Mở lại hồ sơ vụ bắt cóc con trai phi công Lindbergh (bài cuối)

Thứ Ba, 24/04/2018, 15:58
Trước lúc Condon đem tiền đến nghĩa trang Woodlawn nộp cho bọn bắt cóc, phi công Lindbergh đã đề nghị báo cảnh sát để họ bố trí bắt gọn. Tuy nhiên Condon nêu ra giả thuyết: “Thí dụ khi tên John đi lấy tiền, hắn đã quy ước với đồng bọn rằng nếu sau 3 hoặc 4 tiếng mà không thấy hắn về, những kẻ ở nhà hãy giết Augustus ngay lập tức thì sao?”.

Giả thuyết ấy đã khiến Lindbergh đồng ý nộp tiền trong im lặng nhưng sau khi Augustus bị sát hại, nhiều nghi ngờ tập trung vào Condon…

Bài cuối: Còn nhiều nghi vấn

Những manh mối ban đầu

Khi thi thể Augustus, con trai phi công Lindbergh được tài xế xe tải William Allen tìm thấy, FBI bắt đầu nghi ngờ việc bắt cóc bé Augustus là do những người thân cận với gia đình Lindbergh thực hiện, và họ chĩa mũi dùi vào Violet Sharp, một hầu gái trong nhà bà Anne Morrow, vợ Lindbergh. Triệu tập Violet để lấy lời khai, cô trả lời rất mâu thuẫn về nơi ở của cô vào cái đêm Augustus biến mất.

Đến lần thứ 4 sau khi bị thẩm vấn, ngày 10-6-1932, Violet tự sát bằng cách uống một liều chất độc potassium cyanide. Lúc những chứng cứ ngoại phạm của cô được xác nhận, và nguyên nhân tự sát của cô là do quá căng thẳng cùng nỗi sợ hãi bị đuổi việc thì các điều tra viên mới biết là họ nhầm nhưng việc bồi thường cho thân nhân của Violet chưa bao giờ được thực hiện...

Song song với việc thẩm vấn Violet, FBI cũng nghi ngờ thầy giáo John Condon và cũng thẩm vấn ông này, còn dư luận thì gọi ông là “kẻ tình nghi số 1”. Và mặc dù có sự xác nhận của phi công Lindbergh, rằng mọi hành xử trong việc nhận thư của bọn bắt cóc, đăng báo trả lời, gặp gã đàn ông tên John trong nghĩa trang, nộp tiền chuộc…, đều do Lindbergh quyết định nhưng suốt mấy tháng, Condon vẫn liên tục bị truy vấn về “nhân vật John”, đến nỗi Condon phải tuyên bố rằng cho tới lúc chết, ông quyết tìm ra “John”.

Bà Anne Morrow và con trai Augustus.

Khi vụ án bắt đầu giậm chân tại chỗ, các điều tra viên chuyển hướng sang những tờ trái phiếu vàng và những ngân phiếu nằm trong số tiền chuộc. Một cuốn sách nhỏ ghi số series của những tờ trái phiếu và ngân phiếu ấy được in thành 250.000 bản, phát cho nhân viên các ngân hàng, các cửa hàng kinh doanh tiền tệ, các trạm bưu điện, cây xăng ở New York và một số thành phố lân cận nhằm lưu ý họ, nếu ai đó đến đổi trái phiếu, ngân phiếu có số series trùng với series in trong cuốn sách thì họ phải gọi cho cảnh sát ngay.

Cuối năm 1932, một số manh mối được ghi nhận. Tại 2 thành phố Chicago và Minneapolis,  xuất hiện vài tờ ngân phiếu có số series trùng khớp với số series nằm trong khoản tiền chuộc nhưng người đổi nó thì không biết là ai bởi lẽ nhân viên giao dịch lúc ấy không đọc cuốn sách thông báo của FBI.          

Giữa năm 1933, lại thêm nhiều ngân phiếu được phát hiện tại một số cửa hàng kinh doanh tiền tệ nằm dọc theo tuyến đường tàu điện ngầm Lexington Avenue, nối phía đông khu Bronx với phía đông Manhattan, trong đó có các dãy phố của di dân người Đức, Áo, nhưng cũng chẳng rõ ai là người đổi.

Lộ diện thủ phạm

Ngày 18-9-1934, một nhân viên ngân hàng ở Manhattan nhận được tập hồ sơ xin cấp giấy phép lái xe, và thay vì nộp bằng tiền mặt thì trong đó có 1 trái phiếu vàng mệnh giá 20USD và một biển số xe đăng ký ở New York. Nghi ngờ trái phiếu này là giả nên bộ phận cấp bằng lái chuyển cho ngân hàng nhờ thẩm định.

Hauptmann, người bị kết tội gây ra vụ án.

