Mỹ - Trung Quốc: Cuộc chiến hacker

Thứ Ba, 21/05/2013, 21:30

Trung Quốc hôm 8/5 vừa qua lên tiếng bác bỏ báo cáo của Bộ Quốc phòng MỸ cho rằng, Bắc Kinh tham gia hoạt động gián điệp mạng của chính phủ Mỹ, và coi đây là việc kích động nỗi sợ hãi của quốc tế đối với Trung Quốc.

Lời cáo buộc của Washington và sự đáp trả

Bản báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc được đưa ra trong bối cảnh Washington ngày càng lo ngại bởi chi phí quân sự của Bắc Kinh vẫn tăng cao ở mức hai con số và Mỹ hứng chịu ngày càng nhiều các cuộc tấn công mạng mà Lầu Năm Góc cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ được trình bày trước Quốc hội hàng năm, là văn bản cao nhất cho đến nay chính thức nói đến việc Mỹ tin rằng, các gián điệp mạng của Trung Quốc đang nhắm vào chính phủ và các công ty của Mỹ.

"Có những hành động từ Trung Quốc nhằm hỗ trợ tình báo thu thập các thông tin chống lại nền ngoại giao, kinh tế, và nền công nghiệp quốc phòng của Mỹ" - báo cáo viết.

Trung Quốc, như thường lệ, một mặt liên tục bác bỏ những cáo buộc về các vụ tấn công trên mạng, một số chỉ trích báo cáo của Mỹ "là những lời bình luận vô trách nhiệm về việc xây dựng nền quốc phòng hết sức bình thường và hợp pháp của Trung Quốc, đồng thời thổi phồng ý tưởng về mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ.

"Hành động này không có lợi cho sự tin cậy và hợp tác. Chúng tôi bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ với báo cáo này và đã có những phản ứng với phía Mỹ". Trung Quốc cam kết một con đường phát triển hòa bình và theo đuổi chính sách quốc phòng phòng thủ. Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ hình thức tấn công tin tặc nào" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói.

Chưa đầy 6 tháng trước đây, Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách Robert D.Hormats  Mỹ, đã có một cuộc phỏng vấn dành riêng cho truyền thông mà trong đó, ông đã nói rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của mối quan hệ Mỹ - Trung là xác định các điểm khác biệt trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tìm các giải pháp thông thường trong 6 tháng tiếp theo.

Mới đây, Nhà Trắng đã thông báo một bài viết chiến lược phác thảo về việc bảo vệ các bí mật thương mại của các công ty Mỹ. "Các xu hướng mới đây cho thấy rằng, mật độ các hoạt động gián điệp kinh tế và đánh cắp bí mật thương mại nhằm chống lại các tập đoàn Mỹ ngày càng tăng" - bản báo cáo đã ghi, nhấn mạnh "hành vi xâm phạm trên mạng" đang nhắm tới các bí mật thương mại đặc biệt đã đặt ra một mối đe dọa đến các vụ kinh doanh của người Mỹ.

Mặc dù Nhà Trắng đã phủ định bản thông báo chiến lược này là nhằm vào Trung Quốc, nhưng nội dung và thời gian phát hành đã cho thấy điều ngược lại. Trong 141 trang của bản thông báo, Trung Quốc được nhắc đến ở 31 trang, đôi khi là 14 lần trong một trang giấy. Một phụ lục từ Bộ Tư pháp đã mô tả 20 hoạt động gián điệp kinh tế và các trường hợp liên quan đến tội phạm về bí mật thương mại giữa tháng 1/2009 và tháng 1/2013, 17 trường hợp trong số đó liên quan tới Trung Quốc.

Về mặt thời gian, một tuần trước khi bản báo cáo được đưa ra, Tổng thống Obama ban hành một chỉ thị thi hành việc "cải thiện tính bảo mật cơ sở hạ tầng quan trọng". Trước ngày đó, hãng an ninh mạng Mandiant Corp ở Mỹ đã xuất bản một bản báo cáo 74 trang ghi lại các cuộc tấn công mạng vào các công ty Mỹ của Trung Quốc. Gần đây, một số bài báo chính thống gồm cả New York Times và Washington Post đã tuyên bố bị tấn công bởi các tin tặc người Trung Quốc.

Không có lửa, sao có khói?

Bản báo cáo chiến lược của Nhà Trắng đã đề nghị củng cố luật pháp bằng cách gia tăng quy định phạt tù tối đa cho hoạt động gián điệp kinh tế từ 15 năm tới 20 năm. Bản báo cáo cũng đề nghị gia tăng các hướng dẫn về việc phán quyết đối với hành vi ăn trộm các bí mật thương mại, bao gồm "chuyển nhượng các bí mật thương mại hoặc nỗ lực chuyển nhượng cho nước ngoài".

