Lật tẩy những tấm văn bằng tiến sĩ trong vụ bê bối bằng giả toàn cầu

Thứ Tư, 24/06/2015, 11:30
Ngày 27/5 vừa qua, Cơ quan Điều tra Liên bang Pakistan (FIA) đã phát lệnh bắt giữ Giám đốc điều hành Shoaib Ahmed Shaikh đồng thời tịch thu hàng trăm ngàn tấm bằng giả trong cuộc đột kích hệ thống văn phòng công ty công nghệ Axact ở thành phố Karachi. Shaikh và 6 giám đốc khác của Axact bị buộc tội lừa đảo, giả mạo giấy tờ và tội phạm mạng. FIA bắt đầu điều tra công ty Axact sau khi tờ New York Times của Mỹ đăng tải bài báo về hoạt động bán bằng giả thu về hàng triệu USD mỗi năm.

Văn bằng tiến sĩ có chữ ký của… Ngoại trưởng Mỹ!

Axact điều hành hơn 300 trang web quảng cáo được cho là thuộc về các trường đại học danh tiếng như "Newford" nhưng thực ra không hề tồn tại. Trong một video quảng cáo, một phụ nữ tự xưng là lãnh đạo trường luật ảo này khoe khoang: "Chúng tôi là một trong những trường đại học danh tiếng nhất thế giới. Hãy trở thành một thành viên của Newford để bay cao trên bầu trời tri thức".

Các trường đại học và trung học "danh tiếng" của Công ty Axact đều có những điểm tương đồng - trang web hấp dẫn, số điện thoại liên lạc miễn phí ở Mỹ và tên gọi khá quen thuộc một cách có tính toán như Barkley, Columbiana và Mount Lincoln.

Nhiều trang web - hoạt động thông qua hệ thống 2 máy chủ được điều hành bởi các công ty đăng ký ở Cyprus và Latvia - dẫn đến các tổ chức không hề tồn tại và hình ảnh đồ họa giống nhau. Giáo sư và sinh viên xuất hiện trong các video quảng cáo thực ra là những người được thuê đóng giả. Thậm chí, một số người đóng giả nhiều lần cho các trường đại học "ma" khác nhau.

Axact còn sử dụng logo của Hãng tin CNN làm công cụ quảng cáo trên nhiều trang web và thực hiện một video phóng sự giả danh iReport của CNN. Chiêu thức quảng cáo trên mạng xã hội cũng nhằm phục vụ ý đồ tăng cường tính "hợp pháp" cho Axact.

Ví dụ, trên trang mạng dịch vụ xã hội LinkedIn chứa profile các thành viên của khối trường đại học của Axact - giống như Christina Gardener tự mô tả bản thân là chuyên gia tư vấn hàng đầu Đại học Hillford và từng là Phó chủ tịch Công ty Năng lượng Southwestern ở Houston. Nhưng người phát ngôn của Southwestern khẳng định công ty không có hồ sơ nhân sự nào mang tên này!

Khách hàng mua bằng của Axact chủ yếu từ các quốc gia giàu có như Mỹ, Anh và Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE). Axact hoạt động tại thành phố cảng Karachi với đội ngũ hơn 2.000 nhân viên và tự quảng bá là nhà xuất khẩu phần mềm lớn nhất Pakistan trong khi hoạt động kinh doanh chính là bán… bằng giả trực tuyến.

Vì vậy, trọng tâm hoạt động của Axact là đội ngũ "bán sản phẩm" - đó là những người Pakistan trẻ tuổi, có học vấn, sành sõi tiếng Anh hay Ảrập và được giao nhiệm vụ gọi điện thoại đến những khách hàng bị hấp dẫn bởi các trang web của Axact. Họ chào hàng mọi "sản phẩm" từ bằng cấp trung học với giá 350USD đến văn bằng tiến sĩ có giá từ 4.000USD trở lên.

Theo tiết lộ từ một số người từng là nhân viên Axact, để thu hút khách hàng đều đặn hằng tháng, đội ngũ nhân viên bán hàng được huấn luyện các chiến thuật thông minh như là "upselling" (bán gia tăng). Đôi khi họ gọi điện thoại bất ngờ đến nhiều sinh viên hứa hẹn cung cấp việc làm lương cao với điều kiện phải đóng tiền tham gia chương trình học trực tuyến.

Một chiêu thức "upselling" tinh khôn là mạo danh giới chức chính quyền Mỹ dỗ ngọt hay ép buộc khách hàng mua văn bằng có chữ ký của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry! Đối với các quốc gia Trung Đông, giới chức Axact bán bằng cấp giả với giá hàng ngàn USD mỗi tấm.

