Mỹ: Hệ thống dữ liệu bí mật kiểm soát khủng bố

Thứ Sáu, 22/08/2014, 16:05

Theo các tài liệu mật của Trung tâm Quốc gia Chống khủng bố (NCTC) soạn thảo mà tờ The Intercept có được thì trong số xấp xỉ 700.000 người có tên trong Cơ sở dữ liệu Kiểm soát các nghi can khủng bố (TSDB) của Chính phủ Mỹ có đến hơn 40% thật sự không liên quan đến bất cứ nhóm khủng bố nào được biết đến trên thế giới; bao gồm Al-Qaeda, Hamas và Hezbollah.

Các tài liệu mật của NCTC - cơ quan hàng đầu chịu trách nhiệm truy tìm các cá nhân bị nghi ngờ liên quan đến khủng bố quốc tế - được đóng dấu "SECRET" (Bí mật) và “NOFORN” (tức không được chia sẻ với các chính quyền nước ngoài).

Ngoài ra, còn một cơ sở dữ liệu khác mang tên Hệ thống nhận dạng khủng bố (TIDE) thậm chí còn rộng lớn hơn và có tính xâm lấn hơn TSDB, với hơn 1 triệu người bị đưa vào danh sách. Cả hai cơ sở dữ liệu TSDB và TIDE được chia sẻ rộng rãi giữa các cơ quan thực thi pháp luật, quân đội, các nhà thầu tình báo tư nhân và đôi khi cả chính quyền nước ngoài. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Barack Obama đã nâng tổng số người bị liệt vào danh sách cấm bay lên gấp 10 lần so với thời chính quyền George W. Bush.

Bị “loại trừ khỏi xã hội” vì mang danh “khủng bố”

TSDB gồm hơn 130.000 người bị tình nghi liên quan đến Al-Qaeda hay các chi nhánh của tổ chức này, 63.000 người liên quan đến Taliban, 22.000 liên quan đến phong trào Hamas, 21.000 với Hezbollah và hơn 100.000 người liên quan với các nhóm khủng bố khác.

Ngoài ra, có 280.000 đối tượng được coi là nghi can khủng bố nhưng chưa được xếp vào bất cứ nhóm khủng bố nào. Những người có tên trong TSDB và TIDE luôn thuộc diện giám sát tăng cường của chính quyền Mỹ.

Sau vụ đánh bom trong sự kiện Marathon diễn ra ở Boston vào tháng 4/2013 làm chết 3 người và 282 người khác bị thương, Cơ quan Nhận dạng khủng bố Mỹ (DTI) khởi động chương trình tăng cường thu thập dữ liệu sinh trắc học (bao gồm hình ảnh khuôn mặt, dấu vân tay và quét mống mắt) cùng với thông tin bổ sung về mọi người Mỹ có tên trong danh sách TIDE. Ban Phân tích Sinh trắc học của DTI cũng tiến hành thu thập dữ liệu sinh trắc học từ  hồ sơ bằng lái xe của tài xế trên khắp nước Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Barack Obama lặng lẽ phê chuẩn chương trình mở rộng hệ thống dữ liệu giám sát khủng bố, cho phép đưa những người Mỹ và người nước ngoài vào danh sách nghi can khủng bố và danh sách cấm bay mà thậm chí không có "những sự kiện cụ thể" cũng không có cả "bằng chứng chắc chắn" mà chỉ cơ bản dựa vào những "thông tin rời rạc".

Hina Shamsi, lãnh đạo Dự án An ninh Quốc gia (NSP) của Liên minh Dân quyền Mỹ (ACLU), nhận định: "Thay vì danh sách giám sát chỉ giới hạn ở những phần tử khủng bố được thừa nhận, chính quyền Mỹ đã cho xây dựng một hệ thống rộng lớn mà chỉ dựa vào các giả thuyết chưa được chứng minh rõ ràng để dự đoán một cá nhân có thể có hành vi khủng bố trong tương lai hay không. Do đó, chính quyền bí mật đưa những người vô tội vào danh sách khủng bố và gán cho mối đe dọa mà họ không bao giờ tiến hành".

Trụ sở NCTC ở McLean bang Virginia nhìn từ trên cao.

Theo Hina Shamsi, mối nguy hiểm tiềm tàng ở đây là một khi bị chính quyền Mỹ dán nhãn "khủng bố" hay "nghi can khủng bố" thì cá nhân đó sẽ bị đối xử như là phần tử khủng bố đích thực! Điều đó có nghĩa là, cá nhân đó sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi xin việc làm và gặp nhiều phiền toái khi bay ra nước ngoài du lịch, hoặc thậm chí không thể bước lên bất cứ chuyến bay nào!

