Mỹ: Bất đồng về luật giám sát tình báo

Thứ Bảy, 10/07/2010, 11:40
Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Nancy Pelosi và Tổng thống Barack Obama rất ít khi có sự đối đầu chính trị, nhưng nay vị Chủ tịch Hạ viện này đang trong một cuộc tranh chấp gay go với tổng thống, cũng như với Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) và các nhà lập pháp nặng ký khác, ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, về quyền hạn giám sát của Quốc hội đối với các cơ quan tình báo Mỹ.

Bất chấp lời đe dọa phủ quyết từ Tổng thống Obama và bác bỏ thỏa thuận giữa Nhà Trắng cùng với phía đảng Cộng hòa và hai Chủ tịch ủy ban thuộc đảng Dân chủ, bà Pelosi hiện đang thúc đẩy việc mở rộng quyền hạn giám sát của Quốc hội đối với CIA và các cơ quan an ninh khác của Mỹ.

Đầu mối của sự tranh chấp là quyền hạn theo dõi các chương trình được coi là tối mật và được phía hành pháp giữ kín. Và tranh chấp này nay trở thành cuộc đối đầu lớn nhất liên quan đến quyền hạn của ngành hành pháp giữa nữ Chủ tịch Hạ viện có khuynh hướng cấp tiến và Nhà Trắng.

Bà Pelosi muốn CIA và các cơ quan tình báo khác trong nước phải thông báo cho tất cả các thành viên Ủy ban tình báo ở cả Thượng và Hạ viện khi họ khởi sự các công tác bí mật hay các chương trình dễ gây tranh cãi, mà không chỉ giới hạn việc thông báo này đến chủ tịch ủy ban hay giới chức cao cấp đảng đối lập và lãnh đạo của đảng, được gọi là "Nhóm tám người" theo sự quy định của luật lệ hiện hành.

Bà Pelosi cũng muốn các ủy ban tình báo Quốc hội có quyền giao cho Văn phòng Thanh tra chính phủ (GAO) nhiệm vụ thanh tra bất cứ chương trình tình báo nào. Hiện nay, GAO có quyền thanh tra các chương trình mật của Bộ Quốc phòng nhưng không được đụng đến các cơ quan tình báo. "Chủ tịch Hạ viện nói rõ rằng bà muốn tất cả các thành viên được thông báo chứ không chỉ có thành viên cao cấp trong ủy ban" - tùy viên báo chí của bà Pelosi, Brendan Daly, cho biết.

Cuộc đối đầu này là một sự hiếm thấy vì bà Pelosi ít khi chống lại đe dọa phủ quyết của Tổng thống Obama. Hơn nữa, bà lại chọn một năm bầu cử để có sự đụng độ về lĩnh vực an ninh quốc gia, một lĩnh vực mà phía đảng Dân chủ ngày càng gặp nhiều chỉ trích kể từ khi ông Obama lên nắm quyền. Bà cũng làm cho nhiều người ngạc nhiên khi có quyết định chống tới cùng sau khi có những cuộc thảo luận nhiều tháng qua giữa các đồng minh trong đảng Dân chủ của bà và phía đảng Dân chủ cũng như Nhà Trắng hầu có được một thỏa hiệp.

Trong 16 cơ quan thuộc cộng đồng tình báo Mỹ, CIA không hẳn là tổ chức tình báo có quy mô lớn nhất, nhưng có lẽ là cái tên được thế giới biết đến và quan tâm nhiều nhất. Chức năng chính của CIA là thu thập và phân tích thông tin về chính phủ các nước, các tập đoàn kinh tế, các tổ chức hay về bất cứ ai để cung cấp cho Chính phủ Mỹ những thông tin quan trọng và cần thiết phục vụ việc hoạch định chính sách, đề ra các biện pháp ứng phó thích hợp.

Chức năng thứ hai là tuyên truyền, phổ biến những thông tin ngầm hoặc công khai và gây ảnh hưởng đến các tổ chức và cá nhân nhằm thu hút sự ủng hộ cho chính quyền Mỹ. Chức năng thứ ba của tổ chức này là thực hiện các hoạt động ngầm dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng thống Mỹ. Chức năng này của CIA đã gây nên rất nhiều tranh cãi và làm dấy lên các câu hỏi về tính hợp pháp, giá trị đạo đức và hiệu quả của những hoạt động đó.

