Món nợ 73 năm của Đức với Hy Lạp
- Trùm mật thám Phát xít Đức được chôn chung với các nạn nhân Do Thái
- Chuyện cảm động về 300 người Do Thái thoát khỏi “lưỡi hái” Phát xít Đức
- Uy lực khủng khiếp của súng bộ binh thế hệ mới từng làm Phát xít Đức khiếp đảm
Tòa nhà bằng gạch của Kho lưu trữ Tài liệu liên quan đến trách nhiệm bồi thường chiến tranh của nước Đức đặt tại một bệnh viện thành phố cũ của Bayreuth được xây từ đầu thế kỷ XX.
Phần tài liệu được đánh giá là quan trọng nhất của Kho Bayreuth là bộ tài liệu liên quan đến các khoản vay ép buộc mà nhà nước Quốc xã tiến hành tại những quốc gia Nam Âu, trong đó có Hy Lạp.
Bộ tài liệu đồ sộ từ Kho lưu trữ Bayreuth
Phần lớn các tài liệu lưu trữ là tài liệu về bồi thường chiến tranh được bổ sung từ các nguồn tài liệu của Cơ quan Bồi thường chiến tranh với tổng chiều dài các giá chứa tài liệu lên đến hơn 30.000 mét. Những tài liệu này cung cấp bằng chứng về những thiệt hại của những đất nước bị phát xít Đức chiếm đóng, của hàng triệu người tị nạn và bị trục xuất từ lãnh thổ phía Đông của Đức Quốc xã, những vùng định cư của Đức phía Đông Trung Âu và ở Đông Nam Âu thời cuối Thế chiến thứ II…
Binh lính Hy Lạp chống trả quân đội Italy vào năm 1940. |
Toàn bộ tài liệu trong kho là các tài liệu bằng chứng về việc bồi thường đã được xác thực hoặc phủ nhận của tất cả các Văn phòng khai báo bồi thường chiến tranh. Phần tài liệu được đánh giá là quan trọng nhất của Kho Bayreuth là bộ tài liệu liên quan đến các khoản vay ép buộc mà nhà nước Quốc xã tiến hành tại những quốc gia Nam Âu và bộ sưu tập Ost-Dokumentation ghi nhận những gì người Đức đã trải qua trong tháng cuối cùng của Thế chiến thứ II cũng như những điều kiện kinh tế và xã hội tại các khu vực thuộc Đông Đức cũ. Ngoài ra, còn hơn 15.000 sổ ghi chép của giáo xứ.
Tiếp cận số tài liệu này, các nhà nghiên cứu như được tái dựng lại trước mắt cuộc sống của cư dân các thành phố thuộc lãnh thổ phía đông của Đức Quốc xã.
Cách đây 2 năm, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã chính thức yêu cầu phía Đức chi trả tiền bồi thường cho những thiệt hại do nhà nước Quốc xã gây nên tại Hy Lạp trong suốt Thế chiến II. Ông Alexis Tsipras khi ấy đã nêu ra ý nghĩa của những khoản tiền bồi thường này trong bối cảnh nền kinh tế của Hy Lạp phải gồng mình thắt lưng buộc bụng hầu đáp ứng những yêu cầu khắt khe của Liên minh Châu Âu.
“Sau khi nước Đức thống nhất vào năm 1990, các điều kiện luật pháp và chính trị đã cho phép nước Đức các điều kiện để giải quyết dứt điểm vấn đề này”. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras còn dọa rằng, chính phủ của ông sẽ tịch thu tài sản, doanh nghiệp và các khoản đầu tư của Đức ở Hy Lạp nếu Berlin không bồi thường tổn thất chiến tranh.
Ngược dòng lịch sử, sau khi Đức Quốc xã châm ngòi Thế chiến thứ II và chiếm hàng loạt nước một cách dễ dàng, chính quyền Italy gửi tối hậu thư cho Hy Lạp để yêu cầu Athens dâng một số vùng lãnh thổ.
