Mỹ - Israel: Bàn luận về việc trả tự do cho điệp viên Jonathan Pollard

Thứ Ba, 22/04/2014, 07:10

Mỹ coi Jonathan Pollard là một trong những gián điệp gây thiệt hại nhất trong lịch sử gần đây và nhân vật gây tranh cãi này có lẽ sắp được trả tự do. Vấn đề tù nhân Pollard là nguyên nhân gây căng thẳng giữa Mỹ và Israel từ lâu cho nên quyết định thả người này được coi là yếu tố có thể khiến cho Israel chấp nhận vài sự nhượng bộ trong các cuộc đàm phán hòa bình với người Palestine. Jonathan Pollard bị cầm tù gần 30 năm sau khi bị buộc tội chuyển giao các bí mật tình báo và quân sự của Mỹ cho phía Israel.

Quyết định thả Pollard của Mỹ được mô tả là nỗ lực nhằm cứu vãn những cuộc đàm phán hòa bình đang gặp trở ngại giữa Israel và Palestine. Để đổi lấy việc Pollard được trả tự do, Israel cũng phải phóng thích 14 tù nhân người Palestine gốc Arập bị giam giữ suốt nhiều thập niên và có thể có cả Marwan Barghouti, chiến binh nổi tiếng của Palestine.

Ngoài ra, phía Israel cũng phải ngưng việc xây dựng nhà ở tại các khu định cư ở Bờ Tây mà phần lớn được thế giới coi là bất hợp pháp.

Jonathan Pollard - người bị Mỹ giam giữ từ năm 1987 với bản án tù chung thân - luôn khẳng định mình chỉ chuyển giao thông tin tình báo cho phía Israel với mục đích bảo vệ nước này trước các quốc gia thù địch ở Trung Đông.

Nhưng trong một cuộc phỏng vấn của báo chí, Thomas Brooks - Đô đốc hải quân về hưu và cựu Giám đốc Tình báo Hải quân Mỹ - nhận định hoạt động gián điệp của Pollard không liên quan gì đến những quốc gia Arập hay an ninh của Israel mà thật ra những thông tin tình báo mà người này thu thập đều dính líu đến Liên Xô. Pollard làm việc dưới quyền Brooks ở vị trí chuyên gia phân tích tình báo hải quân tại căn cứ Fort Meade bang Maryland, cũng là tổng hành dinh của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).

Trong số các bí mật có giá trị cao mà Pollard đánh cắp bao gồm nhiều chi tiết kỹ thuật về các vệ tinh do thám tinh vi của Mỹ; phân tích về các hệ thống tên lửa của Liên Xô; và thông tin về các hệ thống thiết bị nghe lén của NSA để giám sát những cuộc giao tiếp điện tử của các chính quyền nước ngoài trong đó bao gồm 10 bộ tài liệu tuyệt mật gọi là "The Bible" trong đó mô tả chi tiết về những phương pháp mà tình báo Mỹ sử dụng để đánh chặn tín hiệu giao tiếp điện tử của Liên Xô.

Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề trả tự do cho Pollard được nhắc lại giữa những cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông gặp trở ngại.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (giữa) trước khi rời khỏi Tel Aviv ngày 1/4.

Năm 1998, Thủ tướng Israel Netanyahu đã gây sức ép đến Tổng thống Mỹ Bill Clinton để thả Pollard nếu muốn Israel chấp nhận ký kết hiệp ước hòa bình tạm thời với người Palestine gọi là Hiệp ước Wye River  - nơi diễn ra cuộc gặp cấp cao ở bang Maryland - nhưng sau đó nỗ lực thất bại do vấp phải sự chống đối từ phía các quan chức tình báo cũng như Giám đốc CIA lúc đó là George Tenet đe dọa sẽ từ chức. Điều đó cho thấy sự tức giận của giới chức tình báo Mỹ đối với Jonathan Pollard, nhân vật mà sau nhiều thập niên họ vẫn coi là một trong những gián điệp gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử gần đây của Mỹ, như Edward Snowden hiện nay.

