Mở lại hồ sơ vụ bắt cóc con trai phi công Lindbergh

Thứ Sáu, 20/04/2018, 10:04
Ngày 1-3-1932, Charles Augustus Lindbergh Jr, con trai của phi công Charles Lindbergh và bà Anne Morrow Lindbergh bị bắt cóc ngay tại nhà ở thành phố Highfields, bang New Jersey, Mỹ. Đến ngày 12-4, xác Charles Augustus được tìm thấy cách nhà 7,2km về phía nam, chết vì bị đánh vào đầu.

Vụ bắt cóc, giết người đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn nước Mỹ bởi lẽ nạn nhân chỉ là một đứa bé mới 20 tháng tuổi,  trong lúc Charles Lindbergh nổi tiếng vì ông là phi công đầu tiên trên thế giới, một mình bay qua Đại Tây Dương trên chiếc máy bay 1 động cơ cánh quạt, được đặt tên là “Linh hồn St. Louis”. Xuất phát từ thành phố New York ngày 20-5-1927, ông đến Paris ngày hôm sau, 21-5…

Bài 1: Tội ác man rợ

Biến mất

19 giờ 30 ngày 1-3-1932, cô Betty Gow, y tá riêng của gia đình phi công Lindbergh đặt Charles Augustus Lindbergh Jr, 20 tháng tuổi (từ đây gọi tắt là Augustus), vào nôi để ru ngủ. Đến 21 giờ 30, Lindbergh lúc ấy ở trong thư viện, ngay dưới phòng ngủ của con trai bỗng nghe một tiếng động mà ông nghĩ là của chiếc dĩa nào đó rơi ra khỏi kệ nhà bếp nên ông vẫn bình thản đọc sách.

22 giờ, y tá Betty Gow vào phòng Augustus thì chẳng thấy đâu. Nghĩ rằng mẹ Augustus là bà Anne Morrow đã bế Augustus về phòng riêng của hai ông bà nên Betty Gow đi sang. Đến lúc biết bà Anne vừa mới tắm xong thì Betty Gow vội vã chạy xuống thư viện, báo cho Lindbergh. Không chút chậm trễ, Lindbergh lên phòng con trai.

Vợ chồng phi công Lindbergh và con trai.

Ở trên thành cánh cửa sổ đã bị ai đó mở toang, ông thấy một chiếc phong bì, trong có bức thư viết tay, chữ rất xấu và đầy những lỗi chính tả: “Xin chào ngài! Hãy gửi cho tôi 50.000USD gồm 25.000 bằng những tờ 20USD, 15.000 bằng những tờ 10USD và 10.000 bằng những tờ 5USD. Sau 2 hay 4 ngày nữa, tôi sẽ thông báo cho ngài cách thức giao tiền. Con trai ngài sẽ được chăm sóc tốt. Tôi cũng cảnh báo ngài nếu ngài đưa việc này ra trước công chúng hoặc thông tin cho cảnh sát”.

Trở về phòng mình, Lindbergh mở ngăn kéo bàn lấy khẩu súng ngắn rồi gọi người quản gia là ông Olly Whateley đi tìm con trai. Vài phút sau đó, cả hai phát hiện chiếc thang gỗ bị gãy một thanh ngang, đặt dưới cửa sổ phòng Augustus. Hẳn là kẻ bắt cóc đã dùng chiếc thang này để leo lên rồi khi thực hiện xong mục đích, hắn đưa Augustus xuống cũng bằng chiếc thang ấy nhưng trên sân có khá nhiều lá rụng nên chẳng rõ hắn đưa đứa bé thoát đi theo hướng nào vì không có dấu chân.

Ngay lập tức, quản gia Whateley gọi Sở Cảnh sát hạt Hopewell, thông báo về việc Augustus mất tích, còn Lindbergh liên lạc với cựu đại tá ngành quân pháp - luật sư Henry Skillman Breckinridge - đồng thời cũng là bạn thân ông để nhờ ông này báo cho cảnh sát bang New Jersey.

20 phút sau đó, cảnh sát đến nhà Lindbergh. Họ tiến hành tìm kiếm mọi ngóc ngách trong nhà và khu vườn rồi đi đến kết luận là kẻ bắt cóc đeo găng tay, còn đế giày có thể được bọc vải nên không để lại bất kỳ dấu vết nào, kể cả trên chiếc nôi, trên thành cửa sổ, bì thư, chiếc thang gỗ và trên mặt đất.

Cuộc truy lùng lớn

Đến sáng, tin con trai Lindbergh bị bắt cóc đòi tiền chuộc lan nhanh. Hàng trăm người tình nguyện ở các khu vực lân cận kéo đến hỗ trợ việc tìm kiếm. Do tiếng tăm của phi công Lindbergh quá lừng lẫy nên về phía các cơ quan pháp luật, ngoài chỉ huy trưởng cảnh sát bang New Jersey là Herbert Norman Schwarzkopf thì quân đội cũng tham gia, trong đó có cựu đại tá phụ trách quân pháp Henry Skillman Breckinridge, giờ là luật sư, và tướng William J. Donovan, anh hùng trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất (sau này Donovan chỉ huy Cơ quan tình báo OSS, tiền thân của CIA ngày nay).