Sau CIA là mạng lưới tình báo của Bộ Quốc phòng với 8 cơ quan chính. Hải - Lục - Không quân và Thủy quân lục chiến đều có cơ quan tình báo riêng của mình. Bên cạnh đó là các cơ quan tuần tiễu, do thám, phản gián, phân tích thông tin khác nằm dưới sự quản lý của Lầu Năm Góc. Ở Mỹ, Bộ Năng lượng đóng một vai trò rất lớn trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Ngoài nhiệm vụ quản lý việc cung cấp năng lượng cho đất nước - vốn có vai trò quan trọng như ở bất kỳ quốc gia nào khác, bộ này còn phụ trách hệ thống vũ khí hạt nhân. Chính vì mối liên hệ mật thiết với an ninh, quốc phòng mà Bộ Năng lượng có Văn phòng Phản gián và Tình báo với quy mô, phạm vi hoạt động rất lớn.

Sau sự kiện khủng bố 11/9/2001, Bộ An ninh nội địa ra đời với nhiệm vụ chính là bảo an trong nước. Như một hệ quả, hai cơ quan tình báo trực thuộc là Văn phòng Tình báo và Phân tích cùng với Cục Điều tra tuần duyên đã ra đời, phụ trách mảng phân tích thông tin, đánh giá nguy cơ khủng bố, phát hiện mối đe dọa vũ khí sinh học, các xu hướng cực đoan trong nước, phân tích thông tin phục vụ cho điều tra liên quan đến vấn đề biên phòng, bảo vệ bờ biển.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi trong cuộc họp báo ở Washington hôm 24/6.

Bộ Tư pháp là nơi có hai cơ quan điều tra, tình báo nổi tiếng, đó là Cục Điều tra liên bang (FBI) và Cơ quan Chống ma túy (DEA). Đây là hai lực lượng đặc biệt tinh nhuệ trong các chiến dịch chống băng nhóm tội phạm ma túy và khủng bố cũng như trong nhiệm vụ phản gián. Vì Mỹ không có cảnh sát liên bang (chỉ có cảnh sát tiểu bang), FBI và DEA có vai trò giống như một lực lượng cảnh sát liên bang.

Bộ Ngoại giao không hẳn chỉ phụ trách các vấn đề ngoại giao. Bộ này còn có Cục Tình báo và nghiên cứu chuyên trách về phân tích, đánh giá các chính sách của nước ngoài. Còn một bộ có vẻ hiền lành như Bộ Tài chính cũng có Văn phòng Chống khủng bố và Tình báo tài chính. Thực ra bộ này chính là nơi đã khai sinh ra lực lượng mật vụ chuyên trách bảo vệ tổng thống và các yếu nhân khác (sau này thuộc Bộ An ninh nội địa). Giai đoạn 1929 - 1931, chính từ bộ này, thanh tra Eliot Ness đã tổ chức một chiến dịch tiễu trừ mạng lưới tội phạm của ông trùm Al Capone khét tiếng vùng Chicago.

Đó là những cơ quan tình báo chính, còn trên thực tế thì có vô số văn phòng có chức năng tình báo khác nữa. Nhưng việc một mạng lưới tình báo dày đặc như thế lại có những thất bại đáng kể trong thời gian qua là điều khó chấp nhận được. Và mới đây, Giám đốc Tình báo quốc gia Dennis C.Blair đã phải tuyên bố từ chức.

Khi lên làm tổng thống vào đầu năm 2009, ông Barack Obama đã bày tỏ quyết tâm thực hiện một loạt biện pháp cải tổ trong chiến lược quân sự, an ninh, mà việc chuyển quân từ Iraq sang Afghanistan cũng như việc cắt bớt các chương trình quốc phòng tốn kém là những nét đổi mới dễ thấy nhất. Đối với hệ thống tình báo, ông Obama cũng muốn làm cho sạch những vấn đề của quá khứ, như việc bắt cóc và giam giữ nghi phạm bí mật ở nhà tù nước ngoài, sử dụng các biện pháp thẩm vấn đặc biệt vốn không khác gì tra tấn được thực thi dưới thời Tổng thống George W.Bush.

Trong xu hướng đó, ông đã bổ nhiệm cựu quân nhân Dennis Blair lên giữ chức Giám đốc Tình báo quốc gia và ông Leon Panetta lên đứng đầu CIA. Điều đáng nói là trong khi nhiều người hoan nghênh các biện pháp làm trong sạch tình báo Mỹ thì một số khác lại cho rằng bằng việc đoạn tuyệt với thẩm vấn đặc biệt, ông Obama đã vô hình trung tước đi một công cụ hữu hiệu để truy vấn các nghi can khủng bố. Cuộc tranh cãi này lúc bùng lên, lúc lặng xuống, nhưng chưa bao giờ dứt trong cộng đồng tình báo

Đan Kô (tổng hợp)
.
.