Tôn vinh và bảo vệ những văn bản thời lập quốc như báu vật quốc gia

Thứ Tư, 07/09/2016, 06:50
Vào năm 2004, nhằm nhắc nhở công dân Hoa Kỳ về văn kiện lịch sử định hình nhà nước Hiệp chủng quốc, một sửa đổi được đính kèm theo dự thảo chi tiêu thường niên (omnibus spending bill) ghi nhận ngày 17-9 hằng năm trở thành Ngày Lập hiến. Hiến pháp Hoa Kỳ là bản hiến pháp lâu đời nhất và nổi tiếng nhất với trên 200 năm lịch sử.

Được soạn thảo vào ngày 17-9-1787 và bắt đầu có hiệu lực vào năm 1789; nó đã được tham khảo nhiều lần để làm mô hình cho các hiến pháp của nhiều quốc gia trên thế giới. 76 năm sau, Tổng thống Mỹ thứ 16 Abraham Lincoln lại chấp bút viết một bài diễn văn đọc chỉ trong hơn hai phút nhưng là bài diễn văn có sức hồi sinh một đất nước mang đầy thương tích sau cuộc nội chiến tàn phá nhất trong lịch sử Mỹ. Cùng với Bản Tuyên ngôn Độc lập, nhiều đời tổng thống Mỹ luôn xem các văn bản này là những báu vật quốc gia.

Những "hạt sạn" trong dự thảo Hiến pháp và Hội nghị Lập hiến năm 1787

Hiến pháp Hoa Kỳ dựa trên tư tưởng tam quyền phân lập giữa ba nhánh lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Tổng thống), tư pháp (tòa án) do Montesquieu, một triết gia người Pháp đề xướng. Hiến pháp được phê chuẩn sau các cuộc hội nghị tại 13 tiểu bang đầu tiên của nước Mỹ.

Bức ảnh duy nhất của Abraham Lincoln (ngồi giữa), tại Gettysburg, ba giờ trước khi ông đọc diễn văn.

Cùng với Tuyên ngôn Độc lập viết năm 1776, bản hiến pháp này thể hiện tinh thần khoa học, tiến bộ và nhân bản của những nhà lập quốc trong việc xây dựng một nhà nước cộng hòa đầu tiên. Thủ tướng Vương quốc Anh William Ewart Gladstone (1809 - 1898) đã miêu tả hiến pháp này là "tác phẩm tuyệt vời nhất từng được sinh ra vào một thời điểm nhất định bởi trí tuệ và mục đích của con người". 

Ngày 17-9-1787 đánh dấu thời điểm mà 38 trong 41 đại biểu có mặt từ 13 tiểu bang (trên tổng số 55 đại biểu chính thức) tại Hội nghị Lập hiến Philadelphia ký vào bản dự thảo Hiến pháp Hoa Kỳ, chính thức hoàn thiện một trong những văn kiện quan trọng và truyền cảm hứng nhất trong lịch sử cận đại của nhân loại. Chỉ với 7 điều và 27 tu chính án, Hiến pháp Hoa Kỳ là bản hiến pháp ngắn nhất so với hiến pháp của bất kỳ quốc gia nào có chủ quyền trên thế giới (để so sánh, Hiến pháp Ấn Độ là bản hiến pháp dài nhất với 395 điều và 94 tu chính án).

Vào cuối phiên họp, dân biểu George Mason của bang Virginia đã đưa ra kiến nghị bổ sung các quy định liên quan đến quyền hiến định của công dân Hoa Kỳ vào bản Hiến pháp.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do về mâu thuẫn giữa những học giả ủng hộ thuyết liên bang (Federalist) và chống thuyết liên bang (Anti-Federalist) cũng như thời hạn ít ỏi còn lại dành cho Hội nghị Lập hiến mà đề nghị của ông đã bị gác lại. Các học giả ủng hộ thuyết liên bang cho rằng việc quy định quá chi tiết các nội dung trong Hiến pháp là không cần thiết khi mà công dân Hoa Kỳ và chính quyền tiểu bang đương nhiên được nắm giữ những quyền mà chính phủ liên bang không có.

