Mossad sử dụng chim để gián điệp Thổ Nhĩ Kỳ?

Thứ Năm, 07/06/2012, 06:40

Trung tuần tháng 5 vừa qua, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu mở cuộc điều tra về vụ việc xác một con chim trảu châu Âu (European Bee-Eater) trên cánh đồng thuộc khu vực miền Đông Nam nước này có mang chiếc vòng ghi "Đại học Tel Aviv, Israel" trên chân. Ankara tin rằng chiếc vòng "Israel" và lỗ mũi chim to bất thường là bằng chứng cho thấy Mossad đang âm mưu sử dụng chim vào mục đích gián điệp Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhật báo Haber Turk của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin: Dân làng gần thành phố Gaziantep phát hiện xác con chim trảu châu Âu (loài chim ăn ong có thể đạt chiều dài đến 27 - 29cm và nặng chừng 70g với nhiều màu sắc) mang chiếc vòng ở chân ghi "Đại học Tel Aviv, Israel" với số sêri C43917 và lỗ mũi bên trái lớn hơn bình thường 3 lần được nghi ngờ là nhằm giấu vi chip hay thiết bị gián điệp.

Giới quan chức chống khủng bố và Bộ Nông nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng điều tra nhưng sau đó kết luận: loài chim này không đe dọa an ninh quốc gia. Còn quan chức của Hội Bảo vệ tự nhiên Israel cho biết con chim nói trên được đeo băng chân khoảng 4 năm trước để phục vụ nghiên cứu hành trình di trú của loài chim trảu châu Âu.

Theo Ohad Hatzofe, chuyên gia sinh thái của Cơ quan Quản lý công viên và tự nhiên Israel (NPA), dữ liệu thu thập được giúp các nhà khoa học hiểu được tuổi thọ, sự tồn tại trong tự nhiên cũng như một số thông số khác về loài chim. Ông Yoav Pearlman, chuyên gia Trung tâm Quan sát loài chim của Israel (IBC) giải thích: Miền Bắc Israel là nhà của quần thể chim trảu châu Âu và chúng thường bay ngang qua Thổ Nhĩ Kỳ, miền Nam châu Âu và nước Nga trong hành trình di trú giữa châu Âu và châu Phi.

Chiếc vòng ghi "Đại học Tel Aviv, Israel" ở chân chim trảu châu Âu.

Ông Yoav Pearlman khẳng định xác con chim được điều tra ở Ankara không phải là gián điệp. Còn các chuyên gia về đời sống hoang dã Israel tuyên bố đây không phải là lần đầu tiên những con chim Israel hạ cánh xuống các quốc gia Arập trong hành trình di trú của chúng và sau đó bị bắt giữ vì nghi ngờ hành động gián điệp. 

Theo trang web Ynetnews của Israel, đây là sự cố mới nhất trong một loạt vụ việc xảy ra trong quá khứ dẫn đến việc tình báo Israel bị buộc tội sử dụng động vật nhằm mục đích gián điệp và gây bất ổn ở khu vực Trung Đông.

Ngày 5/1/2011, BBC đưa tin các quan chức Arập Xêút đã "bắt giữ" được một con chim kền kền Griffon (loại kền kền to có sải cánh 2,65m ở Nam Âu, Bắc Phi và Trung Đông có cánh và đuôi màu đen) tại thành phố sa mạc Hyaal của Arập Xêút vào ngày 3/5/2011. Con chim được phát hiện mang thiết bị truyền phát GPS có dòng chữ "Đại học Tel Aviv".

Ngay lập tức sau đó chính quyền Arập Xêút cũng như mọi tờ báo và trang web của nước này tuyên bố con chim nằm trong kế hoạch gián điệp bằng động vật của Mossad, nhưng giới quan chức đời sống hoang dã Israel đã bác bỏ mọi nghi ngờ được cho là "lố bịch" này. Trong một cuộc phỏng vấn của tờ báo Israel Ma'ariv, một nhà điểu cầm học ở NPA giải thích, thiết bị GPS trên chân con kền kền chỉ có chức năng thu và lưu trữ dữ liệu cơ bản về độ cao, tốc độ bay và nơi ở của con chim. Dữ liệu sau đó được sử dụng để nghiên cứu hành vi của các loài đặc hữu. Cuối cùng Hoàng thân Bandar bin Saud al-Saud, lãnh đạo Ủy ban An ninh quốc gia Arập Xêút chính thức tuyên bố con kền kền "vô tội".

Chim kền kền bị nghi ngờ là gián điệp ở Arập Xêút.

Trong một vụ việc khác vào tháng 12/2010, lãnh đạo tỉnh Nam Sinai của Ai Cập là Mohamed Abdul Fadil Shousha cũng đã cáo buộc Cơ quan Tình báo Mossad của Israel đứng đằng sau các cuộc tấn công của cá mập ở ngoài khơi khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh, giết chết một du khách người Đức. Nhưng Bộ Ngoại giao Israel cho rằng vị lãnh đạo này có lẽ xem bộ phim "Hàm cá mập" của Hollywood quá nhiều!

Vào năm 2007, Hãng thông tấn IRNA của Iran cũng đưa tin cơ quan tình báo nước này đã bắt giữ được 14 con sóc có mang thiết bị gián điệp và cáo buộc phương Tây sử dụng loài gặm nhấm này vào mục đích phá hoại ngầm các cơ sở hạt nhân của Iran.

Chỉ một năm sau đó, chính quyền Iran tiếp tục tuyên bố bắt giữ 2 con chim bồ câu có mang vòng kim loại đáng ngờ, trong đó một con bị bắt gần nhà máy sản xuất nước hoa hồng của thành phố Kashan thuộc tỉnh Isfahan. Ngay lập tức Tehran nghi ngờ 2 con bồ câu - sau đó được chuyển giao cho quan chức Bộ Quốc phòng Iran - được sử dụng để gián điệp cơ sở hạt nhân ở Natanz.

Lò phản ứng ở Natanz là một trong những khu vực được canh gác nghiêm ngặt nhất ở Iran, với sự bảo vệ 24/24h bằng các đơn vị phòng không và bộ binh. Đây không phải là lần đầu tiên nước Cộng hòa Hồi giáo lên tiếng buộc tội phương Tây và Israel hợp tác với cộng đồng chuyên gia động vật để chống lại Tehran

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.