Xung quanh việc Mỹ - Cuba tiến tới bình thường hóa quan hệ

Thứ Ba, 05/05/2015, 20:15
Không thể phủ nhận việc nối lại đàm phán nhằm tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước từng là kẻ thù trong Chiến tranh lạnh là nỗ lực từ cả hai phía, song cũng không thể khẳng định quan hệ Mỹ-Cuba giành được sự đột phá là chuyện ngẫu nhiên. Có lẽ chính sách cô lập Cuba của Washington trong những năm qua mang lại “quá ít ảnh hưởng”, khiến Mỹ đến lúc phải thay đổi cách hành xử của mình.

Sau khi Cách mạng Cuba năm 1959 giành được thắng lợi, do chính quyền cách mạng đã áp dụng một loạt biện pháp cải cách dân chủ cấp tiến, động chạm đến lợi ích kinh tế của Mỹ ở Cuba, nên kể từ tháng 6/1959 Mỹ bắt đầu tiến hành đe dọa đối với Cuba. Cùng với sự đi sâu phát triển của Cách mạng Cuba, mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Cuba cũng dần tăng lên. Tháng 10/1960, Mỹ bắt đầu thực hiện cấm vận đối với Cuba.

Tháng 1/1961, Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cuba. Ngày 3/2/1962, Mỹ ra thông cáo thực hiện chính sách phong tỏa kinh tế, thương mại và tài chính đối với Cuba, tìm cách khiến cho chính quyền cách mạng Cuba mới ra đời bị bóp nghẹt từ trong trứng nước.

Trong hơn 50 năm sau đó, để lật đổ Chính phủ Cuba, Mỹ liên tục áp dụng các thủ đoạn từ công khai, kín đáo, đến hợp pháp, phi pháp nhưng đều không có hiệu quả. Trong đó biện pháp chủ yếu, kéo dài nhất đó là chính sách phong tỏa đối với Cuba, đây cũng là trở ngại chủ yếu để Cuba và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Hơn 50 năm qua, tuy chính sách phong tỏa gây ra tổn thất nặng nề cho Cuba, nhưng Chính phủ Cuba vẫn tiếp tục kiên trì, đặc biệt là những năm gần đây thông qua sự đổi mới đối với mô hình phát triển, kinh tế và xã hội của Cuba đã duy trì trạng thái ổn định, mưu đồ lấy chính sách phong tỏa để lật đổ Chính phủ Cuba của Mỹ đã tan vỡ, buộc phải thừa nhận thất bại, tìm kiếm biện pháp khác.

Một điều dễ dàng nhận ra nữa là chính sách của Mỹ đối với Cuba không được lòng người. Việc Mỹ thực hiện chính sách phong tỏa đối với Cuba giống như con dao hai lưỡi "hại người hại ta", vì vậy Mỹ lâm vào thế bị động. Đó là chính sách phong tỏa gây nên sự bất mãn của hai bộ phận công chúng trong nước Mỹ. Bộ phận công chúng thứ nhất là một số nhà doanh nghiệp và chủ trang trại, họ khoanh tay ngồi nhìn hàng hóa và vốn đầu tư của nước khác tiến vào thị trường Cuba, còn Mỹ thì không thể.

Bộ phận công chúng thứ hai là dân di cư Cuba ở Mỹ, tổng số dân di cư Cuba ở Mỹ vào khoảng 2 triệu người, trong đó thế hệ cũ có ý thức phản đối Cuba mạnh mẽ đều đã qua đời, phần lớn đều là thế hệ mới, đặc biệt là ý thức phản đối Cuba của một bộ phận lớp người này đã phai nhạt, chính sách của Mỹ đối với Cuba khiến cho sự liên hệ giữa họ với người thân ở Cuba bị hạn chế. Hơn thế nữa, chính sách của Mỹ đối với Cuba không phù hợp với các nước Mỹ Latinh.

Chính sách cấm vận của Mỹ đã gây thiệt hại lớn đối với Cuba. Ảnh: AP.

Hiện nay, Cuba đều thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường với tất cả các nước Mỹ Latinh, có quan hệ rất mật thiết với một số nước do cánh tả cầm quyền. Những năm gần đây, mỗi khi có hội nghị khu vực được tổ chức đều có nước đưa ra chương trình nghị sự yêu cầu Mỹ dỡ bỏ chính sách phong tỏa đối với Cuba. Hiện nay, ảnh hưởng của Mỹ đối với Mỹ Latinh đã giảm xuống, việc phục hồi, nới lỏng hoặc dỡ bỏ chính sách phong tỏa đối với Cuba là vấn đề không thể bỏ qua.

Một điều không kém quan trọng nữa là chính sách phong tỏa của Mỹ đã làm tổn hại lợi ích của các nước đồng minh. "Đạo luật Torricelli" và "Đạo luật Helms-Burton" của Mỹ quy định Mỹ sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ công ty và cá nhân nước ngoài nào tiến hành trao đổi thương mại với Cuba hay đầu tư vào nước này. Quy định này đã gây nên sự bất mãn của Canada và các nước Tây Âu, Canada thậm chí đưa ra biện pháp chống kiềm chế, tuyên bố sẽ trừng phạt các công ty và cá nhân của nước này tuân theo quy định của Mỹ. Có lẽ chính sách của Mỹ đối với Cuba đã khiến cho Mỹ ở thế đối lập với hầu như tất cả các nước trên thế giới.

Tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 1992, khi tiến hành biểu quyết về việc Mỹ cần phải chấm dứt thực hiện chính sách phong tỏa đối với Cuba, có 59 nước tán thành, 71 nước bỏ phiếu trắng. Và tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc được tổ chức năm 2013 và 2014, khi tiến hành biểu quyết về vấn đề này, có 193 nước tham gia bỏ phiếu, liên tiếp trong hai năm đều có 188 nước tán thành, chỉ có 3 nước bỏ phiếu trắng (3 nước này đều là các quốc đảo Thái Bình Dương), các nước phản đối chỉ có Mỹ và Israel, từ điều này có thể thấy chính sách của Mỹ đối với Cuba không nhận được sự ủng hộ của các nước trên thế giới.        

Mặt khác, Tổng thống Obama muốn tăng thêm thành quả chính trị cho mình. Trong nhiệm kỳ đầu tiên sau khi nhậm chức năm 2009, về ngoại giao Tổng thống Obama đã đạt được một số thành tích, nhưng trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, cục diện ngoại giao trong các mặt như thúc đẩy chiến lược "tái cân bằng châu Á", đối phó với vấn đề Nga, vấn đề hạt nhân Iran, vấn đề hạt nhân Triều Tiên và xóa bỏ mối đe dọa khủng bố từ các tổ chức cực đoan…, Obama rất khó giành được tiến triển mang tính đột phá.

Và vấn đề có khả năng nhất giành được thành tích trong ngắn hạn chính là cải thiện quan hệ Mỹ - Cuba. Vì vậy, khi Giáo hoàng Francis đứng ra hòa giải vấn đề này, ông Obama liền vui vẻ chấp nhận. Tóm lại, hành động "phá băng" của Tổng thống Mỹ không những được coi là "di sản ngoại giao" của ông mà còn tạo điều kiện tranh cử có lợi cho ứng cử viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ. Vì vậy, việc Mỹ áp dụng thái độ chủ động là nguyên nhân chủ yếu bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ Cuba - Mỹ.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.