Một số vụ hối hộ tai tiếng của Hãng Chế tạo máy bay Lockheed

Thứ Bảy, 17/05/2008, 11:00
Từ thập niên 50 đến thập niên 70 của thế kỷ XX, để ký được các hợp đồng bán các máy bay quân sự và dân sự, Hãng Chế tạo máy bay Lockheed của Mỹ đã tổ chức đưa hối lộ lên đến hàng chục triệu USD cho các quan chức cao cấp, các nhân vật nổi tiếng của nhiều quốc gia, trong đó có cả bộ trưởng, thủ tướng và hoàng thân. Những vụ hối lộ có tổ chức này bắt đầu được điều tra từ năm 1975 và trở thành tai tiếng trong ngành hàng không thế giới mà di chứng còn kéo dài đến tận năm 2004.

Lockheed là một trong những hãng chế tạo máy bay lâu đời nhất thế giới được thành lập vào năm 1912.

Cho đến nay, Lockheed còn được biết tiếng như một trong những hãng chế tạo máy bay lớn nhất thế giới với nhiều sản phẩm đặc trưng được ngành hàng không nhiều quốc gia sử dụng rộng rãi như thế hệ máy bay cánh quạt chở khách xuyên lục địa Constellation, máy bay phản lực chở khách L-1011, máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules, các loại máy bay phản lực chiến đấu F-86, F-104, F-117 (tàng hình), máy bay do thám U-2 và SR/71...

Tuy nhiên, để bán được các máy bay này với số lượng lớn, Lockheed không chỉ sử dụng các phương tiện quảng cáo, vận động hành lang mà còn sử dụng cả tiền bạc  để đưa hối lộ.

Một viên chức làm việc tại Hãng Hàng không All Nippon Airways (ANA) của Nhật, lãnh đạo ANA nhận hối lộ để ký hợp đồng mua máy bay chở khách loại L-1011 của Hãng Lockheed, đã làm bùng lên việc đưa hối lộ có tổ chức của hãng chế tạo máy bay danh tiếng này.

Không chỉ tại Nhật, mà cả tại Italia, Đức, Hà Lan  cũng xôn xao về hành động đưa hối lộ của Hãng Lockheed. Đây chính là nguyên nhân khiến Quốc hội Mỹ phải tổ chức điều tra.

Từ tháng 3/1975, Quốc hội Mỹ quyết định thành lập một ủy ban đặc biệt do nghị sĩ Frank Church phụ trách (còn gọi là Ủy ban Church) để điều tra về vụ tai tiếng.

Đến tháng 4/1976, Ủy ban Church đã đưa ra kết luận là nhiều quan chức lãnh đạo của Hãng Lockheed đã sử dụng một số tiền lớn lên đến 22 triệu USD để hối lộ cho các quan chức cao cấp của chính phủ nhiều quốc gia cùng một vài nhân vật nối tiếng để những người này vận động cho Hãng Lockheed được chấp thuận ký kết các hợp đồng bán máy bay với số lượng lớn.

Trong giai đoạn điều tra, Ủy ban Church đã phối hợp với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan bảo vệ pháp luật của một số quốc gia để làm rõ các hành vi đưa và nhận hối lộ có liên quan đến Hãng Lockheed.

Tại Tây Đức, Ernest Hauser, một chuyên gia vận động hành lang của Hãng Lockheed đã khai với Ủy ban Church rằng, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Tây Đức Franz Josef Strauss và đảng Liên minh Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU) cầm quyền đã nhận hối lộ 10 triệu USD để tác động đến Thủ tướng Konrad Adenauer chấp thuận mua 900 chiến đấu cơ phản lực F-104 G của Hãng Lockheed vào năm 1961. Tuy nhiên, cả đảng CSU và  ông Strauss đều phủ nhận cáo buộc này.

Từ tháng 1/1978 đến tháng 5/1979, Chính phủ Tây Đức quyết định điều tra lại vụ nhận hối lộ của Bộ trưởng Strauss nhưng do hầu hết các chứng cứ liên quan đều bị thiêu hủy từ năm 1962 nên cuộc điều tra chỉ dừng lại ở mức độ công nhận đã xảy ra vụ việc đưa và nhận hối lộ liên quan đến Hãng Lockheed nhưng không truy cứu trách nhiệm hình sự Bộ trưởng Strauss.