Nhưng, những người ủng hộ Pollard cho rằng người này phải được thả khỏi nhà tù Mỹ. Trong khi đó Pollard được tôn vinh là anh hùng quốc gia của Israel và gần như mỗi đời thủ tướng nước này đều kêu gọi Mỹ thả Pollard. Trong nhiệm kỳ Thủ tướng đầu tiên, Netanyahu đã chấp thuận cấp quyền công dân Israel cho Pollard (trước đó là công dân Mỹ) năm 1995, và vào năm 2002, Netanyahu cũng có cuộc viếng thăm Pollard trong nhà tù Mỹ.

Vào cuối thập niên 50, chủ tịch của 55 tổ chức Do Thái lớn ở Mỹ đề nghị Mỹ trả tự do cho Pollard.  Có nhiều cuộc biểu tình lớn nổ ra ở Israel lẫn Mỹ - trong đó nhiều cuộc biểu tình được tổ chức bởi vợ của Pollard - kêu gọi trả tự do cho Pollard với lý do ông chỉ chuyển giao thông tin cho đồng minh thân cận nhất của Mỹ là Israel cho nên buộc tội phản bội Mỹ là không công bằng. Khi còn làm việc tại căn cứ Fort Meade, đã có lần Pollard bị chuyển sang vị trí khác và không được sử dụng thông tin mật vì có một số dấu hiệu cho thấy "tâm thần không ổn định".

Jonathan Pollard trong cuộc phỏng vấn năm 1998, khi đang bị giam tại nhà tù Bắc Carolina.

Vài năm sau, vị trí công tác được phục hồi  không lâu sau ông bắt đầu làm gián điệp cho Israel. Brooks cho rằng lượng thông tin khổng lồ mà Pollard chuyển giao cho Israel lại rơi vào tay Liên Xô nên có lợi rất lớn cho nước này. Thậm chí, một số chuyên gia tuyên bố Israel đồng ý trao đổi thông tin tình báo mà Pollard đánh cắp được từ Mỹ cho phía Liên Xô để đổi lại nước này cho phép người Do Thái di cư sang Israel.

Theo ý Thomas Brooks, những thông tin mà Pollard giao nộp cho Israel đã bị điệp viên Xôviết đánh cắp! Brooks giải thích: "Lúc đó, điệp viên KGB của Xôviết đã xâm nhập nội bộ cơ quan tình báo Mossad của Israel. Do đó, sẽ rất phi lý nếu như người Nga không đánh cắp thông tin mật".

Trong phiên tòa xét xử vụ gián điệp Jonathan Pollard, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Caspar Weinberger (nhiệm kỳ 1981 - 1987) tuyên bố Pollard đã gây hư hại cho vài hệ thống tình báo mật của Mỹ. Weinberger cũng cho rằng có sự nghi ngờ - mặc dù không có bằng chứng - thông tin tình báo mà Pollard chuyển giao cho Israel về sau rơi vào tay Liên Xô.

Cuộc gặp mới đây giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Jerusalem.

Không lâu sau khi tòa án ra phán quyết tù chung thân đối với Jonathan Pollard, tờ Washington Times đưa tin chính quyền Mỹ đã xác định được Shabtai Kalmanovich là điệp viên KGB Xôviết làm nội gián ở Mossad đánh cắp thông tin tình báo tuyệt mật của Mỹ để trao cho người Nga. Brooks đánh giá thiệt hại mà Pollard gây ra cho các nỗ lực của tình báo Mỹ là "khủng khiếp" và "kéo dài". Theo tiết lộ của một sĩ quan tình báo Mỹ cao cấp giấu tên, nhiều tài liệu mà Pollard đánh cắp được đánh giá là tuyệt mật nhất của tình báo Mỹ.

Tờ New Yorker năm 1999 tiết lộ: "Dữ liệu mà Pollard giao nộp cho Israel bao gồm thông tin chi tiết về mọi cơ sở - trên không, trên mặt đất và trên biển - được các bộ phận quân sự của NSA sử dụng để đánh chặn tín hiệu điện tử những cuộc giao tiếp ngoại giao, thương mại và quân sự của Israel".

