Mối liên kết ngầm giữa xử lý thảm họa Fukushima và Yakuza

Thứ Năm, 14/11/2013, 06:40

Khi kiểm tra điều kiện làm việc ở Fukushima, phóng viên Reuters đã phỏng vấn hơn 80 công nhân, nhân viên và quan chức liên quan đến công tác dọn dẹp phóng xạ. Hầu như ai cũng than phiền: sự phụ thuộc của dự án vào mạng lưới các nhà thầu phụ mờ ám và chỉ được xem xét tư cách một cách qua loa - trong đó nhiều đơn vị không có kinh nghiệm trong xử lý phóng xạ và thậm chí một số, theo tường trình của cảnh sát, có quan hệ với tội phạm có tổ chức Yakuza.

Theo tính toán, công việc tháo dỡ các lò phản ứng hạt nhân bị hư hại ở Fukushima được nhà nước Nhật Bản tài trợ đòi hỏi thời gian 30 năm hoặc hơn. Bên ngoài khu nhà máy điện hạt nhân Fukushima, "Bộ tứ lớn" của Nhật Bản - bao gồm các công ty xây dựng Kajima, Obayashi, Shimizu Corp và Taisei Corp - chịu trách nhiệm giám sát hàng trăm công ty nhỏ làm việc theo các hợp đồng do nhà nước tài trợ để dọn vệ sinh đất và chất thải phóng xạ.

Tolyo Electric (Tepco) không thể giám sát hoàn toàn được các nhà thầu phụ nhưng đã có những bước cần thiết để hạn chế sự lạm dụng sức lao động của công nhân đồng thời hạn chế tối đa sự dính líu đến Yakuza - Masayuki Ono, tổng giám đốc năng lượng hạt nhân của Tepco, nói với phóng viên Reuters.

Những đám người được gọi là "dân du mục hạt nhân"

Tetsuya Hayashi, 41 tuổi, đến Fukushima để kiếm việc làm tại "vùng trắng" (ground zero) của thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ sau vụ Chernobyl. Chưa đầy 2 tuần sau Hayashi được tuyển dụng vào vị trí giám sát sự phơi nhiễm phóng xạ của các công nhân rời khỏi Nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào mùa hè năm 2012. Nhưng khi bắt đầu làm việc, Hayashi được chuyển giao cho mạng các nhà thầu và cuối cùng phải nhận việc tại một trong những khu vực phóng xạ nguy hiểm nhất của Fukushima.

Hayashi được nói cho biết rằng phóng xạ cao đến mức có thể gây nguy hiểm cho người phơi nhiễm chỉ trong vòng chưa đến 1 giờ. Hayashi nói: "Tôi cảm thấy mình đã bị bán rẻ và lừa gạt. Tôi không chấp nhận công việc". Sau khi bị sa thải, Hayashi có làm đơn kiện nhưng suốt hơn một năm trời anh không nhận được hồi âm nào từ công ty thuê dụng mình. Tất cả 8 công ty có liên quan, gồm cả Tepco, đều không có bình luận gì về vụ việc của Hayashi.

Qua điều tra, Reuters nhận thấy tình cảnh của Hayashi rất phổ biến trong nỗ lực trị giá 150 tỉ USD nhằm xử lý các lò phản ứng Fukushima và tẩy sạch phóng xạ ở những khu vực gần nhà máy.

Một thực trạng mà chương trình dọn sạch phóng xạ bên trong và bên ngoài Fukushima phải đối mặt là tình trạng thiếu hụt nhân công rất lớn. Nguyên do là công việc ở Fukushima vừa nguy hiểm vừa được trả lương thấp. Trong khi đó, Tepco đang bị áp lực rất lớn về nguồn tài chính hoạt động.

Năm 2011, sau khi xảy ra thảm họa, Tepco đã buộc phải giảm lương công nhân 20%. Do đồng lương thấp và tình hình khan hiếm nhân công bởi công việc nguy hiểm cho nên các đơn vị môi giới việc làm chuyển sang thuê mướn những người có cuộc sống bế tắc hay khó tìm được việc làm bên ngoài vùng thảm họa hạt nhân. Kết quả là sự bùng nổ các công ty nhỏ trong đó nhiều đơn vị không đăng ký hoạt động với chính quyền.

Fukushima sau thảm họa sóng thần kết hợp động đất, tháng 3/2011.

Tepco - Công ty điện lực lớn nhất châu Á - từ lâu có mối liên kết với các công ty môi giới việc làm trong khi sự giám sát của nhà nước khá là lỏng lẻo. Sự kiểm tra gắt gao của nhà nước chỉ diễn ra sau vụ động đất kết hợp sóng thần tấn công Nhật Bản vào ngày 11/3/2011. Thảm họa kinh hoàng đã gây hư hại nặng nề cho 3 lò phản ứng hạt nhân của Fukushima, một loạt các vụ nổ và phóng xạ rò rỉ đã buộc 150.000 người dân phải sơ tán khỏi các làng mạc xung quanh khu vực nhà máy.

