Mỹ: Chương trình thử nghiệm phóng xạ trên người thời Chiến tranh lạnh

Thứ Ba, 08/01/2013, 19:40

Ngày 21/11/1994, Ủy ban Cố vấn về những thí nghiệm phóng xạ trên người (ACHRE) tổ chức một cuộc họp tại Khách sạn Westcoast Ridpath ở thành phố Spokane, bang Washington, để lắng nghe các nhân chứng trình bày về những cuộc thí nghiệm phóng xạ do chính quyền Mỹ tiến hành trên con người trong suốt thời Chiến tranh lạnh - từ thập niên 40 cho đến thập niên 70.

Cuộc họp chỉ là một phần trong chương trình nghiên cứu phân tích kéo dài được thực hiện bởi ACHRE - ủy ban do Tổng thống Bill Clinton thành lập vào năm 1994 nhằm mục đích điều tra các thí nghiệm chết người nói trên do chính quyền liên bang tài trợ.

Cuộc điều tra của ACHRE cung cấp một bức tranh toàn cảnh về những hoạt động vô đạo đức của quân đội và chính quyền Mỹ trong quá khứ được công bố thông qua các phân tích sâu sắc và cẩn thận của một nhóm nhà khoa học và chuyên gia có uy tín. Năm 2009, Tổng thống Barack Obama cho thành lập Sáng kiến Chính quyền công khai (OGI) song cho đến nay vẫn chưa công bố nhiều thông tin mật như ACHRE đã làm.

Các nhân chứng của ACHRE

Một trong số các nhân chứng có mặt trong cuộc họp tháng 11/1994 của ACHRE là Al Conklin - lãnh đạo các vấn đề phóng xạ của Cơ quan Y tế bang Washington (WSHD). Al Conklin cho biết, trong chương trình thí nghiệm gọi là "Nghiên cứu Walla Walla" diễn ra từ năm 1963 đến 1970, các tù nhân không hề được thông tin về những gì đang xảy ra với họ và cũng không trải qua thủ tục chấp nhận tham gia vào tiến trình thí nghiệm.

Cuộc nghiên cứu vô đạo đức - dưới sự điều hành của bác sĩ Alvin Paulsen - thực hiện việc chiếu tia X thẳng vào tinh hoàn của 64 tù nhân đang bị giam tại nhà tù bang Washington ở Walla Walla để quan sát xem với một liều lượng phóng xạ đặc biệt thì có khiến cho họ rơi vào tình trạng vô sinh hay không. Cựu tù nhân tên là Harold Bibeau cũng mô tả chuỗi thí nghiệm cho ACHRE biết, bao gồm thí nghiệm gây đau dữ dội cho một số đối tượng.

Một nhân chứng khác là Jim Thomas báo cáo với ACHRE về cuộc thí nghiệm gây nhiễm phóng xạ cho người gọi là “Green Run” vào tháng 12/1949 tại nhà máy sản xuất plutonium ở Hanford. Trong suốt thời gian diễn ra "Green Run", chính quyền Mỹ cho gia giảm thời gian làm lạnh plutonium từ 100 ngày xuống còn 16 ngày đồng thời tháo dỡ các thiết bị lọc iodine khiến cho lượng phóng xạ thoát ra ngoài nhà máy nhiều hơn bình thường. Mục đích của "Green Run" là kiểm tra xem tình báo không quân Mỹ (USAF) có dò thấy các đồng vị phóng xạ trong không khí hay không.

Khu vực nhà máy hạt nhân ở Handford.

Những người sống dưới hướng gió của nhà máy hạt nhân ở Handford báo cho ACHRE biết họ mắc phải nhiều bệnh tật trong suốt nhiều năm do phóng xạ tuôn ra từ nhá máy sản xuất plutonium gần đó. Nhân chứng Gertie Hanson cung cấp bằng chứng về những trường hợp ung thư tuyến giáp, sẩy thai và những dạng ung thư khác xảy ra ở cộng đồng cư dân nằm dưới hướng gió ở Handford.

