Mỹ: Những dự án thử nghiệm khoa học vô nhân đạo trên con người

Thứ Bảy, 25/06/2011, 10:35

Một hội nghị gần đây tại Washington do Ủy ban Tổng thống về vấn đề đạo đức sinh học tổ chức, các quan chức đại diện chính quyền thừa nhận, nước Mỹ trong thế kỷ vừa qua đã tổ chức hàng chục vụ thử nghiệm thô bạo trên con người mà không cần có sự đồng ý của họ.

Nhân sự kiện này, Hãng tin Associated Press đã tổ chức một cuộc điều tra quy mô dựa trên các công bố trên báo chí chuyên ngành y khoa cũng như đại chúng trong quá khứ, phát hiện ra hơn 40 kế hoạch nghiên cứu phi nhân tính của các nhà khoa học Mỹ trong thế kỷ XX…

Cần nói thêm, nguyên nhân để dẫn tới hội nghị nói trên bắt nguồn từ vụ bê bối thử nghiệm cố tình gây nhiễm khuẩn qua đường tình dục đối với một số nạn nhân người Guatemala, được tiến hành theo mệnh lệnh của Chính phủ Mỹ. Những ghi chép về các thử nghiệm vô nhân đạo trên - do cựu nhân viên John Cutler của Cơ quan Sức khỏe cộng đồng Mỹ ghi lại - đã tình cờ bị nhà sử học Susan Reverby từ Trường đại học  Wellesley (bang Massachusets) phát hiện được trong kho lưu trữ của Trường đại học Tổng hợp Pittsburgs.

Theo những ghi chép trên, các chuyên gia nghiên cứu của Mỹ trong giai đoạn 1946-1948 trong khuôn khổ chương trình thử nghiệm thuốc penicilin đã cố tình gây nhiễm trùng cho một số tù nhân, binh sĩ và bệnh nhân tâm thần người Guatemala. Một số lượng không nhỏ trong tổng số 696 nạn nhân bị thử nghiệm này cuối cùng đã không thể lành bệnh sau khi bị người Mỹ cố tình gây nhiễm bệnh. 

Một nhà khoa học Mỹ đang tham gia trong dự án nghiên cứu bệnh giang mai tại Tuskegee (ảnh từ kho lưu trữ quốc gia Mỹ).

Ngay sau khi câu chuyện này được phơi bày trên báo chí, Tổng thống Barack Obama, Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Y tế Kathleen Sebelius của Mỹ đã phải chính thức đưa ra lời xin lỗi về những hành động của Chính phủ Mỹ trong quá khứ. Ngoài ra, Trường đại học Y của Mỹ cũng được giao nhiệm vụ điều tra chi tiết về vụ việc trên.

Trong hội nghị về vấn đề trên, nhiều quan chức đã khẳng định rằng, còn có hàng chục vụ thử nghiệm như vậy trên thực tế. Điều tra của phóng viên Hãng AP đã phát hiện ít nhất hơn 40 trường hợp tương tự như vậy. Một vài trường hợp trong số này chưa bao giờ được nhắc tới trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trong khi những vụ còn lại chỉ được nhắc tới về các triển vọng chữa bệnh rút ra trong quá trình thử nghiệm, chứ không hề nhắc tới cách thức tiến hành thử nghiệm.

Dùng bệnh nhân tâm thần làm vật thử nghiệm

Phóng viên Hãng AP đã chú ý đặc biệt tới nghiên cứu của chính quyền Mỹ trên các bệnh nhân tâm thần. Chẳng hạn vào năm 1942, các bệnh nhân ở một khu trại tâm thần tại thành phố Ypsilanti (Michigan) đã bị bí mật thử nghiệm một loại vắcxin chống cúm, sau đó cho lây nhiễm virus cúm. Nhiều bệnh nhân bị thử nghiệm đã không thể hiểu mình đang là vật thí nghiệm, chỉ biết mỗi việc mô tả triệu chứng của bản thân khi được hỏi. Trong dự án này đáng chú ý có sự tham gia của Jonas Salk, người sau này đã điều chế thành công loại vắcxin ngừa bệnh bại liệt trẻ em.