Một nhân viên Axact giấu tên đã rời khỏi công ty năm 2013 tiết lộ: "Họ còn đe dọa các khách hàng rằng bằng cấp sẽ vô giá trị nếu không trả tiền sòng phẳng. Axact đặc biệt quan tâm trau chuốt các trang web thật cẩn thận nhằm thu hút sự chú ý nơi các thị trường béo bở của công ty - bao gồm Mỹ và các quốc gia gia Vùng Vịnh giàu dầu mỏ.

Một người đàn ông Ảrập Xêút đồng ý mua bằng giả với giá 400.000USD. Năm 2014, một người đàn ông Ai Cập đã bỏ ra 12.000USD để sở hữu tấm bằng tiến sĩ công nghệ Trường đại học Nixon và chứng chỉ có chữ ký của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry! Mặc dù mua phải đồ giả song khách hàng Ai Cập này vẫn tin tưởng đó là hàng thật: "Tôi thật sự nghĩ văn bằng đến từ Mỹ. Bởi vì nó có quá nhiều con dấu nước ngoài. Quá ấn tượng".

Nhiều khách hàng của Axact phải chịu mất tiền mua bằng cấp với hy vọng có được vị trí làm việc tốt bất chấp sự rủi ro sở hữu phải đồ giả. Thậm chí một số người rơi vào vòng lao lý cũng vì Axact. Ví dụ năm 2007, một tòa án ở Anh tuyên án tù giam đối với Gene Morrison - nhà tội phạm học sử dụng bằng cấp Trường đại học Rochville "ma" của Axact.

Công ty Axact ở Karachi, Pakistan.

Năm 2013 ở Mỹ, cựu vận động viên bơi lội Drew Johansen cũng bị phát hiện sử dụng bằng cấp Trường đại học Rochville không hề có thật của Axact. Ở Trung Đông, Axact rao bán đủ loại bằng cấp cho nhân viên ngành hàng không và  nhân viên bệnh viện. Một y tá làm việc tại một bệnh viện ở Abu Dhabi thuộc UAE thừa nhận đã mua bằng y khoa của Axact với giá 60.000USD để mong được thăng tiến trong nghề nghiệp.

 Không ít trường hợp cho thấy các khách hàng của Axact bị lừa đảo một cách ngoạn mục với lời hứa hẹn hấp dẫn về chương trình giáo dục từ xa. Elizabeth Lauber, công nhân một hiệu bánh ở Bay City bang Michigan, muốn có tấm bằng tốt nghiệp trung học để có thể bước vào đại học.

Năm 2006, Lauber liên lạc qua số điện thoại miễn phí trên trang web Trung học Belford "danh tiếng" của Axact và được yêu cầu trả 249USD để được nhận bản thẩm tra (test) kiến thức trực tuyến bao gồm 20 câu hỏi. Vài tuần sau, trong khi chờ đợi bản test như đã hứa hẹn, Lauber hết sức  ngạc nhiên khi nhận được bưu phẩm trong đó là một tấm bằng! Nhưng khi Lauber nộp tấm bằng "Trung học Belford" của Axact đến một trường đại học địa phương thì bị phát hiện là bằng giả!

Tháng 5/2014, Mohan - công dân Ấn Độ 39 tuổi làm kế toán một công ty xây dựng ở Abu Dhabi - bỏ ra 3.300USD để mong được theo học chương trình quản lý doanh nghiệp trực tuyến kéo dài 18 tháng tại Đại học Grant Town của Axact được quảng cáo là "chất lượng giáo dục cao".

Cuối cùng, Mohan chỉ nhận được bưu phẩm là chiếc máy tính bảng rẻ tiền thể hiện logo của trường học mà không hề có bất cứ ứng dụng dạy học hay chương trình học nào đồng thời kèm theo một loạt các yêu cầu trả thêm tiền trước khi được… học trực tuyến!

Sự sụp đổ của một đế chế đầy tham vọng

Trước khi bị bắt giữ, Giám đốc điều hành Shoaib Shaikh đang chuẩn bị ra mắt Tập đoàn truyền thông Bol với tham vọng sẽ trở thành ông trùm lĩnh vực này ở Pakistan. Năm trước, Shaikh còn mạnh miệng loan báo về một chương trình giáo dục dành cho 10 triệu trẻ em Pakistan từ năm 2019. Shoaib Shaikh tuyên bố trên trang web Công ty Axact rằng mục tiêu của ông ta là trở thành "người giàu nhất trên hành tinh, thậm chí giàu hơn Bill Gates".

