Mỹ: Thượng nghị sĩ Ted Kennedy từng hợp tác với KGB?

Thứ Năm, 16/11/2006, 08:00

Trong cuốn sách mới xuất bản của GS Paul Kengor, ông đã nhắc đến một lá thư khẳng định Thượng nghị sĩ Ted Kennedy (là em trai của cố Tổng thống John Kennedy) từng tìm cách liên hệ và cung cấp thông tin cho KGB để chống lại các kế hoạch hiếu chiến của Tổng thống Reagan.

Trong một cuốn sách mới xuất bản có tên “The Crusader: Ronald Reagan and the Fall of Communism”, Giáo sư Paul Kengor tại Trường đại học Grove City College, có nhắc tới một lá thư hết sức đặc biệt đề ngày 14/5/1983, của Giám đốc KGB khi đó là Viktor Chebrikov gửi cho lãnh tụ Liên Xô Yuri Andropov. Đây chỉ là một trong rất nhiều tài liệu lưu trữ của Liên Xô trước đây mới được giải mật và được chuyên gia Herb Romerstein cung cấp.

Nội dung lá thư đã khẳng định một sự thật hết sức bất ngờ: Thượng nghị sĩ Ted Kennedy (là em trai của cố Tổng thống John Kennedy) từng tìm cách liên hệ và cung cấp thông tin cho KGB để chống lại các kế hoạch hiếu chiến của Tổng thống Reagan. Thực chất đây là một kế hoạch quy mô nhằm đánh bại Tổng thống Ronald Reagan và phe Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1984.

Vào thời điểm nhắc đến trong lá thư, tình hình thế giới đang hết sức căng thẳng liên quan đến các kế hoạch của Reagan bố trí các tên lửa hạt nhân tầm trung tại Tây Âu để sẵn sàng đáp trả các đơn vị tên lửa tầm trung của Liên Xô ở phía đông. Khi đó, gần như tất cả các thành viên đảng Dân chủ cũng như các chính trị gia cánh tả đều chống lại kế hoạch hiếu chiến này với lý do, nó có thể gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân thực sự.

Đứng đầu trong danh sách những người chống đối R.Reagan chính là Thượng nghị sĩ Ted Kennedy, người thậm chí còn cử cựu Thượng nghị sĩ John Tunney tới Moskva để gặp gỡ các nhà lãnh đạo của điện Kremly. Trong lá thư nói ở trên, Chebrikov có viết rằng, Ted Kennedy đã “chỉ thị cho Tunney phải thông báo cho Andropov một số nội dung theo các kênh bí mật...”.

Nội dung cụ thể trong thư cho biết, Ted Kennedy rất lo ngại về “sự hiếu chiến” của R.Reagan. “Mối đe dọa thực tế duy nhất tới vị thế của Reagan chính là các vấn đề về chiến tranh và hòa bình và quan hệ Xô - Mỹ, Chebrikov đã giải thích trong thư như vậy sau khi tiếp xúc với Tunney. Những vấn đề này, theo ý kiến của Ted Kennedy, chắc chắn sẽ trở thành chủ đề chính trong cuộc đua, tranh cử tổng thống Mỹ năm 1984”.

Theo như nội dung bức thư, Ted Kennedy đã nêu ra với Andropov hai đề xuất chính. Thứ nhất, ông ta đề nghị tổ chức một cuộc gặp vào mùa hè năm đó (dự tính lãnh tụ Liên Xô sẽ mời Ted Kennedy tới Moskva vào tháng 7/1983) để “cung cấp cho các đại diện Xôviết một số tài liệu về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân, nhằm tạo khả năng chuẩn bị tốt hơn trong các cuộc đàm phán với Mỹ”. Thứ hai, Ted Kennedy cho rằng, để có thể gây được ảnh hưởng quan trọng đối với người dân Mỹ, cần phải tổ chức tại Mỹ một loạt cuộc phỏng vấn Andropov trên truyền hình.

Liên quan đến nội dung này, Tunney còn khẳng định với Chebrikov rằng, Kennedy và các đồng minh chính trị của ông có thể giúp tổ chức những cuộc tiếp xúc cần thiết của các mạng truyền hình hàng đầu nước Mỹ với Andropov để lên lịch phỏng vấn. Thậm chí, Ted Kennedy còn gợi ý, Giám đốc kênh truyền hình ABC khi đó là Elton Raul và các chuyên gia bình luận trên truyền hình hàng đầu như Walter Cronkite hay Barbara Walters cũng có thể trực tiếp tới Moskva để bàn bạc.

Những gì được Giám đốc KGB Chebrikov viết trong lá thư cho thấy, Ted Kennedy đã bí mật tiếp xúc với phía Liên Xô hy vọng sẽ tạo được ảnh hưởng quan trọng vào kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1984. Thượng nghị sĩ này tin chắc rằng, chính sách của R.Reagan đang gây căng thẳng trong quan hệ Xô - Mỹ, và trong những điều kiện như vậy, giải pháp tốt nhất là phải loại bỏ Reagan khỏi đỉnh cao quyền lực. Trong phần kết của lá thư, Chebrikov có giải thích thêm: “Tunney nói rằng, Thượng nghị sĩ Kennedy đang tính toán đến việc ra tranh cử tổng thống vào năm 1988”.

Tác giả Kengor của cuốn sách còn cho biết, sau khi Reagan rời khỏi Nhà Trắng, Tunney đã thừa nhận từng đóng vai trò trung gian không chỉ cho Ted Kennedy mà còn cho nhiều thượng nghị sĩ khác. Hơn nữa, Tunney còn nói với tờ London Times rằng, ông ta từng có tới 15 chuyến đi khác nhau tới Moskva.

Dù sao, những nỗ lực hợp tác của Ted Kennedy với giới lãnh đạo Xôviết đã không thể thành hiện thực, khi Andropov đã đột ngột qua đời và người thay thế lại là Mikhail Gorbachev.

Theo Kengor, mọi chuyện đã hoàn toàn có thể được giữ kín, nếu như Liên Xô không tan rã và số tài liệu lưu trữ trên không được giải mật và công bố. “Sẽ còn có nhiều thứ khác được phát hiện tại đây - Kengor nói với Cybercast News Service - Nhưng chỉ riêng điều này đã là một phát hiện gây sốc thực sự”

Linh Nga (Tổng hợp)
.
.