Cũng trong những năm 40, thế kỷ XX, chuyên gia Paul Havens Jr của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng tiến hành một loạt các thử nghiệm về lây nhiễm virus viêm gan trên các bệnh nhân tâm thần tại Mỹ. Cũng chính nhờ việc lợi dụng những nạn nhân đáng thương này, Havens là một trong những nhà khoa học đầu tiên đã nghiên cứu thành công các nguyên nhân và biến thể của quá trình truyền nhiễm bệnh này.

Tù nhân trong phòng thí nghiệm

Một trong những đối tượng ưa thích nhất của các thử nghiệm y tế vô nhân đạo tại Mỹ chính là các tù nhân. Nhà dịch tễ học Joseph Goldberger vào năm 1915 đã bắt ép các tù nhân tại bang Missisippi phải tuân theo một chế độ ăn hết sức nghèo nàn về dinh dưỡng chỉ để chứng minh rằng, căn bệnh pellagra sẽ phát triển mạnh nếu thiếu chất vitamin B3 trong thức ăn. Các tù nhân trên dù sao cũng được "an ủi" với vài lời xin lỗi, nhưng không có chút bồi thường về vật chất nào. Còn Goldberger với những công trình nghiên cứu về bệnh pellagra đã 5 lần được đề cử xét tặng giải Nobel.

Trong những năm 20, bác sĩ tại nhà tù L.L.Stanley đã tổ chức một loạt các thử nghiệm quái gở nhằm "khôi phục sức sống" của các tù nhân đứng tuổi bằng cách cấy cho họ tuyến sinh dục của động vật và của các tử tù. Thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ II, mối quan tâm đến các thử nghiệm y học trên tù nhân đã được đẩy mạnh vì yêu cầu từ phía quân đội. Như tại 3 nhà tù ở bang Illinois, bệnh nhân đã bị cho lây nhiễm bệnh sốt rét trước khi cho thử nghiệm một số loại thuốc trị căn bệnh này, khi đó đang rất cần cho các binh sĩ Mỹ tại mặt trận.

Với mục đích nghiên cứu con đường lây nhiễm bệnh đường ruột trong những năm 40, các nhà thử nghiệm tại Mỹ còn đi xa hơn nữa bằng cách bắt các tù nhân tại một trại cải tạo ở thành phố Koksaki (New York) uống loại dung dịch hòa từ phân bệnh nhân, cũng như hít chúng dưới dạng phun bụi.

Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp dược phẩm những năm 50-60, các nghiên cứu thử nghiệm của Chính phủ Mỹ hay các tập đoàn trên tù nhân gần như đã trở thành một phong trào, bất chấp một loạt các phiên tòa xét xử những vụ thử nghiệm tương tự của bọn phát xít mới diễn ra cách đó không lâu. Đến những năm 60, có ít nhất một nửa số bang tại Mỹ đã cho phép những hình thức nghiên cứu như vậy.

Một loạt các vụ thử nghiệm tương tự đã được công luận biết đến, gây ra một làn sóng chỉ trích gay gắt từ phía các phương tiện truyền thông đại chúng và người dân. Đáng chú ý có vụ các nhân viên một bệnh viện của người Do Thái tại Brooklyn (New York) đã cấy các tế bào ung thư vào cơ thể 19 người già tàn tật mà không có sự đồng ý của họ.

Lãnh đạo cơ quan này còn cãi bừa rằng, không cần thiết phải xin phép trong trường hợp trên do các tế bào được coi là "vô hại". Tuy nhiên, nhờ nỗ lực hết mình của Luật sư William Hyman, những trò thử nghiệm kiểu này mới được chấm dứt. Một "bãi thử" khác gây phản ứng của công chúng chính là Trường quốc gia dành cho trẻ chậm phát triển về trí tuệ Willowbrooks. Từ năm 1963 đến 1966, những học sinh trường này đã bị cho lây nhiễm loại virus viêm gan để thử nghiệm các kháng thể mới được nghiên cứu.