Ví dụ, trường hợp một phụ nữ sinh con gái không có đôi mắt! Rex Harter, chủ trang trại gia súc ở Handford, cho biết một con bò trong đàn gia súc của ông bị dị dạng do nhiễm phóng xạ. Nhân chứng Jim Thomas cho ACHRE biết, vụ cố tình rò rỉ phóng xạ ở Handford năm 1949 không phải là vụ đầu tiên. Theo Jim Thomas, chất đồng vị 131 tiếp tục thoát ra khỏi nhà máy ở Handford vào tháng 9/1963 cố tình gây nhiễm phóng xạ cho cộng đồng dân cư, và sau đó một nhóm chuyên gia của nhà máy công khai theo dõi tình trạng sức khỏe hai gia đình chăn nuôi gia súc sống dưới hướng gió.

Thậm chí hành động "theo dõi" diễn ra hết sức căng thẳng, với sự xuất hiện của các nhà nghiên cứu tại trường học địa phương và khám sức khỏe các học sinh để quan sát nhằm phát hiện những trường hợp ung thư tuyến giáp. Jim Thomas cho biết, những người mặc blouse trắng thường xuyên xuất hiện tại các lớp học và họ còn vẽ chi tiết cổ họng của các học sinh.

Thí nghiệm bệnh nhân nhiễm phóng xạ ở Handford.

Ngoài các nhân chứng từ Handford, nhóm nhà khoa học ACHRE còn lắng nghe các nhân chứng ở những nơi khác, như Bev Aleck đã mô tả những cuộc thí nghiệm phóng xạ dưới lòng đất và dưới biển ở đảo Amchitka thuộc bang Alaska rộng nhất của Mỹ. Theo lời kể của Bev Aleck, hàng chục công nhân tham gia công việc đào và lấp những đường hầm thí nghiệm cuối cùng đã chết do mắc phải nhiều loại ung thư, và các tài liệu ghi chép về những trường hợp này hiện vẫn được chính quyền Mỹ giữ bí mật.

Nhân chứng Kathy Jacobovitch cho ACHRE biết, cha của bà bị nhiễm phóng xạ khi làm công nhân ở xưởng đóng tàu Hải quân Mỹ Bremerton. Không chỉ bị nhiễm phóng xạ, mà cuối cùng các nhà khoa học còn sử dụng ông để làm vật thí nghiệm cho một nghiên cứu khoa học sau đó. Kathy Jacobovitch tiết lộ cha của bà còn mắc thêm nhiều căn bệnh khác, bao gồm lao da (lupus) do tiếp tục bị nhiễm phóng xạ.

Những thí nghiệm phóng xạ khác trên cơ thể người

Không chỉ có người dân Handford trở thành nạn nhân của cuộc thí nghiệm phóng xạ trên cơ thể người mà chương trình nghiên cứu vô đạo đức này còn tiếp tục diễn ra ở quy mô khác với sự hợp tác của các nhà nghiên cứu vô lương tâm. Năm 1947, ngay sau khi Đại học Rochester từ bỏ chương trình thí nghiệm đồng vị phóng xạ trên cơ thể người, Đại học California liền tiếp tục công việc đồng thời tuyên bố có sự đồng thuận của các bệnh nhân mặc dù không cung cấp bằng chứng rõ ràng. Bác sĩ chỉ nói với các bệnh nhân rằng họ được tiêm một chất mới dùng để kiểm soát sự phát triển của khối u ung thư chứ không  tiết lộ về thí nghiệm plutonium trên cơ thể họ.

Bác sĩ Alvin Paulsen.

Các nạn nhân của thí nghiệm - phần đông là thiếu niên người Mỹ gốc châu Á - được tiêm chất amerium. Một người đàn ông Mỹ gốc Phi tên là Elmer Allen, 36 tuổi, được tiêm plutonium, còn một phụ nữ 55 tuổi được tiêm zirconium. Trong những cuộc nghiên cứu ban đầu ở Đại học Rochester trong thập niên 40, các nhà nghiên cứu muốn kiểm tra sự phân bố plutonium ra khắp cơ thể bệnh nhân và mức độ bài tiết các đồng vị phóng xạ như thế nào.

