Mỹ: Chiến dịch “điệp viên hóa” cư dân Alaska
Do lo sợ Liên Xô tấn công chiếm đóng Alaska, chính quyền Mỹ vào đầu những năm Chiến tranh lạnh đã thiết lập chương trình bí mật tuyển mộ và huấn luyện dân địa phương bang Alaska thành mạng lưới điệp viên phục vụ công tác thu thập thông tin thời chiến cho quân đội - theo các tài liệu giải mật của Không quân và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI).
Năm 1950, chính quyền Mỹ tin rằng khả năng Liên Xô tấn công chiếm đóng Alaska là có thật.
Một tài liệu của FBI tiết lộ: "Quân đội Mỹ tin rằng cuộc tấn công của Liên Xô trên không bao gồm dội bom và thả quân nhảy dù". Mục tiêu tấn công là các thành phố Nome, Fairbanks, Anchorage và bán đảo Seward của bang Alaska.
Giám đốc FBI lúc đó J. Edgar Hoover cho thành lập một dự án tuyệt mật - tên mã là "Washtub" - do chính Hoover và cựu quan chức FBI Joseph F. Carrol lãnh đạo, hành động cùng với tổ chức cũng mới ra đời là Cơ quan Điều tra đặc biệt thuộc Không quân Mỹ (AFOSI, hay OSI). Kế hoạch bí mật là tổ chức mạng lưới điệp viên-công dân - được trang bị những túi thực phẩm, áo ấm, thiết bị mã hóa thông điệp và radio để thu thập thông tin tình báo và phương cách tồn tại một khi Liên Xô tấn công - tại những vùng đất chủ chốt ở Alaska.
Hãng thông tấn Associated Press (AP) có trong tay nội dung Dự án "Washtub" đã kiểm duyệt thông qua Luật Tự do thông tin (FOIA). Nhưng trên thực tế chẳng có cuộc tấn công nào nhằm vào Alaska từ Liên Xô cả! Do đó, đội ngũ "điệp viên tuyến sau" (SBA) không bao giờ có cơ hội để hoạt động tại những vùng xa xôi hẻo lánh ở vùng lãnh thổ Alaska của Mỹ.
Tuy nhiên, "Washtub" không hẳn thất bại hoàn toàn. Dự án hoạt động trong khoảng thời gian từ năm 1951 đến 1959 - theo Deborah Kidwell, nhà sử học của OSI.
Giám đốc FBI J. Edgar Hoover, ngày 26/3/1947. |
Theo tiết lộ của bà Kidwell trên tạp chí OSI năm 2013, "trong khi cuộc chiến với Liên Xô không xảy ra ở Alaska, OSI đã huấn luyện 89 SBA và những túi thực phẩm được chuẩn bị cho những mục đích thời bình trong nhiều năm". Thực chất, "Washtub" phản ánh mối lo ngại rất hiện thực về khả năng tấn công từ Liên Xô và sự yếu kém của Mỹ sau Thế chiến II. Khi "Washtub" hình thành vào năm 1950, chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên nổ ra và một số quan chức Lầu Năm Góc nhận định đây là kế sách của Moskva nhằm làm rối trí Washington.
Năm 1949, có 3 sự kiện nổi bật xảy ra - Liên Xô gây ngạc nhiên cho thế giới khi cho nổ quả bom nguyên tử đầu tiên của mình; Mỹ tiến hành thành lập khối liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cuối cùng là sự ra đời của Nhà nước CHND Trung Hoa dưới dự lãnh đạo của Chủ tịch Mao Trạch Đông gây thêm mối lo ngại cho nước Mỹ.