Charles Augustus Lindbergh Jr, con trai phi công Charles Lindbergh.

Tất cả đều phỏng đoán rằng vụ bắt cóc được thực hiện bởi một nhóm tội phạm có tổ chức, và bức thư đòi tiền chuộc có thể được viết bởi một người gốc Đức vì các lỗi chính tả trong thư là lỗi thường thấy ở đa số dân nhập cư Đức khi họ viết tiếng Anh.

Nhưng không chỉ cảnh sát, quân đội cùng những người tình nguyện, một số ông trùm xã hội đen ở Mỹ đang nằm trong tù như Al Capone, Willie Moretti, Joe Adonis và Abner Zwillman cũng lên tiếng đề nghị tòa án phóng thích họ.

Đổi lại, họ sẽ đem đứa bé trở về an toàn. James Cadwell, phóng viên tờ New York Times thời điểm ấy cho biết: “Lời đề nghị hoàn toàn có tính khả thi bởi lẽ Al Capone chẳng hạn, mặc dù ở  tù nhưng ngoài xã hội, ông ta vẫn có hàng nghìn đàn em, biết rõ các băng nhóm ở New Jersey như lòng bàn tay, hay như Joe Adonis và Willie Moretti, 2 trong số 5 “bố già” mafia ở Mỹ, chỉ cần một cái gật đầu của 2 nhân vật này là tất cả các thành viên mafia trên toàn nước Mỹ sẽ lao vào tìm kiếm.

Cũng ngay trong buổi sáng sau khi Augustus bị bắt cóc, vụ việc được Cục Điều tra Liên bang (FBI) thông báo cho Tổng thống Franklin D. Roosevelt. Lập tức, Tổng thống Roosevelt yêu cầu Giám đốc FBI Hoover và Tổng Chưởng lý Liên bang William D. Mitchell, huy động toàn bộ nhân lực của Bộ Tư pháp vào cuộc.

Bên cạnh đó, công tác truy tìm còn được Mitchell giao cho Lực lượng Tuần duyên Mỹ và Cục Di trú Liên bang để cùng phối hợp với FBI. Cảnh sát New Jersey treo giải thưởng 25.000USD cho bất kỳ ai cung cấp thông tin dẫn đến việc tìm ra Augustus hoặc bắt được thủ phạm. Gia đình phi công Lindbergh tặng thêm 50.000USD nữa, tổng cộng là 75.000USD -  một số tiền rất lớn vì lúc này, nước Mỹ đang trong thời kỳ đại suy thoái.

Hấp dẫn bởi món tiền thưởng, nhiều thông tin liên tiếp gửi đến gia đình Lindbergh, chẳng hạn như Augustus đã bị đưa lên một chiếc thuyền ra một hòn đảo nằm trong quần đảo Elizabeth, hoặc Augustus hiện ở… Cuba!

Cũng có tin nói rằng do ganh tị với thành tích một mình bay vượt Đại Tây Dương của Lindbergh nên một phi công - người đã từng đến nhà Lindbergh vài lần và biết rõ cấu trúc các phòng trong nhà - đã bắt cóc Augustus, đưa lên máy bay rồi ném xuống hồ Ontario. Tuy nhiên, các cuộc điều tra xác định rằng những tin ấy chỉ là tin vịt, do một số kẻ vô công rồi nghề “sáng tác” nhằm làm cho vụ bắt cóc thêm phần kỳ bí.

Tội ác man rợ

Ngày 6-3, năm ngày sau khi Augustus mất tích, lá thư thứ 2 đòi tiền chuộc được gửi đến nhà Lindbergh. Ngoài bì thư có đóng dấu bưu điện Brooklyn, New York ngày 4-3.

Trong thư, bên cạnh số tiền chuộc được nâng lên 70.000 USD, kẻ bắt cóc còn yêu cầu phi công Lindbergh mời Tiến sĩ John F. Condon làm người trung gian (Condon là một thầy giáo nổi tiếng ở khu Bronx, New York), và mọi liên lạc sẽ thông qua tờ báo Tin tức phố Bronx bởi lẽ trước đó, Condon đã viết một lá thư gửi cho báo này và được đăng tải, nội dung ông sẽ trả thêm 1.000USD vào số tiền thưởng nếu bọn bắt cóc giao bé Augustus cho bất kỳ một linh mục Thiên Chúa giáo nào.

Chiếc thang được cho là dùng để leo lên phòng, bắt cóc Augustus.