Đến người chết cũng bị giám sát!

Trước năm 2001, chính quyền Mỹ không chú trọng xây dựng hệ thống dữ liệu giám sát khủng bố, và vào ngày 11/9/2001 danh sách  cấm bay chỉ bao gồm 16 cái tên. Nhưng ngày nay, danh sách cấm bay đã tăng lên hàng chục ngàn người! Năm 2004, Thượng nghị sĩ Mỹ Ted Kennedy than phiền ông bị cấm trong 5 chuyến bay riêng biệt do tên ông giống với bí danh của một nghi can khủng bố.

Hai năm sau, Hãng tin CBS News tiết lộ: Trong danh sách cấm bay của chính quyền Mỹ có tên của Tổng thống Bolivia Evo Morales và lãnh đạo Nghị viện Liban Nabih Berri.

Năm 2007, Tổng thanh tra Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra báo cáo phê phán "những điểm yếu kém đáng kể" trong hệ thống giám sát khủng bố của chính quyền. Năm 2009, sau khi một tên khủng bố người Nigeria lọt được vào chuyến bay chở khách đến Detroit bất chấp tên của hắn có trong danh sách TIDE và suýt kích nổ quả bom giấu trong quần lót, Tổng thống Barack Obama lúc đó buộc phải thừa nhận sự thất bại của hệ thống giám sát khủng bố. Nhưng sau vụ việc cực kỳ nguy hiểm này, ông Obama quyết định tạo ra một bước ngoặt. Năm 2010, ông Obama tăng thêm quyền lực và trách nhiệm cho các cơ quan tình báo để bổ sung thật nhiều cái tên nữa vào các danh sách giám sát.

Một hộp đựng hồ sơ các nghi can khủng bố của NCTC.

Sự phê chuẩn của ông Obama còn cho phép cộng đồng tình báo Mỹ giám sát cả…những người chết! Có nghĩa là tên của người chết vẫn không được xóa khỏi hệ thống dữ liệu nếu có lý do để NCTC tin rằng, danh tính người chết sẽ được một nghi can khủng bố nào đó sử dụng! Thậm chí theo quy định của chính quyền, vợ (hay chồng) của nghi can khủng bố sẽ được đưa vào hệ thống dữ liệu giám sát sau khi người này chết. Đối với người còn sống này, tiến trình gỡ tên khỏi danh sách diễn ra hết sức mơ hồ.

Lý do mà chính quyền đưa ra là nếu nhiều tổ chức đóng góp thông tin vào hệ thống dữ liệu, tất nhiên phải có sự đồng ý của tất cả các bên thì một cái tên mới được phép gỡ khỏi danh sách! Tổng cộng có 5 thành phố của Mỹ được hệ thống dữ liệu giám sát đặc biệt quan tâm là New York, Dearborn (bang Michigan), Houston, San Diego và Chicago. Với dân số 96.000 người, Dearborn nhỏ hơn các thành phố khác trong "Top 5" này nhưng nơi đây lại có số người Hồi giáo khá đông đúc với hơn 40% dân số là hậu duệ của người Arập - theo Cục Thống kê dân số Mỹ (CB). Do đó, người dân cũng như các nhóm nhân quyền thường xuyên tuyên bố các cộng đồng người Hồi giáo, Arập và người Sikh Ấn Độ đã bị chính quyền phân biệt đối xử.

Dawud Walid, Giám đốc điều hành Chi nhánh Hội đồng Quan hệ Hồi giáo - Mỹ (CAIR) ở bang Michigan, phát biểu với báo chí: "Theo như tôi biết, không có người Hồi giáo nào ở Dearborn có bất kỳ hành vi khủng bố nào chống lại chính quyền", đồng thời nhấn mạnh sự tập trung đông đảo người Dearborn trong hệ thống dữ liệu giám sát cho thấy chính phủ "coi chúng tôi như là các nghi can khủng bố tiềm tàng".

Căn cứ tra tấn, thẩm vấn bí mật nghi can khủng bố ở Thái Lan

Hình thức "thẩm vấn tăng cường" phổ biến nhất mà  Mỹ buộc phải công bố công khai trong bản báo cáo sau khi có yêu cầu từ một số Thượng nghị sĩ ở cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa đều có liên quan đến kỹ thuật tra tấn dìm, làm ngạt nước nghi can khủng bố. Theo đó, Mỹ đã áp dụng biện pháp thẩm vấn đó đến hàng trăm lần trong trại giam bí mật của CIA ở Thái Lan.