Biển số chiếc xe ấy thuộc sở hữu của một di dân gốc Đức, tên là Richard Hauptmann, cư trú tại số 1279, đường Đông 222, khu Bronx, làm nghề thợ mộc. Lập tức, ngày 19-9, FBI bắt Hauptmann. Khám trong người ông ta, các điều tra viên thu được thêm 1 trái phiếu vàng cũng với mệnh giá 20 USD. Số series của 2 trái phiếu ấy trùng khớp với số series nằm trong khoản tiền chuộc mà FBI đã thông báo.

Tiến hành thẩm vấn Hauptmann. Ông ta khai rằng trái phiếu và tiền là của Isidor Fisch, một đối tác làm ăn với ông ta. Tuy nhiên, Fisch đã chết vì bệnh lao ngày 29-3-1934, sau khi từ Mỹ trở về Đức.

Khám nhà Hauptman, các điều tra viên thu được hơn 14.000 USD tiền mặt giấu trong gara cùng nhiều chứng cứ khác, chẳng hạn như số điện thoại của thầy giáo Condon và địa chỉ nhà ông, được viết bằng bút chì trên tường, 1 cuốn sổ tay có bản vẽ phác thảo 1 chiếc thang, tương tự như chiếc thang được tìm thấy tại nhà phi công Lindbergh mà kẻ bắt cóc đã dùng để leo lên phòng Augustus. Quan trọng hơn cả là 1 thanh gỗ mà sau khi kiểm tra, nó trùng khớp với phần bị gãy của chiếc thang này; một đôi găng tay, 2 cái túi lớn bằng vải có dính đất - dường như đã được bọc vào giày để xóa dấu vết.

Và mặc dù Hauptmann liên tục phủ nhận những cáo buộc đối với ông ta, rằng căn nhà ông ta cư trú là nhà của Isidor Fisch thuê mướn, và khi ông ta dọn về thì tất cả những thứ cảnh sát tìm thấy đã có ở đó rồi.

Hauptmann nói: “Khi vụ bắt cóc xảy ra, tôi đọc thông tin trên nhiều tờ báo. Tôi quan tâm đến nó nên tôi ghi lại địa chỉ của ông Condon” nhưng Hauptmann lại không lý giải được vì sao ông ta có số điện thoại của Condon vì tờ Tin tức phố Bronx không công bố số máy này. Về bản phác thảo chiếc thang trong cuốn sổ tay, Hauptmann giải thích: “Có thể một đứa trẻ của nhà Isidor Fisch đã vẽ nó. Khi ông Fisch về Đức, họ vứt nó lại”.

Ngày 24-9-1934, tòa án khu Bronx ra quyết định truy tố ông ta. Hai tuần sau - ngày 8-10, tòa án bang New Jersey yêu cầu dẫn giải Hauptmann đến nhà tù hạt Hunterdon, quận Flemington, bang New Jersey rồi công bố tiếp lệnh truy tố Hauptmann với cáo buộc “giết người”. Điều này có nghĩa là Hauptmann sẽ bị tử hình.

Bằng chứng chống lại Hauptmann bao gồm 14.000 USD tìm thấy trong gara nhà ông ta, có số series trùng khớp với số series mà thầy giáo Condon và phi công Lindbergh đã ghi lại trước khi Condon đem hộp tiền vào nghĩa trang nộp cho kẻ bắt cóc. Với những bức thư đòi tiền chuộc, 8 chuyên gia về chữ viết tay được mời giám định và cả 8 người đều kết luận: “Do cùng 1 kẻ viết ra”.

Kết quả kiểm tra của Phòng thí nghiệm sản phẩm Lâm nghiệp đã chứng minh thanh gỗ tìm thấy ở nhà  Hauptmann là cùng một loại gỗ với chiếc thang đã được kẻ bắt cóc dùng để trèo lên phòng Augustus, vết gãy trên thanh gỗ và trên thang cũng trùng khớp.

Mạng đổi mạng?

Phiên tòa xét xử Hauptmann được tổ chức tại tòa án hạt Hunterdon, quận Flemington, bang New Jersey với sự tham dự của gần 600 phóng viên trong, ngoài nước. Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Liên bang Thomas Whitaker Trenchard, công tố viên là David T. Wilentz, Tổng chưởng lý bang New Jersey.

Lindbergh (ngồi trên cao, trước những tấm bìa trắng) dự buổi thẩm vấn Hauptmann.

Trong phần thẩm vấn công khai trước tòa, khi công tố viên hỏi vì sao với nguồn thu nhập ít ỏi bằng nghề thợ mộc và môi giới bất động sản, nhất là trong giai đoạn đại suy thoái mà Hauptmann vẫn mua một chiếc máy hát 400 USD (một số tiền lớn vào thời ấy vì một chiếc xe hơi hiệu Ford, model T chỉ bán với giá 1.050 USD), đồng thời còn đưa vợ về Đức thăm gia đình thì Hauptmann vẫn nhất mực cho rằng số trái phiếu, ngân phiếu và tiền mặt là của Isidor Fisch, bạn ông ta. Khi biết tin Fisch chết tại Đức, ông ta đã lấy nó ra tiêu xài cho cá nhân mình.