Phía ngược lại, các học giả chống thuyết liên bang quan niệm rằng quyền của công dân Hoa Kỳ và những giới hạn chặt chẽ đối với chính phủ liên bang được ghi nhận hiến định mới là cơ sở vững chắc cho một nền dân chủ mới. Vì vậy, trong bản gốc của Hiến pháp chưa có Tuyên ngôn nhân quyền (Bill of Rights-Tuyên ngôn này chỉ được đưa vào Hiến pháp năm 1791).

Mâu thuẫn này cho thấy không phải cả 38 đại biểu dự hội nghị đều đồng thuận. Đại biểu Edmund Randolph từ bang Virginia và George Mason cho rằng, nhân dân tại các bang sẽ khó chấp thuận Hiến pháp vì vậy họ từ chối ký vào bản dự thảo.

Dân biểu Elbridge Gerry từ bang Massachusetts có phần bi quan hơn khi cho rằng, việc chấp thuận bản Hiến pháp có thể làm nổ ra một cuộc nội chiến. Riêng George Mason đã tự mình đưa ra 16 phản biện đối với bản thảo cuối cùng của bản Hiến pháp, trong đó có đề cập đến sự vắng mặt của một Tuyên ngôn nhân quyền và một biện pháp nhằm lập tức bãi bỏ việc buôn bán nô lệ. Nhìn chung ông cho rằng, Hiến pháp vẫn chưa là một văn bản luật tối cao có thể bảo vệ tốt nhất quyền của công dân.

Trong số 13 bang đầu tiên, chỉ có tiểu bang Rhode Island không có đại biểu có mặt tại Hội nghị Philadelphia. Năm 1788, cư dân tiểu bang này đã phủ quyết việc phê chuẩn Hiến pháp trong cuộc trưng cầu dân ý với số lượng áp đảo. Phải đến ngày 29-5-1790, Rhode Island mới là tiểu bang cuối cùng trong số 13 tiểu bang phê chuẩn; nhưng với tỷ lệ sát sao 34 phiếu thuận / 31 phiếu chống.

Rất ít người, ngay cả công dân sở tại biết rằng, bản dự thảo ban đầu của Hiến pháp Mỹ có kha khá… lỗi chính tả và ngữ pháp! Một trong số đó có thể kể đến từ "Pennsylvania" bị viết thành "Pensylvania" ở mục liệt kê chữ ký; từ "choose" (lựa chọn) được phiên âm thành "chuse" trong toàn văn bản.

Việc bổ sung Tuyên ngôn Nhân quyền sau này đã bao gồm cả việc đảm bảo ngữ pháp theo chuẩn Anh quốc. Kể từ khi được ký kết, gần 11.000 sửa đổi đã được đề xuất bổ sung vào Hiến pháp. Hai từ ngày nay rất phổ biến đối với công dân Hoa Kỳ là "Chúa" và "Dân chủ" thì trong bản Hiến pháp thuở sơ khai, hai từ này đều không được đề cập đến. Mối liên hệ gần nhất với "Chúa" trong văn kiện chỉ có thể tìm thấy ở phần liệt kê ngày phê chuẩn tại Điều VII "…trong năm của Đức Ngài" ("…in the Year of our Lord").

Suốt quá trình diễn ra Hội nghị, những nhà lập quốc tiêu biểu đã vắng mặt. Như Thomas Jefferson (người soạn thảo chính của Tuyên ngôn Độc lập, tổng thống đời thứ ba của Hoa Kỳ) và John Adams (Tổng thống đời thứ hai) đang ở châu Âu. Samuel Adams (Triết gia chính trị và chính khách - nổi tiếng với tư tưởng quyền tự do trang bị vũ trang của công dân Hoa Kỳ, được ghi nhận trong Tu chính án thứ 2)…

Bài diễn văn hồi sinh một đất nước tương tàn vì nội chiến

Trong cuộc nội chiến Nam Bắc Mỹ (1861-1865), trận chiến xung quanh thành phố Gettysburg thuộc bang Pennsylvania diễn ra vào tháng 7-1863 được xem là đẫm máu và khốc liệt nhất, cũng là khúc quanh lịch sử cho cuộc chiến.

Nguyên bản Hiến pháp Hoa Kỳ.