Shaikh còn mô tả Công ty Axact do mình thành lập năm 1997 là công ty phần mềm hàng đầu trên thế giới. Logo công ty được thiết kế vòng tròn với con chim đại bàng tung cánh bay trông rất giống… con dấu của tổng thống Mỹ! Nhưng có một điều khác lạ đối với một doanh nhân phần mềm là Shaikh không có thói quen sử dụng email hay điện thoại di động - theo tiết lộ từ vài người được tuyển mộ cho Bol, "đế chế" mới của Shaikh.

Tham vọng của Shaikh dường như vô hạn khi vào năm 2014 ông đã thông báo kế hoạch về Gal Axact - một tòa nhà trụ sở siêu hiện đại với hệ thống giao thông một đường ray và không gian làm việc cho 20.000 nhân viên! Không chỉ hứa hẹn chương trình giáo dục cho 10 triệu trẻ em Pakistan, năm 2014 Shaikh còn thông báo khởi động một dự án giúp giải quyết những tranh chấp dân sự nhỏ - một thách thức đối với hệ thống tư pháp bê bối của nước này - và cam kết sẽ "bơm" hàng tỉ USD cho nền kinh tế Pakistan!

Shaikh tuyên bố trên trang web Axact: "Không quyền lực nào trong vũ trụ có thể ngăn cản chúng tôi thực hiện ước mơ này". Nhưng một số nhân viên Axact - bất chấp tiền lương cao và nhiều ưu đãi khác - bắt đầu cảm thấy vỡ mộng về doanh nghiệp của Shaikh. Yasir Jamshaid, nhân viên đã rời khỏi Axact vào tháng 10/2014, khi giám sát những cuộc gọi đến từ các khách hàng, ông phát hiện một sự thật: Các khách hàng bị lừa đảo hàng chục ngàn USD đòi công ty hoàn tiền cho họ.

Đế chế bằng cấp giả của Axact từng bị phơi bày vào năm 2009 khi Elizabeth Lauber kiện ra tòa 2 trang web lừa đảo của Axact - Trung học Belford và Đại học Belford. Sau đó, vụ kiện cá nhân chống 2 trang web Axact của Lauber nhanh chóng mở rộng ra trở thành vụ kiện có đến khoảng 30.000 nguyên đơn ở Mỹ! Luật sư của họ là Thomas H. Howlett phát biểu trong một cuộc phỏng vấn của báo chí rằng ông tìm thấy "hàng trăm câu chuyện lừa đảo" không thể tin nổi.

Nhưng thay vì người của Công ty Axact thì bị cáo xuất hiện trước tòa án lại là Salem Kureshi - người Pakistan tự nhận mình điều hành 2 trang web Trung học và Đại học Belford tại căn hộ riêng! Trước tòa, Kureshi phủ nhận có bất cứ mối liên quan nào đến Axact mặc dù các hộp thư do Belford điều hành có ghi địa chỉ trụ sở Axact để liên lạc.

Vụ kiện lùm xùm kết thúc năm 2012 sau khi một thẩm phán liên bang ra lệnh cho Kureshi và Belford bồi thường thiệt hại với số tiền 22,7 triệu USD. Nhưng luật sư Howlett cho biết sau đó chẳng có khoản tiền bồi thường nào được trả cho các nạn nhân, còn Belford vẫn tiếp tục hoạt động song với các địa chỉ trang web chỉ khác một chút.

George Gollin, giáo sư Khoa Vật lý Đại học Illinois và cựu Giám đốc Hội đồng Kiểm định Giáo dục Đại học (CHEA), nhận định: "Từ lâu, tôi đã biết Belford là hoàn toàn không tồn tại. Tôi cho rằng có gần 200.000 bằng cấp giả được bán ra vào mỗi năm, với tuyệt đại đa số - ít nhất là 100.000 tấm bằng - có xuất xứ từ Mỹ". Giáo sư Gollin đã làm việc nhiều năm với 2 đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về hưu Allen Ezell và John Bear về vấn đề bằng cấp giả. Allen Ezell, đồng tác giả (với John Bear) một cuốn sách về bằng cấp giả và cũng chính là người điều tra vụ việc Axact, cho biết: "Đây có lẽ là vụ bê bối lớn nhất mà chúng tôi từng gặp. Đúng là trò lừa đảo vô cùng ngoạn mục".

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.