Một gia đình ở Siberia 42 năm trốn chạy thế giới loài người

Thứ Ba, 16/01/2018, 10:26
Vẫn có những người chọn chỗ khắc nghiệt làm nơi trú thân. Đó là gia đình ông Karp Lycov. Cho đến ngày bị phát hiện, họ đã có 42 năm trốn chạy thế giới loài người…

Với diện tích 13,1 triệu km², hầu hết là những ngọn núi cao và những khu rừng rậm rạp, hiểm trở, rải rác chỉ có vài thị trấn nhỏ, Siberia Taiga thuộc nước Nga chạy dài từ đông  dãy núi Uran đến bờ Thái Bình Dương rồi hướng về phía bắc tiếp giáp Bắc Băng Dương. Cho đến nay, vùng đất này vẫn là một trong những khu vực hẻo lánh nhất thế giới với nhiệt độ trung bình âm 10 độ C.

Tuy nhiên, vẫn có những người chọn chỗ khắc nghiệt ấy làm nơi trú thân. Đó là gia đình ông Karp Lycov. Cho đến ngày bị phát hiện, họ đã có 42 năm trốn chạy thế giới loài người…

Vào rừng

Karp Osipovich Lycov sinh năm 1901, lớn lên ở làng Ekaterinburg - là ngôi làng nhỏ nằm sát Siberia - trong một gia đình nông dân. Đến tuổi trưởng thành, ông lấy bà Akulina Lykova rồi năm 1927, vợ chồng họ có đứa con trai đầu lòng, đặt tên là là Savin. Năm 1934, họ sinh tiếp một con gái nữa là Natalia.

Là tín đồ của đạo Old Believers (một hệ phái thuộc giáo phái Nga Orthodox), trong suốt những năm dưới chế độ Sa hoàng, gia đình Likov cũng như những người cùng đạo liên tục bị truy bức. Khi nước Nga Xôviết ra đời, rất nhiều thành viên Old Believers tham gia đội quân phản động Bạch vệ, tiến hành vũ trang bạo loạn nhằm lật đổ chính quyền. Những kẻ không trực tiếp tham gia thì lén lút tiếp tế lương thực, ngựa, xe kéo cho quân Bạch vệ nên vì thế, người theo đạo Old Believers sống trong các làng mạc, thị trấn luôn bị chính quyền dè chừng.

Ông Lycov và cô con gái út Agafi với bộ quần áo ấm sau hơn 30 năm mặc vỏ cây.

Tháng 9-1936, khi Lycov đang làm việc cùng anh trai ở nông trại của gia đình thì một dân quân đi ngang. Sau vài câu thăm hỏi, người dân quân nói: “Cố trồng thật nhiều lúa mạch để tiếp tế cho Bạch vệ nhé”. Đó thực chất chỉ là lời bông đùa vì lúc ấy, tổ chức phản động này đã bị đập tan. Nghe thấy thế, anh trai Lycov nổi nóng, cúi xuống nhặt cây chĩa ba dưới đất lên. Nghĩ rằng mình bị tấn công, người dân quân đã  chủ động làm anh trai Lycov chết ngay tại chỗ.

Sợ rồi sẽ đến lượt mình nên chiều hôm ấy, Lycov lập tức cùng vợ và hai con thu vén tất những vật dụng cần thiết như dao, rựa, búa, chĩa ba, cuốc, một số hạt giống cùng quần áo, nồi niêu xong chảo rồi trốn vào rừng taiga. Đêm nghỉ ngày đi, gần 6 tháng sau họ đến sát chân núi Abakan, phía nam Siberia. 42 năm sau, khi bị phát hiện, Lycov mới biết từ đó về làng Ekaterinburg là 241km.

Theo Lycov thì suốt 6 tháng của cuộc trốn chạy, gia đình ông không hề nhìn thấy bất cứ một bóng người nào, chỉ có gấu, chó sói, thỏ rừng và cáo đỏ. Thức ăn thì nhặt nhạnh tất cả những gì có thể ăn được như nấm, trái phúc bồn tử, dâu dại, hạt quả hạnh, quả mâm xôi, hạt thông. Đôi khi họ cũng bẫy được vài con thỏ.

Ông nói: “Ngày nào cũng vậy, đi từ sáng sớm đến hoàng hôn chúng tôi mới dừng lại. Dùng một tấm bạt làm lều, những cành thông nhỏ làm nệm, chúng tôi nằm co ro bên nhau trong cái lạnh cắt da vì chúng tôi chỉ dám đốt lửa vào ban ngày để nấu nướng, còn ban đêm thì không. Trong bóng tối, ánh sáng của ngọn lửa rất dễ bị phát hiện…”.

Phải mất gần 2 tháng, gia đình Lycov mới dựng xong một ngôi nhà làm bằng những thân cây bạch dương, đồng thời vỡ đất để trồng lúa mạch đen, cây gai dầu và khoai tây. Ông nói: “Nước thì không thành vấn đề vì nhà chúng tôi nằm cạnh một con suối nhỏ. Ở đó, thậm chí chúng tôi còn kiếm được cá tuyết”.

