Mỹ: Nỗ lực chống rò rỉ thông tin mật quốc gia

Thứ Năm, 16/08/2012, 16:30

Trong thời gian gần đây, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn đối với các quan chức cao cấp đã rời chức vụ hay đương nhiệm trong nỗ lực săn lùng những đối tượng làm rò rỉ thông tin mật quốc gia. Cuộc điều tra những vụ tiết lộ thông tin mật - mở rộng đến Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) - được coi là quy mô nhất của FBI từ trước đến nay.

Chiến dịch của FBI diễn ra đồng thời với sự phê chuẩn của Thượng viện Mỹ về luật mới được soạn thảo nhằm ngăn cản những sự trao đổi thông tin giữa giới chức tình báo và các phóng viên báo chí và truyền thông. Tuy nhiên, các cựu sĩ quan tình báo và nhà hoạt động nhân quyền lo ngại luật mới có thể phản tác dụng đồng thời gây ra một số vấn đề liên quan đến hiến pháp.

Luật mới được Thượng viện thông qua sẽ giúp giảm bớt được số người ở mỗi cơ quan an ninh được phép nói chuyện với các phóng viên về thông tin mật, đòi hỏi các ủy ban tình báo của Thượng viện và Hạ viện cẩn thận hơn nữa trong việc cho phép tiết lộ thông tin tình báo, đồng thời cho phép chính quyền cắt lương hưu của bất cứ sĩ quan tình báo nào tiết lộ trái phép thông tin mật.

Ứng cử viên tổng thống Mitt Romney cùng với các nghị sĩ Cộng hòa khác cáo buộc Nhà Trắng đã rò rỉ những thông tin mật nhằm mục đích tôn lên hình ảnh của Tổng thống Barack Obama để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới. Trong khi đó, Tổng thống Obama tuyên bố Nhà Trắng không đứng đằng sau những vụ tiết lộ thông tin mật trong thời gian qua và cam kết sẽ truy tố những người chịu trách nhiệm về thông tin bị rò rỉ.

Chính quyền Obama được cho là lập kỷ lục về số lượng những vụ truy tố tội thông tin mật rò rỉ cho giới truyền thông - tất cả là 6 vụ so với chỉ 3 vụ ở chính quyền các tổng thống trước đây.

Thượng nghị sĩ John McCain cũng cho rằng, FBI hành động chậm chạp và nên tập trung điều tra các quan chức cao cấp của Obama. Những thông tin bị tiết lộ trong thời gian qua bao gồm âm mưu đánh bom máy bay của nhánh Al-Qaeda ở Yemen bị một điệp viên hai mang chặn đứng, những chi tiết về chương trình phối hợp phát triển virus máy tính Stunext giữa Mỹ và Israel nhằm mục đích phá hoại các thiết bị ly tâm trong chương trình hạt nhân của Iran, và một mô tả về vai trò của Obama trong việc phê chuẩn "danh sách tiêu diệt" các nghi can khủng bố bằng chiến dịch máy bay không người lái.

Toàn bộ các thông tin này được công bố trên The Times, The Associated Press, Newsweek và các phương tiện truyền thông khác, cũng như trong những cuốn sách được xuất bản mới đây của các phóng viên Newsweek và The Times.

Tháng 6/2012, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder chỉ định hai công tố viên liên bang - Ronald Machen ở Washington D.C, và Rod Rosenstein ở Maryland - chịu trách nhiệm điều tra những vụ việc tiết lộ thông tin mật quốc gia và động thái này có thể được coi là phát súng đầu tiên trong cuộc chiến mới chống rò rỉ thông tin mật của chính quyền Mỹ. Tuy nhiên, Kenneth L. Wainstein - cựu Thứ trưởng Tư pháp về an ninh quốc gia dưới thời chính quyền Tổng thống George W. Bush - nhận định phần lớn những cuộc điều tra về rò rỉ thông tin mật thường không mang đến kết quả như mong muốn và nhiều cuộc truy tố bị thất bại.

Bộ tưởng Tư pháp Eric Holder nói chuyện trước Hội đồng tư pháp Hạ viện.