Hiểu rõ động lực nội tại của chiến tranh, sự leo thang của lòng thù hận, tại buổi lễ khánh thành Nghĩa trang quốc gia Gettysburg vào tháng 11 - 1863, giữa lúc khói lửa vẫn bao trùm nước Mỹ, Tổng thống Abraham Lincoln đọc bài diễn văn lịch sử mang hàm ý hàn gắn vết thương của cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn. Bài diễn văn là những câu đơn giản nhưng đi sâu vào lòng người, những câu chữ được viết ra từ trái tim nặng lòng trắc ẩn:

"87 năm trước, ông cha chúng ta đã khai sinh ra trên lục địa này một quốc gia mới, được thai nghén trong tự do, và sống hiến dâng cho lý tưởng được đề ra rằng, tất cả mọi người được tạo hóa sinh ra bình đẳng.

Giờ đây chúng ta đang lâm vào một cuộc nội chiến lớn, thử thách xem quốc gia này, hay bất cứ quốc gia nào được thai nghén và sống hiến dâng như thế, có thể tồn tại được lâu dài hay không. Chúng ta gặp nhau trên một chiến trường lớn của cuộc chiến này. Chúng ta đến để hiến dâng một phần đất nhỏ của chiến trường này làm nơi an nghỉ cuối cùng cho những người đã để lại mạng sống mình tại đây, để cho quốc gia này có thể tồn tại.

Tuy nhiên, theo một nghĩa rộng hơn, chúng ta không thể hiến dâng, không thể tôn phong, không thể thánh hóa mảnh đất này. Chính những con người dũng cảm đã chiến đấu tại đây, dù còn sống hay đã chết, đã làm cho nó thiêng liêng, vượt xa khả năng kém cỏi của chúng ta…Chính chúng ta, những người còn sống, mới phải hiến dâng mình cho công việc dở dang mà những người chiến đấu ở đây đã tiến hành một cách cao quý. Chính chúng ta mới là những người phải hiến dâng mình cho nhiệm vụ lớn còn ở trước mặt, chúng ta sẽ tận tụy nhiều hơn cho sự nghiệp mà họ đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng, tất cả chúng ta ở đây sẽ quyết tâm để những người đã ngã xuống sẽ không cảm thấy hoài phí sự hy sinh…".

Bài diễn văn có sức tái tạo lại đất nước sau cuộc nội chiến tàn phá nhất trong lịch sử Mỹ, nó toát lên tinh thần trách nhiệm cao cả của tất cả những người còn sống đối với sự nghiệp tái thiết hòa bình, nó tái khẳng định lý tưởng Tự do, Bình đẳng đã được ghi trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ.

Trong lịch sử nhân loại, có lẽ có hai bài diễn văn tưởng niệm người chết bảo vệ tự do nổi tiếng nhất: Một là của Pericles viết ra vào 2.394 năm trước đó trong trận chiến tranh giữa Hy Lạp và liên minh Peloponnesus do Sparta cầm đầu kéo dài 27 năm.

Bài diễn văn này được Thucydides viết lại, nhưng ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa của cựu lục địa và Hoa Kỳ. Và bài thứ hai là của Lincoln. Nhà sử học Garry Wills từng đánh giá: "Bằng bài diễn văn khúc chiết và lay động lòng người, Lincoln đã đem lại cho nhân dân Mỹ một quá khứ mới để sống trong đó, và quá khứ này sẽ mãi mãi thay đổi tương lai".

Nhiệm vụ tuyệt mật bảo vệ báu vật quốc gia

Tối ngày 26-12-1941, một đoàn tàu trên đường tới căn cứ quân sự Fort Knox, bang Kentucky bỗng dừng lại tại nhà ga Washington. Một nhóm người hối hả chuyển lên một toa tàu những rương gỗ nhỏ được đóng đai thép và bấm ổ khóa không khác gì những rương hòm đựng châu báu.

Hơn cả châu báu thông thường, bên trong chúng chứa những báu vật quốc gia mà chỉ vài người trong hàng ngũ lãnh đạo nước Mỹ mới nắm được tầm mức giá trị vô cùng to lớn: Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hiệp chủng quốc, bản gốc Hiến pháp và bản nháp Diễn văn Gettysburg có ý nghĩa hết sức trọng đại trong đời sống tinh thần của Hoa Kỳ do cố Tổng thống Abraham Lincoln chấp bút. Những báu vật này của nước Mỹ đang được bí mật chuyển đi cất giấu ngay sau sự kiện những chiếc máy bay trong phi đội Thần Phong Nhật Bản tấn công nhiều hạm thuyền hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng.

