Mỹ: Giải mật hồ sơ quan trọng về chiến tranh Việt Nam

Thứ Sáu, 01/07/2011, 14:35

Cục Lưu trữ và Tư liệu quốc gia Mỹ hôm 13/6 cuối cùng đã quyết định công bố toàn bộ số hồ sơ 47 tập về chính sách của Mỹ tại Việt Nam trong giai đoạn 1945-1967. Trên thực tế, bộ hồ sơ trên - còn được biết dưới cái tên “Tài liệu của Lầu Năm Góc” (The Pentagon Papers) - không phải hoàn toàn mới lạ đối với công chúng nước Mỹ cũng như toàn thế giới.

40 năm trước đây, hồ sơ trên được soạn thảo theo chỉ thị của Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara đã trở thành đề tài của một vụ bê bối rò rỉ thông tin quy mô đầu tiên từ các cơ quan chính quyền của Washington, làm ảnh hưởng tới sự nghiệp chính trị của một loạt các chính trị gia hàng đầu.

Trở lại với quá khứ, việc biên soạn bộ hồ sơ có tên chính thức là "United States-Viet Nam Relations, 1945-1967: A Study Prepared by the Department of Defense" (Quan hệ Mỹ-Việt Nam, 1945-1967: Nghiên cứu của Bộ Quốc phòng) - thường được gọi ngắn gọn là "Tài liệu của Lầu Năm Góc" - được bắt đầu từ năm 1967 theo chỉ thị của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Robert McNamara. Để làm việc này, người Mỹ thành lập cả một nhóm nghiệp vụ gồm các "chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam", trong đó có hàng chục nhà phân tích quân sự, sĩ quan và nhà khoa học.

Về sau theo thừa nhận của những người tham gia nghiên cứu, nhiệm vụ của họ thực ra là viết lại một trang sử về cuộc chiến Việt Nam qua con mắt những người Mỹ, phân tích các giải pháp về chính trị và quân sự mà Chính phủ Mỹ đã triển khai vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều nghi vấn về những động cơ thực sự của McNamara đằng sau bộ hồ sơ này. Có giả thuyết cho rằng, hồ sơ trên thực tế là để phục vụ cho Robert Kennedy, bạn thân của ông chủ Lầu Năm Góc, khi đó đang chạy đua cho vị trí ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới năm 1968, người rất có thể sử dụng những tài liệu trên về cuộc chiến tranh Việt Nam cho những quyền lợi chính trị của mình.

Dù thế nào, McNamara đã không thể chờ nhận được phiên bản hoàn chỉnh cuối cùng của bản báo cáo. Năm 1968, ông ta buộc phải bàn giao chiếc ghế ông chủ Lầu Năm Góc cho Clark Clifford, người một năm về sau mới nhận được bản hồ sơ hoàn chỉnh từ tay lãnh đạo dự án Lesli Gelb.

Nội dung "Tài liệu của Lầu Năm Góc" sau đó đã được lưu giữ trong điều kiện tuyệt mật, chỉ được sử dụng tham khảo riêng trong nội bộ cơ quan. Theo một giả thuyết được nhiều người khẳng định, ngay cả Tổng thống Lyndon Johnson và Ngoại trưởng Dean Rusk khi đó cũng không được biết về sự tồn tại của hồ sơ trên.

Tuy nhiên, lại có một nhân vật biết rất rõ về nó - đó là chuyên gia phân tích Daniel Ellsberg của Bộ Quốc phòng, người từng là lính thủy đánh bộ trong cuộc chiến Việt Nam và quay trở về nước với những ấn tượng rất tồi tệ về cuộc chiến phi nghĩa này.

Daniel Ellsberg - "Người đàn ông nguy hiểm nhất nước Mỹ"

Người đàn ông này là nhân vật chính của bộ phim tài liệu được đề cử giải thưởng của Viện Hàn lâm năm 2010 kể về cuộc đời của chính ông có tên "The Most Dangerous Man in America" (Người đàn ông nguy hiểm nhất nước Mỹ) - lấy từ những lời mô tả của cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger khi nói về Daniel Ellsberg vào năm 1971.

