyện ấy, ông đề nghị cộng đồng quốc tế cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan, đồng thời khẳng định rằng “Taliban và Al-Qaeda đã nhận thức rất sai lầm về đạo Hồi. Nếu không có sự ủng hộ của Pakistan và Osama bin Laden, chế độ Taliban sẽ không thể đứng vững trong 12 tháng…”.

Vai trò của Pakistan với Taliban

Cho đến đầu năm 2001, các tỉnh phía bắc dưới sự kiểm soát của tướng Massoud và Liên minh phương Bắc vẫn được coi là thành trì cuối cùng chống Taliban ở Afghanistan. Mặc dù chỉ chiếm giữ 10% lãnh thổ nhưng nó là cái gai chọc vào mắt Mullah Mohammed Omar, thủ lĩnh Taliban bởi lẽ không ngày nào là không có những thường dân lẫn chiến binh Taliban chạy về phía Massoud.

Hussain Alwari, một người tị nạn Afghanistan nói với tờ Telegraph, Anh: “Đó là thiên đường cuối cùng ở Afghanistan. Tại đây, tôi hít thở không khí tự do, không ai làm phiền tôi, tôi được quyền làm những việc mình thích như đi chợ, xem tivi, nghe nhạc, đọc sách báo mà không phải xin phép…”.

Akhul Mullah, một người tị nạn khác nói thêm: “Trong khu vực này, phụ nữ và trẻ em gái không phải mặc burqa. Họ được phép làm việc và đi học. Họ cũng không phải chịu cảnh kết hôn cưỡng bức hoặc những hình phạt tàn khốc như những vùng Taliban cai trị”. Theo tướng Massoud, đàn ông và phụ nữ Afghanistan đều bình đẳng và được hưởng các quyền như nhau mặc dù ông phải đối phó với truyền thống cổ xưa nhưng ông hy vọng 1 hoặc 2 thế hệ nữa, sẽ vượt qua được thông qua sự giáo dục.

Áp phích in hình tướng Massoud được dán ở nhiều nơi trong “Ngày Massoud”.

Giai đoạn ấy, những cuộc chạm súng giữa Taliban và Liên minh phương Bắc hầu hết xảy ra dưới hình thức tập kích nhỏ lẻ mặc dù Taliban được sự chi viện mạnh mẽ của giới quân sự Pakistan. Trận đánh được xem như lớn nhất là trận thung lũng Panjshir, nơi đặt bộ chỉ huy của tướng Massoud. 9.000 tay súng Taliban với sự hỗ trợ của Sư đoàn bộ binh thường trực số 13 và Sư đoàn Dù số 50 Pakistan đã đồng loạt tung ra các cuộc tấn công nhắm vào Panjshir và các vùng lân cận dựa vào tin tình báo do Đơn vị đặc biệt số 4 ISI cung cấp.

Cùng lúc đó, khoảng 1.500 tay súng Al-Qaeda cũng phát động chiến dịch quân sự để “chia lửa” với Taliban trong kế hoạch giành quyền kiểm soát thung lũng Panjshir. Mặc dù phải chịu đựng hàng loạt những cuộc tấn công bằng máy bay và pháo binh nhưng lực lượng của tướng Massoud vẫn không lùi bước. Kết quả là sau hơn 40 ngày vây hãm Panjshir, cả Taliban, Al-Qaeda lẫn quân đội Pakistan đều phải rút lui.

Tính đến giữa năm 2001, vài tháng trước ngày Massoud bị ám sát, tổng cộng có 28.000 người Pakistan chiến đấu bên trong lãnh thổ Afghanistan, chống lại lực lượng của tướng Massoud, bao gồm 20.000 binh lính thuộc các đơn vị như Quân đoàn Biên giới, Sư đoàn Dù số 50, phần còn lại là dân quân tình nguyện. Tất cả những người lính này đều không mặc quân phục nhằm che giấu nguồn gốc xuất xứ. Khá nhiều bậc cha mẹ của họ không hề hay biết gì về sự liên quan giữa con họ và Taliban khi thi thể con họ được đưa về để chôn cất.

Về phía Taliban, trong số 25.000 tay súng có khoảng 8.000 là người Pakistan cùng hơn 3.000 người đến từ các quốc gia Arab và Trung Á. Phần lớn đều bị mê hoặc bởi cái gọi là “cuộc thánh chiến” với những chiến thắng được thổi phồng trong giai đoạn Taliban đánh lại quân đội Liên Xô. Được trang bị vũ khí tốt nhưng vật chất lại nghèo nàn, đa số các chiến binh Taliban sống dựa vào cộng đồng người Pashtun ở những vùng do họ kiểm soát. Vốn đã đói khổ vì chiến tranh, người Pashtun nay phải nuôi thêm những kẻ ăn bám nên việc họ bỏ chạy sang Liên minh phương Bắc là điều dễ hiểu.

