Một cựu điệp viên tố MI-5 “vắt chanh bỏ vỏ”

Thứ Bảy, 01/08/2015, 14:30
Một cựu điệp viên MI-5 Cơ quan tình báo đối nội Anh -mang mật danh Robert Acott vừa phá vỡ im lặng, trò chuyện với chương trình truyền hình Newsnight của Đài BBC (15/7/2015) câu chuyện chưa từng được biết về cuộc sống của anh ta khi còn phục vụ cho cơ quan này và bộc lộ sự tức giận với cách MI-5 đối xử tệ bạc với anh ta khi không còn giá trị để khai thác.

Robert Acott năm nay 46 tuổi, kể rằng anh ta đã làm việc cho MI-5 được 18 năm. Nhiệm vụ chủ yếu của Robert Acott là theo dõi các phần tử nghi là khủng bố Hồi giáo cực đoan và Bắc Ailen. Robert Acott ở cùng nhóm do một điệp viên mang mật danh Lion Roar làm nhóm trưởng, người mà Robert Acott mô tả là "có hai đầu óc", tức là một điệp viên hai mang. "Ông ta là một thủ lĩnh, một ông chủ, người sẵn sàng hy sinh tính mạng của vợ, con và chính bản thân mình vì công việc" - Robert Acott kể. Lion Roar đã bị bắt do hành vi phản bội tổ chức.

Trong quá trình công tác cho MI-5, cuộc sống của Robert Acott luôn bị đặt vào các tình thế nguy hiểm cao. Anh đã đi khắp nơi trên thế giới để thực hiện nhiệm vụ do MI-5 giao là theo dõi các nghi can rời khỏi Anh quốc và châu Âu đến khu vực Trung Đông bằng hộ chiếu giả. Robert Acott cũng đến Ailen để hỗ trợ các liên lạc viên của MI-5 tại chỗ trong việc quản lý các điệp viên hai mang của IRA. Các chuyến đi đó thường là không được thông báo với chính quyền Ailen, vì vậy các toán điệp viên sẽ gặp nguy hiểm nếu bị thành phần Cộng hòa bắt được.

Trụ sở MI-5.

Chiến dịch Ngày thứ Bảy (Operation Saturday) là một chiến dịch khiến Robert Acott băn khoăn, trong đó ông được giao nhiệm vụ theo dõi những kẻ bị nghi là ám ảnh tình dục với trẻ em. Những kẻ bị theo dõi bao gồm cả những người quyền cao chức trọng lẫn những người giàu có. Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau thì chiến dịch đột ngột chấm dứt. Robert Acott chỉ thấy toàn những kẻ sử dụng ma túy và gái điếm, hoàn toàn không có chuyện lạm dụng tình dục trẻ em. Tại sao MI-5 thực hiện chiến dịch này cho đến nay vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.

Theo Robert Acott, sức ép căng thẳng bắt đầu tấn công anh ta kể từ sau sự kiện khủng bố 11-9, khi đó MI-5 nhận thấy mình hoàn toàn không được chuẩn bị sẵn sàng đối phó với mối đe dọa khủng bố Hồi giáo cực đoan. Robert Acott được biết trong toàn đơn vị do thám chỉ có một sĩ quan theo dõi các đối tượng Hồi giáo cực đoan. Robert Acott kết luận, MI-5 hoàn toàn thiếu nhân lực và cũng không hề được huấn luyện tốt để đối phó với kiểu hành động của khủng bố Hồi giáo cực đoan.

MI-5 không bác bỏ câu chuyện của Robert Acott, nhưng đưa ra nhận định đó chỉ mới là chuyện từ một phía. Thực tế, Robert Acott mắc hội chứng PTSD sau một thời gian dài làm việc căng thẳng và sức ép từ cuộc chiến chống khủng bố ngày càng tăng. Việc anh ta bị sa thải được lý giải là xuất phát từ một lỗi lầm do chính Robert Acott gây ra.

Theo hồ sơ của MI-5, Robert Acott bị sa thải cách đây 5 năm do có hành vi không phù hợp là mang quyển cẩm nang huấn luyện của đơn vị bỏ trong nhà kho tại khu vườn nhà riêng. Quyển cẩm nang sau đó đã được một người dân địa phương tìm thấy và giao nộp cho cảnh sát. Hậu quả của việc này là Robert Acott bị MI-5 sa thải, vì đây là một sai lầm nghiêm trọng, làm lộ bí mật của cơ quan tình báo. Ngay thời điểm bị sa thải, Acott mắc hội chứng Rối loạn căng thẳng di chứng phức tạp (PTSD). Vì vậy, Robert Acott cáo buộc MI-5 đã lợi dụng sai lầm của anh để sa thải anh do không muốn tiếp tục sử dụng một người mắc hội chứng PTSD.

Điệp viên Robert Acott.

Nhưng các thông tin mà Robert Acott kể với BBC Newsnight không hẳn là sai. Vấn đề MI-5 "hoàn toàn không được chuẩn bị sẵn sàng" trước nguy cơ khủng bố Hồi giáo cực đoan đã được minh chứng thực tế qua vụ khủng bố tàu điện ngầm ở London ngày 7/7/2005, và MI-5 cũng hụt hơi trong chiến dịch ngăn chặn âm mưu kích nổ trên chuyến bay xuyên Đại Tây Dương một năm sau đó.

Điều khiến Robert Acott không hài lòng nhất chính là việc theo dõi các nghi can khủng bố trong hệ thống tàu điện ngầm, đặc biệt là điều mà MI-5 thường bảo ông ta phải làm là tập trung quan sát từ "cái nhìn đầu tiên". Robert Acott cho rằng, thực tế không hề có dấu hiệu nào cho biết một kẻ tình nghi là khủng bố, vì nếu đã là khủng bố thì y có thể biểu lộ các dấu hiệu vào bất cứ giai đoạn nào trong chuỗi hành động của y chứ không nhất thiết "hễ nhìn là biết ngay khủng bố". Chính sức ép phải quan sát từ "cái nhìn đầu tiên" đã khiến cho Robert Acott trở nên lúng túng và mất tự tin mỗi khi lên các chuyến tàu điện ngầm cùng các đối tượng tình nghi. Và Robert Acott cho rằng hệ thống tàu điện ngầm là môi trường làm việc hoàn toàn không thích hợp với ông.

Sức khỏe của Robert Acott bắt đầu có dấu hiệu suy giảm kể từ năm 2006, khi ngủ thấy ác mộng và bị chứng lên cơn hốt hoảng tấn công. Robert Acott đã tìm đến rượu để mong giải tỏa bớt những căng thẳng đó. Và việc bị sa thải càng khiến cho sức khỏe của Robet Acott  tồi tệ hơn. 4 bác sĩ đã chẩn đoán Robert Acott mắc hội chứng PTSD. Robert Acott và gia đình đã liên tục khiếu nại MI-5 yêu cầu giải quyết vấn đề sức khỏe cho anh, nhưng MI-5 kiên quyết trả lời: "Điều quan trọng cần nhắc lại là MI-5 không chịu trách nhiệm cho các vấn đề sức khỏe của ông ấy, cũng không thể khẳng định các vấn đề sức khỏe của anh ấy xuất phát từ thời gian anh ấy làm việc tại đây".

Quốc Vương (theo BBC)
.
.