Người trực tiếp đưa ra quyết định này là Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt bởi ông hiểu rất rõ "giá trị biểu tượng của các văn bản này và những thảm họa về tinh thần mà người Mỹ phải hứng chịu nếu chúng bị phá hủy", ông Stephen Puleo, tác giả cuốn sách "Báu vật quốc gia Mỹ", cho biết.

Theo Puleo, mối lo lắng của tổng thống Roosevelt là hoàn toàn có cơ sở vì khi ấy cũng xuất hiện nhiều mối nghi ngại về việc phát xít Đức có thể tấn công thủ đô Washington. "Các tàu ngầm Đức liên tục xuất hiện ngoài khơi bờ biển phía đông nước Mỹ, đánh chìm những con tàu hoạt động gần mũi May và mũi Cod" - Puleo kể -"Mọi người đều nghĩ không sớm thì muộn những chiếc máy bay oanh tạc sẽ kéo đến. Vì thế, quyết định di chuyển các báu vật quốc gia đến một nơi an toàn không phải là ý tưởng khác thường".

Tổng thống Roosevelt chỉ định Archibald MacLeish, người đứng đầu Thư viện Quốc hội, chịu trách nhiệm lập danh mục và bảo vệ các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến lịch sử. MacLeish cùng 700 nhân viên Thư viện Quốc hội đã làm việc bất kể ngày đêm để phân loại hàng nghìn tài liệu, xếp hạng chúng theo ý nghĩa lịch sử.

Từ đó, khoảng 5.000 bản thảo đã được di dời khỏi Washington, trong đó có bản gốc quyển Kinh thánh in bằng kỹ thuật Gutenberg, cha đẻ của kỹ thuật in; bản ghi chú viết tay của Tổng thống Mỹ đời thứ 4 James Madison về Hội nghị Lập hiến, Điều lệ Liên bang, giấy tờ cá nhân của cố Tổng thống Mỹ George Washington... Lúc đầu, Tổng thống Roosevelt chỉ định những tài liệu quan trọng này phải được đưa tới lưu trữ ở Fort Knox, nơi có hầm chứa vàng an toàn bậc nhất thế giới của Mỹ, nhưng nếu như vậy thì không khác gì "đem tất cả trứng bỏ vào một rổ".

Người thủ thư tâm huyết MacLeish phải cân nhắc các địa điểm cất giấu khác, như trong hang động, hầm ngầm hay các mỏ khoáng sản đã thôi khai thác, nhưng ở những nơi thế này, văn khố giấy tờ có tuổi đời hàng trăm năm sẽ bị sâu bọ và ẩm mốc tấn công. Cuối cùng, chúng được chuyển tới ba ngôi trường là Đại học Virginia ở thành phố Charlottesville, Đại học Washington and Lee và Học viện Quân sự Virginia tại Lexington. Cả ba địa điểm đều nằm cách xa bờ biển để trong trường hợp phát xít Đức tấn công từ ngoài khơi, các lực lượng bảo vệ sẽ nước Mỹ sẽ ngăn không để các báu vật quốc gia dễ dàng lọt vào tay quân thù.

Nhưng một phóng viên ở Lexington bằng cách nào đó đã phát hiện ra thông tin về các rương hòm đóng đai thép có ghi "Tài sản của Thư viện Quốc hội". Các thủ thư thuộc Đại học Washington and Lee đã tiết lộ vài thông tin cho tay phóng viên kia biết.

MacLeish lập tức gọi tất cả đến và đe dọa sẽ đuổi thẳng cổ họ nếu còn hé lộ bất kỳ thông tin nào. Tay phóng viên tọc mạch bất ngờ bị điều đi công tác ở các bang bờ tây nước Mỹ. Điều Tổng thống Roosevelt lo lắng đã không xảy ra. Sau chiến tranh, gần 5.000 văn bản, tài liệu; trong đó có 3 văn bản báu vật quốc gia đã lần lượt quay về Washington.

Q.H. (tổng hợp)
.
.