Ellsberg là tác giả của vụ bê bối rò rỉ thông tin mật về hồ sơ "Tài liệu của Lầu Năm Góc" gây chấn động chính trường Mỹ một thời. Không phải ngẫu nhiên, một số người giờ đây còn ví ảnh hưởng của Ellsberg như một "Julian Assange của cuộc chiến Việt Nam".

Daniel Ellsberg sinh năm 1931 tại Chicago trong một gia đình Do Thái. Sau khi tốt nghiệp những trường đại học nổi tiếng như Harvard và Cambridge, ông tiếp tục vào học tại Trường đào tạo lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại Quantico (Virginia). Năm 1959, Ellsberg trở thành chuyên gia phân tích chiến lược của RAND Corporation, một tổ chức tư vấn của Bộ Quốc phòng và Nhà Trắng về các vấn đề chiến lược như giám sát vũ khí hạt nhân, kế hoạch chiến tranh hạt nhân và thực thi các quyết định xử lý khủng hoảng v.v… 

Ellsberg gia nhập Bộ Quốc phòng vào năm 1964, tới Việt Nam trong 2 năm để đánh giá tình hình chiến trường. Trong thời gian này, Ellsberg đã cảm nhận được tính chất phi nghĩa của cuộc chiến mà Mỹ đang tham gia tại Việt Nam qua những gì đã trực tiếp chứng kiến, cũng như qua những tài liệu mật được tiếp cận. 

Trở về nước vào năm 1967, Ellsberg tiếp tục làm việc tại bộ phận tuyệt mật chuyên phân tích thông tin về cuộc chiến Việt Nam. Ông có dịp tiếp cận các tài liệu trong hồ sơ "Tài liệu của Lầu Năm Góc", cũng như tiếp xúc với nhiều quan chức của Lầu Năm Góc tham gia soạn thảo hồ sơ này. Nỗi thất vọng thực sự về cuộc chiến Việt Nam đã thúc đẩy Ellsberg có một hành động táo bạo.

Năm 1969, ông cùng với người bạn, người đồng nghiệp Anthony Russo bí mật sao chép một phần hồ sơ quan trọng trên với mục đích công bố rộng rãi trước công luận về sau này. Ban đầu, Ellsberg liên hệ với Henry Kissinger (khi đó là Cố vấn An ninh quốc gia) và một vài nghị sĩ khác với yêu cầu được công bố một phần tài liệu đã sao chép. Sau khi không nhận được những phản hồi tích cực từ các chính trị gia cao cấp trên, Ellsberg đã quyết định chuyển giao số tài liệu trên cho các tờ báo New York Times, Washington Post cùng 17 tờ báo khác.

Bộ phim tài liệu “The Most Dangerous Man in America” nói về Daniel Ellsberg và bộ hồ sơ “Tài liệu Lầu Năm Góc”.

Ngày 13/6/1971, tờ New York Times cho công bố phần đầu tiên các tài liệu của Lầu Năm Góc về cuộc chiến Việt Nam, gây ra hiệu ứng chẳng khác gì một quả bom nổ giữa chính trường nước Mỹ. Những gì được công bố cho thấy, các mục tiêu thực sự của Mỹ tại Việt Nam về cơ bản khác hẳn với những quan điểm Washington vẫn công khai tuyên bố.

Các nhà báo New York đã cho công luận Mỹ thấy, chính quyền của các tổng thống từ John Kennedy cho tới Lyndon Johnson đã đánh lừa người dân và Quốc hội Mỹ về các kế hoạch của mình ở Đông Nam Á. Chẳng hạn như Johnson ngay từ đầu đã lập kế hoạch về một chiến dịch quân sự quy mô của Mỹ tại Việt Nam, nhưng trong các phát biểu công khai của mình, ông ta lại nói ngược lại.

Theo Ellsberg giải thích, bằng cách trao số tài liệu trên cho báo chí, ông hy vọng có thể bắt tân Tổng thống Richard Nixon phải từ bỏ chiến dịch quân sự tại Việt Nam. Nhưng mọi chuyện trên thực tế lại không diễn ra như vậy. Nixon bất chấp sự phản ứng của công luận, đã có những hành động trấn áp nhằm vào Ellsberg, Russo và những người khác có dính líu vào việc công bố tài liệu của Lầu Năm Góc.

