Mưu đồ bất thành của Tổng thống Nixon trong vụ Watergate

Thứ Sáu, 05/09/2014, 23:45

Cho đến nay đã tròn 40 năm trôi qua kể từ khi xảy ra vụ bê bối chính trị Watergate buộc Tổng thống Mỹ Richard Nixon phải từ chức vào ngày 9/8/1974. Nhưng ít ai biết được ngay từ trước khi dính vào cái bẫy Watergate do chính mình đặt ra, Richard Nixon đã ngấm ngầm "dụ ngọt" Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (VNCH) Nguyễn Văn Thiệu bí mật "đánh sau lưng" Tổng thống Johnson, phá hoại các cuộc đàm phán hòa bình với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH), hòng lấy chiến tranh nuôi chiến tranh.

Về bản chất, những hành động mờ ám mà Nixon và nhóm vận động chiến dịch tranh cử của ông ta đã làm: liên lạc với một số cán bộ cấp cao chính quyền VNCH "bẻ gãy sống lưng" Tổng thống Lyndon Johnson, nặn ra "bánh vẽ" để nhử Nguyễn Văn Thiệu cùng bộ sậu rằng: sẽ có "một thỏa thuận tốt hơn" nếu ngăn cản được các cuộc đàm phán hòa bình ở Paris mà đại diện cho phía Mỹ là Tổng thống Lyndon Johnson - "cái gai" trong mắt Nixon.

Sau khi nghe những lời đường mật từ Nixon, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu gật đầu đồng ý, ngấm ngầm làm theo lệnh của Nixon. Do những "con rối" chính quyền Sài Gòn "hăng hái" thực hiện kế hoạch chính trị bí mật của Nixon, nên các cuộc đàm phán hòa bình do Lyndon Johnson đề xuất đều rơi vào bế tắc và Nixon tự đắc tin rằng ông ta có hẳn một kế hoạch bí mật để "kết thúc" chiến tranh.

Sau khi đắc cử, ông Nixon nhận tin từ Giám đốc FBI-J. Edgar Hoover: (nguyên) Tổng thống Johnson trước khi rời Phòng Bầu dục đã kịp tích trữ được một kho tư liệu bí mật đề cập chi tiết về những gì mà Johnson gọi Nixon là "kẻ phản bội tổ quốc," nhưng Nixon không thể tìm ra tư liệu đó khi vào Nhà Trắng, ông ta ra lệnh tiến hành một cuộc tìm kiếm tổng lực để biện minh vì sao đàm phán hòa bình Paris từ năm 1968 đến đầu năm 1969 bất thành.

Nỗi lo lắng của Nixon ngày càng tăng vào giữa tháng 6/1971, khi đó Thời báo New York cùng một số tờ báo lớn ở Mỹ bắt đầu xuất bản Tư liệu Lầu Năm Góc do cựu Bộ trưởng Quốc phòng Daniel Ellsberg tiết lộ.

Tư liệu Lầu Năm Góc chỉ bao gồm thông tin từ năm 1945-1967 phơi bày hầu như toàn bộ những thủ đoạn lừa bịp của đảng Cộng hòa, Nixon biết rõ có một số người đã làm điều đó. Nixon bắt đầu thấy lo cho vận mệnh chính trị của ông ta, bởi một ngày nào đó những bí mật mà đảng Cộng hòa cố giấu kín cũng sẽ bị khui ra...

Giữa năm 1971, phong trào phản chiến trong hầu hết các tầng lớp nhân dân Mỹ yêu chuộng hòa bình ngày càng lan rộng, họ đứng về phía nhân dân Việt Nam, kiên quyết phản đối chính sách chiến tranh xâm lược của chính quyền Nixon.

Vào đầu tháng 5/1971, hàng loạt cuộc biểu tình đã nổ ra, yêu cầu đóng cửa Nhà Trắng. Có khoảng 12 ngàn người biểu tình bị bắt, nhiều người bị đánh đập dã man ở sân vận động Kennedy cho thấy nước Mỹ bấy giờ rất hỗn loạn.

Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ (trái), đại diện đoàn VNDCCH và Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hoa Kỳ, Henry Kissinger chúc mừng nhau sau lễ ký tắt. (Người đứng giữa, phía sau là Thư ký đoàn VNDCCH  Lưu Văn Lợi)

Tháng 6/1971, Tư liệu Lầu Năm Góc tiếp tục làm ngọn lửa phản chiến bùng cháy dữ dội hơn sau khi tiết lộ có rất nhiều điều dối trá đã dẫn nước Mỹ sa vào vũng lầy cuộc chiến xâm lược đẫm máu ở Việt Nam. Do đó, Nixon nhận ra mối nguy nan chính trị nếu ai đó phơi bày những "trò bẩn" của ông ta  trước cuộc tranh cử năm 1968 phá hoại mọi nỗ lực của Tổng thống Lyndon Johnson kết thúc cuộc chiến phi nghĩa trên chiến trường Việt Nam.