Có lẽ nhà độc tài Mussolini của Italy nghĩ rằng, Hy Lạp sẽ thực hiện yêu cầu của ông ta vì thực lực quân sự của Hy Lạp yếu hơn rất nhiều so với Italy. Nhưng nằm ngoài sự trù tính của Mussolini, chính phủ Hy Lạp quyết không dâng lãnh thổ cho ông ta. Metaxas, nhà lãnh đạo Hy Lạp trong thời kỳ đó, đã đáp lại tối hậu thư của Italy bằng câu: “Chiến tranh là điều không thể tránh khỏi”.
Trước khi đối đầu nổ ra, Hy Lạp duy trì quan hệ thân thiện với Adolf Hitler vì lợi ích thương mại. Nhưng tối hậu thư của Italy cùng mối họa chiến tranh đã khiến người dân Hy Lạp trở nên đoàn kết trước kẻ thù chung. Cuộc xâm lăng của quân đội Italy diễn ra vào ngày 28-10-1940. Quân đội Hy Lạp đã đẩy lui đối phương và buộc họ rút vào Albania trong hai tuần. Sau đó quân Hy Lạp bao vây quân Italy trong 5 tháng, đồng thời chiếm nhiều lãnh thổ của đối phương trong quá trình tiến quân. Tình hình của quân Italy trở nên tồi tệ đến nỗi Mussolini phải cầu cứu Hitler.
Đáp ứng lời yêu cầu này, Hitler xua quân đội Đức vào lãnh thổ Hy Lạp để giải vây cho Italy. Hy Lạp thất bại trước quân Đức, nhưng niềm tin vào khả năng bách chiến bách thắng của phe Trục đã tan vỡ. Kỳ tích của Hy Lạp trước Italy trở thành chiến thắng quân sự đầu tiên của phe Đồng minh đối với phe phát xít. Vì can thiệp vào Hy Lạp nên Hitler phải hoãn việc tấn công Liên Xô.
Kẻ thắng cuộc được tất cả!
Lịch sử của những món nợ quàng vào cổ Hy Lạp bắt đầu sau khi quân Đức giúp Italy chiếm đóng thành công Hy Lạp vào tháng 4-1941. Để trả lương cho những người lính của mình, Đức Quốc xã đã yêu cầu Hy Lạp phải trả cho họ một khoản chiến phí mang tên “phí chiếm đóng”. Đó là một đòi hỏi hết sức phi lý nhưng lại được các đế quốc áp dụng rộng rãi.
Xe tăng Đức trên lãnh thổ Hy Lạp. Ảnh: blogspot.com. |
Không chỉ có thế, Vệ binh Đức Quốc xã thậm chí còn yêu cầu Hy Lạp phải chi trả cả những chiến phí của chúng trên các mặt trận vùng Balkans, Nga và Bắc Phi. Ban đầu, người Đức chỉ yêu cầu phải được nhận 1,5 tỷ đồng Drachma, tương đương với 25 triệu Mác Đức hàng tháng từ phía chính phủ Hy Lạp. Nhưng thực tế thì họ lại lấy đi nhiều hơn so với mức đó. Các nhà sử học đã xác định được khoản tiền mà Ngân hàng Trung ương Hy Lạp đã phải chi trả từ tháng 8 đến tháng 12-1941, lên tới 12 tỷ Drachma chứ không phải chỉ là 7 tỷ Drachma theo như yêu sách từ phía Đức.
Khi nền kinh tế bắt đầu tụt dốc, Hy Lạp đã đề nghị được giảm đi phần nào chi phí chiếm đóng mà nước này phải chi trả cho quân phát xít. Tại một hội nghị ở Rome vào ngày 14-3-1942, người Đức và Italy đã đồng ý với đề xuất trên khi quyết định rằng, chi phí cho sự chiếm đóng của họ sẽ rút xuống còn 750 triệu đồng Drachma cho mỗi nước.
