Mỹ: Những cái chết bí ẩn liên quan đến sự cố hạt nhân

Thứ Ba, 12/01/2010, 16:16
Từ ngày 20/7/2007 đến 11/9/2008, đã xảy ra 6 cái chết bí ẩn của các sĩ quan Không quân Mỹ mà cho đến nay, các cuộc điều tra vẫn chưa đưa ra kết luận chính xác và hợp lý về  nguyên nhân của những cái chết này. Tất cả những người này đều có liên quan trực tiếp đến một sự cố hạt nhân nghiêm trọng xảy ra tại Mỹ vào tháng 7/2007.

Nạn nhân đầu tiên là Trung úy Weston Kissel, 28 tuổi, phi công điều khiển máy bay ném bom B-52 tại căn cứ không quân Minot, bang Bắc Dakota, Mỹ. Kissel tử nạn bởi một tai nạn giao thông trong kỳ nghỉ phép tại bang Tennessee vào cuối tháng 7/2007. Nạn nhân thứ hai cũng là một phi công lái máy bay ném bom B-52 tên Adams Barrs, 21 tuổi.

Barrs làm việc tại căn cứ không quân Minot, tử nạn trong một tai nạn giao thông vào ngày 5/8/2007 khi chiếc xe của Barrs gặp sự cố kỹ thuật đã đâm sầm vào một gốc cây bên vệ đường. Nạn nhân thứ ba cũng lại là một phi công lái máy bay ném bom B-52 tên Clint Huff, 29 tuổi, công tác tại căn cứ không quân Barksdale, bang Louisiane. Huff tử nạn vào ngày 15/8/2007 cùng vợ là Cindy khi anh đang cố điều khiển chiếc xe của mình vượt qua một chiếc xe khác chạy ngược chiều gần thành phố Shereport, bang Louisiane rồi đâm sầm vào một xe tải khác.

Nạn nhân tiếp theo tên Toss Blue, 22 tuổi, phi công làm việc tại căn cứ không quân Minot. Blue dùng súng ngắn tự bắn vào đầu khi đang có chuyến nghỉ phép về thăm gia đình tại thành phố Wytheville, bang Virginia. Điều tra của cảnh sát cho rằng có khả năng đây là một vụ tự tử. Nạn nhân thứ 5 là Trung úy John Frueh làm việc tại bộ phận quản lý vũ khí hạt nhân chiến lược tại căn cứ không quân Minot. Xác của Frueh được tìm thấy trong một khu rừng phía bắc bang Washington.

Nạn nhân cuối cùng là Trung úy Mike Stoken, 26 tuổi, sĩ quan bảo trì vũ khí hạt nhân chiến lược tại căn cứ không quân Minot. Stoken tử nạn trong một tai nạn giao thông tại Badger Meal, bang Bắc Dakota.

Cái chết bí ẩn của 6 sĩ quan Không quân Mỹ chỉ trong thời gian ngắn đã thu hút sự quan tâm của các phương tiện thông tin đại chúng. Cảnh sát, Cục Điều tra Liên bang (FBI), Bộ Quốc phòng tuy tích cực điều tra nhưng vẫn không xác định được nguyên nhân dẫn đến các vụ tử nạn, tự tử khó hiểu trên nhưng lại lưu ý rằng, những sĩ quan không quân này đều có liên quan đến một sự cố hạt nhân nghiêm trọng  tại Mỹ kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc mà Chính phủ Mỹ, Bộ Quốc phòng và Không quân Mỹ cố tình giấu giếm.

Sự cố hạt nhân nghiêm trọng này xảy ra vào hai ngày 19 và 20/7/2007 tại 2 căn cứ không quân Minot và Barksdale. Ngày 19/7/2007, không quân Mỹ quyết định điều động một máy bay ném bom B-52 chuyên chở 6 tên lửa hành trình AGM-129 ACM mang đầu đạn hạt nhân từ căn cứ không quân Minot đến Barksdale để phá hủy theo định kỳ.

Theo quy định, vũ khí hạt nhân khi được vận chuyển đến bất cứ địa điểm nào trên lãnh thổ Mỹ đều buộc phải tháo ngòi nổ nhằm phòng tránh máy bay chuyên chở gặp tai nạn và làm nổ tung vũ khí hạt nhân đã gắn sẵn ngòi nổ. Ngay cả khi đã được vận chuyển an toàn đến địa điểm phá hủy, vũ khí hạt nhân cũng phải được bảo quản và bảo vệ theo chế độ nghiêm ngặt cho đến khi được đưa đi phá hủy.

Tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân AGM-129 ACM do Tập đoàn General Dynamics nghiên cứu chế tạo và đưa vào thử nghiệm năm 1985. Tuy nhiên, những tên lửa hành trình AGM-129 ACM đầu tiên mới được chính thức bàn giao cho Không quân Mỹ vào năm 1990. Tên lửa hành trình AGM-129 ACM được trang bị một đầu đạn hạt nhân loại W80 và được phóng đi từ máy bay ném bom B-52.

Đến tháng 7/2007, do Không quân Mỹ được trang bị thế hệ tên lửa hành trình mới AGM-86 nên quyết định tập trung các tên lửa AGM-129 từ các căn cứ không quân khác trên lãnh thổ Mỹ về căn cứ không quân Barksdale để phá hủy.

Sự cố bắt đầu xảy ra trong chuyến vận chuyển tên lửa AGM-129 thứ 13 của một chiếc máy bay ném bom B-52 do toán phi công gồm trung úy Winston, Kissel Adam Barrs và Toss Blue phụ trách. Tuy được vận chuyển an toàn đến căn cứ không quân Barksdale nhưng đã gặp sự cố khi các thanh tra an toàn vũ khí hạt nhân chiến lược của Không quân Mỹ phát hiện rằng cả 6 tên lửa hành trình AGM-129 được chuyên chở từ Minot đến Barksdale để được phá hủy đều không được tháo ngòi nổ hạt nhân.

Hơn thế nữa, khi đáp xuống căn cứ Barksdale, các tên lửa hành trình đều không được bảo vệ và bảo quản nghiêm ngặt như theo quy định dẫn đến nguy cơ có thể bị đánh cắp hay phá hoại. Vụ việc liền được báo cáo cho Bộ Quốc phòng và Không quân Mỹ. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì, vụ việc lại không được báo cáo cho Chính phủ Mỹ.

Sự cố hạt nhân nghiêm trọng này chỉ được làm sáng tỏ khi Chính phủ Mỹ quyết định tiến hành điều tra các hoạt động phá hủy tên lửa hành trình AGM-129 ACM của không quân và phát hiện một số sai phạm nghiêm trọng do không chấp hành nghiêm ngặt các quy định về bảo quản và bảo vệ vũ khí hạt nhân chiến lược. Kết luận điều tra đã buộc 2 sĩ quan cao cấp của Không quân Mỹ là tướng Michael Wynne, chỉ huy Không quân Mỹ và tướng Michael Moselay, Tổng tham mưu trưởng Không quân Mỹ phải từ chức.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi xảy ra sự cố, lần lượt 6 sĩ quan Không quân Mỹ liên quan trực tiếp đến sự cố hạt nhân này đều tử nạn một cách bí ẩn. Cho đến nay, nguyên nhân của 6 cái chết bí ẩn này vẫn chưa được làm sáng tỏ cho dù có giả thuyết cho rằng họ đã tự tử bằng cách tự bắn vào đầu hay gây ra các vụ tai nạn giao thông... Đây là một bí ẩn mà cho đến nay vẫn chưa có lời giải thích hay giải đáp thỏa đáng

Văn Hòa (theo Global Security)
.
.