Bài báo cho biết sẽ tìm kiếm, thông qua các cuộc đàm phán thương mại chẳng hạn như các cuộc sắp xếp qua Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các quy định mới về bảo vệ bí mật thương mại. Trung Quốc và Mỹ đã đấu tranh với nhau trong hoạt động gián điệp công nghiệp và sở hữu trí tuệ trong suốt một thời gian dài tới tận bây giờ. Vậy tại sao đến bây giờ Mỹ mới đưa ra những nước đi táo bạo này?

Cuộc chiến gián điệp giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang.

Tao Jingzhou, quản lý đối tác tại châu Á của Công ty Luật Dechert ở Mỹ đã nói với báo giới: "Khả năng hàng đầu về công nghệ của Mỹ đảm bảo vị trí dẫn dắt thế giới của nước này. Các công ty Mỹ là động lực đằng sau cho sự đổi mới công nghệ. Việc bảo vệ các bí mật công nghiệp và công nghệ chính là bảo vệ lợi ích cơ bản nhất của nước Mỹ".

Có một số điểm tương đồng đáng chú ý trong 17 trường hợp lộ bí mật thương mại và hoạt động gián điệp kinh tế mà Bộ Tư pháp vạch trần đều liên quan tới Trung Quốc. Các thủ phạm chính là các công dân Trung Quốc hay các kỹ sư và nhà nghiên cứu gốc Hoa, những người này có bằng cấp tiến sĩ hoặc giáo sư của các trường đại học danh tiếng ở Mỹ. Họ gia nhập các công ty lớn của nước này và cố gắng để có được các vị trí cao trong công ty. Sau đó, họ lợi dụng vị thế đó để đánh cắp các bí mật thương mại bao gồm các bản vẽ, thiết kế, mã nguồn phần mềm và các công thức hóa học để sử dụng hoặc bán cho đối tác.

Một người đã dành thời gian làm việc lâu nhất ở một công ty Mỹ là Dongfan Chung, một cựu kỹ sư của Hãng Boeing. Ông ta đã bị kết án về tội làm gián điệp kinh tế và đóng vai trò như một nhân viên đặc vụ phi pháp của  Trung Hoa, đánh cắp các bí mật thương mại và công nghệ bao gồm các thông tin liên quan tới chương trình Tàu con thoi không gian và tên lửa Delta IV từ năm 1979 đến 2006. Năm 2010, ở tuổi 74, Dongfan Chung đã bị tuyên án 188 tháng tù.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, các lĩnh vực bị ảnh hưởng cao của hoạt động gián điệp là ngành chế tạo xe hơi, công nghiệp hóa chất, điện và cả lĩnh vực công nghệ thông tin. Các doanh nghiệp trở thành mục tiêu của hoạt động gián điệp bao gồm: Ford Motor, General Motors, DuPont, Walspar, Motorola và CME Group... Đại diện Văn phòng Thương mại Mỹ, ông Ron Kirk đã công khai tuyên bố rằng, vấn đề của việc đánh cắp bí mật thương mại tại Trung Quốc là nguyên nhân khiến một số công ty Mỹ phải chuyển các hợp đồng quay lại Mỹ.

Một đất nước chuyên sao chép?

Ở một mức độ vĩ mô, ông Robert D.Hormats nói, việc Trung Quốc gia nhập WTO là tin tốt cho cả Trung Quốc và thế giới, nhưng Trung Quốc chỉ nhấn mạnh các nước khác phải tuân thủ luật WTO, làm như vậy cũng là để thỏa mãn mong muốn của Bắc Kinh. Nhưng ông nói, một trong những cái khó của vấn đề là việc Trung Quốc o ép các luật của nền kinh tế toàn cầu. "Nếu những dự tính của Trung Quốc bị cho là chống lại các chi nhánh nước ngoài tại Trung Quốc thì điều này sẽ gây ra một tác động tiêu cực cho Trung Quốc và hệ thống thương mại mở của nó".

Douglas H. Paal nói rằng, Mỹ đã luôn luôn gặp phải các vấn đề về sở hữu trí tuệ với các quốc gia mới nổi. Nhìn chung, khi các quốc gia mới nổi phát triển, thì các bằng sở hữu trí tuệ của họ cần được bảo vệ và việc đánh cắp trí tuệ giảm xuống, giống như các trường hợp của Nhật Bản và Hàn Quốc. "Tuy nhiên, có một vấn đề lớn hơn trong trường hợp của Trung Quốc. Đó là một con đường dài để đi đến việc ủng hộ và bảo vệ sở hữu trí tuệ, cũng như việc đấu tranh chống sự vi phạm", ông Douglas H. Paal nói.

Tao Jingzhou tin tưởng, Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ phải thực thi các lệnh trừng phạt việc đánh cắp các bí mật thương mại và có thể liên kết với hầu hết các chính quyền địa phương trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ. "Các va chạm Trung - Mỹ trong việc ăn cắp sở hữu trí tuệ mới chỉ bắt đầu mở ra. Trung Quốc sẽ bị thúc ép phải trở thành một quốc gia thật sự sáng tạo thay vì là một quốc gia chuyên đi sao chép"

Nguyễn Hùng - Sơn Hải (theo Xinhua, WC)
.
.