Dù đã dùng đủ mọi mưu chước, Nixon vẫn thất bại hoàn toàn khi không thể "moi" đâu ra tư liệu tuyệt mật mà người tiền nhiệm Lyndon Johnson đang nắm giữ.

Vốn có tính đa nghi, Nixon luôn nơm nớp lo những thủ  đoạn chính trị trong chiến dịch bầu cử cùng tội ác với nhân dân Việt Nam trong Tết Mậu Thân năm 1968 sẽ bị phơi ra trước ánh sáng công lý, vì vậy Nixon đã bí mật cài thiết bị  nghe lén các cuộc họp được ghi âm của Nhà Trắng chính thức bắt đầu từ ngày 17/6/1971 đến năm 1974.

Để tìm tư liệu mật mà nguyên Tổng thống Lyndon Johnson đang cất giấu, Nixon ra lệnh cho cố vấn "xới tung từng viên gạch, từng ngóc ngách" Viện Nghiên cứu chính trị Brooking, địa điểm mà một số chính trị gia hiếu chiến và thân tín với Nixon tin rằng, các tập tư liệu đang mất tích có thể đang nằm trong một căn hầm bí mật. "Tôi muốn có tư liệu đó. Phải xới tung chỗ giấu bí mật và lấy được nó", Nixon nói như quát vào mặt 2 cố vấn cấp cao Henry Kissinger và H.R Haldeman.

Vào ngày 30/6/1971, Nixon nhắc lại chủ đề này và trách móc cố vấn Haldeman vì hành động không quyết đoán đồng thời cho biết có một đội điều tra bí mật do cựu nhân viên CIA E.Howard Hunt thành lập sẽ đột nhập vào Viện Brookings.

"Ông thông báo cho Hunt biết rõ điều này: Tôi muốn có vụ đột nhập. Họ phải làm việc đó ngay lập tức. Các ông cứ tiến vào viện, phá hủy tư liệu và rồi đem chúng trở lại bên trong… chỉ cần đi vào trong và lấy tư liệu. Đi vào đó tầm 8 hoặc 9 giờ (đêm)”, Nixon căn dặn kỹ Haldeman trong văn phòng riêng. Nixon cùng với các cố vấn đã bất chấp mọi thủ đoạn, thành lập một đội "những tên trộm thông tin" đội lốt "thợ sửa ống nước".

Mưu ấy bất thành, sau nhiều ngày vò đầu suy nghĩ, Nixon triệu tập ban cố vấn ra lệnh thành lập một "đội sửa ống nước" mà thực chất đó là những cựu điệp viên CIA.

Đội "thợ sửa ống nước" dưới quyền chỉ huy của Howard Hunt đã đi vào văn phòng làm việc của bác sĩ tâm thần  Ellsberg sửa đường ống dẫn nước, nhưng thực ra là đi tìm kiếm tư liệu mật  vào ngày 28/5/1972, gắn chip điện tử theo dõi, làm hỏng các tập tư liệu. Vào ngày 17/6. khi đội "sửa ống nước" trở lại tòa nhà Watergate tiếp tục "tác nghiệp", thì 5 trong số những "ông thợ" đã bị cảnh sát Washington bắt giữ vì tội ăn cắp.

Tuy biết rõ số phận của chế độ VNCH đang lụi dần như chương trình Việt Nam hóa nhưng như trong những thư riêng gửi Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu năm 1972, Nixon từng mạnh miệng tuyên bố: Washington sẽ luôn ở bên Sài Gòn: "Tất cả chúng ta đều phải thừa nhận rằng cuộc xung đột này bây giờ sẽ chuyển sang một trạng thái hoàn toàn khác so với trước kia, một hình thái đấu tranh chính trị đối lập để mở đầu cuộc đối đầu quân sự; nhưng tôi tin rằng với sự "khôn ngoan" và "niềm tin", chính phủ của ngài sẽ vượt qua thách thức mới này. Ngài sẽ có sự ủng hộ tuyệt đối của tôi bởi nỗ lực này và tôi mong ngài hiểu đó là niềm tin vững chắc…" (trích nội dung một lá thư mà Nixon gửi Nguyễn Văn Thiệu năm 1972, tham khảo tư liệu: Việt Nam - Thư trả lời từ Nixon gửi Nguyễn Văn Thiệu -Thư viện Tổng thống Gerald R.Ford công bố năm 1989).

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đọc tuyên bố chung "tương hỗ VNCH - Mỹ" cùng Tổng thống Mỹ Richard Nixon, ngày 8/6/1969 (bang Virginia).

Trong nhiều tư liệu mật có chứa các cuốn băng nghe lén do FBI cài đặt cho thấy Tổng thống Johnson có bằng chứng rõ ràng về việc Nixon cố tình phá hoại đàm phán hòa bình, đặc biệt các cuộc trao đổi kín giữa Anna Chennault (người Mỹ gốc Trung Quốc) nữ cố vấn chiến dịch tranh cử của Nixon với Đại sứ VNCH Bùi Diễm tại Washington nhằm phá hoại đàm phán Paris.