Tại Italia, một cuộc điều tra phối hợp giữa Ủy ban Church và Quốc hội Italia đã đưa ra ánh sáng việc một số chính trị gia của đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (DC) cầm quyền, trong đó có nghị sĩ Giovanni Leone, người sau này trở thành Tổng thống Italia vào năm 1976, đã nhận hối lộ 5 triệu USD của chi nhánh Hãng Lockheed tại Italia để tác động đến chính phủ chấp thuận cho Không quân Italia mua 30 máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules của Hãng Lockheed vào năm 1968.

Kết quả cuộc điều tra phối hợp này đã buộc Tổng thống Giovanni Leone từ chức vào ngày 15/6/1978.

Tại Hà Lan, cuộc điều tra phối hợp giữa Ủy ban Church và Chính phủ Hà Lan, cho biết Hoàng thân Bernhard, cha của Nữ hoàng Beatrix hiện nay, vào thời kỳ đó đang giữ chức vụ tổng thanh tra quân đội và còn là nhân vật đứng đầu Hiệp hội các doanh nghiệp ở Hà Lan, đã nhận hối lộ 1,1 triệu USD của Hãng Lockheed để tác động đến chính phủ  nước này chấp thuận mua chiến đấu cơ phản lực F-104 thay vì mua chiến đấu cơ phản lực Mirage của Pháp để trang bị cho không quân vào năm 1967. Vào tháng 10/1976, Thủ tướng Hà Lan Joop den Uyl đã cho mở một điều tra nhưng không mang lại kết quả vì Hoàng thân Bernhard phủ nhận mọi cáo buộc.

Tuy nhiên đến tháng 9/2004, vụ đưa và nhận hối lộ này xuất hiện trở lại trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Hà Lan khi Hoàng thân Bernhard trước khi qua đời vào ngày 1/12/2004, bỗng thú nhận mình có nhận hối lộ số tiền 1,1 triệu USD của Hãng Lockheed vào năm 1967.

Tại Nhật, cuộc điều tra của Ủy ban Church có sự phối hợp với Viện Công tố Nhật đã phát hiện vụ hối lộ có liên quan đến các quan chức của tập đoàn Marubeni và một số quan chức cao cấp của chính phủ trong đó có Bộ trưởng Tài chính Eisaku Sato, Tổng tham mưu trưởng quân đội Minoru Genda.

Những nhân vật này đã nhận hối lộ của Hãng Lockheed để tác động đến chính phủ quyết định mua chiến đấu cơ phản lực F-104 trang bị cho không quân vào năm 1966.

Sau thành công của thương vụ này, Hãng Lockheed lại tiếp tục chi 6 triệu USD để hối lộ các quan chức của Hãng Hàng không All Nippon Airways (ANA) và 3 triệu USD cho Thủ tướng Kakuei Tanaka để ông này chấp thuận  cho ANA mua các máy bay phản lực chở khách L-1011 thay vì mua loại máy bay phản lực chở khách DC-10 của Hãng Chế tạo máy bay McDownell Douglas.

Từ kết luận điều tra, vào ngày 27/7/1976, Viện Công tố Nhật ra lệnh bắt giữ cựu Thủ tướng Tanaka và đến ngày 12-10/1983, ông này bị một tòa án ở thủ đô Tokyo tuyên phạt 4 năm tù giam về tội nhận hối lộ.

Còn tại Mỹ, cuộc điều tra của Ủy ban Church đã buộc Daniel Haughton, Chủ tịch và Carl Kotchian, Tổng giám đốc Hãng Lockheed phải từ chức để bị truy tố về tội đưa hối lộ có tổ chức và vi phạm Luật Cạnh tranh.

Những vụ hối lộ có tổ chức của Hãng Lockheed không chỉ trở thành tai tiếng trong lịch sử ngành hàng không thế giới mà còn khiến các nhà làm luật ở Mỹ gấp rút soạn thảo một đạo luật chống đưa và nhận hối lộ có liên quan đến yếu tố người nước ngoài và được Tổng thống Jimmy Carter ký ban hành vào ngày 19/12/1977

Hoàng Phú (theo báo nước ngoài)
.
.