Sinh tồn nơi hoang dã

Ngày tháng trôi qua, năm 1940 gia đình Lycov có thêm một đứa con trai là Dmitry. Cuối năm 1944, cô con gái út Agafi chào đời. Số quần áo mang theo đã mục nát, chẳng thể nào vá víu được nữa nên Lycov phải dùng đến sợi cây gai dầu. Nó khá bền nhưng khi mặc vào, nó gây ra cảm giác ngứa, ráp; còn giày thì làm từ vỏ cây sồi.

Bà Agafi hiện nay, với cuốn kinh thánh mà mẹ bà đã dùng để dạy bà đọc và viết.

Lycov nói: “Ngay cả những vật dụng bằng kim loại như ấm, nồi, chảo, dần dần cũng mục, thủng, mà chẳng có cách nào sửa chữa nên chúng tôi phải dùng vỏ cây bạch dương để nấu thức ăn. Việc ấy rất khó khăn bởi lẽ lắm khi thức ăn chưa kịp chín thì vỏ cây đã cháy hết. Cả 4 đứa con chúng tôi là Savin, Natalia, Dmitry và Agafi chỉ biết đến văn minh loài người qua lời kể của vợ chồng tôi. Chúng được vợ tôi dạy viết, dạy đọc bằng một quyển Kinh thánh cũ mà gia đình mang theo lúc bỏ trốn”.

Khi Thế chiến thứ II nổ ra, gia đình Lycov cũng chẳng hề hay biết. Ông nói: “Thỉnh thoảng tôi nghe những tiếng động ù ù trên đầu. Vào ngày trời trong, tôi còn thấy rõ nó là những chiếc máy bay nhưng tôi không thể hình dung ra được là nó bay đi đâu, bay để làm gì. Sợ nó phát hiện nên tôi không dám nhìn lâu, tôi xua vợ tôi và mấy đứa con chui vào những lùm cây rậm rạp”.

Cuộc sống nơi hoang dã đã khiến mọi thành viên trong gia đình Lycov trở nên  tháo vát. Để vận chuyển thực phẩm, họ làm ra một chiếc xe kéo với hai bánh xe gồm những thanh gỗ chắp vào nhau. Và mặc dù nó hoàn toàn không là hình tròn nhưng khi kéo, nó vẫn có thể di chuyển một cách đáng kinh ngạc. Không có súng và cũng chẳng thể chế ra cung tên vì rừng Taiga Siberia không có loại cây nào đủ độ dẻo để khi uốn cong, nó tạo ra sức bật, gia đình Lycov dùng bẫy hoặc đuổi theo những con mồi nhỏ cho đến khi nó kiệt sức rồi đâm chết nó bằng những mũi lao tự chế.

Theo ông Lycov thì Dmitry là đứa con giỏi nhất: “Thậm chí ngay cả trong mùa đông, khi mà nhiệt độ hạ xuống 40 độ âm, nó vẫn xách lao ra đi rồi một vài ngày sau, trở về với một con nai non hay một con heo rừng nhỏ”.

Túp lều của gia đình Lycov lúc các nhà địa chất tìm thấy họ.

Tuy nhiên, thú rừng ngày càng hiếm. Nếu như những năm đầu của thập niên 1950, ngày nào gia đình Lycov cũng bẫy được vài con thỏ hoặc cáo thì đến đầu năm 1960, có khi cả tuần lễ họ chẳng bắt được con nào. Lycov nói: “Không phải là rừng Taiga không còn thú rừng, nhưng những con sống trong khu vực gần nhà chúng tôi đều đã sa bẫy, còn những con ở xa thì chúng tôi không đủ sức đi tìm”. Thức ăn của họ trong giai đoạn này chủ yếu chỉ là khoai tây trộn với lúa mạch đen và hạt cây gai dầu.

Năm 1961 là năm kinh khủng nhất. Mùa đông kéo dài với những trận bão tuyết triền miên từ ngày này qua ngày khác đã khiến khoai tây không có củ, lúa mạch đổ rạp xuống vì sức nặng của những bông tuyết bám trên thân, cây gai dầu cũng chịu chung số phận nên gia đình Lycov lúc nào cũng đói. Tất cả thức ăn dự trữ đã hết và họ phải nhai lá cây dâu dại để cầm hơi.

Nhớ lại giai đoạn này, ông Lycov không cầm được nước mắt: “Rễ cây, vỏ cây, cỏ, nấm, ngọn khoai tây, tất cả được nấu lên rồi chia nhau. Cái đói hành hạ đến mức chúng tôi quyết định ăn hết số hạt giống dù biết rằng đến mùa hè, sẽ chẳng còn gì để trồng trọt”.