Để phản đối sự can thiệp của Pakistan, tướng Massoud gửi một thông điệp đến thủ tướng Pakistan là Navaz Sharif vào thời điểm đó cùng với các chi tiết về quân đội Pakistan và Cơ quan Tình báo ISI. Khi Thủ tướng Navaz Sharif ra lệnh điều tra vụ việc này thì ông bị ngăn cản bởi tướng Musharraf vì Musharraf cho rằng “Taliban là tài sản có giá trị trong việc bảo vệ biên giới Pakistan”, trong lúc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết áp đặt một lệnh cấm vận vũ khí để chống lại sự hỗ trợ quân sự cho Taliban đồng thời nêu đích danh quốc gia cung cấp vũ khí là  Pakistan.

Chưa hết, tháng 7-2001, một số nước trong đó có Anh, Pháp, Mỹ đã cáo buộc Pakistan “vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc vì vẫn tiếp tục viện trợ quân sự cho Taliban”.

Cũng thời điểm này, Bộ Ngoại giao Anh báo cáo rằng ISI đã đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng một số trại huấn luyện  cho cả Taliban lẫn Al Qaeda, tạo điều kiện để Osama bin Laden và Ayman al-Zawahiri trở thành “một nhà nước trong một nhà nước Taliban”. Về phía Ấn Độ, Bộ Ngoại giao nước này cho biết Osama bin Laden đã gửi các chiến binh Al-Qaeda gốc Ảrập và Trung Á tham gia cuộc chiến chống lại Liên minh phương Bắc, trong đó có “Lữ đoàn thánh chiến 055”.

 “Sư tử Panjshir” gục ngã

Tháng 8-2001, quân Liên minh phương Bắc đã có mặt tại nhiều khu vực trên khắp đất nước Afghanistan. Ở miền bắc là Jamiat-I-Islami, thành viên chủ yếu gồm những người Tajikistan Hồi giáo dòng Sunni do Massoud và Burhanuddin Rabbani lãnh đạo, miền tây là nhóm Junbish-i Milli, thành viên gồm những người Uzbekistan Hồi giáo dòng Sunni do tướng Abdul Rashid Dostum lãnh đạo.

Bia tưởng niệm tướng Massoud ở thung lũng Panjshir.

Miền đông có nhóm Đông Shura, thành viên chủ yếu là người Pashtun Hồi giáo dòng Sunni do Abdul Qadir lãnh đạo còn ở miền nam có 2 nhóm là nhóm Harakat-e Islami gồm những người Tajikistan Hồi giáo dòng  Shia, do Sayed Hussain Anwari lãnh đạo, cùng nhóm Hezb-e Wahdat, thành viên là người Hazara Hồi giáo dòng Shia, do Mohammad Mohaqiq và Karim Khalili chỉ huy.

Trước tình hình ấy, Taliban quyết tâm phải tiêu diệt Massoud và một kịch bản đã được vạch ra bởi Mullah Mohammed Omar, thủ lĩnh Taliban, cộng với sự cố vấn của Osama bin Laden, chỉ huy Al-Qaeda. Theo kế hoạch này, một lá thư sẽ được gửi đến cho Massoud, nhân danh một Đài Truyền hình Arab xin được phỏng vấn ông. Các nhà phân tích nhận định sở dĩ Massoud chấp thuận phỏng vấn bởi lẽ ông muốn dư luận thế giới biết rõ hơn về cuộc chiến đấu của Liên minh phương Bắc chống Taliban, nhất là khối Arab mà trong đó, có vài quốc gia đang tích cực yểm trợ cho Taliban.

Ngày 18-8-2001, 12 tay súng Liên minh phương Bắc hộ tống nhóm “phóng viên”  gồm Dahmane Abd al-Sattar, kẻ đóng vai phỏng vấn Massoud, Bouraoui el-Ouaer (hay còn gọi là Karim Touzani), đóng vai quay phim và Kacem Bakkali, đóng vai kỹ thuật viên, tất cả đều là người Tunisie, đến làng Khwaja Bahauddin thuộc tỉnh Takhar, đông bắc Afghanistan, nơi sẽ diễn ra cuộc phỏng vấn.