Hauptmann khai: “Lần đó, khi tìm con dao chặt xương, tôi thấy chiếc hộp đựng giày của Isidor Fisch cất ở ngăn trên tủ bếp. Mở ra, bên trong có 20.000 USD tiền mặt và một số ngân phiếu, trái phiếu…”. Chưa hết, Hauptmann còn khai rằng Fisch vẫn nợ ông ta 7.500 USD tiền làm ăn nhưng vì Fisch đã chết nên lời khai của Hauptmann không thể kiểm chứng được.

Tuy nhiên, một số nhân chứng lại có những lời khai khác. Anna Schoeffler, vợ của Hauptmann thề trước tòa rằng bà thường xuyên treo cái tạp dề trên móc tủ bếp nhưng chưa bao giờ bà nhìn thấy chiếc hộp đựng giày. Người cho Fisch thuê nhà khẳng định ông này rất nghèo, chỉ đủ tiền trả cho căn phòng giá bèo 3,50 USD mỗi tuần, bị bệnh ho lao mà không có tiền chữa….

Phản bác lại lời buộc tội, Reilly - luật sư của Hauptmann cho rằng bằng chứng chống lại Hauptmann hoàn toàn không thuyết phục vì không hề tìm thấy bất cứ một dấu vết nào của Hauptmann ở nhà phi công Lindbergh cũng như trong khu vườn. Tuy nhiên sau 3 ngày xét xử, Hauptmann bị kết án tử hình. Và mặc dù luật sư của Hauptmann đã kháng cáo nhưng tại phiên tòa thượng thẩm diễn ra vào ngày 29-6-1935, tòa vẫn tuyên y án.

Ngày 26-10-1935, tờ báo Hearst cử phóng viên vào nhà tù gặp Hauptmann,  thuyết phục ông ta nhận tội để án tử hình được chuyển thành tù chung thân theo luật Mỹ. Tuy nhiên vẫn khẳng định mình vô tội. Ông ta nói: “Không thể kết tội chết một người mà lý do chỉ vì người đó có tiền tiêu xài. Tôi đã trả lời hàng trăm lần với các điều tra viên và các quan tòa rằng trái phiếu, ngân phiếu và tiền mặt là của Fisch. Nếu có tội, tôi chỉ có tội là đã xài tiền của ông ấy một cách bất hợp pháp mà thôi”.

Vào ngày 3-4-1936, Hauptmann lên ghế điện. Sau cái chết của ông ta, một số phóng viên và các nhà điều tra độc lập đã nêu nhiều câu hỏi liên quan đến chứng cứ buộc tội. Theo Lloyd Gardner, chuyên gia về dấu vân tay, khi vụ án xảy ra, Tiến sĩ Erastus Mead Hudson của Cục Điều tra Liên bang đã áp dụng quy trình lấy dấu vân tay bằng nitrate bạc ở từng bậc thang nhưng không tìm thấy dấu vân tay của Hauptmann mặc dù khi chế tạo chiếc thang ấy, dù muốn dù không Hauptmann vẫn phải chạm tay vào nhưng cảnh sát từ chối xem xét bằng chứng này.

Bên cạnh đó, bà Anna Schoeffler, vợ Hauptmann cũng đâm đơn kiện bang New Jersey vì đã đối xử không công bằng với chồng bà, và những lời tuyên thệ của bà trước tòa là bị gài bẫy. Vụ kiện kéo dài đến năm 1994, lúc bà Anna chết khi đã 95 tuổi mà vẫn chưa ngã ngũ.

Năm 2009, một cuốn sách của luật sư Gregory Ahlgren lại làm dấy lên nhiều tranh cãi. Theo luật sư Gregory Ahlgren, vào đêm xảy ra vụ án, khi bế con trai ra cửa sổ chơi, phi công Lindbergh sơ ý làm rơi đứa bé xuống đất.

Trước đó, ông đã thuê Fisch dọn vườn nên lợi dụng tình tiết này, ông lấy chiếc thang rồi ngụy tạo thành vụ bắt cóc vì ông sợ phải ra tòa với cáo buộc “vô ý làm chết người” sẽ hủy hoại danh tiếng của ông. Sau vài ngày giấu xác đứa bé trong hầm rượu, Lindbergh đem nó vào chôn trong rừng.

Thoạt đầu Lindbergh định đổ tội cho Fisch nhưng lúc biết ông này đã về Đức, và người thuê lại căn nhà Fisch ở là Hauptmann nên Lindbergh dàn dựng để đưa Hauptmann vào tròng…

Vũ Cao (theo FBI Files)
.
.