Trong chính quyền Mỹ, "Washtub" - được đánh giá là một trong nhiều dự án căng thẳng nhất thời Chiến tranh lạnh - mang nhiều tên mã khác nhau bao gồm: Corpuscle, Stigmatic và Catboat, trong khi FBI gọi là STAGE. "Washtub" có 2 giai đoạn. Thứ nhất cũng như khẩn cấp nhất là chương trình huấn luyện đội ngũ SBA. Thứ hai là, nỗ lực song song tạo ra một nhóm điệp viên dự phòng ở Alaska có nhiệm vụ sơ tán nhanh lực lượng không quân có nguy cơ bị Liên Xô bắt giữ - kế hoạch được sự hợp tác của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Nằm trong danh sách SBA là phi công Dyton Abb Gilliland ở Cooper Landing - cộng đồng trên bán đảo Kenai thuộc thành phố Anchorage lớn nhất Alaska. Gilliland tử nạn trong vụ máy bay rơi trên đảo Montague vào tháng 5/1955, lúc 45 tuổi.
Theo tài liệu FBI, Gilliland trải qua 12 ngày huấn luyện đặc biệt tại Washington DC. Các SBA cũng được huấn luyện lập mã và giải mã các thông điệp. Nhiều chi tiết cũng như danh tính điệp viên trong danh sách OSI và tài liệu FBI bị xóa trước khi được giải mật. Những người được OSI tuyển mộ phải thể hiện lòng yêu nước, được trả trước 3.000 USD/năm (gần 30.000 USD hiện nay) và số tiền sẽ được tăng gấp đôi khi Liên Xô tấn công Alaska.
Các tài liệu không cho biết tổng cộng số tiền chi trả cho điệp viên SBA là bao nhiêu trong suốt thời gian diễn ra chương trình "Washtub". Ít nhất có 3 đối tượng SBA nằm trong danh sách giám sát bí mật của FBI, do có dấu hiệu nghi ngờ không trung thành. Bán đảo Seward là một trong những khu vực ưu tiên hàng đầu với sự bố trí dày đặc lực lượng SBA. Bán đảo được đặt tên theo Ngoại trưởng Mỹ Wilian H. Seward, người đàm phán chính yếu trong việc mua vùng lãnh thổ Alaska năm 1867 từ Nga hoàng với giá 7,2 triệu USD và sau đó trở thành bang thứ 49 của Mỹ vào năm 1959.
Trong dự án "Washtub", FBI đặt quan hệ hợp tác với nhiều quan chức khác bao gồm các thẩm phán liên bang, lãnh đạo Cục Ngư nghiệp và Đời sống hoang dã Mỹ (USFWS) ở Anchorage, một bác sĩ ở Anchorage cùng với nhiều người khác.
Dự án "Washtub" được soạn thảo một cách cẩn thận đến từng chi tiết, song ngay khi đội SBA được huấn luyện đầu tiên nhận nhiệm vụ vào tháng 9/1951 thì ông chủ FBI J. Edgar Hoover rút lui và trao toàn quyền hành động vào tay OSI - mặc dù một tháng trước đó các phó tướng của Hoover cảnh báo ông rằng FBI đã dấn sâu vào "Washtub" với trách nhiệm "rõ ràng và không thể thoát ra được"! Thật ra, Hoover lo sợ khi tiếng súng bắt đầu nổ ở Alaska thì FBI sẽ phải "lãnh trọn trách nhiệm".
Ngày 6/9/1951, Hoover viết cho một trợ lý của mình: "Nếu khủng hoảng nổ ra, chúng ta sẽ rơi vào mớ bòng bong của một "Trân Châu cảng" khác và gánh lấy trách nhiệm". Hoover viết thêm: "Rút lui ngay lập tức". Ba năm sau, Hoover quay lại với "Washtub". Tháng 10/1954, một bức thư đánh máy mang thông điệp mã hóa được một phụ nữ ở Anchorage gửi đến Văn phòng FBI.
Bức thư được cho là của một người nặc danh ở Fairbanks ghi sai địa chỉ nhưng nó cũng đủ gây náo loạn FBI vì nghi ngờ có liên quan đến hành động gián điệp. Vụ việc buộc Hoover ra lệnh khẩn cấp cho đội phá mật mã cố gắng giải mã thông điệp. Thế nhưng FBI không giải mã được và cuối cùng cuộc khủng hoảng Alaska cũng chấm dứt.
Về phần mình, FBI kết luận thông điệp bí ẩn không xuất phát từ một điệp viên đối phương mà chỉ là "thông điệp thực tập" do một điệp viên của dự án "Washtub" gửi nhầm!