Nhưng đồng thời, theo như các tài liệu thu thập được, những đại diện của chính quyền Hitler dù đã đồng ý giảm chi phí chiếm đóng cho Hy Lạp nhưng lại yêu cầu thêm là phải được nhận “những khoản tiền vay không giới hạn” đến từ Hy Lạp. Số tiền mà Đức nhận được nếu vượt lên trên mức 750 triệu đồng sẽ được ghi là “nợ đối với chính quyền Hy Lạp”, theo như ghi chú của một viên chức Đức Quốc xã trong biên bản cuộc họp năm 1942.
Một ủy ban chuyên gia đã được lập ra để phân tích các hợp đồng và thỏa thuận bắt đầu từ thời điểm quân Đức Quốc xã chiếm đóng Hy Lạp, cũng như các hóa đơn chứng từ và các tuyên bố liên quan đến vấn đề này từ phía Ngân hàng Trung ương Hy Lạp. Họ phát hiện ra rằng, khoản cho vay bị ép buộc này không phù hợp với các tiêu chuẩn xếp loại của hạng mục tiền sửa chữa thiệt hại chiến tranh. Đồng thời, Ủy ban cũng tính toán ra được khoản nợ mà Đức Quốc xã đã thiếu Ngân hàng Trung ương Hy Lạp.
Kết quả mà các kiểm toán viên người Hy Lạp tính được là giống với ước lượng của những viên chức nắm giữ sổ sách thời Đức Quốc xã. Tại thời điểm khi mà chỉ còn 26 ngày nữa là chiến tranh kết thúc, khoản nợ mà Đệ tam đế chế thiếu Hy Lạp, theo tính toán của họ, đã lên tới 476 triệu đồng Mác Đức.
Tính theo tỉ giá hơn 2 đồng Mác Đức mới ăn được 1 đồng đôla Mỹ vào thời đó, khoản nợ này được quy đổi thành 213 triệu đôla Mỹ. Gần 75 năm đã trôi qua, cùng với cách tính lãi suất lũy tiến, số tiền này vào thời điểm tháng 12-2016 có giá trị lên tới 13 tỷ đôla Mỹ, tương đương 11 tỷ euro.
Nhà sử học Karakousis đã dành 7 tháng ròng rã để đọc hết 50.000 trang tài liệu gốc được lưu trữ tại Ngân hàng Trung ương Hy Lạp và Kho lưu trữ Tài liệu Bayreuth. Đó không phải là một việc dễ dàng. Dựa vào nguồn tài liệu đồ sộ đó, ông và các đồng sự đã tính toán được lượng vàng bị phát xít Đức cướp từ nhà dân, đặc biệt là từ gia đình của những người gốc Do Thái là vào khoảng 7.358 kg vàng nguyên chất với giá trị ước tính tầm 235 triệu euro theo giá trị hiện tại của chúng.
Số tài liệu này cũng đề cập đến cách mà quân Đức đã vơ vét “toàn bộ số tiền dự trữ tại nhiều chi nhánh địa phương” của Ngân hàng Trung ương. Tổng số tiền bị chúng vơ vét là gần 40 triệu euro tính theo giá trị hiện tại.
Vết thương chiến tranh
Ngoài ra, dù chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong Kho lưu trữ Bayreuth nhưng nội dung các tài liệu này lại gợi nhớ đến một vết thương to lớn không dễ lành - vụ thảm sát ở thị trấn Distomo ở Hy Lạp.
Những tài liệu lưu trữ trước khi được chuyển về Bayreuth. |
Loukas Zizis, phó thị trưởng 50 tuổi của thị trấn, nói rằng dù không là người trực tiếp chứng kiến thảm kịch ở Distomo nhưng ông vẫn thường xuyên bị ám ảnh bởi những gì quân phát xít Đức đã làm đối với cha ông của mình trong cái ngày 10-6-1944, và đã cướp đi sinh mạng của 218 người dân, trong đó gồm cả nhiều trẻ nhỏ.