Tràn ngập những áp phích kêu gọi Tổng thống Obama thả Pollard.

Seymour Hersh cho rằng hoạt động gián điệp của Pollard đã dẫn đến sự suy giảm lượng lưu thông tín hiệu giao tiếp điện tử mà tình báo Mỹ giám sát tại các trạm nghe lén của NSA đặt tại Anh, Tel Aviv và Cyprus. Năm 1998, Brooks cùng với 3 đô đốc về hưu khác - những người từng giữ chức vụ giám đốc tình báo hải quân - cùng viết một lá thư gửi đến báo Washington Post bác bỏ yếu tố "hoang đường" cho rằng Pollard là người yêu nước của Israel muốn giúp đỡ nước này tự bảo vệ trước một cuộc tấn công bất ngờ nào đó từ các quốc gia thù địch.

Các đô đốc hải quân về hưu tuyên bố: "Pollard là người có tội và không hề được xét xử công khai. Do đó, người dân Mỹ không bao giờ biết được Pollard đã chuyển giao thông tin tình báo mật cho 3 quốc gia khác nhau trước khi hợp tác với Israel và thậm chí Pollard còn cung cấp thông tin cho quốc gia thứ 4 trong khi đang làm gián điệp cho Israel". Mặc dù họ không nêu tên các quốc gia này, nhưng người ta cho rằng Pollard cung cấp thông tin mật cho Nam Phi, Argentina, Đài Loan cũng như Pakistan và Iran.

Cuốn sách "Một vụ án oan: Câu chuyện của Jonathan Pollard" -  tác giả Mark Shaw xuất bản năm 1999.

Trước tòa án, Pollard không phủ nhận việc nhận tiền để làm gián điệp - theo các công tố viên số tiền đó vào khoảng hơn nửa triệu USD - và nói rằng đó chỉ là tiền thưởng công làm gián điệp và ông có ý định trả lại một khoản trong số tiền này. Mới đây, những người ủng hộ Pollard cho biết ông đang được chữa trị bệnh thận và tình trạng sức khỏe rất xấu.

Theo các nhà phân tích, quyết định trả tự do cho Pollard có lẽ không ảnh hưởng gì nhiều đến sự nghiệp chính trị của Tổng thống Barack Obama bởi vì hiện nay nhiều nhân vật chủ chốt của phe Cộng hòa - bao gồm Thượng nghị sĩ John McCain và 2 cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger và Georhe Schultz - ủng hộ điều này.

Jonathan Pollard và vợ Esther, người tổ chức nhiều cuộc biểu tình đòi trả tự do cho chồng.

Jonathan Jay Pollard sinh năm 1954 ở thị trấn Galveston bang Texas, Mỹ trong một gia đình người Do Thái. Pollard lần đầu tiên đến Israel năm 1970 trong chương trình hợp tác khoa học với Viện Khoa học Weizmann của nước này. Pollard tốt nghiệp Khoa Chính trị Đại học Stanford năm 1976 và năm 1979 bắt đầu làm việc cho CIA và sau đó là hải quân Mỹ. Tháng 6/1984, Pollard bắt đầu chuyển giao tài liệu mật của Mỹ cho một người tên là Aviem Sella, cựu binh Không quân Israel (IAF) và nhận được 10.000 USD. Hoạt động gián điệp của Pollard bị phát hiện năm 1985 và sau  đó bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ.

Theo tờ Haaretz của Israel, nếu Pollard được thả ra vào năm 2015, Pollard sẽ được đặc vụ FBI dẫn giải đến Đại sứ quán Israel ở Washington DC. Câu chuyện gián điệp của Jonathan Pollard được Pháp xây dựng thành bộ phim tựa đề "Les Patriotes" (Những người yêu nước) do Eric Rochant đạo diễn với diễn viên Mỹ Richard Masur đóng vai Pollard

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.