Mỹ: Chương trình trút vũ khí hoá học xuống biển

Thứ Ba, 20/12/2005, 13:18

Mùa hè năm 2004, một chiến dịch nạo vét cống ngầm bên ngoài bang New Jersey (miền Nam nước Mỹ) giúp lôi lên một quả bom cũ. Loại bom thời Thế chiến I nằm quá lâu trong lòng đất này chứa đầy một chất giống như dầu hắc.

Các chuyên gia phá bom của Căn cứ không quân Dover (thành phố Delaware) được mời đến để xử lý. 3 người trong số các chuyên gia ấy sau đó bị thương, 1 người nhập viện với những vết rộp da lớn đầy mủ trên cánh tay. Vỏ quả bom này chứa khí mustard (một loại khí độc gây cháy được áp dụng thời Thế chiến I).

Các viên chức quân đội mới đây buộc phải thừa nhận rằng họ đã bí mật đổ xuống đại dương 64.000 tấn khí độc mustard và khí gây hại thần kinh, cùng với 400.000 quả mìn sát thương, tên lửa và bom hóa học, đó là chưa kể hơn 500 tấn chất thải phóng xạ. Phương thức “đổ rác” của quân đội Mỹ là đổ từ máy bay xuống hoặc chất vào các khoang hàng hóa một số con tàu rồi đánh chìm xuống đại dương.

Điều tra của Daily Press còn phát hiện thêm: Những thứ vũ khí có sức tàn phá lớn này đang nằm rải khắp nước Mỹ, ít ai ngờ chúng ẩn bên dưới tối thiểu 11 bang - 6 ở bờ biển Đông, 2 ở bờ Vịnh, 3 còn lại là California, Hawaii và Alaska.

Chỉ một số ít, nếu có, các viên chức bang được thông báo về sự có mặt của chúng ngay dưới chân họ. Các chất độc hóa học này có thể gây ra hiểm họa lâu dài cho nhiều thế hệ. Trong khi đó, quân đội chỉ đưa chuyên gia của họ đi kiểm tra rất ít 26 vùng thả rác bom ấy trong 30 năm qua. Và quân đội không nói chính xác nơi chứa tất cả những thứ vũ khí vứt đi từ Thế chiến II đến năm 1970, với lý do các số liệu hoặc tài liệu lưu trữ đã bị thiêu hủy hay bị thất lạc từ lâu.

William Brankowitz, một phó quản lý dự án tại Cục Quản lý các chất hóa học quân đội (ACMA - Cơ quan quản lý hàng đầu về đổ rác vũ khí hóa học của quân đội Mỹ), cho biết: “Chúng tôi không dám tuyên bố biết tất cả những nơi đổ rác, nhưng chuyện gây hại về lâu dài thì ít ai biết hơn chúng tôi”.

Vũ khí hóa học vứt xuống biển về lâu dài có thể rò rỉ chậm do nước biển bào mòn, dẫn đến hóa chất độc hại ấy bị thấm vào nước biển (trong vòng 100 năm thì tác hại đối với môi trường sẽ khôn lường). Thép cũng bị rò rỉ ở nhiều mức độ khác nhau, tùy độ sâu của nước, nhiệt độ môi trường đại dương và độ dày của vỏ. Đó là kết luận của các nhà khoa học Na Uy từng khám nghiệm vũ khí hóa học ngoài khơi lãnh hải Na Uy năm 2002.

Chúng bị quân đội Mỹ và Anh ném xuống ngoài khơi Na Uy sau Thế chiến II. Ở nước ngoài, nhiều năm qua có hơn 200 ngư dân bị bỏng bởi khí độc mustard được lôi lên tàu thuyền đánh cá. Năm 1976, một ngư dân Hawaii bị bỏng khi mang một quả đạn cối đầy khí mustard do quân đội Mỹ vứt đi lên thuyền câu. Hiện các quan chức quân đội Mỹ vẫn không lý giải được vì sao có những loại vũ khí hóa học ở rất gần các bãi biển của Mỹ, thậm chí có loại thu hồi được tại những nơi nước tương đối cạn chỉ cách thành phố Atlantic khoảng 32 km. Đáng báo động nhất là có nhiều món vũ khí được tìm thấy nguyên vẹn trên đường xe hơi vào khu dân cư ở Delaware.

Chương trình bí mật vứt vũ khí xuống đại dương của quân đội Mỹ (ALRDP) trải dài từ năm 1944 đến năm 1970. Đầu thập niên 70, quân đội Mỹ công khai thừa nhận có vứt một số vũ khí hóa học ngoài khơi bờ biển. Quốc hội Mỹ cấm chương trình này vào năm 1972. Ba năm sau, Mỹ ký hiệp ước quốc tế cấm vứt bỏ vũ khí hóa học xuống đại dương. Chỉ có điều mãi đến bây giờ các báo cáo của quân đội mới đưa ra ánh sáng số lượng, loại vũ khí, thời điểm vứt bỏ và vị trí hiện tại của chúng.

Theo Daily Press, các báo cáo hàm chứa từng thông tin nhỏ nhặt nhất về ALRDP. Chuyên gia Brankowitz của quân đội Mỹ thực hiện một hội nghị chuyên đề về vứt vũ khí độc hại xuống đại dương, rà soát tất cả tư liệu mật của quân đội, và năm 1987 viết một tường trình dài về các chương trình đào thải vũ khí hóa học qua nhiều thập niên.

Kết luận của bản này tiết lộ một sự thật là hàng chục chuyến tàu bị đánh chìm  xuống lòng đại dương. Tuy nhiên, bản tường trình này cũng chịu chung số phận với những gì người ta muốn nói sự thật: Không  cho phép công bố rộng rãi! Tường trình kế tiếp của ông vào năm 1989, thông qua việc xét lại những tài liệu đã giải mật trước đó, phanh phui những phi vụ hợp đồng hàng hải về những điểm “đổ rác” và sự hiện diện của nhiều điểm khác nữa.

Năm 2001, một cơ sở dữ liệu máy tính được thành lập để ghi nhận tất cả những điểm đã được quân đội công bố lẫn những điểm được phát hiện trong thời gian Brankowitz nghiên cứu hồ sơ, và về báo cáo năm 1989 chưa được công bố rộng rãi trước đây.

Brankowits cho biết tài liệu của quân đội cung cấp vừa không đủ lại hay gây nhầm lẫn, đặc biệt là nhiều hồ sơ ghi chép theo dõi chiến dịch đổ rác “bị thất lạc” không rõ nguyên nhân. Một số hồ sơ trong đó được đổ vấy cho lý do đốt bỏ để dọn trống văn phòng tại Căn cứ thử nghiệm Aberdeen (thuộc Maryland) - một cơ sở thử nghiệm và nghiên cứu vũ khí hóa học thâm niên

Lệ Đoàn (theo Unknown News)
.
.