Nhưng giọt nước tràn ly cuối cùng diễn ra vào năm 1972, sau khi thông tin nghiên cứu về bệnh giang mai ở thành phố Tuskegee (Alabama) bị tiết lộ. Được biết là từ năm 1932, Cơ quan Bảo vệ sức khỏe xã hội Mỹ đã quyết định nghiên cứu sự phát triển lây nhiễm của căn bệnh này ở người da đen. Các chuyên gia đã xác định được 399 người có các dấu hiệu ban đầu của căn bệnh để tổ chức theo dõi y tế kỹ lưỡng.

Do mục tiêu của các nhà khoa học là nghiên cứu tất cả các giai đoạn của bệnh giang mai, họ đã không áp dụng bất cứ biện pháp chữa trị nào cho các bệnh nhân đang được theo dõi, ngay cả khi penicilin đã được áp dụng có hiệu quả đối với căn bệnh này từ năm 1947. Hơn nữa, các bệnh nhân bị thử nghiệm đều bị bưng bít thông tin về khả năng chữa trị.

Trường hợp tại Tuskegee được coi là một nghiên cứu y học nhục nhã nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nó đã mở đầu cho hàng loạt các cuộc điều trần kéo dài tại Quốc hội, trong quá trình đó đại diện ngành công nghiệp dược phẩm đã thừa nhận, các tù nhân được đem thử nghiệm "rẻ hơn so với sử dụng tinh tinh". Kết quả là từ giữa những năm 70, các công ty dược phẩm bị cấm bước chân vào các nhà tù.

Thử nghiệm tại nước ngoài

Khi bị mất khả năng nghiên cứu trên tù nhân, các nhà nghiên cứu Mỹ lại chuyển những cuộc thử nghiệm của mình ra nước ngoài, là nơi họ có thể triển khai với mức chi phí tối thiểu. Một trong những vụ việc đáng chú ý chính là gây lây nhiễm bệnh giang mai cho những người dân Guatemala như đã nói ở trên. Tuy nhiên, đây chắc chắn không phải là trường hợp cuối cùng.

Có ít nhất hai vụ thử nghiệm thuốc trong 15 năm gần đây được đánh giá là không phù hợp với các nguyên tắc đạo đức. Một trong số này là kế hoạch theo dõi thụ động những phụ nữ có thai bị nhiễm HIV tại Uganda nhằm đánh giá nguy cơ lây truyền loại virus này cho đứa con. Từ vụ này, các nhà nghiên cứu đã rút ra được kết luận, sử dụng loại chế phẩm kháng virus Azidothymidin sẽ giúp giảm nguy cơ lây nhiễm.

Trong vụ thứ hai, một loại kháng sinh mới của Hãng Pfizer đã được chỉ định cho các trẻ em Nigeria mắc chứng bệnh viêm màng não, cho dù hiệu quả chống lại căn bệnh này chưa được chứng minh. Theo khẳng định của bên công tố, thử nghiệm trên đã dẫn tới cái chết của 11 đứa trẻ, chưa kể nhiều nạn nhân khác bị tàn tật. Hãng Pfizer theo lệnh tòa án đã phải chi 75 triệu USD tiền bồi thường cho các nạn nhân, dù họ vẫn không chịu thừa nhận sai lầm của mình.

Theo một báo cáo vào năm ngoái của thanh tra Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội Mỹ, riêng trong năm 2008 có từ 40 đến 65% dự án nghiên cứu lâm sàng về các loại dược phẩm mới đã được triển khai bên ngoài lãnh thổ Mỹ. Trong khi các cơ quan giám sát của Mỹ chỉ có thể kiểm tra chưa đầy 1% các dự án thử nghiệm trên ở nước ngoài

Linh Nga (tổng hợp)
.
.