Nhận lời làm trung gian cho phi công Lindbergh và bọn bắt cóc, thầy giáo Condon gửi đăng trên tờ Tin tức phố Bronx một mẩu quảng cáo, nội dung: “Tiền đã sẵn sàng, chờ hướng dẫn tiếp theo”. Condon kể: “Hai ngày sau khi đăng quảng cáo, tôi nhận được một cú điện thoại của một kẻ không nêu danh tính. Hắn nói rằng hắn đã gửi cho tôi một bức thư, giấu dưới một hòn đá, 30m về phía tây tính từ cửa ra vào ga tàu điện ngầm Bronx. Trong thư, hắn hẹn gặp tôi vào 9 giờ tối ngày 12-3 tại nghĩa trang Woodlawn ở khu Bronx kèm theo lời đe dọa nếu báo cảnh sát, đứa bé sẽ chết.”.

9 giờ tối ngày 12-3, một mình Condon vào nghĩa trang Woodlawn. Lúc vừa bước ngang một ngôi mộ thì có tiếng gọi ông đứng lại. Ông kể: “Chỗ đó rất tối nên tôi không thể nhìn thấy mặt kẻ nói chuyện với tôi là ai. Hắn tự giới thiệu hắn tên John, người Scandinavia, là thủy thủ. Nhóm bắt cóc của hắn gồm 5 người, 3 đàn ông và 2 phụ nữ. Khi tôi hỏi tình trạng đứa bé hiện nay thế nào thì hắn nói Augustus đang ở trên thuyền, được săn sóc tử tế. Tôi hỏi tiếp làm thế nào để biết rằng Augustus vẫn còn sống thì hắn đáp: “Vài ngày nữa tôi sẽ gửi cho anh bộ quần áo nó mặc lúc ngủ”.

Ngày 16-3, một gói bưu phẩm được gửi tới cho Condon. Mở ra, ông thấy đó là bộ quần áo trẻ con kèm theo lá thư hối thúc nộp tiền chuộc. Đưa cho Lindbergh xem, viên phi công xác nhận chính là bộ quần áo con mình mặc vào đêm bị bắt cóc. Trên tờ Tin tức phố Bronx, Condon gửi đăng mẩu tin: “Tiền đã sẵn sàng. Không cảnh sát, không theo dõi bí mật. Tôi sẽ đến một mình như lần trước”.

Ngày 1-4, một lần nữa Condon lại nhận được thư đòi tiền chuộc. Dựa vào gợi ý của Cục Điều tra Liên bang, ông đặt làm một cái hộp bằng gỗ với một số đặc điểm để sau này dễ nhận diện. Trong hộp, ngoài 20.000USD tiền mặt thì còn có các trái phiếu vàng (nghĩa là được đảm bảo giá trị bằng vàng), tổng trị giá 30.000USD và một số ngân phiếu trị giá 20.000USD. Theo FBI, thời điểm ấy do ảnh hưởng của cuộc đại suy thoái nên các trái phiếu vàng được xem là tài sản quý vì nó không bị trượt giá, và điều này sẽ thu hút sự chú ý của các điểm giao dịch nếu có ai mang nó đến, đổi ra tiền mặt.

Ngày 2-4, một lái xe taxi gặp Condon rồi đưa cho ông một tờ giấy, nói là của “ông John” nào đó nhờ chuyển hộ. Nội dung tờ giấy cho biết đêm 9-4, Condon phải đem tiền đặt vào gốc cây trong nghĩa trang Woodlawn, nơi ông gặp John lần đầu tiên. Nếu gia đình Lindbergh chậm trễ trong việc nộp tiền chuộc thì số tiền sẽ tăng lên thêm 50.000USD. Riêng Augustus vẫn khỏe mạnh, đang được 2 phụ nữ tử tế chăm sóc.

Đúng hẹn, Condon làm theo yêu cầu của bọn bắt cóc nhưng 3 ngày sau - ngày 12-4, William Allen, tài xế xe tải trên đường đi giao hàng và khi còn cách nhà Lindbergh khoảng 7,2km thì ông dừng xe lại, đi bộ vào khu rừng ven đường để giải quyết chuyện vệ sinh nhưng mới chỉ được mấy bước, ông thấy xác của một đứa bé trong tình trạng chôn lấp vội vàng. Hốt hoảng, ông trở ra xe rồi lúc đến một trạm xăng, William Allen mượn điện thoại báo cảnh sát.

Kết quả khám nghiệm tại nhà xác Trenton, New Jersey cho thấy tử thi đã phân hủy gần hết vì được chôn từ hơn 1 tháng trước, hộp sọ bị vỡ do tác động trực tiếp của một vật cứng. Gia đình Lindbergh nhận ra con mình nhờ vào chiếc áo khoác ngoài mà y tá Gow mặc cho Augustus trong đêm bị bắt cóc cùng 2 ngón chân dị tật, quắp vào nhau ở bàn chân phải…

Vũ Cao (theo FBI Files)
.
.