Cuộc thảm sát kinh hoàng kéo dài vài giờ đồng hồ đó là một trong những tội ác diệt chủng tàn bạo nhất của phát xít Đức ở Hy Lạp và dư âm của nó vẫn còn len lỏi trong cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây.
Hàng chục ngàn người Hy Lạp bị giết hại trong cuộc chiến và một con số nhiều hơn đã chết vì đói kém sau chiến tranh. Sau khi nước Đức đầu hàng, vào mùa thu năm 1945, phe Đồng minh tổ chức Hội nghị Paris về bồi thường chiến tranh, trong đó Liên Xô yêu cầu Đức phải bồi thường 20 tỉ USD, còn Hy Lạp thì yêu cầu 10 tỉ USD.
Theo các sử gia, mức độ thiệt hại của Hy Lạp trong Thế chiến thứ II đứng thứ 4 trên thế giới, sau Ba Lan, Liên Xô và Nam Tư. Tại Hội nghị Paris về bồi thường chiến tranh, Hy Lạp đã chấp nhận bồi thường bằng hình thức nhận hàng hóa máy móc thiết bị do Đức sản xuất trị giá 25 triệu USD thời đó, tương đương 2,7 tỉ USD ngày nay.
Thế nhưng, các điều khoản thỏa thuận về bồi thường tại Hội nghị Paris đã vấp phải sự phản đối của Mỹ, với lập luận rằng việc bồi thường chiến tranh như thế sẽ gây tác hại lớn về kinh tế cho quốc gia bại trận. Bằng chứng là việc bồi thường Thế chiến thứ I đã khiến cho nền kinh tế Đức suy sụp, tạo cơ hội cho Hitler lên nắm quyền, gây ra Thế chiến thứ II.
Do vậy, một hội nghị nữa đã được mở tại London, Anh, vào năm 1953 và Thỏa thuận nợ London (London Debt Agreement) ra đời với các điều khoản quy định các khoản chi trả bồi thường chiến tranh sẽ phải hoãn lại cho đến khi nào một “hiệp ước hòa bình” được ký kết. Thế rồi một hiệp ước hòa bình như thế đã được ký vào năm 1990, nhưng trong đó không hề nêu nước Đức phải chi trả thêm khoản bồi thường nào cho các quốc gia bị thiệt hại.
Trên thực tế, từ năm 1949, nước Đức đã nhiều lần trả nợ cho Hy Lạp, với tổng trị giá tính theo thời giá hiện nay vào khoảng 41 tỉ USD. Nhưng các khoản chi trả này không nằm trong thỏa thuận nợ London mà là các khoản bồi thường cho nạn nhân của chiến tranh do binh lính chế độ phát xít gây ra.
Cụ thể, một thỏa thuận đã ký vào ngày 18-3-1960 giữa Hy Lạp và CHLB Đức, theo đó Đức sẽ chi trả 115 triệu đồng mác mới cho các nạn nhân Hy Lạp thời phát xít Đức chiếm đóng. Thỏa thuận kèm theo một điều kiện là nước Đức sẽ không chấp nhận thêm bất kỳ khiếu nại cá nhân nào nữa.
Tuy nhiên, con cháu của các nạn nhân chưa được bồi thường vẫn tiếp tục khiếu nại. Và vụ khiếu nại nổi tiếng nhất là vụ con cháu của các nạn nhân ngụ tại làng Distomo bị lính phát xít Đức thảm sát (như trên đã đề cập).
Năm 1997, những người khiếu nại này đã được tuyên phán sẽ nhận bồi thường thiệt hại trị giá 37,5 triệu euro từ nước Đức. Sau nhiều giằng co pháp lý, vụ việc khiếu nại của các nạn nhân vẫn đang được thụ lý tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) La Haye.