Mỹ: Khủng hoảng điệp viên

Thứ Năm, 07/07/2011, 05:45

Với sự sụp đổ hay sắp sửa sụp đổ của các chế độ ở Tunisia, Ai Cập, Libya và Yemen, điệp viên Mỹ đã mất đi nhiều đồng minh có giá trị nhất trong cuộc chiến chống khủng bố.

Mới đây, chính quyền Obama đã tiết lộ: nước Mỹ hiện đang tăng cường chiến dịch chống lại các nhóm liên quan đến Al-Qaeda giữa cảnh hỗn loạn ở Yemen, lợi dụng khoảng trống quyền lực đang lớn dần ở nước này để tấn công mạnh số nghi can khủng bố bằng máy bay không người lái vũ trang và máy bay chiến đấu. Nhưng một số quan chức lại rỏ ý hoài nghi tuyên bố này.

Như Barbara Bodine ở Đại học Princeton, cựu Đại sứ Mỹ ở Yemen, thừa nhận: "Tôi nghĩ đó là sự tự đề cao hơn là sự thật". Trong khi đó những cuộc tấn công nhầm mục tiêu xảy ra ngày càng nhiều. Theo chuyên gia về khủng bố Bruce Hoffman ở Đại học Georgetown: "Do thiếu sự hợp tác tình báo với chính quyền Yemen, chúng ta đang cố gắng tiêu diệt các phần tử thánh chiến càng nhiều càng tốt. Nhưng tại nơi cần được phẫu thuật thì hiện con dao mổ đã bị cùn".

Thực tế cho thấy trong một thời gian dài, giải pháp cốt tử để bảo vệ nước Mỹ và lợi ích của nước này khỏi sự tấn công của những phần tử Hồi giáo cực đoan là cài điệp viên vào nội bộ tổ chức của chúng hoặc thuyết phục người của chúng để đồng ý thương lượng. Giám sát trên không và nghe lén điện thoại là hữu ích, song thông tin từ nguồn con người luôn đáng tin cậy nhất...

Người Mỹ đã trải qua thời gian dài xây dựng mối quan hệ thân thiết với nửa số nhân vật chủ chốt trong bộ máy quân sự và tình báo của các quốc gia thuộc thế giới Arập để thu thập thông tin chi tiết cho cuộc chiến chống khủng bố. Nhưng hiện nay, theo nhận định của Christopher Boucek ở Quỹ đầu tư Carnegie cho hòa bình thế giới, những nhân vật quan trọng hàng đầu ở Libya, Tunisia, Ai Cập và Yemen, hoặc là đã ra đi hoặc sắp sửa ra đi.

Theo nhìn nhận của một cựu trưởng trạm CIA ở Trung Đông, những gì mà tình báo Mỹ cần làm hiện nay là bắt giữ nhóm nhỏ phần tử khủng bố đã thoát được trong bối cảnh bất ổn chính trị mà thiếu mất sự hợp tác của quân đội và tình báo trong khu vực. Edward Walker, cựu chuyên gia về Cận Đông và hiện đang giảng dạy tại Hamilton College, nhấn mạnh rằng CIA, Bộ Quốc phòng cũng như số thực thể chính trị khác của nước Mỹ chưa hề chuẩn bị cho thế giới Arập thời hậu bất ổn và khó mà phục hồi những kỹ thuật cũ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Trong gần 30 năm qua, tình báo Mỹ dựa dẫm quá nhiều vào Ai Cập của Hosni Mubarak, coi đây là đồng minh chủ chốt, và nhân tố cốt yếu trong mối quan hệ này là tướng Omar Suleiman, Giám đốc Tổng cục tình báo Ai Cập (EGIS), thường được gọi là Mukhabarat. Quan hệ đối tác được ưu tiên hàng đầu trong thập niên 1990, khi mà Ai Cập đang đối mặt với mối đe dọa khủng bố từ Ayman al-Zawahiri hiện là người đứng đầu tổ chức khủng bố Al-Qaeda, thay thế Osama bin Laden.

Từ miệng của một số tên khủng bố người Ai Cập bị bắt ở Albania hay những nơi khác, CI moi được nhiều thông tin cực kỳ quan trọng về hoạt động của Al-Qaeda.

CIA không hẳn đã để mặc cho cơn bão ập xuống chính quyền của Mubarak, mà là chính người Ai Cập luôn cố gắng ngăn chặn không cho người Mỹ điều tra sự bất đồng chính trị bên trong nước này. Khi Mubarak rời khỏi chiếc ghế quyền lực, ông ta cũng lôi theo ông chủ tình báo Mukhabarat của mình. Không ai nói được người thay thế Mukhabarat sẽ là ai và mối quan hệ với Mỹ sẽ như thế nào.

Theo Bruce Hoffman: "Mọi mối liên kết tình báo đều dựa trên quan hệ cá nhân. Trước đây, anh làm việc với những người chỉ tập trung vào mối đe dọa khủng bố và sứ mạng của họ. Nhưng bây giờ họ chỉ quan tâm đến mối đe dọa trong nước và sứ mạng của họ là gìn giữ chiếc ghế của họ. Không những thế, nhiều người trong số đó còn có thể xem sự hợp tác với Mỹ là nguy hiểm". 

Ở Lybia, tình báo Mỹ còn gặp khó khăn gấp bội. Trong thập niên 1990, tình báo Mỹ và Anh cố vun đắp cho quan hệ hợp tác giữa họ với người đứng đầu cơ quan tình báo Libya là Musa Kusa. Và sự thâm giao này càng thắt chặt hơn nữa từ sau sự kiện 11/9/2001, đồng thời là một phần quan trọng trong việc "phục hồi" của Muammar Gaddafi dưới con mắt của người phương Tây để trở thành đồng minh đáng tin cậy trong cuộc chiến chống khủng bố. Bởi vì Gaddafi luôn nỗ lực tấn công nhóm chiến binh thánh chiến Hồi giáo Libya muốn giết chết ông cũng như lật đổ chế độ của ông.

Mỹ cũng tập trung vào nhóm này bởi vì Libya là quê nhà của nhiều tân binh cung cấp cho hàng ngũ Al- Qaeda ở AfghanistanIraq. Nhưng vào đầu năm nay, Gaddafi bất ngờ trả tự do cho hàng trăm chiến binh và Mỹ hiện không biết số người này đang ở đâu. Khi người dân nổi loạn chống Gaddafi, Kusa nhanh chóng đào thoát đến London khiến Mỹ và phương Tây mất đi kênh tình báo số 1 ở Libya.

Tình hình cũng hết sức bấp bênh ở Yemen. Trong những năm gần đây, Mỹ đã cố công triển khai đội ngũ cố vấn ở Yemen, xây dựng đơn vị chống khủng bố tinh nhuệ cho Tổ chức An ninh trung ương của nước này, cơ quan tình báo nằm dưới sự lãnh đạo của Ali Abdullah Saleh. Trong tình hình hỗn loạn ở Yemen hiện thời, có một điều khá chắc chắn là bao công lao của CIA ở nước này sẽ tan thành mây khói.

Hiện nay, chỉ có một vài quốc gia thuộc khối Arập như Xêút, Kuwait, Qatar và UAE - là khá an toàn trước sự biến động trong khu vực. Nhưng liệu điệp viên CIA trong tương lai có phục hồi được mọi hoạt động của họ trong khu vực này trở lại như xưa hay không?

Trần Phong (tổng hợp)
.
.