Trước đó, cuộn băng video trong chiếc máy quay phim hiệu Sony và 2 thỏi pin dự trữ đã được nhồi đầy thuốc nổ. Theo kế hoạch, khi Abd al-Sattar hỏi được vài câu, Bouraoui el-Ouaer sẽ chĩa ống kính máy quay phim về phía Abd al-Sattar để cuốn băng video có chứa thuốc nổ hướng vào mặt Massoud rồi nhấn nút kích nổ. Nếu vì một lý do nào đó mà nó không nổ, “kỹ thuật viên” Kacem Bakkali sẽ áp sát Massoud rồi kích nổ khối thuốc nổ ngụy trang trong 2 thỏi pin đeo trên người.

10 ngày sau đó, Massoud vẫn không xuất hiện. Nhóm “phóng viên” được giải thích rằng ông đang trên đường đến vì ông ở khá xa. Trong thời gian chờ đợi, nhóm này đã thực hiện hai cuộc phỏng vấn giả với Burhanuddin Rabbani, Chủ tịch Hiệp hội Hồi giáo Afghanistan và Abdul Rasul Sayyaf, thủ lĩnh nhóm sắc tộc Pashtun tỉnh Takhar.

Ngày 8-9, sau gần 3 tuần lễ chờ đợi, Dahmane Abd al-Sattar tỏ ra nôn nóng và cho biết nếu 2 ngày nữa mà Massoud không đến thì họ sẽ quay về. Đến 11 giờ  ngày 9-9, nhóm “phóng viên” được thông báo rằng cuộc phỏng vấn sẽ diễn ra sau giờ cầu nguyện buổi trưa, tại một căn lều nằm không xa nơi ở của họ.

13 giờ 10 phút, 3 “phóng viên” được đưa đến gặp Massoud. Sau khi chào hỏi, Massoud mời Abd al-Sattar ngồi vào chiếc ghế bên tay phải ông, còn Bouraoui el-Ouaer đặt máy quay phim lên chân đế, đứng phía trước. 13 giờ 18 phút, khi Abd al-Sattar đã hỏi được vài câu, Bouraoui el-Ouaer bấm nút kích nổ. Những mảnh vỡ văng ra từ máy quay phim ghim đầy vào mặt và cổ Massoud, trong đó có một mảnh cắt đứt động mạch cổ ông.

Vụ nổ cũng khiến 3 người có mặt trong lều là Mohammed Asim Suhail, một quan chức của Liên minh phương Bắc chết, Mohammad Fahim Dashty và Massoud Khalili, cận vệ của Massoud bị thương. Riêng “quay phim” Bouraoui el-Ouaer chết ngay tại chỗ.

Về phía Abd al-Sattar và Kacem Bakkali, ngay sau khi vụ nổ xảy ra, cả hai bỏ chạy khỏi lều nhưng nhóm lính Liên minh phương Bắc đứng gác bên ngoài đã kịp thời nổ súng tiêu diệt. Vài phút sau đó, một trực thăng khẩn cấp đáp xuống, đưa Massoud đến bệnh viện quân sự gần nhất của Ấn Độ ở Farkhor, giáp với nước cộng hòa Tajikistan nhưng do mất quá nhiều máu, Massoud chết trước khi trực thăng hạ cánh.

Những người lính thuộc Liên minh phương Bắc trước dinh tổng thống tại Kabul, ngày 7-12-2001.

Xác ông được đưa về an táng ở làng Bazarak, thung lũng Panjshir, là nơi ông chào đời. Và mặc dù Bazarak nằm ở vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh nhưng  đã có hàng trăm ngàn người Afghanstan đến tiễn đưa ông. Năm ấy ông vừa tròn 48 tuổi và đã sống sót qua 5 lần bị ám sát bởi Al-Qaeda, Taliban, ISI Pakistan, quân đội Afghanistan dưới thời Liên Xô hiện diện ở quốc gia này và Hekmatyar, một đồng minh của ông trong Hiệp hội Hồi giáo.

Hai ngày sau khi Massoud chết - ngày 11-9-2001, 2 chiếc máy bay do bọn không tặc Al-Qaeda điều khiển đã lao vào Tòa tháp đôi, Trung tâm thương mại thế giới, New York, Mỹ, còn chiếc thứ 3 đâm xuống Lầu Năm Góc. Vụ tấn công được xem là có mối liên hệ chặt chẽ với cái chết của tướng Massoud.

Ngày 7-10-2001, Mỹ đổ quân vào Afghanistan. Đến ngày 7-12, Liên minh phương Bắc tiến vào Kabul, chiến binh Taliban bỏ chạy, chế độ Taliban sụp đổ nhưng không vì thế mà chiến tranh Afghnistan chấm dứt…

Vũ Cao (theo History)
.
.