Nỗ lực tháo dỡ Nhà máy Fukushima Daiichi đòi hỏi một lực lượng nhân công lên đến ít nhất 12.000 người trong khi hiện nay nhân lực lao động chỉ có 8.000 người, theo số liệu của Tepco. Nhưng, con số của Tepco không bao gồm nhân lực cần thiết cho kế hoạch mới trị giá 330 triệu USD của chính quyền Nhật Bản nhằm xây dựng một bức tường băng khổng lồ xung quanh Nhà máy Fukushima để giữ cho nước nhiễm phóng xạ không rò rỉ ra đại dương!

Công nghiệp hạt nhân Nhật Bản chủ yếu dựa vào nhân công giá rẻ từ khi các nhà máy đầu tiên, bao gồm Fukushima, được khánh thành vào thập niên 70 thế kỷ trước. Trong nhiều năm dài, ngành công nghiệp nhạy cảm này ra sức thuê dụng những đám người sống rày đây mai đó ở vùng Sanya ngoại ô Tokyo và Kamagasaki ở Osaka - những khu vực có tiếng với rất nhiều người vô gia cư - nên họ được gọi là "dân du mục hạt nhân".

Saburo Murata, Phó giám đốc Bệnh viện Hannan Chuo ở Osaka, giải thích: "Điều kiện làm việc trong ngành công nghiệp hạt nhân rất tồi tệ. Các vấn đề về tiền lương, tuyển dụng lao động không theo quy định của pháp luật, không mua bảo hiểm y tế v.v… đã tồn tại trong nhiều thập niên". Dự án Fukushima lại càng làm cho những vấn đề dai dẳng này thêm trầm trọng.

Chủ tịch Tepco Masataka Shimizu (thứ 2 bên phải) cùng các thành viên trong ban lãnh đạo công ty tạ lỗi về thảm họa Fukushima.

Trong những trường hợp cực đoan, các công ty môi giới việc làm còn "mua" nhân công bằng mánh khóe trả nợ hộ cho những người này. Sau đó, người lao động bị buộc phải làm việc cật lực cho đến khi trả hết nợ cho chủ mới. Lake Barrett, cựu nhân viên điều phối hạt nhân và cố vấn cho Tepco, nhận định "hệ thống" đã tệ hại đến mức cần có thời gian để thay đổi.

Một điều tra của Tepco tiến hành từ năm 2012 cho thấy gần một nửa số nhân công lao động ở Fukushima được một công ty thuê dụng và do một công ty khác quản lý. Luật pháp Nhật Bản ngăn cấm những trường hợp tuyển dụng lao động như thế nhằm ngăn ngừa các công ty môi giới ăn chặn tiền lương của người lao động. Về phần mình, Tepco cho biết, công ty đã thiết lập đường dây điện thoại nóng cho công nhân và làm việc với các nhà thầu phụ về Luật Lao động. Làm việc ở khu vực Nhà máy Fukushima nguy cơ nhiễm xạ rất cao.

Tháng 8/2013, 12 công nhân đã bị nhiễm xạ khi dọn dẹp những đống đổ nát xung quanh một lò phản ứng hạt nhân. Tepco cho biết, công ty sẽ áp dụng nhiều biện pháp nhằm bảo đảm để những tai nạn như thế không xảy ra nữa. Yousuke Minaguchi, luật sư đại diện cho các công nhân ở Fukushima, nhấn mạnh rằng chính quyền Nhật Bản hiện nay nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng bóc lột người lao động: "Bề ngoài thì họ nói điều đấy là bất hợp pháp. Nhưng, sau đó họ chẳng hành động gì cả, không trừng phạt bất cứ ai".--PageBreak--

Mối liên kết Yakuza

Bản chất phức tạp của các hợp đồng Fukushima và tình trạng thiếu hụt nhân công đã dẫn đến việc thao túng của tập đoàn tội phạm có tổ chức nổi tiếng điều hành các mạng lưới buôn lậu người lao động qua nhiều thế hệ của Nhật Bản - Yakuza. Theo số liệu của cảnh sát, gần 50 băng nhóm với xấp xỉ 1.050 thành viên hoạt động ở tỉnh Fukushima, hang ổ của 3 gia đình tội phạm chính - Yamaguchi-gumi, Sumiyoshi-kai và Inagawa-kai.

Để đối phó với thực trạng Yakuza chen chân vào dự án xử lý nhiễm phóng xạ hạt nhân ở khu vực Nhà máy Fukushima, Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản đã thành lập một đội đặc nhiệm. Các thám tử điều tra cho biết, họ không thể trừng trị các thành viên băng đảng mà họ nắm rõ lý lịch trong tay nếu không có sự kiện cáo từ người dân hay công nhân ở Fukushima. Họ cũng dựa vào các nhà thầu chính để thu thập thông tin phục vụ công tác điều tra tội phạm. Yoshinori Arai - thủ lĩnh một băng đảng liên kết với Sumiyoshi-kai - bị truy tố về tội vi phạm Luật Lao động Nhật Bản chỉ là một trường hợp hiếm hoi.