Chính quyền ban đầu đã thành công trong việc "bịt miệng" báo chí, khi các tòa án cấp dưới ra lệnh cấm New York Times, Washington Post cùng các tờ báo khác công bố những hồ sơ trên. Còn Ellsberg và Russo còn bị cáo buộc tội hoạt động gián điệp. Nhưng cuối cùng, Tòa án tối cao lại có phán quyết đứng về phía những người muốn vạch trần sự thật. Các cáo buộc đối với Ellsberg và Russo bị dỡ bỏ, trong khi báo giới tiếp tục công bố các tài liệu bê bối.

Cái giá của sự lừa dối

Việc công bố hồ sơ "Tài liệu của Lầu Năm Góc" trên tờ New York Times được coi là một thời điểm bước ngoặt trong cuộc chiến giữa Nhà Trắng với giới báo chí Mỹ. Ngoài việc không thể ngăn chặn các nhà báo đăng tải sự thật, vụ rò rỉ thông tin về cuộc chiến Việt Nam còn kéo theo những hậu quả rõ rệt trên chính trường.

Đầu tiên là tác động trực tiếp đến kế hoạch của Lyndon Johnson, người trước áp lực của công luận đã không dám ra tranh cử nhiệm kỳ thứ hai. Còn nếu xem xét một cách sâu rộng hơn, vụ rò rỉ thông tin chiến tranh Việt Nam thật ra cũng là điểm khởi đầu cho vụ bê bối Watergate sau này. Trong cuộc chiến với Ellsberg và những chiến hữu của ông, chính quyền Nixon đã không từ mọi thủ đoạn bẩn thỉu, về sau cũng chính những trò này đã khiến ông ta phải trả giá bằng chiếc ghế của mình tại Nhà Trắng.

Chẳng hạn như các nhân viên chính phủ đã không ngần ngại lục soát văn phòng bác sĩ tâm lý riêng của Ellsberg với hy vọng có thể tìm ra được tài liệu nhạy cảm nào có thể chứng minh ông bị điên, cũng như bí mật nghe trộm các cuộc điện thoại của ông. Những phương pháp kiểu trên về sau đã trở thành "chuyện thường ngày" của nhóm "Plumbers Unit" - một nhóm nhân viên bí mật chuyên làm những chuyện mờ ám cho Nhà Trắng.

Chiến dịch nổi tiếng nhất và cũng là cuối cùng của nhóm này chính là vụ đột nhập vào Văn phòng Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ tại khách sạn Watergate vào năm 1972, khiến cho ông chủ Nixon phải cay đắng từ chức khi chưa hết nhiệm kỳ.

Muộn còn hơn không bao giờ!

Từ tháng 5/2011, Cục Lưu trữ và Tư liệu quốc gia Mỹ đã hứa hẹn sẽ giải mật hoàn toàn hồ sơ "Tài liệu của Lầu Năm Góc", trước khi chuyển về lưu giữ tại Thư viện Richard Nixon ở California, là nơi bất cứ ai mong muốn cũng có thể tới nghiên cứu tìm hiểu. Đúng như cam kết, ngày 13/6/2011, tức là 40 năm sau vụ bê bối rò rỉ tài liệu trên, hồ sơ về chiến tranh Việt Nam - gồm 47 tập và hơn 7.000 trang tài liệu, một nửa trong số này có dấu tuyệt mật - đã được công khai đăng tải trên trang web của Cục Lưu trữ và Tư liệu quốc gia Mỹ.

Việc phân tích đầy đủ các tài liệu mới công bố chắc chắn không thể là chuyện ngày một ngày hai đối với các chuyên gia. Tất nhiên sẽ không có một vụ chấn động tương tự như 40 năm trước đây khi một phần của hồ sơ trên được tiết lộ, do những quan chức dính dáng tới nó đều không còn sống.

Dù thế nào, nội dung những tài liệu được công bố sẽ giúp cho công chúng Mỹ nhận thức rõ nét hơn về sai lầm nghiêm trọng của Chính phủ Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Đó là lý do khiến quyết định giải mật hoàn toàn hồ sơ trên được đánh giá là "muộn còn hơn không bao giờ"

Hồng Sơn - Linh Nga (tổng hợp)
.
.