Mỹ - Đức: Lập phòng thí nghiệm chống khủng bố

Thứ Bảy, 18/04/2009, 18:30
Từ trước cho đến tận bây giờ, Mỹ luôn giữ tuyệt đối bí mật về sự nghiệp nghiên cứu phát triển các công nghệ chống khủng bố của mình. Một hiệp ước mới được ký kết giữa Mỹ và Đức sẽ tạo cơ hội cho các nhà khoa học Đức tiếp cận được những phòng thí nghiệm bí mật. Đó là sự hợp tác an ninh tích cực giữa Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Janet Napolitano và Bộ trưởng Nghiên cứu Đức Annette Schavan.

Hai nữ lãnh đạo cấp cao gặp nhau vào một sáng tháng 3/2009 tại một khách sạn 5 sao ở Berlin để thảo luận về một trong những vấn đề quan trọng nhất trong kỷ nguyên của khủng bố quốc tế: làm thế nào để bảo vệ hữu hiệu người dân và hạ tầng cơ sở trước những cuộc tấn công khủng bố?

Ngay sau đó, Napolitano và Schavan đã ký hiệp ước về hợp tác khoa học và công nghệ trong lĩnh vực an ninh dân sự - thỏa thuận đầu tiên giữa hai nước Đức và Mỹ của Chính phủ Obama. Bà Schavan nói: "Đây là đóng góp quan trọng cho sự thắt chặt hợp tác xuyên Đại Tây Dương với chính phủ mới của Mỹ". Còn bà Napolitano thì nói rằng: "An ninh nội địa không có nghĩa là đóng chặt cửa với những quốc gia khác, mà là sự hợp tác với các đồng minh".

Nên biết rằng sự kiện bà Napolitano và bà Schavan gặp nhau để bàn luận về vấn đề sử dụng công nghệ để chống khủng bố là điều đáng chú ý và khác thường: bởi vì trước đây người Mỹ luôn giữ tuyệt mật các công nghệ an ninh mới của họ. Chương trình nghiên cứu công nghệ mới chống khủng bố của Mỹ bắt đầu từ sau sự kiện 11/9/2001 và từ đó nó đã làm tiêu tốn rất nhiều tiền bạc. Các trường đại học, công ty và mạng lưới các phòng thí nghiệm bí mật của Mỹ trong những năm qua đã âm thầm tiến hành nghiên cứu các camera theo dõi cực nhạy, các thiết bị dò bom, phần mềm phân tích sinh trắc học và đủ loại vắcxin chống vũ khí sinh học cùng với nhiều công nghệ khác.

Janet Napolitano (trái) và Annette Schavan trong cuộc gặp tại một nhà hàng 5 sao ở Berlin.

Trước đây, không một chính phủ đồng minh phương Tây nào của Mỹ biết được nội dung của những chương trình nghiên cứu tuyệt mật này. Nhưng điều đó đang thay đổi với hiệp ước mới được ký giữa hai Bộ trưởng Napolitano và Schavan, ít nhất cũng là trong một số lĩnh vực có chọn lọc.

Phải thừa nhận là chương trình nghiên cứu phối hợp này khởi đầu với quy mô không lớn - so với hàng tỉ USD dành cho sáng kiến nghiên cứu của Mỹ: trong khoảng 10 triệu và 20 triệu euro sẽ được chi cho 4 dự án chính cho đến năm 2012.

Mặc dù công việc chuẩn bị cho sự thỏa thuận đã được bắt đầu dưới thời của Tổng thống George W. Bush, nhưng ngược với người tiền nhiệm của mình, cá nhân Tổng thống Obama ủng hộ sự khởi đầu mới trong chính sách về khoa học và cởi mở nhiều hơn với các đồng minh phương Tây.

Bộ trưởng Nghiên cứu Schavan của Đức quảng bá cho vấn đề an ninh dân sự và chương trình nghiên cứu quy mô lớn. Khoảng 123 triệu euro đã được cấp cho chương trình nghiên cứu trong khoảng năm 2007 và 2011, ví dụ như cho thiết bị dò "bom bẩn", phát triển các kế hoạch khẩn cấp cho các sự kiện lớn và nghiên cứu các công nghệ scan mới.

Các nhà khoa học Đức và Mỹ sẽ hợp tác giải quyết các vấn đề tương tự trong tương lai. Hiệp ước dài 31 trang bao gồm những vấn đề cơ bản trong hợp tác với 4 lĩnh vực chính:

- Nắm vững, ngăn ngừa và dò tìm những mối đe dọa an ninh dân sự.

- Khoa học pháp y.

- Bảo vệ cơ sở hạ tầng và các nguồn chính.

- Phản ứng với cuộc khủng hoảng, "khắc phục hậu quả" và kiểm soát thiệt hại trong trường hợp xảy ra những sự cố nghiêm trọng.

Theo hiệp ước, tầm quan trọng đặc biệt sẽ nằm ở "sự phát triển những giải pháp tăng cường an ninh của các cá nhân mà không giới hạn quyền tự do". Hoặc ngược lại điều này có nghĩa là những giải pháp được thực thi giới hạn các quyền tự do cũng có thể được phát triển, cho dù chúng không là trọng tâm của những nỗ lực nghiên cứu.

Bà Schavan mới đây cũng đã nhận thức được sự nhạy cảm của công chúng về vấn đề nghiên cứu an ninh: người dân đã phản ứng dữ dội đối với biện pháp scan "lột trần" thân thể của hành khách ở các sân bay. Ngoài ra, còn những biện pháp khác đe dọa xâm phạm quyền tự do cá nhân, như là sự sử dụng các phân tích sinh trắc học.

Hiệp ước Mỹ - Đức mới bao hàm những sự trao đổi về nhân lực và công nghệ cũng như phát triển các tiêu chuẩn và ưu tiên chung. Các nhà nghiên cứu Đức sẽ được phép bước vào những phòng thí nghiệm tuyệt mật của Mỹ đang nghiên cứu những công nghệ chống khủng bố tiên tiến nhất và ngược lại.

Trước đây người ta không thể hình dung có thể có sự "mở cửa" như thế!  Tuy nhiên, sự mở cửa này cũng có những giới hạn của nó: trang 23 của hiệp ước quy định hai bên có thể ngăn ngừa sự công bố những phát kiến nghiên cứu khoa học.

Trong cuộc gặp gỡ giữa hai lãnh đạo cấp cao, bà Schavan cũng đề nghị Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Napolitano xem xét vấn đề tế nhị khác: Kể từ năm 2012, Mỹ có quyền kiểm tra mỗi chuyến tàu hàng từ EU đến Mỹ để dò tìm bom bẩn và những yếu tố đe dọa khủng bố khác. Đại diện Chính phủ Đức, bà Schavan cho rằng biện pháp kiểm tra như thế có thể gây phương hại đến thương mại.

Bà Schavan tin rằng biện pháp kiểm tra này nên đặt trong một khuôn khổ mới của sự phối hợp nghiên cứu an ninh giữa hai quốc gia. Một đề xuất là nên căn cứ theo nguồn gốc xuất xứ cũng như hàng hóa chứa đựng để phân loại container và từ đó mà có biện pháp scan kiểm tra nhiều hay ít tùy trường hợp. Một hiệp ước tương tự đã diễn ra giữa Mỹ và Canada từ năm 2004 và các hiệp ước hợp tác cũng được Mỹ ký kết với Israel và Pháp năm 2008

Trần Thanh Phong (theo Spiegel)
.
.