Theo hồ sơ tòa án, Yoshinori Arai đã thừa nhận bỏ túi khoảng 60.000 USD trong vòng 2 năm bằng thủ đoạn xén bớt 1/3 tiền lương của công nhân làm việc trong khu vực thảm họa hạt nhân. Tháng 3/2013, một thẩm phán đã tuyên bố bản án 8 tháng tù treo đối với Arai bởi vì hắn cho biết đã rời khỏi băng nhóm và rất hối tiếc về những hành động bất lương của mình. Arai bị buộc tội cung cấp nhân công cho Obayashi, một trong những nhà thầu hàng đầu của Nhật Bản, đến làm việc ở thị trấn Date phía tây bắc nhà máy Fukushima. Date nằm trên con đường phát tán phóng xạ sau thảm họa.

Một sĩ quan cảnh sát am tường về cuộc điều tra cho biết, vụ án Yoshinori Arai thực ra chỉ là "phần nổi của tảng băng" về vấn đề tội phạm có tổ chức dính líu đến dự án khử nhiễm phóng xạ Fukushima. Người phát ngôn của Obayashi tuyên bố công ty "không hề biết" một trong những nhà thầu phụ của họ sử dụng nhân công do tội phạm cung cấp, đồng thời cam kết sẽ làm việc với cảnh sát cũng như các đối tác để tình trạng tương tự không tái diễn.

Tháng 4/2013, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản đã trừng phạt 3 công ty về tội thuê dụng nhân công bất hợp pháp đến Fukushima. Trong đó, một công ty đặt trụ sở ở Nagasaki là Yamato Engineering đã vi phạm Luật Lao động khi gửi 510 công nhân đến Fukushima. Năm 2009, Yamato Engineering bị cấm tham gia vào các dự án công cộng do cảnh sát điều tra kết luận công ty chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Yakuza. Tuy nhiên, Yamato Engineering không có bình luận gì về cáo buộc này.

Thành viên Yakuza Nhật Bản.

Thành viên tội phạm tên là Goshima cho biết đang làm việc cho một nhánh địa phương của gia đình Yamaguchi-gumi từ lúc 14 tuổi, với công việc được giao là tống tiền và thu hồi nợ cho tổ chức. Goshima đã rời khỏi tổ chức năm 20 tuổi sau vài lần ngồi tù. Nhưng, muốn rời khỏi băng nhóm Goshima buộc phải đi vay tiền từ một kẻ cho vay nặng lãi để trả cho hết món nợ của mình với băng nhóm. Goshima đã đến Fukushima tìm kiếm công việc lương cao để trả nợ và cuối cùng anh phải làm việc cho một thành viên Yakuza.

Theo báo cáo tháng 7/2013 của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội, gần 70% trong số hàng trăm công ty nhỏ được điều tra trong nửa đầu năm 2013 đã vi phạm Luật Lao động và có dấu hiệu liên kết với tội phạm có tổ chức. Chính quyền tỉnh Fukushima cho biết đã nhận được 567 đơn kiện về điều kiện làm việc ở Nhà máy Fukushima. Nhưng, cho đến nay chính quyền chỉ phát đi 10 cảnh báo mà không có công ty nào bị truy tố hình sự. Ví dụ, công nhân của Denko Keibi đã kiện công ty về điều kiện chỗ ở tồi tệ, ăn uống thiếu thốn và mặc không đủ ấm giữa mùa đông.

Ngoài ra, Công ty Denko Keibi còn không mua bảo hiểm tai nạn lao động cho công nhân và thậm chí giam lương của họ. Cuối cùng, Công ty Denko Keibi chấp nhận trả 6.000 USD cho mỗi người chưa nhận được lương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều công nhân không dám kiện cáo do "họ sợ bị đưa vào danh sách đen" của công ty - theo tiết lộ của Mitsuo Nakamura, cựu công nhân nay điều hành một nhóm được thành lập để bảo vệ người lao động ở Fukushima. Những trải nghiệm đau khổ của Tetsuya Hayashi đã khiến anh trở thành một nhà hoạt động.

Hayashi bị người chủ thứ hai sa thải khỏi một công trường xây dựng bên ngoài Tokyo sau khi anh đưa lên Internet video về hoàn cảnh lao động của mình ở Fukushima và một tờ báo đăng tải câu chuyện của anh. Hiện nay, Hayashi tham gia chiến dịch chống hạt nhân của nghệ sĩ Taro Yamamoto. Hayashi lên tiếng: "Các nhà thầu chính nghĩ rằng công nhân luôn sợ nói lên sự thật bởi vì họ có nguy cơ bị mất việc làm. Nhưng, chính quyền Nhật Bản không thể  tiếp tục làm ngơ trước vấn đề này nữa"

Diên San (tổng hợp)
.
.