Các nhà hoạt động nhân quyền cùng một số nhà chính trị Mỹ đang phải đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt do vi phạm nhân quyền: họ sử dụng kỹ thuật thẩm vấn gây căng thẳng thần kinh, chẳng hạn dìm, làm ngạt nước - hình thức tra tấn được “sử dụng phổ biến” dưới thời Tổng thống George W. Bush.

Minh họa tra tấn bức cung bằng điện mà Mỹ áp dụng trong các trại giam, ra đời năm 1937.

Thời gian thực tế của bản báo cáo chưa được ấn định cụ thể. Do đó, các thượng nghị sĩ vẫn phải kiên trì đấu tranh, yêu cầu chính quyền Obama phải tôn trọng những thông tin chi tiết mà họ đã bôi đỏ, gạch chân và chú thích cặn kẽ.

Thông tin về CIA sử dụng “cơ sở bí mật” tra tấn nghi can khủng bố ở Thái Lan bị rò rỉ từ nội bộ cơ quan tình báo Mỹ. Bản báo cáo nêu rõ: CIA dùng đủ loại cực hình kinh hoàng gồm: trói chặt, duỗi căng thân của họ rồi dìm nước, bịt khăn ướt làm ngạt thở, đánh đập, dìm đầu nghi phạm vào nước đá lạnh hoặc đập liên tục vào tường.

Nhiều nghi can, tù nhân tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda đã phải nếm đủ mọi ngón đòn  "kỹ thuật nghiệp vụ" thẩm vấn tàn bạo của CIA trong nhiều trại giam bí mật khác nhau ở các nước đồng minh với Mỹ trong đó có một số quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt Thái Lan và Philippines.

Một quan chức Ngoại giao Mỹ lên tiếng quan ngại sâu sắc: Chính quyền Obama sẽ gặp rắc rối vì việc công bố bản báo cáo có thể kích động "ngọn lửa chiến tranh" vùng Trung Đông lan rộng thêm đồng thời các cơ quan an ninh nước ngoài sẽ từ chối hợp tác với chính quyền Obama vì vi phạm nhân quyền nghiêm trọng

Vào ngày 4/8, Tập đoàn báo chí McClatchy tiết lộ: Trong bản báo cáo, các quốc gia, cơ sở giam giữ bí mật đều chỉ là bút danh chứ không phải tên thực tế, điều này gây "khó chịu" cho nhiều quốc gia Hồi giáo. Một số quan chức Mỹ cho biết rất ít khả năng trong tuần này bản báo cáo dày gần 600 trang sẽ được công bố chính thức-trong khi đó Mỹ sẽ vẫn giấu nhẹm nhiều nội dung bí mật.

Vào ngày 1/8, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ tuyên bố có đến 85% bản báo cáo đã được chính quyền Obama giải mật và một nửa bản thảo đã hiệu đính, chú thích rõ ràng. Thượng nghị sĩ Feinstein và một số đảng viên đảng Dân chủ đang gây sức ép buộc Nhà Trắng phải phục hồi nguyên trạng thông tin ban đầu (tức khi chưa bị chỉnh sửa). Các đảng viên đảng Cộng hòa từng quyết liệt tẩy chay bản báo cáo điều tra 5 năm được soạn sẵn, nhưng đến nay họ cảm thấy "hài lòng" khi biết về báo cáo mới.

Năm 2013, Thái Lan từng bị nêu tên là 1 trong 54 nước trên toàn thế giới tích cực hỗ trợ CIA trong chiến dịch chống khủng bố như "cho phép" xây dựng cơ sở mật giam và tra tấn các nghi can.

Được biết, trước thời điểm xảy ra vụ khủng bố đẫm máu nhắm vào New York và Washington (vụ khủng bố 11/9/2001), Thái Lan và Mỹ thống nhất thành lập Trung tâm Tình báo Chống khủng bố (CTIC) một đơn vị bí mật có mối quan hệ chặt chẽ giữa CIA và tình báo Thái Lan để thu thập thông tin các nhóm khủng bố trong khu vực châu Á.

Các nhà phân tích chính trị và ngoại giao Thái Lan nghi ngờ có một nhà giam có thể nằm trong một căn cứ quân sự ở tỉnh Udon Thani nơi quân đội Mỹ từng xuất kích máy bay rải thảm bom bắn phá, gây tội ác trong chiến tranh xâm lược Việt Nam

Trang Thuần - Phạm Anh (tổng hợp)
.
.