Gần cuối năm ấy, bà Akulina Lykova chết vì đói. Trước đó, khi thấy ông Lycov cắt những mảnh da rách nham nhở trên đôi giày vốn đã hư hỏng từ lâu rồi đem hầm, bà Akulina Lykova từ chối không ăn. Bà muốn nhường phần mình cho những đứa con. Lycov nói: “Vợ tôi khi chết chỉ còn nặng khoảng 30kg. Chúng tôi yếu đến nỗi không còn đủ sức đào huyệt chôn bà ấy mà chỉ bới tuyết ra, đặt xác bà ấy xuống rồi phủ tuyết lên. Trên mộ bà có vài hòn đá, mấy cành cây, ngăn không để thú rừng moi lên ăn thịt…”.

Mùa xuân 1962, ông Lycov tình cờ tìm thấy một hạt lúa mạch đen còn sót lại, nằm dưới đáy cái túi bằng sợi cây gai dầu. Khi gieo nó xuống, ông đã phải dựng một hàng rào nhằm ngăn không cho chuột và sóc ăn mất. Đến lúc thu hoạch, ông đếm được tổng cộng 18 hạt và đó là tất cả cho một sự tái khởi đầu.

Khi ánh sáng văn minh rọi đến

Tháng 5-1978, một chiếc trực thăng đưa một nhóm các nhà địa chất Nga đến rừng Taiga Siberia để khảo sát và lập bản đồ khoáng sản của khu vực này. Từ trên cao nhìn xuống, họ bỗng thấy một hiện tượng khác thường. Giữa dải rừng mênh mông bất tận là một khoảnh đất khá lớn, tựa như một mảnh ruộng.

Khi đề nghị phi công hạ thấp độ cao, họ lại càng kinh ngạc vì loại cây mọc trên mảnh đất ấy là cây lúa mạch đen trong lúc từ đó đến thị trấn gần nhất là 241km với vô số núi cao, vực thẳm.

Theo yêu cầu của các nhà địa chất, viên phi công cho trực thăng đáp xuống cạnh mảnh ruộng. Kỹ sư Malikovsky nhớ lại: “Tất cả chúng tôi đều biết chắc là nơi này có người sinh sống nhưng chúng tôi chưa rõ họ là ai…”.

Thận trọng quan sát xung quanh, nhóm địa chất thấy một hàng rào bằng những thân cây bạch dương, một cây cầu khỉ bắc qua một dòng suối, nhiều mảnh đất nhỏ hơn trồng cây gai dầu và một căn nhà - hay đúng hơn là một túp lều. Malikovsky nói: “Tôi rút súng ra khi thấy từ trong lều, một người đàn ông mặc quần áo bằng vỏ cây, tóc và râu rối bù, xuất hiện. Ngập ngừng nhìn chúng tôi, ông ấy nói: “Chào các ngài…”.

Nhóm địa chất vào nhà và càng kinh ngạc hơn nữa khi thấy trong nhà còn có 4 người, 2 trai 2 gái, tất cả đều gầy ốm vì đói. Ông Lycov kể: “Nghe xong câu chuyện của gia đình tôi, họ lấy cho chúng tôi quần áo ấm và thức ăn. Thoạt đầu, tờ giấy bóng kính gói miếng mỡ muối đã khiến tôi nghĩ rằng nó là một loại thủy tinh nhưng gấp lại được”.

Những ngày sau đó, nhóm địa chất dựng trại gần túp lều của gia đình Lycov. Họ kể cho Lycov và các con ông về những gì đã xảy ra ở thế giới bên ngoài suốt 42 năm qua, đồng thời thuyết phục Lycov đưa gia đình quay lại với loài người nhưng ông nhất quyết từ chối.

Ông nói: “Chúng tôi đã có đầy dủ dao rựa, cưa, cuốc xẻng và cả những cái ấm, cái nồi bằng thép mới tinh. Quần áo cũng thế, tôi và các con không còn phải mặc vỏ cây. Ngoài ra, họ còn cho chúng tôi muối, đường, bơ và rất nhiều hạt giống. Như thế, đủ để sống tốt hơn rồi”.

Ngay cả tháng  8-1981, lúc 3 đứa con là Savin, Natalia, Dmitry lần lượt chết cách nhau chỉ vài ngày vì suy thận và viêm phổi, ông Lycov vẫn cương quyết từ chối đưa chúng đi bệnh viện mặc dù nhóm địa chất đã gọi máy bay trực thăng đến.

Ngày 16-2-1988, Lycov trút hơi thở cuối cùng trong túp lều mà ông đã sống suốt 42 năm. Hiện tại, bà Agafi, 74 tuổi, con gái út của Lycov vẫn ở đó. Túp lều năm xưa nay đã được sửa chữa lại khang trang, có máy phát điện, có tivi và dĩ nhiên là bà Agafi chẳng bao giờ còn phải ăn hạt cây gai dầu. Bà nói: “Cha mẹ, các anh chị tôi đều nằm ở đây. Mai này, tôi cũng sẽ nằm bên cạnh họ…”.

Vũ Cao (theo Russia Today)
.
.