Trong một trường hợp phẫu thuật cho bệnh nhân Eda Charlton, các bác sĩ phát hiện một thương tổn bên trong thành ngực nên quyết định cắt một xương sườn để phân tích. Trong mọi trường hợp, bệnh nhân đều tin rằng họ đang được trị bệnh mà không hề biết mục đích thật sự của các bác sĩ là thu thập dữ liệu khoa học về sự hiện diện của các chất liệu phóng xạ bên trong cơ thể họ.

Năm 1972, nữ bác sĩ Patricia Durbin xem xét lại và phân tích dữ liệu cũ từ những nghiên cứu ban đầu của Đại học Rochester và sau đó công bố một bài báo khoa học về những trường hợp này khi các báo cáo được phép giải mật. Bài báo của bác sĩ Patricia thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu ở Viện Thí nghiệm quốc gia Argonne (ANL) và họ quyết định tiến hành một cuộc nghiên cứu mới cũng như khai quật xác các bệnh nhân đã chết.

Một tù nhân trong thí nghiệm phóng xạ trên người.

Năm 1973, có 3 bệnh nhân cũ được chuyển đến Đại học Rochester để xét nghiệm plutonium trong cơ thể họ. Các nhà khoa học chỉ quan tâm quan sát hiệu quả kéo dài của chất phóng xạ tiêm vào cơ thể bệnh nhân. Trong trường hợp của bệnh nhân nam Elmer Alen, bác sĩ chỉ thông tin với anh rằng cuộc xét nghiệm tiếp theo nhằm "xem xét việc điều trị bệnh ung thư mà ông nhận được từ Đại học California vào năm 1947".

Năm 1964, bác sĩ Carl Heller nhận được 1,12 triệu USD tiền tài trợ từ Ủy ban Năng lượng nguyên tử (AEC - từ năm 1946 đến 1974 là cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm giám sát sự phát triển và sử dụng năng lượng nguyên tử phi quân sự) phục vụ công cuộc nghiên cứu kéo dài 10 năm về "tác động của đồng vị phóng xạ trên cơ thể người". Cụ thể, mục đích của chương trình thí nghiệm là thu thập dữ liệu về tác động của phóng xạ đến chức năng sinh sản của nam giới.

Đảo Amchitka, Alaska.

Ngoài ra, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng quan tâm đến các kết quả nghiên cứu liên quan đến hiệu quả phóng xạ trên cơ thể phi hành gia trong không gian. Các đối tượng nghiên cứu là tù nhân nam tại nhà tù bang Oregon, những người đồng ý phẫu thuật triệt sản cắt ống dẫn tinh. Nhưng nhiều tù nhân không được cảnh báo họ sẽ là đối tượng của những cuộc thí nghiệm phóng xạ và có khả năng mắc bệnh ung thư rất cao. Các tù nhân được trả 25 USD cho mỗi lần sinh thiết và thêm 25 USD nữa sau khi chịu phẫu thuật triệt sản.

Sự thật phơi bày

Các nhà khoa học Đức Quốc xã đã tiến hành "những vụ giết người, hành hạ và các tội ác khác phạm phải nhân danh nghiên cứu khoa học". Nhưng đối với các nhà khoa học Mỹ tiến hành các chương trình nghiên cứu tác động của phóng xạ trên cơ thể người trong hai thập niên 40-50 có bị quy tội vi phạm nhân quyền hay không sau khi các tài liệu khoa học được giải mật?

Cuộc điều tra của ACHRE cho thấy rõ cuộc thí nghiệm phóng xạ ở Handford là "tội diệt chủng đối với người dân Mỹ". Nếu không có các ủy ban như ACHRE của Tổng thống Bill Clinton thì có lẽ người dân Mỹ sẽ không bao giờ biết được chuyện này. Người dân Mỹ hy vọng các tổng thống trong tương lai sẽ thành lập thêm những ủy ban tương tự như ACHRE để vạch trần nhiều bí mật khác

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.