Để chiến thắng trong một vụ án rò rỉ thông tin tại tòa án, các công tố viên phải chứng minh với thẩm phán rằng thông tin bị tiết lộ có thể gây nguy hại cho nước Mỹ và mang lại lợi ích cho nước ngoài. Và cho đến nay, Tòa án liên bang Mỹ chỉ buộc tội được một chuyên gia phân tích tình báo đã cung cấp những hình ảnh vệ tinh chụp cơ sở đóng tàu của Liên Xô cho tờ Jane's Defense Weekly vào năm 1984.

Luật mới chống rò rỉ thông tin của Thượng viện nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng nhưng gặp phải sự chống đối của các quan chức tình báo, Nhà Trắng hay Ủy ban tình báo Hạ viện. Những người chỉ trích lập luận rằng, những quy định mới nên có sự chọn lọc ở mức độ cao, chỉ nên áp dụng đối với các cơ quan tình báo mà không nhằm vào Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao hay chính Quốc hội.

Ngoài ra, W. George Jameson - luật sư từng phục vụ CIA suốt 30 năm - còn cho rằng, luật cấm quan chức nói chuyện với giới truyền thông có thể thúc đẩy các phóng viên tìm đến những nguồn không chính thức khác dẫn đến việc nhiều thông tin hơn nữa bị rò rỉ mà không kiểm soát được. Mark M. Lowenthal, cựu Phó giám đốc CIA, cho biết mọi người trong thế giới tình báo đều thừa nhận lượng thông tin mật bị rò rỉ hiện nay là quá lớn song luật mới của Thượng viện không là giải pháp đúng đắn.

Quan sát gần hơn những vụ rò rỉ thông tin người ta sẽ nhìn thấy một số sự phức tạp. Ví dụ, thông tin về sâu máy tính Stuxnet không do báo chí đưa tin đầu tiên mà chính từ các công ty an ninh mạng nhìn thấy hậu quả của nó tại một vài quốc gia.

Tháng 1/2009, tờ New York Times đưa tin Tổng thống George W. Bush cho phép tiến hành những cuộc tấn công vào mạng máy tính của Iran, và những bài báo mới đây cung cấp thêm nhiều chi tiết về vai trò của Mỹ trong những cuộc tấn công này.

Các thượng nghị sĩ (từ trái qua phải): Saxby Chambliss (Phó Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện), John McCain và John Comyn trong cuộc họp báo tại Capitol Hill ở Washington, ngày 26/6/2012.

Elizabeth Goitein, chuyên gia Trung tâm tư pháp Brennan Đại học New York, nhận định có quá nhiều thông tin thông thường cũng được xếp vào loại mật chính là nguyên do dẫn đến việc bị rò rỉ thông tin. Cũng theo Goitein, hơn 4,8 triệu nhân viên chính quyền và nhà thầu hiện được phép sử dụng thông tin nên từ đó dẫn đến việc những bí mật khó được giữ kín.

Một quan chức tình báo cao cấp cho biết, James Clapper, Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI), sắp tới sẽ cho phép thực hiện các cuộc kiểm tra phát hiện nói dối ở khắp các cơ quan tình báo nếu cần thiết để ngăn chặn việc rò rỉ thông tin mật. Đồng thời Clapper cũng đang chuẩn bị cho thành lập một đội đặc nhiệm truy lùng những đối tượng tiết lộ thông tin ở bất cứ đâu bên trong cộng đồng tình báo Mỹ. Đội đặc nhiệm sẽ bao gồm các tổng thanh tra từ mỗi cơ quan tình báo. Vấn đề tiếp theo là liệu Quốc hội có coi hành động rò rỉ thông tin mật là một trọng tội hay không - một biện pháp mà một số nghị sĩ đề nghị.

Năm 2000, Quốc hội đã thông qua một dự luật như thế song sau đó đã bị Tổng thống Bill Clinton bác bỏ. Và năm 2002, Bộ trưởng Tư pháp của Tổng thống George W. Bush - John Ashcroft - nói trước Quốc hội rằng không có luật mới nào là cần thiết

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.