Ngày 2/11/1973, FBI chặn được một hội thoại mà Chennault thuyết phục Bùi Diễm rằng nếu Nixon lên làm tổng thống thì Mỹ và VNCH sẽ có cơ hội chiến thắng và căn dặn Bùi Diễm giữ kín đồng thời tiếp tục cản trở đàm phán Paris.

Cùng ngày hôm đó, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu sau khi nghe Bùi Diễm báo tin đã công khai rút lại thỏa thuận dự kiến khi hội đàm với VN DCCH tại Paris, khiến đàm phán hòa bình bị thất bại ngay từ khi vừa thai nghén. Vào đêm 2/11/1973, Johnson gọi điện cho lãnh đạo Thượng viện đảng Cộng hòa Everett Dirksen kêu gọi ông ngăn chặn Nixon.

"Điệp viên (Chennault) cho biết cô ta vừa trao đổi với lãnh đạo (Nixon) và ông ấy chỉ đạo phải giữ kín, phải giữ kín tuyệt đối cho đến sau cuộc bầu cử. Chúng tôi biết ông Thiệu đã nói với họ những gì. Chúng tôi có thông tin khá đầy đủ ở cả 2 đầu dây", Johnson "nắn gân" Everett Dirkson qua điện thoại. Sau đó Johnson đưa ra lời cảnh báo sẽ tiết lộ "hiểm họa giấu mặt" cho công chúng Mỹ biết: "Tôi không muốn phơi bày việc này trong chiến dịch tranh cử. Họ không nên tiếp tục làm việc này. Đây là tội phản quốc", Johnson gằn giọng nói như quát vào tai Everett Dirkson.

Dirkson trả lời Johnson qua điện thoại: "Vâng, thưa ngài Tổng thống, tôi có biết". Johnson tiếp tục: "Tôi nghĩ điều đó sẽ gây sốc cho nước Mỹ nếu một ứng cử viên chính đang vận động tranh cử với mưu toan về một vấn đề hệ trọng như thế này. Tôi không muốn công khai cho dân chúng biết. Họ nên biết chúng tôi biết họ đang làm gì. Tôi biết họ đã nói gì với nhau. Tôi biết họ đang nói gì".

Mặc dù, bằng "Tình cảm cá nhân", Johnson đã nói chuyện với Nixon về "vấn đề" Chennault, Nixon từ chối làm bất kỳ việc gì sai trái và hòa bình cho Việt Nam tiếp tục bị Nixon cản trở cho đến những ngày cuối chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Trong cuộc điện đàm năm 1968, Johnson biết chắc chắn Nixon đang nói dối. "Lạy Chúa, khi chúng ta hạ cánh (về hưu), tôi sẽ tố cáo Thiệu. Tôi sẽ tố cáo Nixon. Tôi sẽ nói trắng phớ toàn bộ sự việc", Tổng thống đời thứ 36 của Mỹ Lyndon Johnson lớn tiếng với sắc mặt nóng phừng phừng, đầy tức giận trước mặt ban cố vấn.  Tuy nhiên, thật đáng tiếc, "thế lực" của Nixon đã làm  Johnson trở nên "bất lực".

Sự can thiệp của Nixon vào các cuộc đàm phán hòa bình ở Paris được giữ bí mật khi người Mỹ tiến hành bỏ phiếu bầu tổng thống, nhiều người lầm tưởng Nixon có kế hoạch chấm dứt chiến tranh. Thay vào đó, khi trở thành Tổng thống, Nixon đã leo thang chiến tranh xâm lược, ném bom rải thảm miền Bắc Việt Nam.

Theo nhận xét của ông Richard Holdbrooke, một nhà ngoại giao Mỹ có tư tưởng hòa bình từng tham gia đàm phán Paris năm 1973: "Những gì mà cá nhân Nixon đã làm có lẽ đó là một sự vi phạm pháp luật. Họ (Nixon và chính quyền Sài Gòn), điên cuồng, trực tiếp và ngấm ngầm can thiệp vào một cuộc đàm phán ngoại giao có ý nghĩa rất trọng đại, chắc chắn là một trong những cuộc đàm phán quan trọng nhất trong lịch sử ngoại giao của nước Mỹ".

Khi Quốc hội Mỹ tuyên bố  Nixon nghe lén rất nhiều cuộc đàm thoại trong Phòng Bầu Dục, Tổng thống hiếu chiến kiên quyết từ chối. Tuy nhiên, cuối cùng Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết bật các cuốn băng tư liệu và "vận may quyền lực" của Nixon dần bị rút ngắn giống như tuyên bố từ chức của ông vào lúc 11 giờ 35 phút ngày 9/8/1974 chỉ ngắn ngủn một dòng như thể ông chủ Nhà Trắng đời thứ 37 đang vội vã chạy trốn khỏi sự phán quyết của lương tri và lịch sử: "Tôi (Nixon) xin từ chức Tổng thống Mỹ"

Phạm Anh Trúc
.
.